Dấu ấn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973

TS. Lê Văn Phong
Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
17:22, ngày 01-02-2023

TCCS - Cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, đã góp phần tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Đối với thắng lợi của Hiệp định Paris, không thể không nhắc đến những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Duy Trinh(1) trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Những hoạt động của đồng chí đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử, phản ánh cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng, phức tạp giữa các bên trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhân dân Hà Nội nồng nhiệt đón chào Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trở về, sau khi ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (2-1973)_Ảnh: TTXVN

Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trong giai đoạn đầu cuộc đàm phán Paris

Năm 1965, cùng với việc tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đế quốc Mỹ từng bước mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, tháng 1-1965, Hội đồng Quốc phòng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nhiệm vụ mới của miền Bắc là tăng cường công tác phòng thủ, trị an và sẵn sàng chiến đấu; ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, tích cực xây dựng và củng cố miền Bắc về mọi mặt. Trong bối cảnh tình hình cách mạng hai miền Nam - Bắc chuyển biến mau lẹ, ngày 28-1-1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thay đồng chí Xuân Thủy(2).

Đầu năm 1967, thắng lợi của nhân dân hai miền Nam - Bắc đã tạo ra những tiền đề mới để chúng ta thúc đẩy đấu tranh ngoại giao nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới nói chung và nhân dân tiến bộ ở Mỹ nói riêng. Tháng 1-1967, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 khóa III họp và xác định, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. Từ nhận định đó, Hội nghị chủ trương nâng đấu tranh ngoại giao lên thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trịmặt trận quân sự. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968(3), trước những khó khăn ngày càng lớn, Mỹ đã tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị thương lượng với ta. Trước tình hình đó, một mặt, ta yêu cầu Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom phá hoại miền Bắc rồi mới bàn đến các vấn đề liên quan; mặt khác, ta chấp nhận đàm phán với Mỹ để bàn về vấn đề Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Ngày 8-2-1968, trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tin Pháp Agence France Presse (AFP) về những sự kiện ở miền Nam Việt Nam và triển vọng giải quyết cuộc xung đột trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Duy Trinh nhấn mạnh: “Lập trường của nhân dân Việt Nam về việc giải quyết vấn đề này rất rõ ràng: Mỹ đem quân xâm lược Việt Nam thì Mỹ phải chấm dứt xâm lược và rút quân khỏi Việt Nam”, đồng thời khẳng định: “Cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu sau khi Mỹ chứng minh là đã thật sự chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(4).

Trên thực tế, tháng 5-1968, Hội nghị giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến: đọ sức trên cả mặt trận ngoại giao và chiến trường, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Ngày 1-11-1968, Mỹ đơn phương tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mọi hành động chống phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấp nhận nói chuyện trực tiếp với đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn) ở Paris. Ngày 2-11-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố ghi nhận việc Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện và chấm dứt mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giai đoạn ta kiên quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam (từ tháng 1-1969 đến giữa năm 1972)

Sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và chuẩn bị mở Hội nghị bốn bên, vào đầu năm 1969, Bộ Chính trị đề ra một số nhiệm vụ cách mạng: Một là, đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Mỹ đơn phương rút một bộ phận quân lực; hai là, “khoét sâu” thêm các mâu thuẫn, khó khăn nội bộ của Mỹ, gây chia rẽ nội bộ Mỹ - Ngụy; ba là, đề cao vị trí quốc tế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời); bốn là, tranh thủ sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ mạnh mẽ, có hiệu quả của phong trào nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, đấu tranh đòi Mỹ “rút nhanh, rút hết và rút không điều kiện” lực lượng ra khỏi miền Nam(5).

Ngày 25-1-1969, Hội nghị đàm phán bốn bên được khai mạc với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và chính quyền Sài Gòn để bàn về các giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và đồng chí Lê Đức Thọ làm Cố vấn. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo dõi và chỉ đạo cuộc đàm phán trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận quân sự, mặt trận chính trị với mặt trận ngoại giao. Cuộc đàm phán bốn bên thực chất chỉ là diễn đàn công khai để các bên trình bày quan điểm của mình; các cuộc gặp bí mật giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy với Henry Kissinger mới là diễn đàn thật sự để thảo luận và thỏa thuận các giải pháp cho vấn đề Việt Nam.

Đến năm 1970, mặc dù chịu nhiều tổn thất trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn giữ thái độ ngoan cố, khiến Hội nghị bốn bên tại Paris lâm vào thế bế tắc. Ngày 19-1-1970, khi trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Công nhân Ba Lan, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cho biết, sau 50 phiên họp, Hội nghị bốn bên ở Paris về Việt Nam vẫn chưa có tiến triển. Sở dĩ như vậy là do phía Mỹ vẫn ngoan cố giữ lập trường xâm lược, bám lấy miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Tiếp đó, sau bốn năm chiến tranh leo thang, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Còn miền Bắc Việt Nam vừa phải tiến hành nhiệm vụ hàn gắn những vết thương chiến tranh, vừa phải thực hiện nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Khi được hỏi về Đảng Lao động Việt Nam đã có chủ trương và biện pháp gì để huy động sức mạnh của nhân dân hoàn thành được những nhiệm vụ nói trên, đồng chí Nguyễn Duy Trinh trả lời, đất nước chúng tôi đang ở trong tình trạng chiến tranh. Ở miền Nam, Mỹ đang tập trung lực lượng tăng cường chiến sự, gây thêm nhiều tội ác dã man. Ở miền Bắc, máy bay và tàu chiến Mỹ vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước tình hình đó, Đảng ta không ngừng giáo dục và động viên nhân dân làm theo “Di chúc” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên trì và đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn (6). Qua các bài trả lời phỏng vấn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đều thể hiện rõ lập trường, quan điểm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp tục vạch trần âm mưu, thủ đoạn của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt là tại Hội nghị bốn bên đang bế tắc tại Paris.

Tháng 6-1970, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa III được tổ chức. Tham dự kỳ họp lần này, đồng chí Nguyễn Duy Trinh trình bày báo cáo về ngoại giao và khẳng định các chính sách của Đảng, Nhà nước và những hoạt động ngoại giao luôn nhằm phối hợp với mặt trận chính trị và quân sự. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh nhấn mạnh: “Phối hợp với mặt trận đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, công tác ngoại giao đã góp phần cùng toàn dân giành thắng lợi trong thời gian qua. Hiện nay, cao trào chống Mỹ xâm lược diễn ra sôi nổi ở Việt Nam, Campuchia và Lào, mở đầu thời kỳ chiến đấu quyết liệt của nhân dân ba nước. Công tác ngoại giao phải phối hợp tích cực hơn nữa với đấu tranh quân sự và chính trị chắc chắn sẽ thu được nhiều thành tích mới, góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước, nhân dân Campuchia và nhân dân Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp cách mạng ba nước”(7).

Năm 1971, cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới, với những chiến thắng vang dội trên các chiến trường, nổi bật là thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, làm phá sản bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra khả năng “phá sản hoàn toàn” các chiến lược của Mỹ. Cùng với việc đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động, tích cực đấu tranh trên cả mặt trận ngoại giao. Ngày 7-6-1971, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IV được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trình bày bản báo cáo về ngoại giao, trong đó nêu rõ: “Trên cơ sở thắng lợi trên chiến trường, ngoại giao cần chủ động và liên tục tiến công địch, không ngừng mở rộng hoạt động quốc tế, sử dụng và tạo ra những điều kiện thuận lợi mới, phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta, của nhân dân các nước Đông Dương đi đến toàn thắng. Ngoại giao cần và có khả năng làm tròn nhiệm vụ là một trong ba mặt trận chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(8).

Khẳng định vai trò to lớn của công tác ngoại giao đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với các hoạt động thực tiễn khác, với tư duy lý luận sắc sảo và qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao, trong bài viết “Công tác ngoại giao phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, đăng trên Tạp chí Học tập tháng 10-1971, đồng chí Nguyễn Duy Trinh khẳng định: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và trên đà thắng lợi to lớn của quân và dân cả nước, ngành ngoại giao đã phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc… Giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, hoạt động ngoại giao đã làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn ngoại giao, các cuộc tiến công hòa bình của Mỹ… Những hoạt động kiên trì, có lý, có tình trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa góp phần vào việc khôi phục khối đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng cộng sản và công nhân trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản… Trong một cuộc chiến tranh, thắng lợi quân sự kết hợp với những thắng lợi chính trị là nhân tố quyết định nhất. Trong điều kiện của thời đại ngày nay, cuộc chiến đấu chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta phù hợp với mục tiêu cách mạng của nhân dân toàn thế giới; đấu tranh ngoại giao là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, không phải chỉ đơn thuần phản ánh thắng lợi của đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở trong nước mà còn có vai trò tích cực của nó. Kết thúc bài viết, đồng chí Nguyễn Duy Trinh nhấn mạnh: Chúng ta cần chủ động và tích cực đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, không ngừng mở rộng hoạt động quốc tế để góp phần làm phá sản kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ở miền Nam và “Học thuyết Nixon” trên toàn Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia(9).

Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân Việt Nam cũng như quân dân Lào và Campuchia, cục diện chiến trường đã có những chuyển biến quan trọng. Trên cơ sở nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu, đánh dài, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chủ trương đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả chiến trường Đông Dương, giành thắng lợi quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng ở thế thua; đồng thời, sẵn sàng kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài.

Nắm vững quan điểm đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IV (từ ngày 19 đến ngày 25-3-1972), Quốc hội thông qua báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày, trong đó nêu rõ một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch Nhà nước năm 1972 là phải “bảo đảm kịp thời và đầy đủ nhất các yêu cầu về sức người, sức của chi viện cho tiền tuyền. Nâng cao cảnh giác, tăng cường lực lượng vũ trang, chuẩn bị tốt, sẵn sàng chiến đấu nhằm đập tan mọi âm mưu và hành động của kẻ địch xâm phạm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(10). Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, Quốc hội thông qua báo cáo “Thế đi lên của ta trên mặt trận ngoại giao”, do đồng chí Nguyễn Duy Trinh trình bày. Báo cáo nêu rõ phương hướng hoạt động trên mặt trận đấu tranh ngoại giao là nêu cao lập trường chính nghĩa và ý chí quyết chiến, quyết thắng, đồng thời nêu cao thiện chí của ta trong thương lượng nhằm giải quyết đúng đắn vấn đề Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, tập trung yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấm dứt cuộc chiến tranh bằng không quân và mọi hành động chiến tranh khác chống nhân dân Việt Nam trên cả hai miền đất nước, kiên trì thương lượng ở Hội nghị Paris.

Tháng 4-1972, chính quyền Nixon ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc, kể cả Hà Nội, Hải Phòng; phong tỏa các cảng sông, cửa biển trên toàn miền Bắc. Những hành động đó của đế quốc Mỹ khiến đàm phán Paris đi vào bế tắc, phong trào chống chiến tranh trên toàn thế giới dâng cao, đặc biệt là ở ngay trong lòng nước Mỹ.

Đánh giá tình hình và kịp thời đề ra chủ trương đấu tranh ngoại giao, ngày 17-4-1972, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Duy Trinh ở Hà Nội đã điện đàm với đồng chí Xuân Thủy ở Paris, nêu rõ: Việc Mỹ ném bom lại Hà Nội - Hải Phòng là một bước leo thang rất nghiêm trọng, hòng cứu vãn tình thế đang suy sụp ở miền Nam và gây áp lực đối với ta. Hành động này không chứng tỏ chúng mạnh mà còn làm rõ thêm điểm yếu nhưng liều lĩnh của Nixon. Bộ Chính trị đã thảo luận và quyết định tiến hành cuộc chiến đấu ở miền Nam như kế hoạch đã định và chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc. Chúng càng thua ở miền Nam thì việc đánh phá miền Bắc sẽ ác liệt hơn (11).

Mặc dù Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, ta vẫn chủ trương duy trì Hội nghị Paris. Nếu ta bỏ Hội nghị Paris, Mỹ sẽ đổ trách nhiệm cho ta và vin vào cớ đó để đòi triệu tập hội nghị quốc tế về Việt Nam và Đông Dương. Trong hoàn cảnh Liên Xô và Trung Quốc đều hòa hoãn với Mỹ, tổ chức họp hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề sẽ tạo bất lợi cho ta. Ta cần duy trì Hội nghị Paris để làm diễn đàn tuyên truyền có lợi cho ta và sau này trực tiếp giải quyết với Mỹ (12).

Giai đoạn đàm phán cuối cùng (từ tháng 6-1972 đến tháng 1-1973)

Năm 1972, để tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Trung Quốc nhằm gây sức ép với Mỹ trên bàn đàm phán Paris, Bộ Chính trị cử đồng chí Nguyễn Duy Trinh đi Mát-xcơ-va (Nga) và đồng chí Lê Thanh Nghị đi Bắc Kinh (Trung Quốc) để thông báo chủ trương của ta về hai văn kiện mà Việt Nam dự định sẽ trao cho Mỹ. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều tỏ rõ sự đồng tình với chủ trương của ta, đánh giá cao dự thảo Hiệp định Việt Nam đưa ra, khẳng định quyết tâm ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đến thời điểm này, cuộc đàm phán Paris diễn ra được hơn bốn năm. Trong suốt hơn bốn năm diễn ra đàm phán, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trực tiếp chỉ đạo các phương án đàm phán và nội dung Hiệp định, với sự phối hợp của đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy từ Paris. Sau khi Bộ Chính trị thông qua các phương án và Dự thảo Hiệp định Paris, đồng chí Nguyễn Duy Trinh chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo các phái đoàn của ta ở Paris, với các hình thức tiếp xúc bí mật hoặc đàm phán công khai.

