Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971: Bài học về xây dựng quân đội trong tình hình mới

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
13:37, ngày 29-04-2021

TCCS - Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn, đầy tham vọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở ra những triển vọng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử từ thắng lợi này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong đó có bài học về xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Miền và Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn (năm 1971)_Ảnh: Tư liệu TTXVN

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian tới: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại(1). Từ chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, có thể khái quát một số bài học cho công cuộc xây dựng quân đội nhân dân trong tình hình hiện nay:

Một là, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo, sớm nắm bắt và dự kiến tình hình để chủ động trong mọi chủ trương, chiến lược về quân sự, quốc phòng.

Từ tháng 3-1970, khi Mỹ giật dây cho Lon Non làm đảo chính lật đổ Chính phủ Hoàng gia Campuchia và tăng cường đánh phá các cơ sở kháng chiến trên đất Campuchia, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã sớm nhận thấy tuyến chi viện chiến lược từ Bắc vào Nam có thể bị địch đánh phá quyết liệt hòng ngăn chặn mọi nguồn tiếp tế cho cách mạng miền Nam. Qua nghiên cứu kế hoạch của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định, địch đang trù liệu kế hoạch phong tỏa các cảng biển, sử dụng bộ binh đánh sang Campuchia, Lào, có thể chúng sẽ tiến công vào căn cứ hành lang của ta và đánh ra vùng nam Khu 4. Từ dự kiến đó, cuối tháng 3-1970, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xúc tiến công tác chuẩn bị lực lượng, dự trữ hậu cần, xây dựng kế hoạch chiến đấu bảo vệ hành lang. Theo đó, bám sát tình hình, các hoạt động của địch, ta tiếp tục triển khai các biện pháp chuẩn bị. Sau khi quân Mỹ tiến công sang Campuchia vào giữa năm 1970, Quân ủy Trung ương nhận định: Địch có thể tiến công sang Nam Lào trên hai hướng Đường 9 và vùng ngã ba biên giới để chặn đường vận chuyển của ta. Tháng 8-1970, Thường trực Quân ủy Trung ương chỉ thị, khi xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô năm 1970 - 1971, phải dự kiến tình huống địch đánh ra Trung - Hạ Lào và nêu quyết tâm giữ vững một số khu vực trên Đường 9, nhanh chóng tiêu diệt địch, giải phóng Sê Pôn, Mường Phìn, Pha Lan, Keng Kọc… Do tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược và quyết tâm đánh bại một bước căn bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị và trực tiếp điều hành chiến dịch phản công sắp tới… Tháng 10-1970, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn 70 gồm các sư đoàn bộ binh 304, 308, 320 và các trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật. Binh đoàn là lực lượng cơ động chiến lược của bộ, tương đương bộ tư lệnh quân khu, làm nòng cốt cùng các lực lượng tại chỗ tiêu diệt địch trong các chiến dịch lớn do bộ chỉ đạo. Việc thành lập Binh đoàn 70 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phương hướng tác chiến quy mô ngày càng lớn của lực lượng dự bị chiến lược. Đây thực sự là một bước đi trước có ý nghĩa quyết định, trên cơ sở nghiên cứu, phán đoán âm mưu chiến lược mùa khô năm 1970 - 1971 của địch.

Khi địch bắt đầu triển khai cuộc hành quân Lam Sơn 719, trên cơ sở theo dõi chặt chẽ mọi động thái của địch, diễn biến chiến trường, phán đoán đúng âm mưu của địch, những sai lầm của chúng, đánh giá đúng tương quan lực lượng hai bên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giành thắng lợi chiến dịch, sử dụng gần hết lực lượng chủ lực cơ động ở miền Bắc và một bộ phận chủ lực cơ động ở miền Nam, với nhiều binh chủng kỹ thuật tham gia chiến dịch.

Bên cạnh bám sát tình hình, nghiên cứu, dự báo, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các cơ quan chức năng biên soạn và mở lớp tập huấn cho cán bộ trung, cao cấp về cách đánh tập trung hiệp đồng binh chủng và tổ chức huấn luyện cách đánh mới; nhờ đó, một số đơn vị tham gia chiến đấu tại Đường 9 Quảng Trị đã được luyện tập phương án đánh địch theo cách đánh mới tại thực địa với nhiều tình huống dự kiến trước. Bên cạnh đó, Bộ Tổng Tham mưu khi chỉ đạo các chiến trường đối phó với âm mưu của địch đánh ra tuyến chi viện chiến lược của ta trong Đông - Xuân năm 1970 - 1971 đã yêu cầu các đơn vị xây dựng cả hai phương án với các hành động, tình huống chi tiết - đó là chủ động tiến công và phản công khi địch mở cuộc hành quân đánh phá.

