TCCS - Trong cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí giữ vai trò nòng cốt. Nhận thức rõ sứ mệnh vẻ vang đó, cùng với báo chí cả nước, thời gian qua, các cơ quan báo chí ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động, tích cực phát huy vai trò xung kích, tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Báo chí đồng bằng sông Cửu Long trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”

Với vai trò là vũ khí tư tưởng, lý luận của Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của báo chí cách mạng là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ, xây dựng và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã đề ra nhiệm vụ phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch (1). Quán triệt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò, nhiệm vụ của báo chí, thời gian qua, cùng với báo chí cả nước, các cơ quan báo chí ở các địa phương vùng ĐBSCL đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tác nghiệp, xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên đề, chương trình, tuyến tin, bài với nội dung đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, xuyên tạc của các thế lực thù địch; ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang"_Ảnh: angiang.dcs.vn

Trên Báo An Giang, từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” (ra số thứ hai hằng tuần) đã đăng 73 bài viết, sau đó đăng trên báo An Giang điện tử và chia sẻ với hơn 62.000 thành viên của fanpage Báo An Giang trên mạng xã hội Facebook, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Bên cạnh đó, các chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng”, “Vấn đề hôm nay” thường xuyên có các bài viết lồng ghép vấn đề thời sự với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, góp phần định hướng tư tưởng, nhận thức và tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ ngày 27-4-2020, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang phát định kỳ chuyên đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên sóng phát thanh và truyền hình, với tần suất mỗi tuần một chương trình (10 phút) vào sáng thứ hai. Đài còn tăng cường các tin, bài, phóng sự biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến; phê phán những tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Từ tháng 9-2019 đến cuối tháng 3-2022, chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” của Báo Bạc Liêu đã đăng trên 50 bài viết, với nội dung phân tích, chỉ rõ những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, qua đó làm rõ bản chất của vấn đề, tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Ngày 26-10-2021, Báo ra mắt fanpage Báo Bạc Liêu trên mạng xã hội Facebook và Zalo để cung cấp kịp thời những thông tin mang tính định hướng, chính thống về những vấn đề đang được đông đảo dư luận quan tâm. Những nội dung, hình ảnh tích cực của địa phương cũng được Báo Bạc Liêu đăng tải kịp thời trên các trang mạng xã hội này, giúp bạn đọc hiểu bản chất và tránh được những thông tin tiêu cực, bịa đặt.

Ở Báo Cà Mau, Ban Biên tập yêu cầu phóng viên, biên tập viên tăng cường nắm bắt thông tin từ các phương tiện truyền thông xã hội (Zalo, Faceboook, TikTok...) về những vấn đề nhạy cảm, thông tin xấu, độc... để kịp thời xác định đề tài, viết bài phản bác, đấu tranh và định hướng dư luận. Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, qua công tác tiếp dân..., các phóng viên nắm bắt kịp thời những vấn đề bức xúc của cử tri, từ đó xây dựng kế hoạch, tuyến bài tuyên truyền để góp phần giải quyết dứt điểm các vụ, việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc dư luận xã hội. Ở Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, bên cạnh việc tăng cường thông tin đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các bản tin thời sự trên sóng phát thanh, truyền hình và Trang thông tin điện tử của Đài, Đảng ủy, Ban Giám đốc Đài chỉ đạo thường xuyên cung cấp những tin, bài về “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội thông qua kênh Youtube và fanpage của Đài để kịp thời định hướng dư luận xã hội. Đài xây dựng tài khoản Facebook “Cây Đước Phương Nam” để tham gia và kết nối vào các tài khoản trên mạng xã hội Facebook như: Nhóm “Chính sự phím đàm”, kết nối fanpage “Hương Sen Việt” để chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long đã xây dựng các trang thông tin trên Facebook, Youtube và cùng với Báo Vĩnh Long điện tử thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Các trang thông tin này tăng cường các nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gương “Người tốt, việc tốt”, điển hình ở các địa phương trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đặc biệt có tuyến tin, bài về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (2).

Để làm tốt nhiệm vụ “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Ban Biên tập Báo Hậu Giang yêu cầu phải thông tin kịp thời, chính xác, tin cậy, thuyết phục về những vấn đề, sự kiện có liên quan đến thực hiện vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước đang được dư luận xã hội quan tâm. Trong nhiệm vụ “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, bên cạnh những bài viết của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của tòa soạn, Báo Hậu Giang chủ động đăng lại những bài viết có tính chiến đấu cao trên các báo, tạp chí uy tín trong nước để kịp thời đấu tranh phản bác những thông tin xấu, xuyên tạc, giả mạo của các thế lực thù địch, phản động, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước.

Nhìn chung, với nhiều cách làm đa dạng, phong phú, thời gian qua, các cơ quan báo chí ở vùng ĐBSCL đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; chủ động đấu tranh ngăn chặn, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, phản động, những thông tin bịa đặt, xuyên tạc; đồng thời, tăng cường tuyến tin, bài tôn vinh những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Những nỗ lực đó đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Những khó khăn, hạn chế và yêu cầu đặt ra

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhiều cơ quan báo chí ở ĐBSCL cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, có lúc, có nơi, công tác phối hợp tuyên truyền giữa ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo, các cơ quan, ban, ngành, địa phương có liên quan với các báo đảng, đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trong vùng chưa chặt chẽ; chưa bảo đảm cung cấp kịp thời các thông tin chính thống và định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí. Điều đó dẫn đến tình trạng thông tin trên báo, đài địa phương về các về các vấn đề, sự kiện nóng đang được dư luận xã hội quan tâm còn chậm, còn ít, chưa bảo đảm tính định hướng; việc thể hiện các chủ đề, chủ điểm trong nội dung tuyên truyền “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” chưa thật sự nổi bật và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thứ hai, một số cơ quan báo chí còn có biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa chú trọng tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; thông tin không kịp thời hoặc chưa làm tốt việc định hướng thông tin đối với những sự kiện, vấn đề, những “điểm nóng” đang được dư luận xã hội quan tâm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, người làm báo phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song hiện nay, ở một số cơ quan báo chí trong vùng ĐBSCL, vẫn còn không ít cán bộ, biên tập viên, phóng viên chưa chú trọng học tập lý luận chính trị, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngại tiếp cận với những vấn đề gai góc trong cuộc sống,… Hạn chế đó đã tạo ra những “khoảng trống thông tin” trên trận địa tư tưởng - văn hóa, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng để phát tán các thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu cáo, nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước.

Thứ ba, lợi dụng sự bùng nổ của internet, các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn để truyền bá những thông tin xấu, độc trên không gian mạng, núp dưới vỏ bọc là các tin, bài, ảnh, video clip,… “khách quan”, “trung thực”, để đầu độc tư tưởng, tình cảm của người đọc, người xem, người nghe - nhất là đối tượng thanh, thiếu niên, sinh viên, học sinh. Để nhận diện, đấu tranh với những hiện tượng đó, đòi hỏi những người làm báo phải có bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ báo chí vững vàng, có vốn tri thức - văn hóa sâu rộng, có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng làm chủ công nghệ, xử lý thông tin, có sự trải nghiệm cuộc sống, có nghệ thuật, phương pháp viết bài bình luận, chuyên luận để đấu tranh vạch trần và phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ở nhiều cơ quan báo chí vùng ĐBSCL, hiện nay, lực lượng này còn khá mỏng.

Thứ tư, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các cơ quan báo chí của các địa phương trong vùng ĐBSCL với nhau; giữa các cơ quan báo chí của từng địa phương trong vùng với các cơ quan báo chí lớn của Trung ương trong việc trao đổi thông tin về phương thức xây dựng, tổ chức các bài viết, đăng phát lại các bài viết; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên chuyên trách trong lĩnh vực viết bài chính luận, bình luận về chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chưa chú trọng động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời những phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bài viết hay được dư luận quan tâm, có thành tích nổi trội trong công tác thông tin, tuyên truyền “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo ở vùng ĐBSCL tập trung thực hiện một số yêu cầu sau:

- Báo chí phải tập trung và tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân “ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”(3). Mỗi cơ quan báo chí phải thật sự là một “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trên trận địa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

- Báo chí phải là vũ khí tư tưởng, lý luận hàng đầu của Đảng; đề cao tính Đảng, kiên định lập trường chính trị, có tính chiến đấu, luôn đi đầu trong công tác tư tưởng của Đảng. Báo chí phải chú trọng biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, kết hợp giữa “xây” và “chống”, tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

- Báo chí phải là công cụ đắc lực, trực diện đấu tranh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan báo chí, những người làm báo nắm vững và thực hiện tốt chức năng tư tưởng; thông tin chính xác, trung thực; không gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức; không làm phương hại đến lợi ích của địa phương, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thông tin trên báo chí phải góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần tạo ra sự ổn định chính trị - xã hội phục vụ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của từng địa phương và cả nước (4).

Để báo chí vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong tình hình mới là: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (5). Thời gian tới, để đảm đương tốt hơn nữa sứ mệnh xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo vùng ĐBSCL tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Một là, ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch truyên truyền để đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thành tựu hơn 35 năm đổi mới; tăng cường nội dung tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; đẩy mạnh tuyên truyền về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, cùng với việc thông tin, tuyên truyền về việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cơ quan báo chí ở vùng ĐBSCL cần tăng cường những thông tin phối hợp tổ chức thực hiện những nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng thông tin, phân tích, đánh giá dự báo về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khi triển khai thực hiện thành công các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội có tính chất lan tỏa toàn vùng; các chương trình mục tiêu quốc gia; các đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số; các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo,… Những thông tin này giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương hiểu rõ hơn về vai trò của vùng ĐBSCL đối với cả nước, về sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới, hạn chế được những thông tin xấu, độc trên không gian mạng xuyên tạc về thực trạng kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương trong vùng.

Ba là, để có thể làm tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cơ quan báo chí ở các địa phương vùng ĐBSCL cần chú trọng công tác xây dựng Đảng và củng cố, nâng chất hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan báo chí, nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí trên trận địa tư tưởng - văn hóa. Tăng cường tuyên truyền, lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực để góp phần lấn át các thông tin xấu, độc, tiêu cực, để thông tin tốt, tích cực về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh luôn là dòng chảy chính trên báo chí. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các điển hình cá nhân, tập thể, gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực, để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Bốn là, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tạo diễn đàn trên báo chí để người dân dễ dàng tham gia góp ý vào các công việc của chính quyền địa phương, nhất là việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách, qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Các báo đài, địa phương cần tăng cường thông tin phản ánh những tâm tư, yêu cầu, nguyện vọng và kết quả giải quyết những tâm tư, yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Cách làm này không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị mà còn hạn chế, ngăn chặn tình trạng các thế lực thù địch lợi dụng tình trạng chậm, thiếu, trống thông tin trên báo chí chính thống để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phóng viên Báo Cà Mau không quản khó khăn tác nghiệp tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau_Ảnh: baocamau.com.vn

Năm là, đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng phóng viên, biên tâp viên, cộng tác viên vững vàng về lý luận chính trị, có năng lực nắm bắt thực tiễn và xây dựng kịp thời các bài viết để đấu tranh phản bác, vạch trần các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mỗi người làm báo cần tích cực học tập, nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những diễn biến, tình hình thời cuộc quốc tế, trong nước và địa phương; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ; thường xuyên thâm nhập thực tiễn, lắng nghe nhân dân, lắng nghe dư luận xã hội để khai thác thông tin; cung cấp kịp thời những thông tin chính xác, chính thống, hữu ích để định hướng dư luận. Các cơ quan báo, đài địa phương cần chú trọng và có kế hoạch xây dựng, tổ chức nhóm phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết bài chuyên sâu trên mặt trận đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sáu là, các cơ quan báo chí vùng ĐBSCL cần tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phương thức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên chuyên trách; cách thức tạo nguồn lực, nguồn đề tài để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với nhau, giữa các cơ quan báo chí ở các địa phương vùng ĐBSCL với các cơ quan báo chí Trung ương về các vấn đề tác nghiệp, nhất là việc nắm bắt dư luận xã hội, lựa chọn đề tài, chủ đề và xây dựng hệ bài viết chuyên luận chuyên sâu có chất lượng cao, bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch bằng lý luận, để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, tăng hiệu quả đấu tranh và khả năng định hướng dư luận của báo chí./.

----------------------------------------------

(1) Xem: Phong Nguyên: “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 17-6-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/823350/bao-chi-voi-cong-tac-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-hien-nay.aspx
(2) Xem: Nguyễn Hiếu Nghĩa: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông”, Báo Vĩnh Long điện tử, ngày 11-11-2021, http://www.baovinhlong.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202111/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-truyen-thong-3088661/index.htm
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 289
(4) Xem: Lê Trung Kiên: “Báo chí với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20-11-2021, https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bao-chi-voi-viec-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-hien-nay-theo-quan-diem-ho-chi-minh-596678.html
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146