Công tác tư tưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng ở tỉnh Bắc Ninh

Trần Văn Vững
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh
17:47, ngày 19-09-2022

TCCS - Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Toàn cảnh thành phố Bắc Ninh sau hơn 25 năm tái lập tỉnh_Ảnh: Tư liệu

Những kết quả đáng kích lệ

Sau ngày tái lập (1-1-1997), tỉnh Bắc Ninh đã xác định cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bắc Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04-5-2021 của Tỉnh ủy Bắc Ninh được coi là nghị quyết có tính định hướng, mở đường, hợp lòng dân và quyết định đến sự phát triển của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, Bắc Ninh luôn nhận thức giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quyết định trong tạo đất sạch để thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, thì một yếu tố có tính quyết định là phải có sự đồng thuận của người dân. Đây là đòi hỏi mang tính khách quan, bởi vì khi tư tưởng của người dân đã thông thì họ có thể hiến cả đất của mình vì cộng đồng. Do đó, công tác tư tưởng phải đi trước, phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là sự gương mẫu trong thực hiện của cán bộ, đảng viên.

Thực tế cho thấy hầu như toàn bộ các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện giải phóng mặt bằng đều có những khó khăn, vướng mắc, như việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường. Mặt khác, khi có thay đổi về chính sách, đơn giá bồi thường, dẫn đến có sự so sánh, khiếu nại về chính sách cũ và mới làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa cao, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Tỉnh ủy, nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 6.400 ha, có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 91,2% diện tích đất đã thu hồi; toàn tỉnh cũng đã quy hoạch 35 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.100 ha, trong đó, 31 cụm được thành lập, 21 cụm đã đi vào hoạt động(1).

Cùng với việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh còn tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại, bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phát triển các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng với Thủ đô… Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, Bắc Ninh đã khởi công đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, Cung quy hoạch - kiến trúc, nút giao khu công nghiệp Yên Phong với quốc lộ 18, nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh, nút giao quốc lộ 18, quốc lộ 38, tỉnh lộ 295B, tỉnh lộ 277, tỉnh lộ 286, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, chùa Dạm, đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt... và các công trình hợp khối, cao tầng hiện đại, công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, thông tin, viễn thông, nước sạch, xử lý nước thải, rác thải…)(2).

Với cơ chế chính sách có nhiều đổi mới, sáng tạo, Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ... với tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, khẳng định vững chắc vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp gấp gần 1,7 lần năm 2015; bình quân ước tăng 11,2%/năm, đứng thứ nhất toàn quốc(3).

Công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước.

Làm tốt công tác tư tưởng trong giải phóng mặt bằng

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng loạt triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, cầu Chì, tỉnh lộ 285B, 282B, 281, 277B, 295C, đường H… và các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy cấp nước, các khu, cụm công nghiệp(4); xây dựng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua tỉnh Bắc Ninh có chiều dài khoảng 21 km... Trong đó, giải phóng mặt bằng được xem là một trong những khâu quan trọng và quyết định, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế. 

Qua thực tiễn công tác tư tưởng trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng và phải đi trước một bước trước khi triển khai dự án. Muốn thành công trong công tác này nhất định phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, tổ chức liên quan; quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mà quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền các cấp vì là cấp có thẩm quyền trực tiếp giải quyết cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hai là, xác định công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng do đó cần xác định rõ những dự án trọng điểm, ưu tiên để xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi phù hợp. Xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, liên tục, trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người tại các địa phương mà dự án đi qua.

Ba là, việc tổ chức công tác tuyên truyền, vận động phải làm từng bước chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từng bước một, từ khảo sát thu thập thông tin về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân đến xác định nội dung cần trả lời, giải thích; phân công nhiệm vụ chặt chẽ cho từng thành viên tham gia; xác định thời gian địa điểm tuyên truyền, vận động phù hợp, nên chọn địa điểm gần dân nhất như nhà sinh hoạt xóm, thôn hoặc tại hiện trường dự án; trao đổi bàn bạc chặt chẽ với người dân, người có uy tín, lực lượng nòng cốt ở địa phương; phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.

Bốn là, lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động phải bảo đảm thành phần, số lượng (tỉnh, huyện, xã, cơ quan chức năng) thì tính thuyết phục người dân sẽ cao hơn rất nhiều. Kỹ năng thuyết phục, vận động của các thành viên phải vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa bảo đảm đúng nguyên tắc của pháp luật là yếu tố hết sức quan trọng; phải am tường lĩnh vực cần vận động, qua đó dễ thuyết phục; lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân để phối hợp chính quyền địa phương đề xuất hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân.

Năm là, cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thỏa đáng và đáp ứng được nhu cầu thiết thân của người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Trường hợp có nhiều hộ dân phản đối hoặc chưa đồng thuận thì cần rà soát, xem lại cơ chế, chính sách áp dụng đã đúng hay chưa để có hướng trao đổi, thuyết phục, giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, riêng biệt.

Sáu là, cần tránh việc chi trả bồi thường cách quá xa ngày nhận đất tái định cư, gây khó cho người dân trong việc ổn định nơi ở mới. Phương án chọn địa điểm, quy mô khu tái định cư phải rất thực tế với quỹ đất phù hợp nhưng phải đảm bảo nhu cầu, lợi ích hợp pháp của người dân và phải đảm bảo nguyên tắc chất lượng hạ tầng, tiện ích ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Bảy là, chấn chỉnh công tác cán bộ ở các địa phương và có kế hoạch luân chuyển trước những cán bộ gây mất đoàn kết nội bộ, yếu kém về năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền dẫn đến tình trạng xảy ra những vụ việc sai phạm kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân trước khi tiến hành đầu tư các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời phân công, luân chuyển những cán bộ đảm bảo năng lực lãnh đạo, có uy tín, có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành tham gia làm cán bộ lãnh đạo ở các địa phương có các dự án lớn đi qua.

Tám là, tăng cường mạnh mẽ việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế -  xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chính sách, pháp luật nhà nước liên quan đến lĩnh vực giám sát, hòa giải, đất đai, môi trường,... cho đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể cơ sở; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải cơ sở trong công tác này./.

----------------

(1). Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Kế hoạch & Đầu tư: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
(2), (3), (4). Tỉnh ủy Bắc Ninh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.