Do sớm nghiên cứu nắm chắc âm mưu của địch, trong quá trình thực hành chiến dịch, ta đã phán đoán đúng hai khả năng có thể xảy ra: Một là, địch tiếp tục tiến công Sê Pôn hòng đạt mục đích mà cuộc hành quân đề ra hoặc để hạn chế, vớt vát ảnh hưởng về chính trị; Hai là, khả năng địch chuyển xuống phía Nam. Từ phán đoán, dự báo chính xác đó, ta đã sớm chuẩn bị các biện pháp đối phó đúng đắn. Và thực tế diễn biến chiến trường đúng như dự đoán của ta. Nhờ đó các đơn vị chủ lực của ta đã giáng cho địch những đòn nặng nề, khiến địch phải chịu thất bại thảm hại.

Sức lan tỏa của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào vượt ra khỏi giới hạn cả về mặt không gian và thời gian; xứng đáng là một trong những “bản anh hùng ca” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước_Ảnh: TTXVN

Công cuộc xây dựng quân đội hiện nay diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Chiến tranh quy mô lớn ít có khả năng xảy ra, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt. Đặc biệt, một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực hải quân với những thế hệ vũ khí mới. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục phức tạp, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia - dân tộc. Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước, trong xây dựng quân đội nhân dân hiện nay, cần chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược chính xác về quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ nghiên cứu, dự báo chính xác, quân đội chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện đường lối, chiến lược, chủ động, tích cực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa lâm nguy. Quân đội cần chủ động nghiên cứu, dự kiến các tình huống, biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống về quân sự, quốc phòng cả trên không, trên đất liền, trên biển, đảo và trên không gian mạng, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, luôn bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự… Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(2). Đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, chú trọng công tác tổ chức, huấn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của bộ đội, khả năng, trình độ tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị, các quân, binh chủng.

Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, các đơn vị vũ trang của ta, nhất là các đơn vị chủ lực đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, đánh những đòn tiêu diệt lớn quân địch, khiến chúng không thể phát huy được ưu thế về binh khí, kỹ thuật. Cùng với đó, trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của chỉ huy các cấp, tinh thần, khả năng chiến đấu cao của bộ đội đã thể hiện rõ trong chiến dịch này. Đó là kết quả của công tác tổ chức huấn luyện, nhất là về quân sự, được các cấp lãnh đạo, chỉ huy gấp rút triển khai từ sớm.

Đồng thời với chuẩn bị các mặt ở chiến trường, ngay từ giữa năm 1970, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các cục: Tác chiến, Quân huấn, Quân lực và cơ quan chức năng nghiên cứu, biên soạn tài liệu huấn luyện về cách đánh tập trung hiệp đồng binh chủng và tổ chức tập huấn cho hơn 300 cán bộ toàn quân từ cấp trung đoàn trở lên trong tháng 9-1970. Cán bộ tập huấn được phổ biến nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, sự cần thiết phải đánh tập trung, đánh hiệp đồng binh chủng, đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị lớn của địch; cách thức nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy trong tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng; xây dựng quyết tâm đánh tiêu diệt lớn quân địch…

Quá trình diễn biến chiến dịch, với ý chí quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm, với trình độ, khả năng chiến đấu đã được tập dượt, nâng cao, bộ đội ta đã sáng tạo nhiều cách đánh, nhiều phương thức chiến đấu mưu trí, linh hoạt cả ở quy mô tác chiến chiến dịch và chiến thuật, khiến địch hết sức bất ngờ, bị dồn vào thế bị động đối phó và buộc phải tháo chạy… Lần đầu tổ chức chiến dịch phản công tác chiến hiệp đồng binh chủng hợp thành quy mô lớn, ta đã tiến hành một số trận đánh hiệp đồng binh chủng nhịp nhàng, như trận chốt giữ điểm cao 351 của Trung đoàn 24 (Sư đoàn 324) trên Đường 9, trận Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) vây lấn tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 9 biệt động quân trên điểm cao 500, trận Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) đánh chiếm điểm cao 543 tiêu diệt sở chỉ huy lữ đoàn 3 dù của địch, trận đánh của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ở khu vực điểm cao 723… Đây là những trận đánh đạt hiệu suất tiêu diệt địch cao, tỷ lệ thương vong của ta thấp, là minh chứng sinh động trong việc vận dụng linh hoạt cách đánh mới mà bộ đội ta vừa được huấn luyện trước đó.

Cũng qua tác chiến chiến dịch, ta đã giải quyết được hàng loạt vấn đề mới về cách đánh, như đánh cơ giới địch vận động, sử dụng đặc công và pháo binh tiến công, pháo kích căn cứ hậu cần của địch có hiệu quả; trình độ tổ chức, tác phong chỉ huy của cán bộ các cấp, hiệu suất chiến đấu của bộ đội được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, qua chiến đấu cũng bộc lộ những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển trong xây dựng bộ đội chủ lực về tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện, chuẩn bị chiến trường… để chủ lực ta có thể tác chiến lớn bằng sức mạnh binh chủng hợp thành đánh bại quân đội Sài Gòn trong những năm sau đó.

Thành công của chiến dịch chứng tỏ vai trò to lớn của công tác tổ chức huấn luyện, tổ chức chỉ huy của cán bộ cũng như hiệp đồng tác chiến của các lực lượng, nâng cao sức mạnh tổng hợp… Vận dụng bài học kinh nghiệm này, trong quá trình xây dựng quân đội hiện nay, cần chú trọng công tác huấn luyện, không ngừng nâng cao năng lực và trình độ tổ chức hiệp đồng chiến đấu của bộ đội theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012, của Quân ủy Trung ương, “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”… Theo đó, trong thời kỳ mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định, luôn coi trọng công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập; thường xuyên đổi mới toàn diện công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập, phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị và sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong huấn luyện bộ đội, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện đêm, huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, nhất là vũ khí trang bị mới, hiện đại; kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; thực hiện phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Cùng với đó, trong tổ chức huấn luyện cần chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp huấn luyện phù hợp với điều kiện tổ chức trang bị và điều kiện thực tế của từng đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với cán bộ, chỉ huy các cấp, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định, phải thường xuyên tổ chức huấn luyện nhằm rèn luyện năng lực toàn diện về lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của người chỉ huy đối với các lực lượng; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng bảo đảm tác chiến, xử trí tình huống chiến lược; bổ sung, hoàn thiện phương án tác chiến đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực” tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, tháng 3-2021_Ảnh: baovanhoa.vn

Ba là, coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân.

Trong nhiều yếu tố làm nên chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, không thể không nhắc tới tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết hiệp đồng, lập công của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các lực lượng tham gia chiến dịch. Nhận rõ đối tượng tác chiến chiến dịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp chú trọng lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng nhạy bén, kịp thời, liên tục xây dựng và giữ vững quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Trước khi mở chiến dịch, các cấp tổ chức học tập lời kêu gọi của Bộ Chính trị về động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến, tăng cường liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và Campuchia… Nội dung công tác đảng, công tác chính trị đi cùng các phương án tác chiến mới được phổ biến cho lớp tập huấn cán bộ trung, cao cấp trong tháng 8-1970. Đặc biệt, Tổng cục Chính trị đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị gắn nội dung cuộc vận động “Nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên mới lớp Hồ Chí Minh” với nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu của đơn vị; đồng thời, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các cuộc vận động diễn ra sôi nổi, có tác dụng to lớn trong việc nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, củng cố tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, nhất là các đơn vị tham gia chiến dịch, tạo nên những chuyển biến mới về nhận thức và hành động, làm dấy lên một khí thế cách mạng sôi nổi, nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu và ý chí quyết tâm đánh thắng quân địch khi chúng tiến công ra khu vực đảm nhận. Cuối tháng 1-1970, khi địch bắt đầu triển khai ra Đường 9, các lực lượng ta đã bày sẵn thế trận, bộ đội bừng bừng khí thế đón đánh địch… Khi có lệnh, các đơn vị nhanh chóng hành quân, kịp thời triển khai lực lượng, hình thành thế tiến công, bao vây. Các lực lượng tại chỗ chủ động bám địch, tích cực tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quân địch đang triển khai tiến công. Ngày 9-2-1971, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị “Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho chiến dịch X”(3). Chỉ thị yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị ra sức động viên chính trị, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nhận rõ tình hình, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng, yêu cầu của chiến dịch, quyết thắng thật cao, động viên khí thế chiến đấu thật sôi sục, thật bền bỉ, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, khơi sâu lòng căm thù giặc, có quyết tâm hy sinh chiến đấu, cống hiến lớn nhất cho dân tộc. Bất kể tình huống nào chúng ta cũng phải đánh thắng.

Sau những chiến thắng trong tháng 2 và đầu tháng 3-1971, nhằm chớp thời cơ đưa chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn, ngày 14-3-1971, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh động viên tới các đơn vị trên toàn mặt trận kêu gọi: “Thời cơ tiêu diệt lớn quân địch và giành toàn thắng cho chiến dịch đã đến” để cổ vũ sâu rộng và mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội. Trên khắp mặt trận, phong trào thi đua lập công diễn ra sôi nổi giữa các đơn vị, các hướng. Cán bộ, chiến sĩ bước vào các trận đánh với khí thế quyết tâm cao, nắm chắc thời cơ diệt địch với nguyện vọng lập công, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần ngày càng đặt ra bức thiết trong bối cảnh các thế lực thù địch vẫn thực hiện nhiều âm mưu, hành động chống phá. Về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc”(4)

Đảng ta đã xác định xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị - tinh thần là nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của quân đội, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; vững tin vào sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nâng cao cảnh giác, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; gắn bó mật thiết với nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, cán bộ, chiến sĩ luôn chủ động, kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với đó, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một pháo đài vững chắc để chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trước âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng hiện nay, cán bộ, chiến sĩ quân đội phải cảnh giác, kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “phi chính trị hóa” quân đội.

Thực chất của việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới là giữ vững và không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống, văn hóa dân tộc, bản chất giai cấp công nhân của quân đội; về đối tượng, đối tác trong tình hình mới. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị để bảo đảm trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân đội cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, có ý chí, quyết tâm cao, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội; thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, củng cố mối đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất. Sự vững mạnh về chính trị là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng tổng hợp, bảo đảm cho quân đội ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Bốn là, tăng cường khối đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương, tham gia có hiệu quả các diễn đàn an ninh, quốc phòng khu vực và các diễn đàn quốc tế về quân sự, quốc phòng, mở rộng giao lưu hợp tác về đối ngoại quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào có vai trò quan trọng của liên minh chiến đấu giữa quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, thực hiện phương châm “Đông Dương là một chiến trường”, chung chiến hào đánh Mỹ, các lực lượng vũ trang ta và lực lượng cách mạng Lào, Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong mọi hoạt động, tạo điều kiện cho nhau cùng giành thắng lợi.

Ở Campuchia, lực lượng vũ trang ta đã phối hợp với bạn đánh bại cuộc hành quân Toàn thắng 1 - 71 của địch ở khu vực Kratie, buộc chúng phải lui về củng cố tuyến đường 7. Sự phối hợp chiến đấu của ta và bạn khiến địch không thể thực hiện được âm mưu đánh vào căn cứ, phá hoại hậu phương ta theo kế hoạch phối hợp với cuộc hành quân Lam Sơn 719. Không những vậy, địch còn bị lực lượng cách mạng hai nước tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Với bạn Lào, chung địa bàn đánh phá của cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch hòng chiếm Sê Pôn - mục tiêu then chốt của cuộc hành quân Lam Sơn 719; đẩy mạnh hoạt động tác chiến tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng được một số vùng phía đông cao nguyên Bô Lô Ven, bắc Luông Pha Băng và cánh đồng Chum. Có thể nói, liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương những năm kháng chiến chống kẻ thù chung là di sản lịch sử quý báu mà ngày nay chúng ta cần tiếp tục gìn giữ, củng cố, phát triển lên tầm cao mới son sắt, thủy chung, bền chặt, hiệu quả vì sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Ngày nay, xu thế giao lưu hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng mạnh mẽ, đối ngoại quân sự - quốc phòng trở thành một kênh quan trọng cùng với ngoại giao nhà nước. Trong tình hình mới, về đối ngoại quân sự - quốc phòng, Đảng ta xác định, Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Trong tình hình mới, quân đội thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013, của Quân ủy Trung ương, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đây là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm bình đẳng cùng có lợi, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc gia và độc lập, tự chủ của Việt Nam trên trường quốc tế. Phương châm đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng hiện nay là “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cả một quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, trong đó hợp tác là chính trên cơ sở kiên định chủ quyền lãnh thổ, độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia - dân tộc. Tăng cường hợp tác quốc phòng hiện nay theo hướng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của quân đội và đất nước ta trên trường quốc tế, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa_Ảnh: Tư liệu

Định hướng công tác đối ngoại quân sự - quốc phòng trong thời gian tới, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của quân đội và đất nước ta trên trường quốc tế, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa. Tăng cường hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương; ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước có tiềm năng, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước.

Như vậy, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là kết quả của nhiều nhân tố: Sự lãnh đạo tài tình, thao lược của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, tinh thần chiến đấu anh dũng của các lực lượng tham gia chiến dịch, thành quả của liên minh chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia… 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử rút ra từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức, điều hành chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.

--------------

(1), (2), (4): Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 157-158, 159, 161
(3): Chỉ thị số 009/QU-TƯ/A, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 713, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mang mật danh Chiến dịch X