Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, diện tích tự nhiên gần 4.600 km2, gồm 9 huyện và 1 thành phố với 151 xã, phường, thị trấn; dân số trên 87 vạn người với 6 dân tộc chủ yếu cùng chung sống là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông... trong đó hơn 63% dân số là người dân tộc Mường, mỗi dân tộc đều có nét độc đáo về bản sắc văn hóa, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Hòa Bình là vùng đất cổ được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” thời kỳ đồ đá mới nổi tiếng thế giới cách đây hơn 20 vạn năm. Hiện còn bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 nghìn chiếc chiêng quý giá. Hòa Bình cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng Mo sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước” của người Mường. Mỗi dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống… đặc sắc và nhiều lễ hội dân gian độc đáo như: Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Xên Mường Mai Châu,... Trên địa bàn tỉnh có 173 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh và nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”; có 4 Khu bảo tồn thiên nhiên là Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Vì rất đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú. Hòa Bình có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ; hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo lớn, nhỏ tạo nên phong cảnh sông nước hữu tình có tiềm năng phát triển lịch đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Mai Châu có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, thiên nhiên tười đẹp… đây là những lợi thế để phát triển du lịch.

Du lịch cộng đồng ở Hòa Bình bắt đầu hình thành vào cuối những năm 1980 với những du khách đầu tiên đến từ các nước xã hội chủ nghĩa (cũ) ở Đông Âu. Ban đầu là do nhu cầu tham quan, du lịch của cán bộ, nhân viên từ các Đại Sứ quán các nước Đông Âu và gia đình của họ đến với Bản Lác, huyện Mai Châu nghỉ cuối tuần để tìm hiểu khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ sau năm 1990, khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, khách quốc tế vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều du khách có nhu cầu tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng thì các Công ty lữ hành quốc tế đã khảo sát và hỗ trợ các địa phương xây dựng, đưa khách đến các điểm du lịch cộng đồng mới như Bản Văn, Bản Poom Cọong, Bản Hang Kia… huyện Mai Châu, xóm Mỗ, huyện Cao Phong; xóm Dướng, huyện Đà Bắc.

Du lịch cộng đồng Hòa Bình đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Tổ chức ACID của Tây Ban Nha hỗ trợ đầu tư trang thiết bị và đào tạo nghề cho các điểm du lịch cộng đồng xóm: Mu, Mòn, Khướng huyện Lạc Sơn. Tổ chức AFAP Việt Nam hỗ trợ về tài chính cũng như các hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong quá cải tạo nhà lưu trú, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho một số hộ dân làm du lịch hình thành các điểm du lịch: xóm Ké xã - Hiền Lương, xóm Đá Bia - xã Đức Phong và xóm Sưng, xã Cao Sơn. Tổ chức AFAP đã tư vấn thành lập Công ty cổ phần du lịch cộng đồng Đà Bắc với mục tiêu: Giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng tại Đà Bắc phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; tăng cường quảng bá, kết nối thị trường khách; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch của người dân Đà Bắc và phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Trong những năm gần đây du lịch cộng đồng ở Hòa Bình đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở các bản Thái, Mường mà các dân tộc khác như Tày, Dao, Mông cũng đã xây dựng được những điểm du lịch cộng đồng mới. Nhiều bản du lịch mới đã nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 145 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng. Đặc biệt, các điểm du lịch cộng đồng bản Lác, bản Văn, bản Hịch, bản Đá Bia đã được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN. Số lượng khách ở mảng du lịch cộng đồng tăng nhanh. Năm 2019 (tính đến thời điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch COVID 19) số khách là gần 500 nghìn lượt trên tổng số 3,2 triệu lượt khách của tỉnh, chiếm 15,1 % tổng số khách đến du lịch trong tỉnh, trong đó có 243.000 khách quốc tế. Tổng doanh thu ở mảng du lịch cộng đồng đạt 415 tỷ/ 2.073 tỷ doanh thu du lịch của tỉnh (chiếm 16%), tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động trong đó có 800 lao động trực tiếp. Du lịch cộng đồng ở Hòa Bình đã có thương hiệu và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và rất yêu thích.

Có thể khẳng định rằng, loại hình du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, nông nghiệp nông thôn hiện đang là xu thế, đã và đang phát triển với nhiều mô hình khác nhau. Phát triển du lịch biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Và trong điều kiện cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới là hợp lý và cần thiết, thúc đẩy kinh tế du lịch song hành cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn cơ sở.

