Nội dung với đánh dấu (tag) phát triển kinh tế .

Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ Đại hội XII đến nay

PGS, TS NGUYỄN TẤN VINH - TS VÕ HỮU PHƯỚC
Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị khu vực II

13:47, ngày 12-04-2024

TCCS - Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là đổi mới phương thức huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực theo hướng hợp lý và hiệu quả; chuyển cách thức tăng trưởng theo chiều rộng từ dựa chủ yếu vào tăng vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để hướng tới phát triển bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) _Ảnh: TTXVN

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc xác lập khuôn khổ chung, hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của quốc gia với một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao, nghĩa là chất lượng tăng trưởng thấp... là điều dễ nhận thấy của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế của đất nước.

Cơ cấu lại nền kinh tế là việc hiện thực hóa cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, bởi để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phải cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm khắc phục khuyết điểm, hạn chế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng; đồng thời, xây dựng một cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu của mô hình tăng trưởng. Trong điều kiện hiện nay, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải là quá trình hiện thực hiệu quả ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là những yếu tố quan trọng nhất, cũng là những nét mới trong tư duy phát triển hiện đại.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là chủ trương lớn và được đề cập rõ nét từ Đại hội XI của Đảng (năm 2011):  “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”(1).

Đến Đại hội XII (năm 2016), định hướng về mô hình tăng trưởng tiếp tục được phát triển, lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo và nâng cao tính bền vững, chú trọng chất lượng và số lượng. Đảng xác định, mô hình tăng trưởng là “kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững...”(2).

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số(3).

Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 21-2-2017, “Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1 tháng 11 năm 2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”” và Nghị quyết số 24/2016/QH14, ngày 8 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020” (Nghị quyết số 27/NQ-CP). Tại Nghị quyết số 27/NQ-CP, Chính phủ đã có 16 nhóm nhiệm vụ với 120 nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành, địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội thông qua 26 luật nhằm hoàn thiện thể chế, tạo khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tư duy, nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã chuyển biến tích cực.

Ngày 12-11-2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15, “Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối của VNPT Technology - đơn vị chủ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất viễn thông công nghệ thông tin, truyền thông và công nghiệp nội dung số _Ảnh: TTXVN

Kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2022

Giai đoạn 2016 - 2022, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra như sau:

Một là, củng cố vững chắc cân đối vĩ mô và kết cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua; trong đó, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức 6,01% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011 - 2015). Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng trưởng có xu hướng suy giảm và chỉ đạt 2,58%. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương trong năm 2021 và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới.

Đến năm 2023, GDP của Việt Nam tăng  khoảng 5,05% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất giai đoạn 2011 - 2022 do nền kinh tế đã khôi phục trở lại. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 đạt khoảng 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với quy mô GDP như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành đạt khoảng 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy, GDP bình quân đầu người ở nước ta đã tăng gấp nhiều lần sau gần 40 năm đổi mới, nâng bậc vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như thương mại và đầu tư toàn cầu.

Lạm phát cơ bản được kiểm soát và có xu hướng giảm; trong đó, lạm phát giảm từ mức 7,65% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 3,14% giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, đạt mục tiêu đề ra. Năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung.

Cách thức và chất lượng tăng trưởng liên tiếp được cải thiện: Năng suất lao động (NSLĐ) tăng đều qua các năm giai đoạn 2016 - 2020 và cả năm 2021. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng NSLĐ bình quân đạt 5,82%, cao hơn mức tăng 4,36% của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng NSLĐ vẫn đạt mức 4,71%, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng. Năm 2022 tăng 4,8%, cao hơn năm 2021 (4,7%), tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra (5,6%). Bình quân hai năm 2021 - 2022, NSLĐ tăng 4,65%/năm, thấp hơn mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2023, theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện đáng kể.

Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo: Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt 45,57% (vượt mục tiêu đặt ra là đóng góp của TFP vào tăng trưởng 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 30 - 35%), cao hơn mức 32,88% của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2021, đóng góp của TFP vào tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đạt khoảng 37,13%(4).

Về cơ cấu ngành kinh tế cũng đạt kết quả khả quan. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm xuống, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng lên. Cụ thể, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống còn 11,88% năm 2022. Sự sụt giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP kéo theo sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Năm 2022, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Khu vực kinh tế tư nhân có những dấu hiệu phát triển tích cực, góp phần gia tăng vai trò của khu vực tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu vốn đầu tư trong tổng đầu tư toàn xã hội dịch chuyển tích cực. Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giảm từ mức trung bình 39,04% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 34,34% giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021 giảm còn khoảng 24,7%; tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ mức 38,26% giai đoạn 2011 - 2015 lên 42,7% giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021 tăng lên khoảng 59,5%. Khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn trung bình 6,14% giai đoạn 2011 - 2015 lên mức trung bình 6,7% giai đoạn 2016 - 2020 và cải thiện tỷ trọng đóng góp vào GDP(5).

Hai là, các nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế được thúc đẩy thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cơ cấu lại đầu tư công: Giai đoạn 2016 - 2020, thể chế đầu tư công từng bước được hoàn thiện. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, dần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được xây dựng và được Quốc hội ban hành; bảo đảm nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước; hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải... Cùng với đó, các giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành được thực hiện, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc bố trí vốn cho từng dự án cụ thể. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công trong công tác giao, phân bổ, báo cáo, điều chỉnh kế hoạch, bảo đảm công khai, minh mạch trong đầu tư công.

Năm 2022, tổng số vốn đầu tư công cần được giải ngân rất lớn với 542 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Trong năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công hơn 579.848 tỷ đồng, đạt hơn 73% kế hoạch và đạt hơn 81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (mức giải ngân của cùng kỳ năm 2022 tương ứng đạt lần lượt hơn 67% và hơn 75%)(6).

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh và thực chất hơn  đồng thời được thực hiện một cách công khai, bảo đảm thực chất, hiệu quả, đúng pháp luật, từ đó số lượng DNNN được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, các doanh nghiệp được đánh giá đúng về nguồn lực, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp dần được hoàn thiện. Tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo toàn và phát triển, tỷ lệ DNNN có lãi tăng. Năm 2021, cơ cấu lại DNNN tiếp tục được xác định là một nhiệm vụ quan trọng và tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục với việc ban hành các văn bản pháp luật về tình hình hoạt động, sắp xếp và đổi mới DNNN. Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu thoái vốn tại 141 doanh nghiệp và cổ phần hóa 19 DNNN, có 5 DNNN được thực hiện sắp xếp lại; 21 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và các tổ chức tín dụng được tích cực triển khai, góp phần củng cố nền tảng tài chính vĩ mô, qua đó tạo thêm dư địa để thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp  và người dân dưới tác động của dịch bệnh COVID-19.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế được thực hiện theo hướng tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, hình thành cơ cấu ngành, nội bộ ngành hợp lý hơn, thúc đẩy tăng năng suất(7).

Gia tăng vai trò của khu vực tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế (Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại nhà máy của Tập đoàn Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) _Nguồn: vietnambusinessinsider.vn

Một số khó khăn, hạn chế

Quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2023 cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế sau:

Một là, mô hình tăng trưởng có thay đổi, nhưng chưa rõ nét, “chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”(8). Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung khiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng NSLĐ còn thấp; tăng NSLĐ vẫn chủ yếu do tăng cường độ vốn, đóng góp của tiến bộ khoa học - công nghệ vào tăng trưởng NSLĐ còn thấp.

Hai là, cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, DNNN, các tổ chức tín dụng) còn hạn chế, khó khăn.

Giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Một số bất cập trong công tác quản lý và thực hiện đầu tư công chậm được giải quyết, như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả; chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; công tác triển khai thực hiện chưa quyết liệt, người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra...

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn; một số dự án còn dở dang...

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong năm 2021, từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,92%(9).

Ba là, tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm: Hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đã lây lan, xâm nhập các khu công nghiệp, khu chế xuất. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước. Khu vực dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chịu tác động nặng nề nhất vì dịch bệnh COVID-19. Tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào tăng năng suất lao động chưa đạt hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa bền vững...

Bốn là, khu vực kinh tế tư nhân còn chậm phát triển. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ, sức cạnh tranh thấp, gặp rất nhiều khó khăn dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo dài; chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, logistics tăng và phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, thiếu hụt lao động, doanh thu giảm mạnh, phải dừng sản xuất, chuyển đơn hàng tạm thời.

Năm là, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 dù đã được cải thiện, nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng(10).

Nhìn chung, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế,trong khi đó nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học - công nghệ chưa được phát huy hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá trong việc giải quyết bài toán về tăng năng suất lao động.

Một số đề xuất, kiến nghị

Để tạo được sự đột phá cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần cụ thể hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, cần thống nhất đổi mới mô hình tăng trưởng luôn gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế và đây là một quá trình đổi mới không ngừng của nền kinh tế. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế. Theo đó, cơ cấu lại nền kinh tế chính là phát huy hết lợi thế so sánh của từng ngành, địa phương để tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo ra thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, bên cạnh việc tiếp tục đặt ra yêu cầu về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như giai đoạn trước đây, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn tới cần bổ sung một số quan điểm mới để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

Thứ ba, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cần tập trung, quan tâm nhiều hơn đến tổ chức thực hiện. Theo đó, cần xác định các nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát. Chính phủ cần theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại trên phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương nói riêng./.

-----------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 107
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 87
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 214 - 215
(4), (5) Trần Thị Hồng Minh - Nguyễn Văn Tùng: “Cơ cấu lại nền kinh tế: Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2021 và những định hướng giai đoạn 2025 - 2030”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo điện tử, ngày 8-2-2022, https://kinhtevadubao.vn/co-cau-lai-nen-kinh-te-nhin-lai-giai-doan-2016-2021-va-nhung-dinh-huong-giai-doan-2025-2030-21290.html
(6) Xem: Phương Anh: “Giải ngân vốn đầu tư công cao kỷ lục”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 11-1-2024, https://nhandan.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-cao-ky-luc-post791530.html
(7) Đặng Thị Thu Hoài - Nguyễn Văn Tùng: “Định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, ngày 21-8-2020, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM236564
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 80
(9) Phạm Đông: “Xử lý các ngân hàng yếu kém hết sức khó khăn, cần có thời gian”, Báo Lao động điện tử, ngày 16-10-2023, https://laodong.vn/thoi-su/xu-ly-cac-ngan-hang-yeu-kem-het-suc-kho-khan-can-co-thoi-gian-1255102.ldo
(10) Xem: Nguyễn Bích Lâm: “Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng suất lao động?”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 14-9-2023, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/viet-nam-can-lam-gi-de-nang-cao-nang-suat-lao-dong-119230913164524863.htm