TCCS - Ở Việt Nam, tai nạn giao thông được thẳng thắn nhìn nhận là “thảm họa”, bởi những hậu quả to lớn nó gây ra đối với kinh tế - xã hội, nhất là những tổn thương tinh thần không thể khắc phục. Phòng, tránh, khắc phục tai nạn giao thông được Đảng, Nhà nước và nhân dân coi là một nhiệm vụ rất quan trọng mang tầm quốc gia.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông góp phần ngăn ngừa tai nạn giao thông_Nguồn: baotayninh.vn

Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam

Nhiều nhà nghiên cứu xã hội và dư luận đều xác định, tai nạn giao thông ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, có mức độ thảm khốc hơn cả những cuộc chiến tranh thời hiện đại, nếu đem so sánh về số người thương vong, thiệt hại kinh tế - xã hội và nỗi đau tinh thần cho người ở lại. Theo thống kê, trung bình hằng năm, ở Việt Nam có khoảng 8.000 người chết, 15.000 người bị thương khi tham gia giao thông; thiệt hại về mặt kinh tế ước tính 5 - 12 tỷ USD và thiệt hại về tinh thần là vô cùng to lớn.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và ý thức tham gia giao thông được nâng lên của người dân, tình hình tai nạn giao thông đang có xu hướng cải thiện. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí: Tổng số xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông (giảm hơn 7%), làm chết 3.810 người (giảm hơn 7,5%), bị thương 6.358 người (giảm hơn 9,6%); cả nước có 47 tỉnh, thành phố giảm được số người chết do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2018. Đây được đánh giá là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại, những con số trên là khó chấp nhận, khi mỗi ngày trong số những người tham gia giao thông tại Việt Nam sẽ có khoảng 20 người không bao giờ trở về nhà được nữa.

Có nhiều nghiên cứu khác nhau, từ cả các chuyên gia trong và ngoài nước, giải mã các nguyên nhân về tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam. Về cơ bản, có thể phân chia thành các nhóm nguyên nhân:

Do nhận thức, trách nhiệm, văn hóa của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông không tốt.

Qua các báo cáo, nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt là các thảm kịch gây tử vong là do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Thực tế đã nảy sinh ra vô vàn nghịch cảnh, chất chồng thêm bi kịch khi ngày vui trở thành ngày buồn và ngày buồn càng trở thành buồn hơn, do sau các cuộc “ma chay, hiếu, hỉ” nhiều người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và trở thành nạn nhân hoặc là người gây tai nạn giao thông; trong những ngày vui chung, đại lễ của đất nước, số vụ, số người thương vong vì tai nạn giao thông đều tăng vọt, nhiều số phận đã không còn có thể hòa cùng niềm vui chung của đất nước chỉ vì “nhỡ” quá chén hoặc là nạn nhân của những người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…

Văn hóa giao thông của nhiều người Việt Nam vẫn là điều đáng buồn, thậm chí là đáng xấu hổ. Bất cứ lúc nào, ở đâu, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đều có thể chứng kiến các hành vi vi phạm an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, như phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành các tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, lấn làn, sai làn… Giờ cao điểm đông người tham gia giao thông lại xảy ra tình trạng các phương tiện chen lấn, hỗn loạn. Vào các giờ thấp điểm, ban đêm, lượng xe ít, lại diễn ra tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu… Luật An toàn giao thông thường xuyên bị vi phạm, do cả nguyên nhân cố tình vi phạm hoặc thiếu hiểu biết, nhưng không ít người coi đó là chuyện bình thường, thậm chí là một cách “thể hiện bản thân”. Hậu quả là, từ vi phạm luật giao thông đến tai nạn giao thông chỉ là trong tích tắc.

Do quản lý an toàn giao thông của các cơ quan nhà nước còn yếu kém.

Các báo cáo của các cấp quản lý an toàn giao thông cũng đều thẳng thắn thừa nhận, những tồn tại của tình hình tai nạn giao thông là do công tác quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ. Thể hiện qua một số mặt sau:

Công tác quản lý về hoạt động giao thông vận tải còn bất cập. Trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện vẫn còn nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng nhiều chủ phương tiện tham giao thông có thể chưa đủ năng lực điều khiển lẫn hiểu biết về các quy định an toàn giao thông; nhiều phương tiện tham gia giao thông không bảo đảm chất lượng, độ an toàn,… Những điều đó làm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra an toàn giao thông bất cứ lúc nào.

Năng lực, chất lượng công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông, kinh doanh vận tải, quản lý kỹ thuật phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông chưa tốt. Ở góc độ vĩ mô chưa dự báo tốt và có chiến lược, quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn một cách khoa học, hiệu quả về giao thông. Ở góc độ quản lý thường xuyên, vẫn còn một số tồn tại, như việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông còn nhiều hạn chế, tập trung tại một số địa bàn, trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm, tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra… Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm dẫn tới thiếu tính răn đe, thiếu hiệu quả. Trong khi đó, hiện tượng tiêu cực trong thực thi công vụ vẫn tồn tại, biểu hiện như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có biểu hiện né tránh, thiếu trách nhiệm, nhận hối lộ, làm trái quy định trong xử lý vi phạm giao thông… Những điều đó càng làm cho nhận thức, văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông trở nên xấu hơn và cũng khiến cộng đồng, xã hội chưa thực sự quan tâm tới vấn nạn giao thông hiện nay.

Do kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông còn yếu kém, lạc hậu.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, như do đã sử dụng nhiều năm, phải gánh một lượng tham gia giao thông khổng lồ làm quá tải, chất lượng thi công công trình và sửa chữa công trình thấp và bất cập, do hứng chịu thiên tai và cả sự phá hoại vô tình hoặc cố ý của một số người khi sử dụng vỉa hè, thậm chí lòng đường, để kinh doanh, mua bán, sinh hoạt… nên chất lượng một số công trình hạ tầng giao thông đang có sự xuống cấp nghiêm trọng, có thể thường xuyên bắt gặp tình trạng sụn lún, sạt lở, bong nứt, “ổ gà, ổ voi” trên mặt đường, nhất là ở những nơi có số lượng phương tiện giao thông lớn. Độ an toàn của nhiều phương tiện tham gia giao thông thấp. Có thể bắt gặp hằng ngày vô số những chiếc xe gắn máy, ô tô cũ kỹ, các loại phương tiện giao thông lạc hậu khác; đồng thời, việc giữ an toàn giao thông cho các thiết bị công cộng như xe lửa, xe khách cũng được thực hiện với những điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu. Đó cũng là những lý do tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn chưa mạnh mẽ.

Để phòng, tránh tai nạn giao thông hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên điều này vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ. Điều đó dẫn tới chưa huy động được sức mạnh của cả cộng đồng để tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ đủ để tạo ra áp lực, nhận thức buộc mọi người tham gia giao thông lẫn các lực lượng chức năng phát huy đầy đủ nhận thức, năng lực làm giảm thiểu rủi ro, tai nạn giao thông không đáng có.

Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia giao thông_Nguồn:  mt.gov.vn

Kiến nghị một số giải pháp

Một là, cần tăng cường hơn sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4-9-2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP, ngày 24-8-2011, của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; "Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và các chỉ thị, chính sách, quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Trong giải pháp này, cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu đơn vị, địa phương.

Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng các cấp cần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn giao thông, lãnh đạo, quản lý việc quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông hiệu quả, cần xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về an toàn giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý phương tiện giao thông

Hai là, đẩy mạnh công tác quản lý, thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việt Nam đang đề cao việc xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luận trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đối với lĩnh vực giao thông càng cần thực hiện quyết liệt bởi ở đây đang diễn ra “thảm họa” về tai nạn giao thông. Có thể thấy rằng, khi nào và ở đâu, việc quản lý, thực thi pháp luật về giao thông được tiến hành thường xuyên, đúng quy định thì tình hình trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm, tai nạn giao thông được giảm thiểu và ngược lại. Thực thi pháp luật mạnh mẽ không chỉ có tác dụng phát hiện và ngăn chặn kịp thời mà còn có tác dụng to lớn trong việc răn đe, làm gương, tạo ý thức, thói quen, hành vi đúng đắn của người dân khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trong công tác này cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với chính các hành vi vi phạm của người thực thi công vụ, như bao che, không xử lý nghiêm đối với các sai phạm, nhận hối lộ, cố tình làm sai lệch các vi phạm…

Ba là, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia giao thông. Các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư trọng điểm vào các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông ở những tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia đông, các tuyến huyết mạch, những nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông

Bốn là, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ để có hành vi đúng đắn trong tham gia giao thông, ngăn ngừa hiểm họa tai nạn giao thông. Công tác tuyên truyền phải bảo đảm đồng bộ, khoa học, tiến hành toàn diện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Phương châm là phải bảo đảm tính “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo”, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Bảo đảm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tạo ra phong trào toàn dân thực hiện an toàn giao thông, văn hóa tham gia giao thông.

Năm là, đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể tham gia giao thông. Đối với người tham gia giao thông, đó là quá trình từ đào tạo điều kiện tham gia giao thông đúng thực chất, bảo đảm chất lượng; đồng thời luôn cập nhật các thông tin mới trong tham gia giao thông. Đối với các lực lượng chức năng và các ngành liên quan lĩnh vực giao thông là yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng đạo đức công vụ lẫn trình độ, kỹ năng phục vụ công việc với yêu cầu ngày một cao hơn về chất lượng, thể hiện qua chất lượng công trình, khả năng làm chủ tình hình, tình huống giao thông theo đúng nguyên tắc thượng tôn pháp luật, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.