Để phát triển loại hình du lịch này, tỉnh Hòa Bình đã ban hành các nghị quyết, nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Cụ thể: Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30-12-2016, phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22-6-2017, về phát triển Khu du lịch hồ Hoà Bình thành khu du lịch quốc gia; Đặc biệt, để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp có hiệu quả với chương trình xây dựng nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND, ngày 23-3-2017, về phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”, trong đó, chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Hòa Bình. Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án cơ cấu lại ngành du lịch của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hoà Bình để thúc đẩy du lịch phát triển; Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 3-6-2019, của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2021, tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để quản lý, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Bình thời gian qua đã phải đương đầu với một số khó khăn, thách thức và bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần phải khắc phục như: Hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được đầu tư đúng mức; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa tạo được động lực để khách du lịch lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn; liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt là hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều hộ dân không được đón tiếp khách thường xuyên, hoạt động cầm chừng nên không có nguồn thu để hoạt động và trả nợ vay ngân hàng; nhiều người bị thất nghiệp và phải chuyển nghề, đến khi có thể hoạt động trở lại thì lực lượng lao động đã tản mát. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục, phát triển của du lịch cộng đồng

Phát huy tốt lợi thế đặc biệt là việc gắn kết giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Hòa Bình đưa ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 230 cơ sở lưu trú cộng đồng, đón 945.000 khách; năm 2030 thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt 300 cơ sở lưu trú cộng đồng để đón 1,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 20% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh; hỗ trợ xây dựng mới 20 điểm du lịch cộng đồng; xây dựng 10 điểm du lịch cộng đồng đạt từ 3 sao đến 5 sao theo tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ nhân rộng thêm một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng cho các xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng.

Để phát triển du lịch cộng đồng an toàn và hiệu quả gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh trong bối cảnh đại dịch COVID 19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, trước mắt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", bảo đảm kết hợp hài hòa mục tiêu vừa phòng, chống dịch tốt, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được kinh doanh các dịch vụ vận chuyến, ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch cộng đồng.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân và du khách chấp hành nghiêm túc về phòng chống dịch bệnh tại các điểm du lịch cộng đồng khi thực hiện việc đón tiếp và tham quan du lịch.

Thứ ba, tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại các Khu, điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động và các điểm đã được phê duyệt trong quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương

Tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh, lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các Điểm du lịch cộng đồng để bảo tồn kiến trúc nhà, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của người bản địa để quản lý khai thác phát triển du lịch. Công nhận các điểm du lịch cộng đồng và thành lập Ban Quản lý theo quy định để ban hành nội quy, quy chế nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý tại các điểm du lịch cộng đồng cũng như có quy định phân chia lợi nhuận nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích chung của cộng đồng.

Thứ tư, xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, trang thiết bị phục vụ khách nghỉ); tạo cơ chế để hộ gia đình, cá nhân bà con dân tộc thiểu số tại các xóm có tiềm năng phát triển du lịch có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Lồng ghép các chương trình có nguồn vốn như chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, các dự án phi chính phủ để có nguồn lực hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật, kỹ năng nghề thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Hỗ trợ cải tạo cảnh quan, bảo tồn kiến trúc nhà ở, mua sắm các trang thiết bị đón tiếp phục vụ khách du lịch; hỗ trợ kinh phí mua sắm bổ sung, thay thế, sửa chữa các trang, thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn của thiết chế văn hóa cho các xóm, bản du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ dân tộc để biểu diễn phục vụ khách du lịch…

Thứ năm, tập trung các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn với quan điểm kết hợp giữa bảo tồn văn hóa vật thể với văn hóa phi vật thể, trên cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quản lý hiện vật, di tích, danh thắng của tỉnh. Tổ chức điều tra, thu thập, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình theo quy trình bảo đảm khoa học, chặt chẽ để bảo tồn, kế thừa và phát huy. Khai thác có hiệu quả giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình tạo ra những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, riêng có, độc đáo góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là du lịch cộng đồng. Đặc biệt quan tâm bảo tổn các tập tục, dân ca dân vũ, lễ hội, kiến trúc, trang phục, ẩm thực… của dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông để thu hút khách du lịch.

Thứ sáu, tập trung triển khai thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ trọng tâm là phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển mảng du lịch cộng đồng; Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng các chương trình du lịch mới gắn kết giữa trải nghiệm văn hóa bản địa với hoạt động nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng dựa trên những tài nguyên du lịch của địa phương phù hợp bản sắc văn hóa và đáp ứng được nhu cầu của khách; xây dựng các điểm du lịch cộng đồng có những sản phẩm mang bản sắc riêng biệt không bị trùng lắp cho du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Thứ bảy, hỗ trợ cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh để nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng tới các thị trường khách quốc tế, nội địa để thu hút khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình. Trong thời gian trước mắt, tập trung khai thác thị trường khách nội địa, chuẩn bị các điều kiện để đón khách quốc tế khi thế giới và Việt Nam kiểm soát được dịch COVID 19. Thường xuyên mời các đoàn Famtrip, Press trip đến khảo sát, xây dựng sản phẩm và quảng bá cho du lịch cộng đồng Hòa Bình. Xây dựng các ấn phẩm, clip để giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Xây dựng trang thông tin điện tử, video clip, sách ảnh, tờ gấp, giới thiệu về các điểm tour du lịch cộng đồng; tổ chức các đoàn Presstrip đến để viết bài, quay phim giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng cho du khách trong nước và quốc tế.

Thứ chín, tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương; nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ mười, phát triển du lịch cộng đồng nhưng phải bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, nguồn nước, cảnh quan thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm cho người dân địa phương, chuyển đổi cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, hoạt động du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch Hòa Bình nói chung sẽ cất cánh, ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực; góp phần giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình một cách bền vững./.