TCCS - Với sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao. Cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Đẩy mạnh đào tạo nghề

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh, tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh là 735.000 người. Hằng năm, toàn tỉnh cần bổ sung từ 30.000 - 60.000 lao động. Như vậy, đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 821.000 người, con số này đến năm 2030 là khoảng 874.000 người. Các lĩnh vực có xu hướng sẽ gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực gồm: Chế biến chế tạo, vận tải, kho bãi, logistics, dịch vụ du lịch... Đây đều là những ngành, nghề mà tỉnh đang có định hướng đẩy mạnh phát triển, nhằm mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước vào năm 2030. Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, quyết định sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nhu cầu cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Do đó, Quảng Ninh đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư.

Giáo viên hướng dẫn sinh viên thực hành sử dụng robot hàn tự động tại trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Trước nhu cầu rất lớn về nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động trên địa bàn. Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến các ngành, địa phương, đến nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 85%, tăng hơn 20% so với 5 năm trước. Đặc biệt, về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhà trường cũng đã và đang chủ động thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp trong cung ứng nguồn lao động sao cho đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như giải bài toán việc làm sau đào tạo. Theo thống kê, toàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 20 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giới thiệu, cung ứng 10.384 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo 4.250 lao động cho doanh nghiệp; phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 67 nhà giáo; bồi dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 2.790 lao động của doanh nghiệp; phối hợp xây dựng 27 chương trình đào tạo... Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho đào tạo được các cơ sở dạy nghề ngày càng được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm các yêu cầu thực hành cơ bản, nhiều thiết bị phù hợp với kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất. Cùng với đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, được quan tâm tạo điều kiện đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại và phân bổ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, dần đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp và nhân lực có tay nghề cao. Bên cạnh các cơ sở đào tạo công lập, tỉnh cũng khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo, với nhu cầu của thị trường lao động. Trong số 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau, được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Tuy nhiên, bài toán khó đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là việc đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp còn chưa thực sự được quan tâm; chủ yếu tập trung ở việc tuyển dụng những học viên chuẩn bị tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp để tham gia phối hợp đào tạo còn nhiều hạn chế... Ngoài ra, năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề, nhất là thiết bị dạy và học chưa theo kịp công nghệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng là rào cản khiến cho mối quan hệ cung - cầu về nhân lực đang còn chưa đúng và trúng.

Gắn kết “5 nhà”

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng như: Tiếp nhận sinh viên, nhà giáo tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp... Đơn cử như Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (Khu công nghiệp  Sông Khoai, thị xã Quảng Yên), mỗi năm tiếp nhận tối đa 30 sinh viên tại các chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc, môi trường, công nghệ thông tin, sư phạm, văn hóa và du lịch của Đại học Hạ Long tới thực tập. Sau thời gian thực tập, công ty có thể ký kết hợp đồng lao động chính thức dựa trên kết quả đánh giá của thực tập sinh và nhu cầu thực tế của đơn vị. Ngoài ra, công ty sẽ cử chuyên gia đến trường Đại học Hạ Long để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên ở những lĩnh vực đơn vị có thế mạnh; hợp tác trong triển khai các dự án, chương trình, hội thảo về vấn đề việc làm, cung cấp học bổng cho sinh viên...  Dù vậy, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn cần thêm nhiều yếu tố để bài toán về nhân lực sau đào tạo tìm được lời giải bền vững hơn. Do đó, sự bắt tay giữa “5 nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà tuyển dụng - Nhà đầu tư) trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng trở thành yêu cầu tất yếu trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh.

Mô hình liên kết “5 nhà” rất cần thiết trong việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cung ứng cho doanh nghiệp. Nhà trường đã triển khai đồng bộ các chương trình như: Tìm hiểu chủ trương, chính sách về phát triển những ngành nghề ưu tiên của tỉnh; xây dựng chương trình liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; khảo sát, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, hình thức đào tạo cho phù hợp với thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên thông qua sự hợp tác với các chuyên gia... Để tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, đơn vị đã chủ động thiết lập các kênh kết nối để phía doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhà trường và nhà khoa học xây dựng các chương trình hợp tác trong tuyển dụng và đào tạo lao động.

Đứng trước nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn và khắt khe, việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và sự bắt tay chặt chẽ, thường xuyên của “5 nhà” trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi tư duy về đào tạo, cần có giáo án, chương trình, phương thức đào tạo mới phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức các khóa dạy nghề tập trung vào một chuyên ngành, hoặc theo đặt hàng của doanh nghiệp. Các trường cần bồi dưỡng, đào tạo lại hệ thống giảng viên, giáo viên phù hợp với thực tế. Giáo viên cũng cần năng động, chủ động hơn trong giảng dạy, có thể xuống tận doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu, nhằm xây dựng được giáo án phù hợp. Đặc biệt, cần cải thiện chất lượng đào tạo để người dân từ bỏ tâm lý “sính bằng cấp” và đào tạo ra quá nhiều cử nhân giỏi lý thuyết, nhưng kém thực hành.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quảng Ninh là một trong những đầu tàu kinh tế lớn của đất nước, tập trung đông đảo lực lượng lao động, nên việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cần được các bên quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa. Đặc biệt, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tự chủ và chủ động về quy mô, mô hình đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo./.