Giải pháp nâng cao nhận thức về quyền riêng tư trong bối cảnh chuyển đổi số
TCCS - Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, quyền riêng tư trên không gian mạng bị xâm phạm nghiêm trọng do sự lan truyền thông tin không kiểm soát và việc thu thập dữ liệu cá nhân từ các nền tảng số. Do đó, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền riêng tư cho người dân, tránh nguy cơ bị lộ thông tin, đánh cắp danh tính, lừa đảo tài chính và xâm phạm đời tư.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền riêng tư
Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người, được pháp luật quốc tế và Việt Nam công nhận nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và đời sống riêng tư trước sự xâm phạm trái phép. Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 quy định: “Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện vào đời tư, gia đình, nhà ở hay thư tín, cũng như bị xúc phạm đến danh dự và uy tín; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những sự can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”(1). Điều 17 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng nhấn mạnh quyền được bảo vệ thông tin cá nhân khỏi sự can thiệp không hợp pháp(2). Ở Việt Nam, quyền riêng tư được bảo vệ bởi Hiến pháp năm 2013, trong đó Điều 21 khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo vệ”(3). Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định việc thu thập, lưu trữ và công khai thông tin cá nhân phải có sự đồng ý của cá nhân đó(4). Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng năm 2018 đặt ra những quy định nghiêm ngặt về xử lý dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức trong bảo vệ thông tin người dùng(5).
Các khía cạnh của quyền riêng tư bao gồm: (i) Thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài chính và hồ sơ y tế... Việc thu thập, lưu trữ và công khai những thông tin này phải được sự đồng ý của cá nhân liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác(6). (ii) Hình ảnh cá nhân cũng là một phần quan trọng của quyền riêng tư. Việc sử dụng, phát tán hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định(7). Tuy nhiên, tình trạng sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội đang gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của người bị xâm phạm(8). (iii) Đời sống riêng tư. Đây là một phần quan trọng trong quyền riêng tư của con người, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, như thư tín, điện thoại, điện tín; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; không gian riêng tư; việc kiểm soát thông tin cá nhân theo mức độ thân mật.
Theo Điều 17 Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), “không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hay bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở hay thư tín của mình”(9). Quy định này được Việt Nam nội luật hóa trong Điều 21 Hiến pháp năm 2013, nhấn mạnh rằng mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác, không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái phép các nội dung này(10). Không gian riêng tư bao gồm chỗ ở, nơi làm việc và các khu vực cá nhân khác mà một người có quyền kiểm soát và bảo vệ trước sự xâm phạm trái phép cũng là một nội dung được quyền riêng tư bảo vệ. Điều 22 quy định, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; việc khám xét chỗ ở phải được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật(11). Trên không gian mạng, việc bày tỏ ý kiến, chia sẻ thông tin có thể vô tình hoặc cố ý xâm phạm đến đời sống riêng tư của người khác.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng, quyền riêng tư cá nhân ngày càng đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc rò rỉ và đánh cắp thông tin cá nhân. Việc công khai thông tin cá nhân, hình ảnh mà không có sự đồng ý không chỉ xâm phạm quyền riêng tư, mà còn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và an toàn của cá nhân đó. Dữ liệu cá nhân hiện nay không chỉ bị thu thập và sử dụng rộng rãi bởi các nền tảng mạng xã hội và doanh nghiệp công nghệ mà còn trở thành mục tiêu của tội phạm mạng bao gồm trộm danh tính, gian lận tài chính và lừa đảo trực tuyến. Các phương thức phổ biến như tấn công mạng, cài đặt phần mềm độc hại và gửi tin nhắn lừa đảo nhằm khai thác thông tin nhạy cảm đang diễn ra ngày càng tinh vi. Đặc biệt, hành vi chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp cận và sử dụng dữ liệu vào mục đích bất hợp pháp. Tại Việt Nam, tình trạng vi phạm quyền riêng tư đang gia tăng đáng kể, điển hình là các vụ công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội mà không có sự đồng ý, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, tài chính và pháp lý. Một số vụ việc liên quan đến nghe lén điện thoại, theo dõi tin nhắn riêng tư hoặc phát tán nội dung hội thoại cá nhân trên mạng xã hội đã được ghi nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự và uy tín của các cá nhân liên quan và tạo tiền lệ xấu trong việc bảo vệ quyền riêng tư trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, có nhiều dịch vụ trực tuyến và trình duyệt web theo dõi hoạt động của người dùng, thu thập thông tin về sở thích, hành vi và lịch sử duyệt web mà không có sự cho phép. Dữ liệu này có thể được sử dụng cho mục đích quảng cáo hoặc bán cho bên thứ ba, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của cá nhân(12). Những hành vi như chiếm đoạt, mua bán, tiết lộ thông tin cá nhân hoặc đời sống riêng tư mà không có sự đồng ý không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp của cá nhân. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm khi thông tin cá nhân bị công khai trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường, bao gồm quấy rối, bôi nhọ danh dự hoặc thậm chí bị lợi dụng vào các hoạt động bất hợp pháp(13).
