Cải thiện năng suất lao động quốc gia

BTV/TTXVN
10:24, ngày 08-08-2019

TCCSĐT - Năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Đây là số liệu do Tổng cục Thống kê công bố trong Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia tổ chức ngày 7-8 tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia_Ảnh: VGP

Thực trạng năng suất lao động của Việt Nam

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng năng suất lao động của Việt Nam, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động và đề ra các giải pháp cải thiện năng suất lao động quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần, 6,3 lần, 2,9 lần và 2,4 lần, thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần. Trong đó, ngành khai khoáng có năng suất lao động cao nhất. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có năng suất lao động thấp nhất trong các ngành kinh tế.

Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân cao nhất với 5,2%/năm giai đoạn 2011 - 2018. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức năng suất lao động rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% năng suất lao động của toàn nền kinh tế.

Năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp gấp trên 3 lần mức năng suất lao động chung của cả nước. So với các loại hình doanh nghiệp khác, năng suất lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt thấp nhất.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, các yếu tố ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động ở Việt Nam là quy mô nền kinh tế còn nhỏ; quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập; khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế.

Tiềm lực trong mỗi người dân còn rất lớn

Phát biểu tại hội nghị nghiên cứu chính sách ở tầm vĩ mô này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn so với các nước vì có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, "tiềm lực trong mỗi người dân còn rất lớn". Mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc độ tăng cao hơn. Thủ tướng dẫn chứng, tốc độ tăng năng suất lao động năm sau đều cao hơn năm trước do nhiều cải cách đổi mới rất tích cực. Trên cơ sở các kết quả thống kê và các công bố khảo sát của các tổ chức quốc tế uy tín, Thủ tướng phân tích, cơ cấu lao động của Việt Nam trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng quá cao. Qua tổ chức lại sản xuất, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 37% là một tiến bộ rất lớn, nhưng vẫn là con số cao vì nhiều nước chỉ còn ở mức 2-3%. Đây là một nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam còn thấp.

Yêu cầu cần nhận thức rõ vấn đề này để truyền thông, qua đó tạo niềm tin trong xã hội, Thủ tướng khẳng định, "chưa bao giờ 30 năm đổi mới, chúng ta duy trì được tăng trưởng cao như vậy, đời sống người dân ngày càng cải thiện tích cực".

Chỉ ra những điểm nghẽn khiến năng suất nói chung và năng suất lao động Việt Nam chưa tăng như kỳ vọng, Thủ tướng cho rằng đó là do thể chế kinh tế, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường lao động, giá cả, nhất là tiền lương chưa vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường.

Trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp. Giáo dục thiếu hụt nguồn lao động kỹ năng cao, đặc biệt là các kỹ năng công nghệ mới, công nghệ 4.0. Nền tảng khoa học - công nghệ chưa cao, nhất là phương diện đầu tư và ứng dụng công nghệ. Động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu...

Trao cơ hội để người dân phát huy năng lực

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra các định hướng lớn để cải cách thúc đẩy tăng năng suất lao động tại Việt Nam.

Một là, cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước, cạnh tranh quốc gia. "Người dân cần được trao cơ hội để phát huy hết năng lực của mình nhằm đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nói.

Hai là, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao, từ giá trị gia tăng thấp sang giá trị gia tăng cao hơn. Cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất.

Ba là, cải cách nhanh hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển; thúc đẩy, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và khu vực khác (như hợp tác xã) để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bốn là, tiếp tục thu hút FDI mạnh mẽ nhưng có chọn lọc, ưu tiên dự án có hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ, có sức lan tỏa và mang lại giá trị gia tăng cao để góp phần đưa năng suất lao động tăng cao hơn; đồng thời kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước để chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hơn.

Năm là, không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tham gia vào dòng chảy thương mại kinh tế quốc tế để biến dòng chảy này thành lực đẩy cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia.

Cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế

Tại Hội nghị, cùng với các định hướng lớn, Thủ tướng cũng nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng năng suất lao động.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, được huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất.

Thứ hai, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (phía người lao động) và phía cầu (phía doanh nghiệp) của thị trường lao động, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường lao động với một chi phí giao dịch thấp nhất trong tìm được việc làm hay lao động tốt nhất theo nguyện vọng, qua đó phát huy được tối đa năng lực và yêu cầu của mình.

Thứ ba, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc ở mọi miền đất nước, trong đó có các tài năng Việt Nam đang ở nước ngoài.

Thứ tư, xây dựng cơ chế cán bộ mở trong các cơ quan nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy nhà nước, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc cùng với cơ chế cạnh tranh lành mạnh để chọn lọc và thúc đẩy những người tài năng.

Thứ năm, năng suất lao động có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng và các kỹ năng mới nổi sẽ luôn là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong quá trình phát triển.

Thứ sáu, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới có thể phát huy được năng lực, do đó, đầu tư vào ứng dụng khoa học - công nghệ cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Hai chiến lược đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lao động và đầu tư cho công nghệ cần phải tương thích với nhau để bảo đảm có hiệu quả tốt nhất.

Tại Hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, các địa phương, các doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm để đưa năng suất lao động Việt Nam phát triển, đặc biệt thể hiện tinh thần này trong xây dựng chính sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật trong vòng nửa tháng nữa trình Thủ tướng xem xét, ban hành, làm cơ sở cho các cấp, các ngành triển khai.

Phát động phong trào năng suất lao động quốc gia

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát động phong trào "Năng suất lao động quốc gia" và khẳng định, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia tích cực, đồng bộ, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, các giải pháp để tăng năng suất lao động.

Thủ tướng nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung tay của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tiên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý. Đi liền với đó là huy động, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước trên nền tảng giá trị văn hóa con người Việt Nam, gắn với tri thức và khoa học - công nghệ.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng năng suất lao động, kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói./.