Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đỗ Căn Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 3
22:22, ngày 04-05-2014

TCCSĐT - Cuối năm 1953, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở phân tích tình hình địch và ta, Bộ Tổng tham mưu xây dựng phương án tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Trong phương án được Bộ Chính trị phê duyệt, chiến trường đồng bằng Bắc Bộ được giao nhiệm vụ “đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, củng cố và phát triển các căn cứ du kích và khu du kích, phối hợp với các cuộc tiến công trên (các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung - Hạ Lào)”(1).

Quân dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp tác chiến

Tháng 10-1953, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh vạch kế hoạch tác chiến chiến lược, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đại đoàn, các liên khu. Liên khu 3, khu Tả Ngạn được giao nhiệm vụ cùng với mặt trận Hà Nội “tiến công tiêu hao, tiêu diệt địch, đánh phá các đường giao thông thủy bộ và sân bay, giam chân chủ lực địch. Riêng Đại đoàn 320 (đứng chân ở vùng tự do Tây Nam Ninh Bình) làm lực lượng dự bị, chuẩn bị sẵn sàng tham gia tiến công địch ở đồng bằng”(2). Công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch Đông - Xuân của Liên khu 3, khu Tả Ngạn được triển khai một cách khẩn trương, tích cực. Tranh thủ lúc địch chưa đánh tới, Liên khu ủy và các tỉnh đảng bộ phổ biến chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất, động viên cao độ tất cả các ngành, quân, dân, chính đảng và toàn thể nhân dân tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Quyết tâm đánh bại kế hoạch Na-va”. Các đơn vị chủ lực của Liên khu và bộ đội địa phương luân phiên tiến hành chỉnh quân chính trị, chỉnh huấn quân sự. Vũ khí đạn được tích trữ, lương thực, thuốc men được huy động. Hàng ngàn thanh niên được động viên tòng quân, hàng vạn đồng bào được tổ chức tham gia mở đường và vận chuyển vật chất chuẩn bị cho Chiến dịch.

Tháng 12-1953, sau thất bại của cuộc hành quân Hải Âu đánh vào Tây Nam Ninh Bình, để giành thế chủ động chiến trường, địch tổ chức liên tiếp 3 cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ du kích Nam Thái Bình, Bắc sông Luộc nhằm tiêu diệt chủ lực, tàn phá khu căn cứ du kích, kiềm chế hoạt động phối hợp Đông Xuân của ta. Từ tháng 12-1953 đến tháng 3-1954, địch tổ chức 392 trận càn ở các vùng tạm chiếm Kiến An, chung quanh đô thị, cứ điểm lớn ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương để xóa cơ sở, tiêu diệt lực lượng của ta, củng cố vùng chiếm đóng kết hợp thu thuế, bắt thanh niên đi lính.

Trước tình hình trên, Liên khu 3 và Khu Tả Ngạn họp bàn phân tích tình hình, âm mưu của địch, đề ra phương hướng hoạt động. Nhiệm vụ trước mắt của các đơn vị chủ lực của Liên khu và bộ đội địa phương là khẩn trương củng cố, chuẩn bị chiến trường để sẵn sàng cùng bộ đội chủ lực đánh tập trung tiêu diệt lớn khi thời cơ đến; phát triển mạnh lối đánh tập kích, phục kích, đánh giao thông, vây điểm diệt viện, đánh điểm diệt viện, mạnh dạn đánh sâu vào hậu phương nơi địch sơ hở để tiêu diệt cơ quan đầu não, phá sân bay, bến cảng, kho tàng và phương tiện chiến tranh của địch. Trong 2 tháng đầu của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân, các Trung đoàn 42, 50 và bộ đội địa phương Khu Tả Ngạn dồn dập tiến công tiêu diệt một loạt vị trí, các đường giao thông và táo bạo đánh vào thị xã Thái Bình, diệt gọn một bộ chỉ huy binh đoàn của địch. Sát cánh cùng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích các xã liên tục chống càn bảo vệ làng xã và tập kích, phục kích nhỏ, quấy rối, tiêu hao nhiều địch.

Tại hữu ngạn sông Hồng, sau thất bại của cuộc hành quân Hải Âu, để cứu nguy cho bọn khinh quân (3), trấn an tinh thần binh lính, củng cố các cụm đóng quân còn lại trên địa bàn Hà - Nam - Ninh, địch tập trung 17 tiểu đoàn mở cuộc hành quân Bi-đông đánh vào Trung đoàn 26 và các căn cứ du kích Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh. Do bám nắm địch chưa chắc và phán đoán chưa chính xác hướng hành quân của địch nên lúc đầu một số đơn vị bộ đội, du kích đối phó lúng túng, bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch. Sau khi Bộ Tư lệnh Liên khu chỉ đạo rút kinh nghiệm và giao rõ nhiệm vụ cho Trung đoàn 46 và quân, dân Nam Định, lực lượng ta đã điều chỉnh, kịp thời phản kích và thu được nhiều thắng lợi.

Cuối tháng 12-1953, địch gấp rút tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh thu hút lực lượng chủ lực của ta; chủ lực ta hoạt động mạnh trên chiến trường Thượng Lào, Tây Bắc khiến địch bị động tìm cách rút lực lượng quân cơ động tại đồng bằng để đối phó với mặt trận chính. Trước tình hình trên, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và Khu Tả Ngạn họp bàn xác định phương hướng, chủ trương tiếp tục tiến công địch. Nghị quyết của Liên khu ủy 3 xác định: phát triển thắng lợi và đẩy mạnh hoạt động chi viện phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Liên khu ủy chủ trương phát động “Tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô” với các mục tiêu cơ bản: “tập trung lực lượng cùng Đại đoàn 320 mở cuộc tiến công đập tan phòng tuyến sông Đáy, mở rộng vùng tự do Liên khu xuống vùng đồng bằng, nối liền các khu căn cứ du kích sau lưng địch; triệt để đánh phá giao thông vận tải, triệt để phá kho tàng, phương tiện chiến tranh, uy hiếp hậu phương, ngăn chặn không cho địch tổ chức tiếp tế cho Điện Biên Phủ và các chiến trường khác; tích cực phá kế hoạch bắt lính phát triển ngụy quân, đẩy mạnh công tác binh vận làm tan rã hàng ngũ địch; động viên mọi lực lượng trong nhân dân, tập trung sức người sức của chi viện cho chiến trường chính Tây Bắc - Điện Biên Phủ và các chiến trường khác”(4).

Tại phòng tuyến sông Đáy, chủ trương của Liên khu ủy là sử dụng bộ đội chủ lực (chủ yếu là các trung đoàn của Đại đoàn 320) đánh vào các mục tiêu then chốt, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Liên khu phát triển lên tiến công phá vỡ toàn bộ phòng tuyến này. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến là đánh tiêu diệt gọn, kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch trong và ngoài công sự, lấy đánh địch ngoài công sự là chính, đánh chắc thắng. Từ ngày 15-01-1954, các Trung đoàn 46, 48, 52 liên tục tiến công khiến địch phải rút chạy khỏi nhiều vị trí. Một vệt dài 30 km trên tuyến phòng thủ sông Đáy của địch bị phá tan, chiếc “áo giáp” che chắn phía Tây đồng bằng sông Hồng của quân Pháp bị chọc thủng. Phối hợp với đòn tiến công đập vỡ tuyến phòng thủ sông Đáy, các đơn vị chủ lực Liên khu và bộ đội địa phương, dân quân du kích Hữu Ngạn, Tả Ngạn đẩy mạnh tiến công địch trên toàn vùng đồng bằng. Tại địa bàn Hà - Nam - Ninh, Trung đoàn 46 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích Nam Định tiếp tục phục kích ca-nô, tàu chiến của địch trên sông Đào, tổ chức đột kích thành phố Nam Định, chống càn tại Yên Mô, Yên Khánh, Gia Khánh, Kim Sơn gây cho địch nhiều thiệt hại. Song song với hoạt động chống càn quét, bao vây tiêu diệt các cứ điểm địch, tỉnh ủy và ủy ban nhân dân các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh đánh phá giao thông, đẩy địch lún sâu hơn vào thế bị động…

Đồng thời với hoạt động tác chiến, quân dân đồng bằng địch hậu Bắc Bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đóng góp sức người, sức của chi viện cho mặt trận, nhất là mặt trận chính Tây Bắc - Điện Biên Phủ. Những tháng đầu năm 1954, gần 1 vạn thanh niên đồng bằng lên đường nhập ngũ bổ sung cho quân thường trực. Hàng vạn dân công từ các tỉnh đồng bằng Liên khu 3, Khu Tả Ngạn tấp nập thồ, tải súng đạn, lương thực, thực phẩm. Hội đồng cung cấp mặt trận của Liên khu và các tỉnh được thành lập. Đặc biệt tại Ninh Bình, Hòa Bình nằm trên đường tiếp viện từ Khu 3, Khu 4 lên Tây Bắc, quân và dân các huyện vùng tự do làm hàng trăm lán trại, kho tàng, xây dựng và bảo vệ Binh trạm tiền phương số 1 của Tổng cục Cung cấp. Trên các trục đường số 12, 21, 59, các “quán quân dân” ngày đêm phục vụ bộ đội, dân công hành quân ra mặt trận. Mặc dù vừa trải qua vụ đói, nhân dân các tỉnh đồng bằng vẫn tự nguyện đóng góp cho Nhà nước hàng nghìn tấn lương thực, nhiều địa phương nộp vượt chỉ tiêu quy định (5).


Ngày 13-3-1954, tiếng súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nổ ra. Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ coi đó là mệnh lệnh hiệp đồng chiến đấu, cũng là thời cơ để mở đợt tiến công lớn trên toàn địa bàn.

Ở phía hữu ngạn sông Hồng, ngày 04 và ngày 07-3, lực lượng vũ trang Hà Nội và Kiến An liên tiếp giáng 2 đòn chí tử vào căn cứ không quân Gia Lâm và Cát Bi, phá hủy 77 máy bay, đốt cháy hàng triệu lít xăng, hàng trăm tấn bom đạn, làm rung chuyển sào huyệt của địch, gây chấn động dư luận trên toàn chiến trường Đông Dương và gây xôn xao dư luận nước Pháp (6). Sau thắng lợi trên, quân và dân Tả Ngạn dồn dập mở nhiều đợt tổng công kích đánh phá Đường 5 và các tuyến đường vận chuyển chiến lược của địch.

Cùng với cả nước, quân dân Liên khu 3, Khu Tả Ngạn chủ động tiến công và tiến công giành nhiều thắng lợi. Quân dân đồng bằng Bắc Bộ tiêu diệt hơn 4.000 tên địch; tiêu diệt, bức rút, bức hàng 250 vị trí; bắn rơi, phá hủy 82 máy bay; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; giam chân quân địch, phá tan âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt” đẩy lực lượng khinh quân lên tác chiến để tập trung lực lượng cơ động tăng cường cho các chiến trường, nhất là chiến trường Điện Biên Phủ; mở rộng nhiều khu du kích, căn cứ du kích, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch trong các thành phố, thị xã, các trục đường giao thông huyết mạch và các mục tiêu trọng yếu.
Ở phía hữu ngạn, Đại đoàn 320, Trung đoàn 46 phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích Hà - Nam - Ninh tiếp tục tiến công phần còn lại của tuyến phòng thủ sông Đáy, khiến tuyến phòng thủ này từ Kim Bảng qua Thanh Liêm, Ý Yên đến Nghĩa Hưng, Kim Sơn bị đập tan. Để tránh bị ta tiêu diệt, địch buộc phải co cụm lại và liên tục cầu cứu viện binh, đưa Binh đoàn cơ động số 4 ra phòng ngự trực tiếp bảo vệ vòng ngoài Phủ Lý. Phát huy các thắng lợi, kiên quyết giam chân địch trên địa bàn không cho tiếp ứng Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang ta liên tục tập kích, đột kích quấy rối, đánh thiệt hại nặng Binh đoàn cơ động số 4 khiến chúng phải đưa về phía sau củng cố và tiếp tục giáng cho Binh đoàn cơ động số 8 (mới được thành lập thay thế Binh đoàn cơ động số 4) những đòn đau…

Ngày 7-5-1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ giành được toàn thắng, buộc thực dân Pháp phải đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. 

Một số bài học kinh nghiệm trong tình hình mới

Một là, thực tế lịch sử các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay khẳng định: vùng đồng bằng Bắc Bộ là một trong những chiến trường chủ yếu - nơi địch tập trung tiến công ngay từ đầu cuộc chiến tranh và cố kiểm soát trong toàn bộ cuộc chiến tranh để thiết lập các căn cứ hậu cần, kỹ thuật và huy động sức người, sức của phục vụ cuộc chiến. Xác định vị trí, vai trò đó, lực lượng vũ trang Quân khu 3 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình nội địa, biên giới, biển đảo, sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng khu vực tác chiến phòng thủ Quân khu, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc sẵn sàng đánh địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, trong hoạt động tác chiến, lực lượng vũ trang Quân khu cần kết hợp chặt chẽ với lực lượng của Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang các địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường phía trước và sau lưng địch nhằm căng kéo lực lượng địch, khiến chúng bị động đối phó, rơi vào thế mâu thuẫn giữa tập trung quân với phân tán lực lượng để giữ đất, giữ vùng chiếm đóng, tạo thời cơ để chiến trường phía trước và phía sau cùng tiêu diệt địch.

Thực tế cho thấy, dù địch có ưu thế ban đầu áp đảo về không quân, hải quân, hỏa lực, nhưng quyết định chiến thắng trên chiến trường cuối cùng vẫn phải do bộ binh chiếm giữ đất đai, thiết lập chính quyền tay sai. Khi địch đưa bộ binh vào chiếm đóng sẽ là thời cơ để quân dân ta phát huy cao độ thế trận chiến tranh nhân dân và sức mạnh của lực lượng vũ trang 3 thứ quân cùng lối đánh du kích “lấy ít địch nhiều”, lấy thô sơ và tương đối hiện đại để thắng hiện đại.

Ba là, quá trình phối hợp tác chiến với chiến trường trong cả nước tiêu diệt địch, lực lượng vũ trang Quân khu xác định mục tiêu tiến công chủ yếu tập trung vào cơ quan đầu não chỉ huy tác chiến của địch, cơ quan đầu não ngụy quân, sân bay, quân cảng, kho tàng, các tuyến đường vận tải chiến lược,... khiến địch bị động, lúng túng đối phó, bị thu hút và giam chân quân cơ động, gây khó khăn trong bảo đảm tiếp tế cho các chiến trường khác.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với chính trị, đấu tranh quân sự với bao vây kinh tế địch, phối hợp giữa tiến công địch với chống càn quét, phá tề, trừ gian, chống bắt lính và công tác tuyên truyền binh, địch vận làm tan rã hàng ngũ địch. Để đánh thắng được đội quân xâm lược với lực lượng đông, trang bị hiện đại, có tiềm lực về kinh tế thì hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang 3 thứ quân là chưa đủ, mà còn phải phối hợp với các lực lượng khác, với toàn thể nhân dân tiến công địch trên tất cả các mặt trận, bằng nhiều phương pháp linh hoạt làm lung lay ý chí chiến đấu của địch, giành thắng lợi cuối cùng.

Những bài học kinh nghiệm trong phối hợp hoạt động giữa quân và dân Quân khu với chiến trường cả nước và chiến trường chính có giá trị lâu dài và được vận dụng sáng tạo trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

-----------------------------------

(1) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ (13-3 - 07-5-1954), H, 1991, tr. 11.

(2) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập II, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1994, tr. 289.

(3) Khinh quân là lực lượng ngụy quân được trang bị nhẹ, chủ yếu là vũ khí do Mỹ cung cấp, thành lập từ năm 1953 tới cấp tiểu đoàn, với nhiệm vụ chính là bình định lãnh thổ, giành lại quyền kiểm soát đất đai để lực lượng cơ động Pháp được rảnh tay tập trung đối phó với chủ lực ta. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, do bị ta đánh mạnh trên khắp các mặt trận và vây hãm Điện Biên Phủ, địch thiếu quân cơ động trầm trọng, nên tại đồng bằng Bắc Bộ chúng muốn đôn khinh quân lên làm nhiệm vụ tác chiến thay quân cơ động để rút các binh đoàn cơ động tăng cường Điện Biên Phủ.

(4) Quân khu ba - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1998, tr. 259.

(5) Liên khu 3, khu Tả Ngạn cung cấp cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1.464 tấn gạo, 64 tấn thịt, 266 tấn muối, 51.66 tấn rau khô, 6.400 dân công, 1.712 chiếc xe đạp thồ, 736 chiếc xe bò, ngựa, trâu (theo Cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân khu 3 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 298).

(6) Sân bay Cát Bi nằm sâu trong vùng địch hậu, cách thành phố Hải Phòng gần 7km, được bố phòng hết sức cẩn mật. Trận tập kích sân bay Cát Bi diễn ra vào 1 giờ sáng ngày 07-3-1954 do lực lượng bộ đội Kiến An đảm nhiệm, quân số 32 đồng chí. Đêm ngày 06-3-1954, lực lượng ta chia làm 2 mũi đột nhập sân bay dùng lựu đạn, bộc phá phá hủy 59 máy bay cùng nhiều phương tiện, vũ khí của địch. Với chiến thắng này, quân và dân Kiến An được Bác Hồ gửi điện khen ngợi và tặng đơn vị tập kích sân bay Cát Bi danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi”.