Nhiều nền tảng mạng xã hội và ứng dụng thu thập, sử dụng thông tin cá nhân của người dùng mà không có sự đồng ý rõ ràng. Dữ liệu này có thể được chia sẻ với các bên thứ ba cho mục đích quảng cáo hoặc nghiên cứu thị trường, vi phạm quyền riêng tư của người dùng(14).
Trong thời đại số hóa, các vụ vi phạm quyền riêng tư ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân và tổ chức. Tháng 12-2024, Cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ (KVKK) phạt Meta 11,5 triệu lira (khoảng 330.000 USD) do Instagram cho phép chuyển đổi tài khoản cá nhân của người dùng dưới 18 tuổi thành tài khoản doanh nghiệp, dẫn đến việc công khai thông tin cá nhân của trẻ em(15). Tại Việt Nam, năm 2023, thành viên Lisa của nhóm nhạc BlackPink khi đến Thành phố Hồ Chí Minh đã bị người hâm mộ đeo bám, phát tán thông tin cá nhân và lịch trình mua sắm lên mạng xã hội...
Vi phạm quyền riêng tư không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bị xâm phạm mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội và pháp lý.
Thứ nhất, gây mất kiểm soát thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến danh dự và tài chính. Khi thông tin cá nhân bị tiết lộ trái phép, nạn nhân có thể mất quyền kiểm soát đối với dữ liệu của mình. Điều này có thể dẫn đến việc thông tin bị sử dụng cho mục đích xấu, như lừa đảo tài chính hoặc giả mạo danh tính. Việc phát tán hình ảnh hoặc thông tin nhạy cảm có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của cá nhân, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và cơ hội nghề nghiệp.
Thứ hai, tác động xấu đến tâm lý. Việc bị xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra những tác động tiêu cực về mặt tâm lý cho nạn nhân. Cảm giác bị theo dõi, lo lắng về việc thông tin cá nhân bị lạm dụng có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, áp lực từ dư luận và mạng xã hội sau khi thông tin riêng tư bị tiết lộ có thể dẫn đến hành vi tự tử.
Thứ ba, gây ra hệ quả về pháp lý. Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền riêng tư. Tùy theo mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.
Một số giải pháp nâng nhận thức về bảo vệ quyền riêng tư cho người dân
Vi phạm quyền riêng tư gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân và xã hội. Do đó, để nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền riêng tư, cần có các biện pháp đồng bộ từ giáo dục, pháp luật, truyền thông đến việc tăng cường trách nhiệm cá nhân để mỗi người dân có ý thức để tự bảo vệ được quyền riêng tư của bản thân và gia đình. Trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục và nhận thức về quyền riêng tư. Giáo dục là yếu tố quan trọng giúp nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại số. Cần bổ sung nội dung giáo dục về quyền riêng tư vào chương trình giáo dục bậc phổ thông và đại học. Việc lồng ghép nội dung về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư vào các môn học về công nghệ, truyền thông và pháp luật sẽ giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong môi trường số. Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo về bảo vệ dữ liệu cá nhân như các chương trình đào tạo dành cho nhà báo, nhân viên truyền thông và quản trị viên mạng xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết và thực hành bảo vệ quyền riêng tư khi sản xuất và chia sẻ thông tin. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho nhân viên nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định về quyền riêng tư trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Hai là, nâng cao nhận thức thông qua truyền thông. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về quyền riêng tư cho cộng đồng. Chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp công nghệ cần tổ chức các chiến dịch truyền thông trên các nền tảng số để phổ biến kiến thức về quyền riêng tư, cảnh báo người dân về các nguy cơ trên mạng và hướng dẫn cách bảo vệ thông tin cá nhân. Trong đó, báo chí cần có các chuyên mục, chương trình về an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền riêng tư và các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, báo chí cũng cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tránh xâm phạm đời tư cá nhân khi đưa tin.
