TCCSĐT - Hậu Giang là tỉnh thuần nông nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là việc làm có ý nghĩa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả, nhưng không ít khó khăn, thách thức cần có những giải pháp phù hợp hơn nữa trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được làm nền tảng cho những năm tiếp theo

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH, ngày 18-6-2013, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH, ngày 20-6-2013, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; và Chương trình số 04/CTr-UBND, ngày 20-5-2011, của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015. Sau hơn 2 năm triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, tỉnh đã đạt được những kết quả như sau:

Trước hết, tỉnh đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo, thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng, nhất là tăng trưởng ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực I bình quân tăng 3,5% - 4%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Thứ tư, đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 22 triệu đồng/người/năm. Trong đó: 11 xã Nhóm I đạt 29 triệu đồng/người/năm, 17 xã Nhóm II đạt 25 triệu đồng/người/năm, 16 xã còn lại (Nhóm III) đạt 20 triệu đồng/người/năm. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015.

Thứ năm, việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp phải đi đôi với việc đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay đã có 70% nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; có 10% - 15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; 70% - 80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ dùng lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương trên 80%; nhóm cây ăn quả có múi, mía, rau màu, khóm sử dụng 90% - 100% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; bảo đảm trên 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao.

Thứ sáu, xây dựng, hoàn thành 10 nhãn hiệu nông sản chủ lực, trong đó có 3 - 5 loại nông sản là bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những sản phẩm có lợi thế của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên, năng suất cao, chất lượng tốt và sản xuất hiệu quả kinh tế cao.

Thứ bảy, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường; việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp bảo đảm gắn với tiêu chí bảo đảm về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên tỉnh đã chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

Thứ tám, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp góp phần đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã khác trên địa bàn (Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy; Trường Long Tây, huyện Châu Thành A; Đông Thạnh, huyện Châu Thành; Thuận Hưng, huyện Long Mỹ; Phương Phú, huyện Phụng Hiệp; Vị Thủy, huyện Vị Thủy) đang nỗ lực để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2016. Đến cuối năm 2015, tất cả các xã trong tỉnh đạt từ 9/19 tiêu chí trở lên. Thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới” vào năm 2016.

Sau gần 3 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang đã rút ra các bài học kinh nghiệm bước đầu: Lãnh đạo các cấp chỉ đạo quyết liệt để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Kết hợp nhiều chương trình và nhiều nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần lưu chuyển hàng hóa trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cũng phải điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới sao cho phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang còn không ít khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề đặt ra, đó là: Một số huyện, xã cán bộ chưa thực sự cương quyết, chưa chủ động triển khai chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi cán bộ còn có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên. Mặt khác, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro; thiên tai, xâm thực mặn, dịch bệnh khó lường ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi và kết quả sản xuất nông nghiệp. Kế đến là vấn đề vốn đầu tư: Là tỉnh chưa có nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, thu nhập người dân còn thấp nên nhiều công trình giao thông chủ yếu dựa vào vốn nhà nước, nhưng nguồn vốn nhà nước không nhiều so với nhu cầu thực tế. Theo dự báo và tính toán, năm 2017 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 29% nhu cầu, nhưng khả năng phân bổ chỉ mới được gần 1.200 tỷ đồng. Tiếp theo là một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp còn chưa đồng bộ, như chưa dự báo được nhu cầu thị trường, nhất là thị trường cho các mặt hàng nông sản chủ lực; nguồn nhân lực qua đào tạo còn thiếu, người dân thiếu vốn nhưng khả năng tiếp cận vốn vay rất hạn chế.

Cần nhiều giải pháp tích cực hơn nữa trong thời gian tới

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2015 - 2020, đặc biệt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương GRDP bình quân trên 7%/năm, trong đó khu vực I: 3%, khu vực II: 13,28%, khu vực III: 8,26%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đến năm 2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt: tỷ trọng khu vực I: 24,34%, khu vực II: 27,38% và khu vực III: 48,28%. Đồng thời, đến năm 2020, toàn tỉnh phải xây dựng thành công 16 xã nông thôn mới đạt 19 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Trong thời gian tới, Hậu Giang cần có những giải pháp chủ động, tích cực hơn để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:

Một là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xác định và phát triển các nông sản chủ lực; phối hợp vận hành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát; tạo ra cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp; nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng giảm giá thành, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh.

Hai là, hoàn chỉnh quy trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chuyển giao nhanh cho nông dân. Trên cơ sở tổng hợp từ các đề tài khoa học đã được ứng dụng vào thực tiễn, hoàn thiện quy trình sản xuất cho các sản phẩm chủ lực và chuyển giao cho nông dân về hướng dẫn kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng Viet GAP, Global GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm … nhằm hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và khả năng cạnh tranh thị trường.

Ba là, tăng cường đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho người dân nông thôn. Tập trung đào tạo nghề cho nông dân trong vùng quy hoạch 10 sản phẩm chủ lực, mỗi năm 4.000 - 5.000 lao động; đào tạo gắn kết xây dựng mô hình thực tiễn tại địa phương, khu vực quy hoạch. Triển khai tốt đề án cơ giới hóa có điều chỉnh bổ sung thêm bảo quản sau thu hoạch, đề án làng nghề để phát triển loại hình dịch vụ nông nghiệp mà nền tảng là câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới.

Bốn là, tiếp tục củng cố, nâng chất lượng, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất mới, phát triển dịch vụ nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Tập trung củng cố, nâng chất lượng đi vào chiều sâu 103 hợp tác xã nông nghiệp, khắc phục 06 điểm yếu (không có trụ sở, không có dự án tốt, không có sổ sách hạch toán rõ ràng, không có tài sản thế chấp, không có hợp đồng bao tiêu, không có vốn điều lệ bảo đảm). Phát huy mạnh mẽ loại hình tổ hợp tác và kinh tế trang trại; đồng thời phát triển thêm các hợp tác xã kiểu mới nằm trong vùng các sản phẩm chủ lực. Loại hình hợp tác xã phải có ít nhất 01 trong 04 khâu: Bơm tưới, giống, dịch vụ cơ giới, đầu mối thu gom nông sản để ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

Năm là, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất tập trung cánh đồng lớn cung cấp lượng hàng hóa nông sản cho thị trường trong và ngoài nước; phát triển dịch vụ khu vực nông thôn như: dịch vụ cung ứng giống, vật tư; dịch vụ thủy lợi; dịch vụ làm đất; dịch vụ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; dịch vụ chế biến; dịch vụ lưu thông phân phối;…

Sáu là, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân nhằm bảo đảm tiêu thụ ổn định, bền vững các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những vùng sản xuất tập trung lớn và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Bảy là, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, giới thiệu và vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư... tạo điều kiện giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hình thành hệ thống thu mua các mặt hàng nông sản theo hướng chợ đầu mối, để làm đối tác với các đơn vị trong và ngoài nước đến đặt hàng; dự kiến có 05 điểm đầu mối: Chợ trái cây Ngã Bảy, Châu Thành; Chợ thủy sản Nàng Mau, Phương Bình; Chợ khóm Cái Tư; 02 điểm dừng chân để giới thiệu sản phẩm: Ngã Bảy và Châu Thành A. Ngoài ra, khi có đủ điều kiện mở thêm 03 điểm giới thiệu sản phẩm tại 03 chợ đầu mối lớn: chợ đầu mối thành phố Hồ Chí Minh, chợ Đà Nẵng và chợ Long Biên Hà Nội; đồng thời, chủ động tìm kiếm để phát triển thị trường mới, giảm thiểu những rủi ro khi thị trường truyền thống có biến động.

Đồng thời, cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tham gia xây dựng, nhân rộng nhãn hiệu đã được chứng nhận.

Tám là, hoàn thiện bộ máy tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trên cơ sở đề án được duyệt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hoàn thiện tổ chức bộ máy, trong đó tập trung hướng về cơ sở. Đến hết năm 2015, đầu năm 2016, mỗi đơn vị xã có 01 kỹ sư nông nghiệp về phục vụ tại địa phương (hiện nay đã đưa về: 57 kỹ sư, 58 cao đẳng, và 52 trung cấp đang học liên thông đại học).

Chín là, phòng chống thiên tai - dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Các địa phương, đơn vị cụ thể hóa kế hoạch hành động số 02/KH-UBND, ngày 08-01-2009 thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Cần tập trung nâng cao ý thức cộng đồng để dân biết phòng tránh; lồng ghép để kêu gọi các nguồn lực từng bước đầu tư cho 30 chương trình, dự án trong kế hoạch, để Hậu Giang có bước chuẩn bị tốt cho diễn biến khí hậu, thời tiết bất thường trong tương lai./.