TCCS - Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua được đánh giá là chặt chẽ, minh bạch, không để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, nhưng về tiến độ lại rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, bên cạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội_Ảnh minh họa/ TTXVN

1. Trong quá trình đổi mới, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đây vừa là đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn phải nâng cao hiệu quả sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, vừa là yêu cầu của các cam kết hội nhập quốc tế. Nhiều biện pháp đã được áp dụng, từ việc giao, bán, khoán, cho thuê đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mục đích của cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là đổi mới quản trị, kêu gọi được công nghệ, mời gọi được vốn đầu tư, qua đó, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp này đã được sắp xếp một bước; hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước, đa phần là vừa và nhỏ, đã thay đổi mô hình tổ chức, quản lý trở thành công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty tư nhân,… sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đem lại thu nhập cho người lao động. Mặc dù có những sai lầm, yếu kém nhất định, còn tình trạng làm thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, nhưng nhìn chung, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều thay đổi, tiến bộ, hoạt động thực chất, hiệu quả và bền vững hơn. Các doanh nghiệp nhà nước ngày càng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Các doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước có nhiều cải thiện. Một số tập đoàn, tổng công ty áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới; làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; có đóng góp quan trọng vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước có những đổi mới theo hướng tự chủ, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn. Công tác quản lý doanh nghiệp phù hợp hơn với cơ chế thị trường, tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu với quyền quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định, cũng như tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành kinh tế trong xây dựng chiến lược phát triển ngành, quản lý theo ngành, lĩnh vực. Doanh nghiệp nhà nước thực sự là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

2. Để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu nhiệm vụ đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước tiếp tục xác định cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ngày 10-7-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 991/TTg-ĐMDN phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; năm 2018: 64 doanh nghiệp; năm 2019: 18 doanh nghiệp và năm 2020: 1 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc diện cơ cấu lại đã tiến hành nhiều công việc liên quan như xác định giá trị doanh nghiệp, xác định các tiêu chí để lựa chọn cổ đông chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực... để chuẩn bị cho chiến lược phát triển sau cổ phần hóa.

Kết quả, năm 2016 cả nước đã cổ phần hóa được 66 doanh nghiệp; năm 2017: 69 doanh nghiệp; năm 2018: 12 doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 4 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 680,86 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, đã IPO 5 doanh nghiệp, 1 đơn vị sự nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng. 

Lũy kế từ 2016 đến 16-10-2019, cả nước cổ phần hóa 162 doanh nghiệp (trong đó có 35 doanh nghiệp thuộc danh sách theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN, đạt 27,5% kế hoạch đề ra) với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại là 205.433,20 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011 - 2015 (189.509 tỷ đồng).

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2019, đã thoái vốn nhà nước tại 30 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách), trong đó, số doanh nghiệp thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg là 10 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 1.011,384 tỷ đồng, thu về 2.007,768 tỷ đồng. Lũy kế từ 2016 đến 16-10-2019, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg (đạt 21,8% kế hoạch đề ra) với giá trị sổ sách 4.801,432 tỷ đồng, thu về 9.115,042 tỷ đồng. Tổng hợp từ năm 2016 đến 16-10-2019, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt hơn 218.255,691 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).

Mặc dù tốc độ cổ phần hóa còn chậm so với kế hoạch nhưng chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được nâng cao hơn nhiều. Trong giai đoạn trước năm 2016, còn có nhiều trường hợp đánh giá không đúng giá trị tài sản doanh nghiệp, xử lý tài chính sai nguyên tắc, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin về chính sách cổ phần hóa. Vì vậy, từ năm 2016, Chính phủ ban hành một loạt nghị định, thể chế hóa pháp luật cổ phần hóa, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước. Việc áp dụng các chính sách mới về cổ phần hóa đã làm cho quá trình này tuân thủ pháp luật, quy luật thị trường, định giá tài sản theo thông lệ quốc tế, bao gồm giá trị tài sản doanh nghiệp, giá trị đất đai, thương hiệu, lịch sử văn hóa,... Quy trình chặt chẽ trong cổ phần hóa làm cho chất lượng cổ phần hóa cao hơn, tài sản nhà nước không bị thất thoát và bảo đảm cổ phần hóa đúng đối tượng. Sau khi đã cổ phần hóa, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá trị doanh nghiệp được thị trường phản ánh, phải thực hiện theo quản trị doanh nghiệp của công ty niêm yết, có sự giám sát của thị trường, càng làm cho quá trình cổ phần hóa công khai, minh bạch.

Qúa trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần xử lý nhiều vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện_Ảnh: Tư liệu

3. Ngày 15-8-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, cụ thể, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Đây là một kế hoạch rất tham vọng nếu xét đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn rất chậm, “nhỏ giọt” (trong gần 3 năm, số doanh nghiệp cổ phần hóa mới đạt 27,5% kế hoạch cho giai đoạn 2017 - 2020). Nguyên nhân chủ quan của tình trạng trên là do còn thiếu sự quyết liệt của doanh nghiệp và cả địa phương, bộ, ngành, mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn. Người đứng đầu một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Nguyên nhân khách quan là do để khắc phục những “sơ hở”, “lỗ hổng” trong quy trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tránh gây thất thoát tài sản, đất đai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng, ban hành thêm các cơ chế, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ở góc độ khác, điều này khiến quy trình thực hiện kéo dài hơn, tiếp tục làm chậm quá trình cổ phần hóa so với kế hoạch. Ví dụ, việc xác định giá trị doanh nghiệp để tránh thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán đấu giá. Nếu như trước đây, doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng mới phải mời cơ quan kiểm toán vào kiểm toán để xác định giá trị tài sản, thì quy định hiện nay doanh nghiệp nhà nước có giá trị trên 1.800 tỷ đồng đã bắt buộc phải thực hiện kiểm toán để xác định giá trị tài sản.

Một số khó khăn, vướng mắc khác xuất phát từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai, phạm vi hoạt động rộng đòi hỏi quá trình xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp và bán cổ phần lần đầu phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, một số nghị định hướng dẫn thực hiện các nội dung nêu trên còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng, minh bạch, chồng chéo và thiếu tính khả thi. Ðiều đó khiến nhiều doanh nghiệp có địa bàn hoạt động trải dài, có nhiều diện tích đất như Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1)... gặp khó khăn trong việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất. Ðặc biệt, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, ngày 8-3-2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13-10-2015, của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đưa ra nhiều quy định mới về định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử... khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần nhà nước. Ðây là biện pháp ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tuy nhiên, thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này được ban hành chậm và có những điểm chưa hợp lý dẫn tới các đơn vị thẩm định giá và doanh nghiệp rất lúng túng.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa. Điều này cũng làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề đất đai. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng được phương án sử dụng đất, coi đây là tiền đề để xây dựng phương án cổ phần hóa. Với phương án sử dụng đất, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, ngày 16-11-2017, của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, quy định các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Việc này gây nhiều khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, kéo dài quá trình cổ phần hóa vì nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp qua một thời gian dài rất phức tạp. Một số doanh nghiệp lớn có sử dụng đất ở rải rác nhiều địa phương, ví  dụ như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có 4.270 mảnh đất trên 63 tỉnh, thành phố cả nước; nếu vướng mắc về thủ tục với một vài mảnh đất, ở một vài địa phương, thì toàn bộ phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp chưa được phê duyệt.

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, nếu như Nghị định số 126/2017/NĐ-CP không đề cập đánh giá lợi thế quyền thuê đất trong giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thì đến Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, lại quy định đánh giá lợi thế quyền thuê đất. Thực tế này khiến doanh nghiệp tư vấn khá lúng túng khi xác định giá trị doanh nghiệp. Theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, việc xác định chênh lệch lợi thế quyền thuê đất để định giá trị doanh nghiệp rất khó khăn, bởi thẩm quyền xác định giá đất là do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chỉ cần ách tắc ở một địa phương nào đó là ảnh hưởng đến kế hoạch cổ phần hóa của cả một tổng công ty, tập đoàn lớn.

Cổ phần hóa, thoái vốn là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cổ phần hóa thời gian qua được đánh giá là chặt chẽ, minh bạch, không để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, nhưng về tiến độ lại rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trước nguy cơ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị ách tắc, trì trệ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn  theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt để xác định, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở triển khai, hoàn thành trong hai năm còn lại của kế hoạch, năm 2019 và 2020.

Các bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị các công việc liên quan để có thể triển khai ngay và có kết quả kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy nhanh việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn.

Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các doanh nghiệp đối với những trường hợp chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn và trì hoãn niêm yết trên sàn chứng khoán. Tăng cường trách nhiệm bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong việc hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định./.

------------------------------

(*) Trong bài sử dụng số liệu từ Báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 8-7-2019 và ngày 16-10-2019.