TCCS - Với 1.054 sản phẩm được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chứng nhận trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội là địa phương có số sản phẩm OCOP nhiều nhất so với cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Để duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận, xếp hạng  và thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Dẫn đầu về số sản phẩm OCOP

Vừa qua, các đơn vị cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm lần 1 (cấp huyện). Trên cơ sở đánh giá đó, những sản phẩm đạt tiêu chí theo quy định được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm lần 2 và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố...

Sản phẩm nấm của Công ty cổ phần KMS đầu tư - sản xuất và thương mại (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) được công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố_Ảnh: Bá Hoạt

Đến nay, qua 2 năm (2019 - 2020), Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP Hà Nội, trong đó có 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,61%); 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,36%); 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29,03%).

Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP Hà Nội, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,56%); đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,85%); thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,66%); vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,56%); sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,37%) của 74 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 99 hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. Để đạt được kết quả, các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đã nỗ lực rất lớn để khắc phục những hạn chế, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí.

Sau khi được công nhận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố tổ chức định kỳ kiểm tra các sản phẩm; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn xếp loại sản phẩm và các quy định khác của Nhà nước theo quy định... Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm OCOP và hỗ trợ in tem OCOP năm 2021 nhằm xây dựng và cải tiến nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng và các nhà phân phối nhận diện, phân biệt các sản phẩm OCOP Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng, miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng được 42 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…

Nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiệu hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội còn tổ chức sự kiện “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội”; tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn; khai trương mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến”…

Ngày 30-11-2021, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP thành phố tiếp tục tôn vinh 96 chủ thể với 111 sản phẩm đạt 3 sao, 310 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phầm tiềm năng 5 sao. Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Coi trọng công tác hỗ trợ và kiểm tra, giám sát

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây không ít khó khăn cho các chủ thể OCOP trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để tiếp cận các nguồn vốn phục hồi sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, chủ thể cần đăng ký qua ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện vay vốn. Hiện nay, thành phố Hà Nội có rất nhiều kênh cho vay vốn ưu đãi đối với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đơn cử, người dân có thể vay vốn từ Quỹ Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân thành phố Hà Nội), Quỹ của Liên minh Hợp tác xã thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội… Về việc tháo gỡ khó khăn, tạo “đầu ra” cho sản phẩm, trong tháng 12-2021, thành phố tổ chức 4 sự kiện tuần hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng Thủ đô. Tại các sự kiện này, Ban Tổ chức đều mời các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tới kết nối với người sản xuất sản phẩm OCOP, mở ra các cơ hội hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Đi đôi với phát triển sản phẩm OCOP mới, thành phố đã tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận giai đoạn 2019 - 2020 nhằm phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu. Mới đây, Đoàn Kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra các sản phẩm OCOP. Quá trình kiểm tra cho thấy, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP vẫn còn một số thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như nhãn mác trên sản phẩm của một số đơn vị thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch so với đăng ký; cơ sở sản xuất thiếu biển hiệu; thiếu giấy chứng nhận, hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng hoặc công tác bảo vệ môi trường nơi sản xuất chưa được chú trọng... Một số chủ thể OCOP đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm như công bố hoặc không duy trì được sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm bán ra thị trường không có bộ nhận diện theo quy định của OCOP…

Nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP duy trì, phát triển được hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng còn không ít chủ thể phải dừng sản xuất do không phát triển được thị trường. Ví dụ, như sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe hương quế” của Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (huyện Đan Phượng); sản phẩm “Đậu tương hữu cơ” của Hợp tác xã nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ); sản phẩm “Trà chanh vàng” của hộ kinh doanh Lê Đình Tuấn (huyện Thanh Trì)... đã phải dừng sản xuất.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

Một là, cần coi hậu kiểm các sản phẩm OCOP là công việc thường xuyên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương; qua đó, chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường kỳ các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi các sản phẩm xếp hạng “sao” nhưng không duy trì được chất lượng theo quy chuẩn. Cùng với đó, hỗ trợ các chủ thể triển khai đồng bộ giải pháp quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn đã công bố, bảo đảm uy tín của sản phẩm OCOP đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Hai là, cùng với tăng cường hướng dẫn các chủ thể đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, sở hữu trí tuệ… Hà Nội cần đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, như xây dựng hồ sơ, quản lý dữ liệu sản phẩm, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Bởi, khi các chủ thể tham gia vào hệ thống dữ liệu, cơ quan chức năng có thể giám sát quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm mới; đồng thời, tiếp nhận phản hồi của khách hàng…  

Ba là, nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai OCOP thông qua việc xây dựng các trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại hóa sản phẩm OCOP ở các vùng trên cả nước, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể, kết nối du lịch.

Bốn là, xây dựng tiêu chí, tổ chức nâng cao năng lực và quản lý mạng lưới tư vấn nhằm xây dựng mạng lưới tư vấn OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực toàn diện, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai chương trình trên cả nước. Nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho lao động gắn với ngành nghề OCOP, bổ sung các quy định về đào tạo nghề (khung đào tạo nghề, độ tuổi học nghề,…) để phù hợp với phát triển sản phẩm OCOP.

Năm là, các chủ thể cần ý thức được chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn để có kế hoạch đầu tư hệ thống giám sát hàng hóa, từ nguyên liệu đến thành phẩm; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ “đầu ra”, dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP trước khi lưu thông trên thị trường, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt là chú trọng việc công bố cho các nhà phân phối, người tiêu dùng khi có thay đổi về mẫu mã sản phẩm, chất lượng hàng hóa,… để tạo sự tin cậy giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, tinh thần tự giác, trách nhiệm của các chủ thể trong chấp hành, thực thi các quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP là yếu tố mang tính quyết định. Các sản phẩm OCOP phải là niềm tự hào của mỗi chủ thể và của địa phương.

Sự nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quyết tâm của cơ quan quản lý trong công tác “hậu kiểm” sẽ đem lại những giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Và thực tế cho thấy, chỉ khi khẳng định được chất lượng và thương hiệu, sản phẩm OCOP mới có được niềm tin, giành được vị thế xứng đáng trên một thị trường mở, giàu tính cạnh tranh như hiện nay./.