Ngày 17-10-1972, tại cuộc đàm phán ở Paris, các bên tham gia Hội nghị thông qua Văn bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 22-10-1972, cũng tại phiên họp này, phía Mỹ thỏa thuận với ta sẽ ký tắt Hiệp định tại Hà Nội và ngày 31-10-1972 sẽ ký Hiệp định chính thức tại Paris. Song, Mỹ cố tình trì hoãn, không chịu thực hiện các thỏa thuận đã đề ra trong phiên họp ngày 17-10-1972, đòi ta phải sửa đổi nhiều điều khoản trong bản dự thảo Hiệp định tháng 10 với lý do khó khăn từ phía chính quyền Sài Gòn. Ý đồ này của Mỹ là nhằm làm yên lòng chính quyền Sài Gòn, tranh thủ thời gian củng cố quân đội và chính quyền Sài Gòn.

Ngày 13-12-1972, Hội nghị Paris đi vào bế tắc. Đây cũng là thời điểm chính quyền Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích ồ ạt bằng đường không quy mô lớn chưa từng có ở miền Bắc với mật danh Chiến dịch Linebacker II. Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 để đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh theo dõi sát sao tình hình địch đánh phá, chuẩn bị cho cuộc họp của Bộ Chính trị và các buổi làm việc của Hội đồng Chính phủ. Qua đó, có thể thấy tinh thần làm việc tận tụy, hết lòng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong những thời khắc quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính tinh thần làm việc không ngừng nghỉ ấy đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lập nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Thất bại trong chiến dịch dùng B-52 đã buộc Mỹ phải trở lại Paris để kết thúc cuộc đàm phán và chuẩn bị cho việc ký tắt Hiệp định Paris vào ngày 23-1-1973. Với tư cách là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 26-1-1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh lên đường sang Paris ký chính thức Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973, tại Thủ đô Paris (Pháp)_Ảnh: TTXVN

Có thể nói, cuộc đàm phán Hiệp định Paris là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng non trẻ. Sau gần 5 năm đấu trí với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc thắng lợi. Khi nhớ về sự kiện ký kết Hiệp định Paris, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ vai trò của đồng chí Nguyễn Duy Trinh: “Chính đồng chí là người thay mặt dân tộc Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký vào văn bản Hiệp định Paris năm 1973 lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương” (13). Theo Hiệp định Paris, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước, chấm dứt sự dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết là sự kiện tiêu biểu trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, là dấu ấn nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ. Đảng ta khẳng định: “Với việc Hiệp định được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta” (14). Trong quá trình đàm phán đi tới ký kết Hiệp định Paris (kéo dài gần 5 năm, từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973), trên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều hoạt động và cống hiến xuất sắc. Đồng chí không chỉ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Hội nghị Paris, trực tiếp chỉ đạo ngành ngoại giao trong cuộc đàm phán kéo dài mà còn thông qua nhiều hoạt động, như trả lời phỏng vấn, các cuộc tiếp khách quốc tế, nhằm khẳng định lập trường trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ý chí quyết tâm ký kết Hiệp định. Việc ký kết Hiệp định Paris là thành quả của hơn 18 năm kiên trì chiến đấu, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam; đồng thời, là thắng lợi rực rỡ của mặt trận ngoại giao.

Năm tháng trôi qua, nhưng những dấu ấn, hoạt động tích cực và cống hiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh vẫn sẽ còn mãi với lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, đặc biệt là trong quá trình đấu tranh, ký kết Hiệp định Paris để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho ngành ngoại giao của nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, qua đó từng bước nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trực tiếp góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới./.

----------------------

(1) Ðồng chí Nguyễn Duy Trinh, tên khai sinh là Nguyễn Ðình Biền, sinh ngày 15-7-1910, tại làng Cổ Ðan, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, với 57 năm tuổi Ðảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được giao nhiều trọng trách quan trọng trong Ðảng, như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
(2) Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1960 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 113
(3) Ngày 16-1-1968, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 173-NQ/TW, của Bộ Chính trị, về thành lập Ban công tác quốc tế của Trung ương Đảng, gồm 4 đồng chí: Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Kỉnh và Lê Toàn Thư, do đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Trưởng ban.
(4), (6), (7), (9) Nguyễn Duy Trinh: Mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1975), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 47 - 50, 67 - 73, 87 - 121, 129 - 156
(5) Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 236
(8) Nguyễn Duy Trinh: Tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, t.II, tr. 177 - 235
(10) Các văn kiện kỳ họp thứ 2 (khóa IV), lưu Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, 1973, tr. 30
(11), (12) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập VII - Thắng lợi quyết định năm 1972, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 354, 355
(13) Vũ Oanh: “Tưởng nhớ người chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối, người con của đất Xôviết Nghệ - Tĩnh anh hùng - Nguyễn Duy Trinh”, in trong sách: Nguyễn Duy Trinh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường - Nhà ngoại giao tài năng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 129
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 34, tr. 11