Ba là, hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ quyền riêng tư. Cần hoàn thiện các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải có sự đồng ý rõ ràng của cá nhân trước khi thu thập và sử dụng dữ liệu của họ. Các quy định pháp luật hiện hành như Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Hiến pháp năm 2013 đã đề cập đến quyền riêng tư, tuy nhiên cần cụ thể hóa hơn nữa bằng các biện pháp, hướng dẫn thực thi để bảo đảm công khai, rõ ràng, nâng cao hiệu quả pháp lý. Bên cạnh đó, các biện pháp xử phạt cần được thực thi nghiêm túc để răn đe các hành vi vi phạm quyền riêng tư. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc xử lý các vụ vi phạm quyền riêng tư xuyên biên giới, đặc biệt là với các nền tảng mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Bốn là, tăng cường các biện pháp cá nhân để bảo vệ quyền riêng tư. Bên cạnh các biện pháp từ chính sách và truyền thông, bản thân mỗi cá nhân cũng cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Người dùng cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên các nền tảng số, hạn chế công khai thông tin nhạy cảm như địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài chính. Các cài đặt bảo mật trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok cần được sử dụng để kiểm soát ai có thể xem thông tin cá nhân. Sử dụng các công cụ bảo vệ dữ liệu như mật khẩu mạnh, xác thực hai yếu tố… Mật khẩu yếu là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc bị đánh cắp tài khoản cá nhân. Người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh, có ít nhất 12 ký tự bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Xác thực hai yếu tố (2FA) cũng là một biện pháp quan trọng giúp tăng cường bảo mật tài khoản cá nhân. Ngoài ra, người dùng cần nhận diện các chiêu thức lừa đảo trực tuyến, như email giả mạo, tin nhắn lừa đảo hoặc trang web giả, tránh cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không đáng tin cậy. Các tổ chức an ninh mạng đã khuyến nghị người dùng nên kiểm tra kỹ đường link trước khi nhấp vào và không tải xuống tệp đính kèm từ các nguồn không rõ ràng…
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc bảo vệ quyền riêng tư trên không gian mạng trở thành nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp từ nhiều phía. Để bảo đảm quyền riêng tư của người dân, cần nâng cao nhận thức cộng đồng và áp dụng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Một môi trường mạng an toàn chỉ có thể được xây dựng khi kết hợp hiệu quả giữa các giải pháp: tăng cường giáo dục, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao vai trò của truyền thông và khuyến khích cá nhân chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền lợi và an ninh thông tin của toàn xã hội./.
----------------------
(1) United Nations: Universal Declaration of Human Rights, 1948
(2) United Nations: International Covenant on Civil and Political Rights, 1966
(3) Xem: Hiến pháp năm 2013, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2013/12/hp.pdf
(4) Xem: Bộ luật Dân sự năm 2015, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2016/01/91.signed.pdf
(5) Xem: Luật An ninh mạng 2018, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/07/24-2018-qh14..pdf
(6) Xem: Bộ luật Dân sự năm 2015, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2016/01/91.signed.pdf
(7) Xem: Bộ luật Dân sự năm 2015, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2016/01/91.signed.pdf
(8) Linh An: Báo động tình trạng livestream xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 13-6-2024, https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bao-dong-tinh-trang-livestream-xam-pham-quyen-rieng-tu-ca-nhan-780845
(9) United Nations: International Covenant on Civil and Political Rights, 1966
(10) Xem: Hiến pháp năm 2013, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2013/12/hp.pdf
(11) Xem: Hiến pháp năm 2013, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2013/12/hp.pdf
(12) Thu Hòa: Bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người dân trên không gian mạng, Tạp chí điện tử Quản lý thị trường, ngày 28-4-2024, https://qltt.vn/bao-ve-quyen-rieng-tu-va-thong-tin-ca-nhan-cua-nguoi-dan-tren-khong-gian-mang-99675.html?utm_source=chatgpt.com
(13) Trần Quý: Những hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày 30-7-2023, https://lsvn.vn/nhung-hanh-vi-nao-duoc-xem-la-xam-pham-bi-mat-ca-nhan-bi-mat-gia-dinh-va-doi-song-rieng-tu-tren-khong-gian-mang-1690653823-a133465.html?utm_source=chatgpt.com
(14) Nguyễn Thế Anh - Nguyễn Thị Bảo Trọng: Quyền về đời sống riêng tư trên các nền tảng mạng xã hội - góc nhìn từ thực tiễn và pháp lý, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 8-3-2024, https://tapchitoaan.vn/%C2%A0quyen-ve-doi-song-rieng-tu-tren-cac-nen-tang-mang-xa-hoi-%C2%A0-goc-nhin-tu-thuc-tien-va-phap-ly10427.html?utm_source=chatgpt.com
(15) Văn Khoa (TTXVN): Meta bị phạt 330.000 USD vì xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em, Báo Tin tức, ngày 12-12-2024, https://baotintuc.vn/the-gioi/meta-bi-phat-330000-usd-vi-xam-pham-quyen-rieng-tu-cua-tre-em-20241212124630994.htm
- Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Coi trọng xây dựng văn hóa trong Đảng - nhân tố quan trọng tạo sức mạnh nội sinh của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Một số điểm nghẽn chính sách trong phát triển mô hình kinh tế bao trùm ở Việt Nam: Nhìn từ thực tế vùng và hoạt động của doanh nghiệp
- Con đường trỗi dậy kinh tế của Hàn Quốc - một số vấn đề gợi mở từ phương diện chính sách
- Giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý