Công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới

Trần Việt Dũng
08:42, ngày 05-05-2016
TCCSĐT - Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ban hành theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống người dân ở nông thôn. Đây là công cuộc cải biến sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội nông thôn và nông dân, đòi hỏi cộng đồng nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Để động viên được cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện để nông nghiệp, nông thôn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nông dân như miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, công trình thủy lợi; đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; đầu tư, hỗ trợ phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn,... Đây là những tiền đề quan trọng để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người nông dân về vật chất, tinh thần là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân. Tư tưởng, quan điểm nêu trên được phổ biến, quán triệt đến mỗi cán bộ, đảng viên và nông dân thông qua công tác tuyên truyền với các hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú.

Triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng, đa dạng

Cấp ủy các cấp đã quán triệt Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đưa nội dung xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị, thường xuyên được bàn thảo trong sinh hoạt thường kỳ. Tổ chức cơ sở đảng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mà xác định vai trò của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ hay trực tiếp lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội lồng ghép nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong hoạt động thường xuyên; quán triệt tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động tinh thần, ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đã tổ chức phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, cấp mình, gắn phong trào thi đua với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong các tổ chức của hệ thống chính trị góp phần tạo chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực, tự giác hưởng ứng, tham gia.

Ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân,... đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới; vai trò chủ thể của người nông dân trong tổ chức thực hiện; đồng thời phát động đoàn viên, hội viên đẩy mạnh tuyên truyền qua những tấm gương, điển hình, qua các hình thức tuyên truyền “miệng”, tạo hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xây dựng nông thôn mới đối với bản thân và cộng đồng, từ đó, thay đổi thái độ, tích cực tham gia.

Trong công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về các cấp Hội Nông dân. Ngoài công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố còn tập trung chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân; tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình, các tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới để cơ sở học tập, tham khảo, vận dụng. Đồng thời, Hội Nông dân một số tỉnh, thành phố còn phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình điểm, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân và đưa nội dung tuyên truyền, phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới vào ký kết giao ước thi đua hàng năm. Qua đó, các cấp hội đã nắm bắt và triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả tích cực. Ở một số tỉnh, thành phố, Hội Nông dân đã biên soạn các tiêu chí thành tài liệu, tờ bướm, áp phích với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền ở các điểm tập trung đông dân cư, như chợ, nhà văn hóa, văn phòng Ủy ban nhân dân,… giúp nông dân hiểu rõ các tiêu chí nông thôn mới.

Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình, báo, tạp chí, Cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương được triển khai một cách đa dạng, phong phú. Thông qua đó, các chủ trương, chính sách và phương pháp tiến hành xây dựng nông thôn mới được thông tin, phổ biến sâu rộng, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới. Các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và các địa phương thường xuyên đăng tải các tin, bài, phóng sự, mở các chuyên trang, chuyên mục về các hoạt động, các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự lan tỏa kinh nghiệm, cách làm để các địa phương có thể học tập, áp dụng; nhân rộng các mô hình tốt, các phong trào thi đua có hiệu quả, kết hợp với tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phổ biến cách làm hay, sáng tạo để phong trào lan tỏa sâu rộng tới các địa phương, đơn vị.

Báo đài một số bộ, ngành, địa phương đã xây dựng các chuyên mục; phát động, tổ chức các cuộc thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới; biên soạn và phát hành sổ tay, tờ gấp, tờ rơi, tài liệu “Hỏi - Đáp” và các bộ ảnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; lồng ghép công tác tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt. Một số cách làm rất hiệu quả như: Báo Nhân dân mở chuyên mục tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục phổ biến kiến thức khoa học xây dựng nông thôn mới như: “Dạy nghề”, “Bạn của nhà nông”, “Cùng nông dân bàn cách làm giàu”, “Nhà nông cần biết”, “Sinh ra từ làng”. Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên nâng cao chất lượng tuyên truyền, cải tiến hình thức thể hiện, tăng thời lượng, chuyên mục, chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu như: “Hướng tới nông thôn Việt Nam no ấm, giàu đẹp, văn minh” (Hệ VOV1), “Nhân vật và sự kiện” (Hệ VOV2), “Xây dựng nông thôn mới, chuyên mục hôm nay” (Kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam)... Thành phố Hồ Chí Minh đưa nội dung thực hiện phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” vào sinh hoạt định kỳ của các chi bộ. Tỉnh Vĩnh Phúc biên soạn phát hành 400.000 tờ gấp, bộ ảnh tuyên truyền về nông thôn mới phát đến hộ gia đình ở nông thôn. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai phát hàng ngày mục “Gương sáng buôn làng” và mở chuyên mục tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới bằng 03 thứ tiếng (phổ thông, Bahna, Jrai)...

Những nỗ lực tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả khả quan. Sau 5 năm thực hiện, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã. Đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới

Đóng góp của công tác tuyên truyền trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thể hiện trên các mặt:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới, từ đó, có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ triển khai thiết thực. Công tác tuyên truyền đã góp phần quán triệt các quan điểm của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Ý thức rõ vai trò của mình trong nhiệm vụ chính trị đó, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động với mục tiêu cụ thể, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới; tích cực hưởng ứng, cụ thể hoá, vận dụng các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ chung vào điều kiện cụ thể của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương. Nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đã đăng ký, triển khai chương trình phối hợp, giúp đỡ các địa phương xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số tỉnh, thành phố phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi mô hình điểm; định kỳ trực tiếp về xã, thôn để nghe và cho ý kiến về cách làm, hướng đi; phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từng xã điểm. Tương tự như vậy ở cấp huyện, có huyện phân công từng phòng, ban chỉ đạo, giúp đỡ xã, thôn; có nơi cụ thể hóa từng tiêu chí thành nhiều nội dung, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp huyện, cấp xã và thôn, ấp, hộ gia đình.

Thứ hai, công tác tuyên truyền góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức trong cán bộ, hội viên nông dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, đa số nông dân đã nhận thức rằng xây dựng nông thôn mới là công việc của chính nông dân với sự hỗ trợ của Nhà nước; thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn chính nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Nhiều hội viên, nông dân đã xác định vai trò nông dân là chủ thể và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nội lực trong cộng đồng để xây dựng nông thôn mới; tự giác đóng góp tiền, công lao động, vật tư, hiến đất… để tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội. Nông dân ở nhiều địa phương tích cực tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch, đề án, dự án trong chương trình nông thôn mới; tổ chức triển khai hoặc giám sát quá trình triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tự quản trong duy trì nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Tóm lại, làm tốt công tác tuyên truyền đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của nông dân, khơi dậy tính tích cực của họ, đưa sự nghiệp xây dựng nông thôn mới thành phong trào hành động sáng tạo của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự tham gia tích cực, chủ động của nông dân là nguyên nhân quan trọng đưa đến kết quả chung của chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua.

Thứ ba, thông qua công tác tuyên truyền, những mô hình hiệu quả, những cách làm hay có điều kiện lan tỏa để các địa phương có thể áp dụng. Đồng thời, những lệch lạc, bất cập trong triển khai cũng được cảnh báo để các đơn vị, địa phương khác rút kinh nghiệm. Ví dụ, qua đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo điểm trong xây dựng nông thôn mới, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tập trung nguồn lực nhân rộng các mô hình tốt, các phong trào thi đua có hiệu quả, kết hợp với tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phổ biến cách làm hay, sáng tạo, từ đó phong trào có sức lan tỏa sâu rộng tới các địa phương, đơn vị.

Mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thời gian tới còn rất nặng nề, đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực, hiệu quả, trong đó, cần chú trọng một số định hướng sau:

- Cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là tuyên truyền các tiêu chí, các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện cho hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

- Công tác tuyên truyền phải gắn liền với công tác vận động nông dân để nông dân thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới bằng các hành động cụ thể. Ở đây, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền của các cấp Hội Nông dân bằng các hình thức, biện pháp cụ thể, phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng địa phương. Tiếp tục tuyên truyền nhằm quán triệt việc triển khai thực hiện thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.

- Các cơ quan thông tin, báo chí tiếp tục phổ biến mục tiêu, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền trực quan và theo chuyên đề; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong công tác tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới./.