Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2021 tăng 6,5%
TCCS - Ngày 28-12-2020, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã chính thức khai mạc với quy mô toàn quốc. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đại biểu đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong suốt hành trình 5 năm qua, Chính phủ đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, những góp ý thẳng thắn, cụ thể của các đại biểu Quốc hội, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan tư pháp; sự ủng hộ, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2020, do sự tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trước mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần tự hào dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP trong gần 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế đã đạt được trong năm qua, trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Trong lĩnh vực y tế, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nước ta đã kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, nỗ lực để không cho dịch tái bùng phát. Hiện vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang được tiêm thử nghiệm và tiến triển tốt. Thành quả chống dịch bệnh COVID-19 có được là ý chí của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân và đã phần nào cho thấy tính hiệu quả, nhân văn của hệ thống y tế công cộng mà Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư xây dựng từ mấy chục năm nay. Trong lĩnh vực giáo dục, với quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, xem “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, mỗi năm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục không thấp hơn 20% tổng chi ngân sách, tương đương chiếm trên 5,7% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới, vì thế chất lượng giáo dục ngày một được nâng lên.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Việc làm của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp và thiếu ổn định, nhất là dưới tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhiều địa phương đang tăng trưởng nhanh nhưng không phải địa phương nào cũng tìm được động lực tăng trưởng tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sức cạnh tranh thấp…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 tăng thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và hiệu quả cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Có thể nói, đất nước sẽ tiếp tục đón nhận nhiều cơ hội mới đan xen với những thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ phấn đấu đạt mục tiêu cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn hơn 90 năm qua.
Hội nghị đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua, nhìn lại cả chặng đường 5 năm (2016 - 2020) và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo. Nội dung này được thể hiện qua các báo cáo trình bày trong Hội nghị. Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giới thiệu dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày.
Tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo, khẳng định, năm 2020 có nhiều khó khăn, thách thức, bất ngờ lớn, tác động nhiều mặt tới nước ta và toàn thế giới. Kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm tới gần 4%. Trong nước, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng trong bối cảnh đặc biệt đó, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Cụ thể: ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức, tính ưu việt của chế độ, các truyền thống tốt đẹp, ý chí của dân tộc ta được phát huy và đưa lên tầm cao mới. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên 4 nhóm phương hướng, nhiệm vụ lớn sau:
Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2021 và nhiệm kỳ tới là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất - kinh doanh bị suy giảm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn. Việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tài chính - ngân hàng; công tác bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội đứng trước nhiều rủi ro, thách thức…
Thứ hai, cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn công cuộc đổi mới. Xác định rõ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; thu hút, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt kế hoạch hằng năm, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 gắn với Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong quá trình này, cần tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các vùng và khu vực; phát triển bền vững kinh tế biển, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, luôn kiên định với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Luôn phải có các chính sách, biện pháp phù hợp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy cao độ giá trị văn hóa, sức mạnh con người. Chú trọng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách, biện pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thường xuyên quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Thứ tư, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược, bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới theo hướng: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo, gắn với cơ chế phát hiện, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, xã hội số… Trên cơ sở những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự tin tưởng, với niềm tin, khí thế và động lực mới, Chính phủ và chính quyền địa phương cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm nỗ lực cao hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sắp tới.
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 1,5 ngày từ ngày 28 đến ngày 29-12-2020./.
Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo  (27/12/2020)
Bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  (18/12/2020)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên