Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã xác định cơ sở tư tưởng của nó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã được đẩy mạnh hơn và hàng loạt các công trình nghiên cứu đã được công bố. Thực tiễn hơn 20 năm đổi mới vừa qua ngày càng chứng minh cho tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chứng minh cho sự lựa chọn sáng suốt và kiên định của Đảng ta. Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin không bị lùi vào quá khứ mà ngày càng đồng hành và chỉ rõ hướng đi cho đất nước. Trên lĩnh vực văn hóa, những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin luôn luôn soi sáng cho đường lối phát triển văn hóa của dân tộc ta. Hiện thực đổi mới sôi động trên lĩnh vực văn hóa hiện nay đòi hỏi phải nhận thức đúng với những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở bình diện mới, lý giải thấu đáo và sâu sắc hơn tính khoa học, tính lịch sử và tính thời đại của những quan điểm này, khắc phục những bất cập trong nhận thức chưa đúng hoặc thiếu toàn diện đối với những lĩnh vực đó.

Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tìm hiểu về những vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về văn hóa, do PGS,TS. Phạm Duy Đức chủ biên, trên cơ sở kết quả đề tài khoa học cấp Bộ B.06-16 của Viện Văn hóa và Phát triển thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Đây là một lĩnh vực rất rộng, bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau của hoạt động văn hóa. Nội dung cuốn sách tập trung nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nguồn gốc, bản chất, chức năng, vai trò của văn hóa, đi sâu tìm hiểu quan điểm của các nhà kinh điển mác-xít về xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, về một số lĩnh vực cơ bản như văn hóa trong lãnh đạo chính trị; vấn đề xây dựng con người, đạo đức và lối sống; vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức; phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật; báo chí; vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo,... góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.