TCCS - Trong xu thế toàn cầu hóa, cùng với những thuận lợi, các quốc gia phải đối mặt với nhiều nguy cơ mới; trong đó, có nguy cơ từ sự tác động của an ninh phi truyền thống. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta, nghiên cứu về vấn đề an ninh phi truyền thống ở đây có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết. Bởi lẽ, đây là một trong những địa bàn chịu tác động hết sức mạnh mẽ của các nhân tố an ninh phi truyền thống.

Các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới của nước ta, có địa hình rừng núi hiểm trở, kinh tế chậm phát triển, nhiều tập tục lạc hậu, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Các dân tộc sống đan xen với nhau, có truyền thống văn hóa đa dạng, đặc sắc; đây cũng là những địa bàn chiến lược, xung yếu trấn giữ, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến trước đây, các tỉnh miền núi, trên tuyến biên giới Việt Nam có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, là những khu căn cứ địa cách mạng vững chắc, cung cấp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, vấn đề an ninh phi truyền thống được nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đề cập, nghiên cứu. Đặc biệt, sau những sự cố sóng thần, bão lũ, động đất, khủng bố, buôn người, di cư tự do, truyền giáo bất hợp pháp, buôn lậu, ma túy..., vấn đề an ninh phi truyền thống đã vượt ra khỏi phạm vi an ninh của một quốc gia, dân tộc và trở thành mối quan ngại mang tính toàn cầu. Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu và nhiều khái niệm về an ninh phi truyền thống được đưa ra, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về nội hàm. Cho nên, các quốc gia thường dựa vào cách xác định, đánh giá của Liên hợp quốc làm quy chuẩn.

Theo quan điểm của Liên hợp quốc, những thách thức từ an ninh phi truyền thống trong các thập niên đầu của thế kỷ XXI bao gồm 4 vấn đề: môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, có những quan điểm lại quy an ninh phi truyền thống vào 5 lĩnh vực (kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa), hoặc thành 6 nhóm (ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, tội phạm, khủng bố, dịch bệnh và thảm họa địa chất), thậm chí gồm 10 mối đe dọa (khủng bố, ma túy, hải tặc, rửa tiền, tin tặc, thảm họa môi trường, dịch bệnh, buôn bán người, di cư bất hợp pháp và cực đoan tôn giáo. Các quan niệm này mặc dù còn có sự khác biệt về nhận thức, nhưng về cơ bản đều có những điểm tương đồng là: An ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái,...

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có vị trí địa lý đặc thù, nằm trên dải khí hậu xích đạo nhiệt đới, nên chịu tác động rất nặng nề từ an ninh phi truyền thống, nhất là những mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, các loại dịch bệnh (SARS, cúm gia cầm H5N1, AIDS...). Cùng với đó, những vấn đề về buôn lậu, buôn bán phụ nữ và trẻ em, vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái pháp luật, ô nhiễm môi trường,... đã và đang tác động mạnh mẽ đến an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi, biên giới Việt Nam.

Như vậy, có thể nhận diện khái niệm: An ninh phi truyền thống là những vấn đề ảnh hưởng lớn, không chỉ đe dọa đến an ninh quốc gia, đến cộng đồng người trong phạm vi một hoặc một số nước, mà còn đe dọa đến toàn thể nhân loại. Những vấn đề đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực nhưng nằm ngoài vấn đề quân sự và trong bối cảnh liên kết quốc tế. Những vấn đề đó là: cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao,...

Từ đó, ta có thể thấy rõ quy mô, tính chất tác động của những nguy cơ an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta là rất gay gắt, lâu dài, mang tính xuyên quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việc ngăn chặn và ứng phó với những nguy cơ này không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà đòi hỏi sự chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ của tất cả các nước, của các tổ chức quốc tế và khu vực, của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng xã hội.

An ninh phi truyền thống có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau, có thể tác động sâu sắc đến an ninh, quốc phòng của đất nước và khi các tác động đó lớn đến mức không thể kiểm soát được hoặc xử lý không hiệu quả sẽ chuyển thành các vấn đề an ninh truyền thống dẫn đến nguy cơ cho quốc gia, dân tộc. Các nguy cơ đó có thể do an ninh phi truyền thống trực tiếp tạo ra, cũng có thể do an ninh phi truyền thống gián tiếp tác động, thúc đẩy các tình huống, thách thức phát triển thành nguy cơ của quốc phòng, an ninh.

Từ những vấn đề trên cho thấy, nguy cơ do an ninh phi truyền thống gây ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động tổng hợp trên các lĩnh vực của đời sống; trong đó, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trọng yếu, chịu sự tác động lớn. Vì vậy, đẩy mạnh việc nghiên cứu, nhận diện thực trạng, dự báo xu hướng vận động và phát sinh, phát triển của an ninh phi truyền thống để kiểm soát và đối phó có hiệu quả nguy cơ từ an ninh phi truyền thống hiện nay là vấn đề cấp thiết, mang tầm chiến lược, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, có thể tập trung vào nghiên cứu một số nội dung giải pháp cơ bản để tăng cường khả năng ứng phó với những tác động của an ninh phi truyền thống:

- Trước hết, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về: “Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn”(1). Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Theo đó, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh... là những vấn đề cơ bản tạo nền tảng vững chắc cho việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

- Nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của thời kỳ mới. Quán triệt và giáo dục sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho toàn xã hội, đặc biệt là cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin về các mối đe dọa an ninh, quốc phòng. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của chính quyền các cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

- “Nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình. Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế - xã hội trong mọi tình huống. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”(2); tạo nền tảng vững chắc để phòng, chống có hiệu quả những thách thức, tác hại từ an ninh phi truyền thống. Có các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ”(3); từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả và tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án đã được phê duyệt. Coi trọng đầu tư, chuẩn bị cả về con người và phương tiện hiện đại cho nhiệm vụ đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm có lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi; luôn nắm vững tình hình, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

- Đẩy mạnh xã hội hóa việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống theo hướng: huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư,... tham gia. Đồng thời, có sự phân cấp rõ ràng cho các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức lực lượng của toàn dân và huy động cơ sở vật chất tại chỗ, kết hợp với cơ động lực lượng, phương tiện từ nơi khác đến, nhằm bảo đảm đối phó kịp thời, hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương và lực lượng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên từng địa bàn, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình thực hiện, phải tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, bảo đảm luôn thống nhất và thông suốt, coi đó là điều kiện tiên quyết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.

- Mở rộng quan hệ đối ngoại, “Đầu tư thích đáng và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu;...”(4); đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, các cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh chống khủng bố, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế, với các tổ chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, đặc biệt trong hợp tác quốc tế phải có chọn lọc, có trọng tâm trọng điểm; tập trung vào các vấn đề về đào tạo, huấn luyện, diễn tập, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp,... góp phần giảm thiểu tác động của các nguy cơ an ninh phi truyền thống đối với nước ta nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Vấn đề an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế. Đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, vừa là điều kiện quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực của toàn xã hội, sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với những giải pháp, biện pháp phù hợp và hiệu quả./.

------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 144 - 145

(2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Sđd, tr.150, 145