TCCSĐT - Ủy ban bầu cử các tỉnh công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình thương yêu cho trẻ em; Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội; Lễ mít tinh quốc gia nhân ngày Môi trường thế giới; Trao danh hiệu 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tây Ninh cần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tiếp tục phát triển; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tại Lâm Đồng... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Ủy ban bầu cử các tỉnh công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp

Ủy ban Bầu cử tỉnh Trà Vinh thông báo, tỉnh đã bầu đủ 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV; bầu 49 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thiếu 1 đại biểu so với chỉ tiêu được ấn định; bầu được 297 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, thiếu 3 đại biểu so với số đại biểu được ấn định; bầu 2.879 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, thiếu 23 đại biểu so với số đại biểu được ấn định. Theo quy định, do số đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ở Trà Vinh đã được bầu đạt hơn 2/3 số đại biểu được ấn định, nên Trà Vinh không tổ chức bầu cử thêm.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Tuyên Quang, tỉnh đã bầu đủ 6 đại biểu Quốc hội; 59 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và 252 đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, thành phố. Có 6 đơn vị phải tiến hành bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân xã vì bầu không đủ số lượng đại biểu được ấn định.

Ủy ban Bầu cử Tiền Giang cho biết, tỉnh đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội được ấn định là 8 đại biểu. Đã bầu đủ 64 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa IX; 396 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện (số đại biểu được ấn định là 397 người) và 4.741 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã (số đại biểu được ấn định là 4.751 người).

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Long An, tỉnh đã bầu đủ 8 đại biểu Quốc hội khóa XIV theo số lượng được ấn định.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Hà Nam, tỉnh bầu đủ 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, số đại biểu trúng cử là 48/49 đại biểu; đại biểu trúng cử Hội đồng Nhân dân cấp huyện là 210/210 đại biểu; đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã có 2.897/3.026 đại biểu trúng cử, thiếu 129 đại biểu. Tỉnh Hà Nam có 19 đơn vị phải tiến hành bầu cử thêm 44 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã do chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

Tỉnh Phú Yên đã bầu đủ số lượng 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đã bầu đủ 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân; bầu 295 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 2.944 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Tỉnh Phú Yên có 6 khu vực bỏ phiếu bầu cử Hội đồng Nhân dân thành phố Tuy Hòa thuộc đơn vị bầu cử số 2 (phường 2, thành phố Tuy Hòa) phải tiến hành bầu cử thêm do bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được ấn định.

Tỉnh Yên Bái đã bầu được 6 đại biểu Quốc hội. Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh khóa XVIII, có 59 đại biểu trúng cử. Đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện có 322 đại biểu trúng cử. Đối với bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã, số đại biểu được bầu là 4.603 đại biểu, tổng số đại biểu đã bầu được là 4.552 đại biểu, thiếu 51 đại biểu.

Theo đánh giá của Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Nguyên, cử tri trong tỉnh đã bầu cử một lần đủ số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 75 người; không có đơn vị bầu cử nào phải tổ chức bầu cử thêm, bầu cử lại do bầu thiếu hoặc sai quy trình bầu cử.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh bầu được 6 đại biểu Quốc hội theo ấn định; bầu 53 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; bầu 285 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, 2.078 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã; không có đơn vị nào phải bầu cử lại.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Lâm Đồng công bố, cử tri bầu đủ 76 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; bầu 428 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện. Riêng Hội đồng Nhân dân cấp xã, toàn tỉnh Lâm Đồng được ấn định 4.165 người, nhưng số đại biểu trúng cử là 4.098 người. Trong đó, 3 đơn vị bầu cử tại huyện Lâm Hà chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được ấn định trúng cử, theo quy định phải tổ chức bầu thêm.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh bầu đủ 8 đại biểu Quốc hội; bầu đủ 63 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cử tri tỉnh Đồng Tháp đã bầu được 422 đại biểu, thiếu 1 đại biểu; Hội đồng Nhân dân cấp xã bầu 4.033 đại biểu, thiếu 19 đại biểu. Các đơn vị bầu thiếu vẫn đảm bảo đủ 2/3 số đại biểu theo ấn định nên không phải tổ chức bầu thêm.

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Trị, tỉnh bầu được 6 đại biểu Quốc hội; 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; 294 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, thiếu 2 đại biểu so với ấn định; bầu 3.384 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, thiếu 134 đại biểu của 15 xã.

Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Thọ cho biết cuộc bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã tại Phú Thọ được tổ chức ngày 29-5 đã bầu thêm 60 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Trước đó, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021 diễn ra vào ngày 22-5, cử tri toàn tỉnh Phú Thọ đã bầu được 6.963 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã và còn thiếu 333 đại biểu nên phải tổ chức bầu thêm 92 đại biểu trong tổng số 171 ứng cử viên.

Ủy ban bầu cử tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã bầu đủ 8 đại biểu Quốc hội khóa XIV theo số lượng được ấn định. Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Long An, toàn tỉnh không có đơn vị bầu cử nào phải tổ chức bầu cử lại.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Lào Cai, cử tri đã bầu đủ 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tỉnh đã bầu đủ 56 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh khóa XV. Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết, cử tri đã bầu đủ số lượng 317 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; bầu 4.500 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, đảm bảo số lượng theo quy định, không phải bầu thêm.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Giang đã công bố kết quả đã bầu đủ 8 đại biểu Quốc hội khóa XIV. Về bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, bầu đủ 85 đại biểu trên tổng số 144 đại biểu ứng cử.

Giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Ngày 30-5, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Báo cáo của Agribank cho thấy đến ngày 31-12-2015, dư nợ của toàn ngành Ngân hàng đạt 4.655.890 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 843.972 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng dư nợ; riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt 444.660 tỷ đồng, chiếm 52,7% trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này của toàn Ngân hàng và chiếm 71% tổng dư nợ của Agribank.

Báo cáo của VietinBank thể hiện doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 bình quân mỗi năm đạt 116 ngàn tỷ đồng, doanh số thu nợ bình quân năm là 113 ngàn tỷ đồng, dư nợ bình quân 70 ngàn tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 5-2016, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn ước đạt 110 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,6 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ của VietinBank. Bên cạnh việc cung cấp vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, VietinBank đã hỗ trợ khách hàng các kỹ năng về quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính... Chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn của VietinBank ở mức tốt - tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát (0,3% - 1,9%).

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình thương yêu cho trẻ em

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01-6) và Tháng hành động Vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, sáng 30-5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt đoàn đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu lần thứ chín.

Năm 2016, đoàn đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu gồm 55 em ở 11 tỉnh, thành phố (Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh và An Giang). Mặc dù sống trong điều kiện rất khó khăn, các em đều có ý thức phấn đấu vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, học tập và rèn luyện. 55 em tham dự buổi gặp mặt với Chủ tịch nước năm 2016 đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia (41 giải cấp huyện, 12 giải cấp tỉnh, 7 giải quốc gia và 8 huy chương các loại).

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khen ngợi các em mặc dù cuộc sống hết sức khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, đạt thành tích học tập khá, giỏi trong các năm học, có nhiều em học sinh đoạt các giải thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu như đọc thơ, vẽ tranh, kể truyện, thi khéo tay, cờ vua... Chủ tịch nước khẳng định: Các cháu là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình thương yêu cho trẻ em. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 01-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 5 để đánh giá, phân tích kỹ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Cũng tại Phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về một số dự án luật, Pháp lệnh như: Dự án Luật Thủy lợi, dự án Pháp lệnh giống, cây trồng sửa đổi; Đề án Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.

Điểm đặc biệt tại Phiên họp lần này là thay vì thảo luận ngay về tình hình kinh tế - xã hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi sáng làm việc đầu tiên của Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian đánh giá chi tiết về kết quả công tác xây dựng thể chế. Đây cũng là lần đầu tiên, phiên họp thường kỳ của Chính phủ thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội. Điều này khẳng định ý thức đề cao nhiệm vụ xây dựng thể chế của Chính phủ nhằm hoàn thiện khung pháp luật tốt nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng: Đặt mục tiêu 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Sáng 3-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Đây là cuộc họp rất quan trọng, có lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành dự đông đủ, bàn về một việc lớn có liên quan đến đại đa số nhân dân. Mục tiêu rất dễ hiểu, là trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế (hiện là 78%). Cách nào, giải pháp nào để triển khai được là việc chúng ta cần bàn, như tin học hóa trạm y tế bằng cách nào, huy động nguồn lực nào để không quá tốn ngân sách…?

"Chỉ tiêu nâng lên bao nhiêu, 85% hay 90%? Tôi nghĩ phải là 91%", Thủ tướng gợi ý và đề nghị các ý kiến thảo luận tại hội nghị cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, không chỉ số lượng mà cả chất lượng; bảo đảm người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe.

Lễ mít tinh quốc gia nhân ngày Môi trường thế giới

Tối 04-6-2016, tại thành phố Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tổ chức trọng thể Lễ mít tinh quốc gia nhân ngày Môi trường thế giới. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các ban, ngành, các tổ chức quốc tế, đại biểu các tỉnh, thành phố, các phóng viên Trung ương và địa phương cùng đông đảo nhân dân tỉnh Lào Cai tham dự Lễ mít tinh.

Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 là: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên, đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới.

Trao danh hiệu 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc

Sáng 04-6-2016, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Lễ trao danh hiệu 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016. Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, các doanh nghiệp của những ứng viên được bình chọn và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 đã tạo ra tổng doanh thu năm 2015 là 4.554 tỷ đồng (tăng trưởng 47,4% so với năm 2014). Những doanh nhân trẻ này đã tạo việc làm cho 10 nghìn lao động.

Đến dự và phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu biểu dương những thành tích xuất sắc của đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh chương trình vinh danh doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc có ý nghĩa thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo, bản lĩnh, có kiến thức, kỹ năng, có trách nhiệm xã hội. Chương trình không chỉ tôn vinh các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc mà tạo sức lan tỏa cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tây Ninh cần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tiếp tục phát triển

Trong 2 ngày 04 và 05-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ Tây Ninh cần có chiến lược phát triển, khai thác tiềm năng lợi thế của mình; xác định cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đi bằng thế 3 chân kiềng, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, đồng thời với phát triển nông nghiệp trình độ cao, chất lượng cao, coi nông nghiệp là nền tảng để phát triển công nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp, đồng thời khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, dịch vụ. Tổng Bí thư nhấn mạnh, là quê hương cách mạng, đồng thời với phát triển kinh tế, Tây Ninh cần chú ý thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo…

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý Tây Ninh phải làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững ổn định an ninh khu vực biên giới Tây Nam của Tổ quốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác; quan tâm chăm lo đối với bà con Việt kiều từ Campuchia trở về, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia hợp tác làm ăn hiệu quả. Bên cạnh đó, Tây Ninh cần làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, công tác dân vận nói chung, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tầng lớp nhân dân đồng tâm hợp lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

* Trước đó, chiều 04-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương cục miền Nam, tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, từ Trung ương Cục miền Nam, nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Bác Hồ đã được triển khai cụ thể hóa để lan rộng ra toàn chiến trường miền Nam.

* Chiều 04-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Nông trường Ninh Điền của Công ty TNHH Hưng Thịnh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên trồng mía, sản xuất đường và một số cây lương thực có hạt khác.

* Tại Tây Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm gia đình đồng chí Phan Văn Điền (đồng chí Mười Thương), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tại Lâm Đồng

Sáng 05-6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tham dự Lễ công bố cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.

Đây là dịp để Lâm Đồng giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiềm năng, lợi thế, thể chế đặc biệt mà Đảng, Chính phủ dành riêng cho mảnh đất cao nguyên xanh Lâm Đồng và cũng là dịp công bố các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư nhằm kêu gọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng cho lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng./.

Nhân Hòa (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT)