Giá trị bình đẳng - tiêu chí quan trọng của chủ nghĩa xã hội

PGS, TS. Mai Hải Oanh
Tạp chí Cộng sản
15:10, ngày 11-12-2020

TCCS - Từ xưa đến nay, con người vì bình đẳng mà nỗ lực, đấu tranh không mệt mỏi và các cuộc đấu tranh đều giương ngọn cờ bình đẳng. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu cũng lấy bình đẳng là một giá trị cốt lõi.

Chủ nghĩa xã hội không tưởng đã đưa ra yêu cầu thủ tiêu chế độ tư hữu tài sản quy về sở hữu toàn xã hội, người người đều tham gia lao động bình đẳng. Chủ nghĩa xã hội khoa học, mở đầu là C. Mác và Ph. Ăng-ghen, nhấn mạnh giá trị bình đẳng bằng thủ tiêu tình trạng người bóc lột người; đề cao sức mạnh tinh thần của nhân dân; làm phong phú tài sản vật chất; mỗi cá nhân trong xã hội được tự do phát triển…

Quan niệm về bình đẳng xã hội

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (năm 1995), bình đẳng được định nghĩa là sự đối xử như nhau về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật.

Bình đẳng là các công dân có quyền lợi bình đẳng như nhau. Quyền bình đẳng là một loại quyền lợi cơ bản của công dân. Điều 16, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Mọi người không phân biệt dân tộc, nghề nghiệp, xuất thân gia đình, tôn giáo, trình độ giáo dục, tình trạng tài sản…, đều có quyền bình đẳng. Bình đẳng được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, mọi quyền lợi của nhân dân được pháp luật  bảo vệ, đối với những hành vi vi phạm phải căn cứ vào pháp luật để truy cứu; không có đặc quyền trước pháp luật; công dân đều có trách nhiệm của mình và có nghĩa vụ chấp hành pháp luật.

Bình đẳng có nghĩa là các quyền lợi về sinh tồn được tôn trọng, bao gồm quyền sinh mệnh, quyền khỏe mạnh, quyền có danh tiếng, quyền bầu cử, quyền có tài sản... Trong xã hội, con người không phân biệt giàu - nghèo, không phân biệt có tri thức cao hay thấp, nhân cách của công dân là bình đẳng. Hiến pháp năm 2013 quy định nhân cách của công dân Việt Nam được tôn trọng.

Mọi người không phân biệt dân tộc, nghề nghiệp, xuất thân gia đình, tôn giáo, trình độ giáo dục,… đều có quyền bình đẳng (Trong ảnh: Thăm khám bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai)_Ảnh: Tư liệu

Bình đẳng có nghĩa là cơ hội trước mọi người là bình đẳng. Trong nhiều trường hợp cơ hội quyết định vận mệnh đem đến sự thành công cho con người. Do đó, mọi người đều phải có quyền tham dự, có quyền lựa chọn, có quyền cạnh tranh bình đẳng. Bình đẳng có tính cụ thể và tính lịch sử. Quan niệm bình đẳng thuộc về kiến trúc thượng tầng, phản ánh quan hệ kinh tế nhất định trong điều kiện lịch sử nhất định. Có điều kiện vật chất như thế nào là có quan niệm bình đẳng như thế ấy. Xã hội nguyên thủy do điều kiện sức sản xuất thấp, không có áp bức và nô dịch, không có khác biệt về giai cấp và giàu nghèo, các thành viên thị tộc lao động tập thể... chính là sinh hoạt bình đẳng nguyên thủy. Đặc trưng quan trọng xã hội nô lệ và xã hội phong kiến là chế độ đẳng cấp. Dưới chế độ xã hội này căn bản không tồn tại quan niệm bình đẳng. Giai cấp tư sản đề xướng khẩu hiệu người người bình đẳng, nhưng là chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất quyết định bình đẳng của giai cấp tư sản chẳng qua là "bình đẳng" đặc quyền, chỉ dành riêng cho giai cấp tư sản. C. Mác chỉ ra sự bóc lột người lao động là nhân quyền đầu tiên của tư bản.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất khiến cho người dân trở thành chủ nhân thực sự của xã hội và quốc gia. Người dân có quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội bình đẳng và bình đẳng đã trở thành đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, trở thành yêu cầu nội tại phát triển của xã hội. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người dân là chủ nhân có quyền bình đẳng trong quản lý quốc gia và các công việc xã hội. Bất luận là trong các mục tiêu giá trị của quốc gia, hay trong giá trị của từng công dân, bình đẳng luôn là tiêu chí quan trọng, là giá trị không thể thiếu của chủ nghĩa xã hội.

Bình đẳng là cơ sở duy trì công bằng, tiến bộ xã hội. Công bằng, tiến bộ là yêu cầu nội tại của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Công bằng bao hàm yếu tố bình đẳng. Mỗi cá nhân đều bình đẳng về quyền lợi, về lợi ích. Xã hội xã hội chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm bảo vệ quyền bình đẳng của người dân, bảo đảm mỗi cá nhân được tôn trọng về quyền, lợi ích chính đáng. Công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội chính là nội dung chủ yếu của công bằng xã hội, xây dựng môi trường xã hội công bằng, để bảo đảm người dân được tham dự bình đẳng, phát triển bình đẳng và có những quyền lợi bình đẳng. Bình đẳng là động lực phát triển xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa chủ trương người người bình đẳng trong chính trị, kinh tế… là động lực động viên xã hội phát triển.

Cơ sở căn bản của pháp luật là “người người bình đẳng trước pháp luật”. Không có cơ sở căn bản này, pháp quyền sẽ bị lợi dụng, pháp luật mất đi tính quyền uy. Do đó, cần thúc đẩy toàn diện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tất yếu đề cao giá trị bình đẳng. Tất cả công dân đều tôn trọng sự nghiêm minh và phải có ý thức, trách nhiệm chấp hành Hiến pháp và pháp luật, không lấy niềm tin để thay pháp luật, lấy quyền lực để áp chế pháp luật, câu kết tư quyền để bẻ cong pháp luật.

Bình đẳng là tiền đề trao đổi, giao lưu giữa con người với nhau. Bình đẳng trong giao lưu giữa con người là không lấy quyền lực để áp chế, lấy mạnh áp bức yếu, mà tôn trọng, không làm hại và xâm phạm đến lợi ích của người khác. Thái độ đối xử bình đẳng này là tiền đề xây dựng quan hệ giữa con người với nhau. Mỗi cá nhân đều phải tôn trọng người khác trong giao tiếp, ứng xử giữa con người với nhau. Bình đẳng có tiền đề là tôn trọng người khác và cũng có hướng đích là tôn trọng người khác.

Trong lĩnh vực chính trị, lấy kiên trì địa vị chủ thể của nhân dân làm nội dung trọng tâm của các cải cách thể chế chính trị. Đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử, bảo đảm quyền bầu cử của công dân và bình đẳng trong bầu cử. Bảo đảm quyền tham dự của công dân vào sinh hoạt chính trị của quốc gia, các quyết sách lớn của đất nước; mở rộng và kiện toàn các cơ chế để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát; loại bỏ các loại tiêu cực, tham ô, đặc quyền đặc lợi.

Cử tri là đồng bào Dao Thanh Phán ở thôn Nà Pò, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu trên địa bàn xã_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Trong lĩnh vực pháp luật, bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Các tổ chức và cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều bị truy cứu.

Trong kinh tế, thực hiện công bằng, hiệu quả, điều tiết hợp lý phân phối thu nhập, hạn chế phân cực xã hội, thúc đẩy chế độ an sinh xã hội. Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nhất là tập trung xây dựng hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng yếu thế, trợ cấp thất nghiệp...

Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, người dân đều hy vọng thực hiện bình đẳng xã hội, nhưng trước khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời, đối với đông đảo quần chúng, nhất là quần chúng lao động, bình đẳng thật sự vẫn chỉ là lý tưởng.

Trong xã hội nguyên thủy, trong nội bộ thị tộc, mọi người tham gia lao động công bằng, phân phối lợi ích hợp lý, nhưng khi đó chưa có ý thức bình đẳng, mà là để duy trì sự sống và sinh nở phát triển nòi giống. Thời kỳ cuối xã hội nguyên thủy, do phát triển bước đầu của lực lượng sản xuất, sản phẩm vật chất được sản xuất ra dần tăng lên nhiều, những sản phẩm vật chất ấy không thể lập tức ăn hết, dùng hết ngay được, mà có dư thừa. Sản phẩm dư thừa bắt đầu là tập thể thị tộc chiếm hữu công cộng, về sau dần chuyển biến thành do tư nhân chiếm hữu, làm xã hội dần nảy sinh chế độ tư hữu tài sản, phát sinh phân hóa giàu nghèo, hiện tượng bóc lột kinh tế giữa con người. Hiện tượng bóc lột trong xã hội cũng dần phổ biến, phân chia theo địa vị kinh tế khác nhau, hình thành giai cấp khác nhau. Sau khi xã hội loài người tiến vào xã hội có giai cấp, thì mất đi trạng thái đời sống xã hội người người bình đẳng, phân phối hợp lý (phân phối theo nhu cầu sinh tồn) của xã hội nguyên thủy.

Trong xã hội có giai cấp, khi trình độ lực lượng sản xuất không cao, thì khó thực hiện được bình đẳng xã hội chân chính, phổ biến. Chỉ có xã hội xã hội chủ nghĩa với trình độ phát triển lực lượng sản xuất rất cao mới có thể thúc đẩy và bảo đảm có hiệu quả bình đẳng chân chính và phổ biến.

Lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại đặt cơ sở vật chất khá hùng hậu cho thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng chân chính, phổ biến. Trên cơ sở lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa, có thể xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa lấy chế độ công hữu tư liệu sản xuất làm cơ sở, dần dần thúc đẩy mọi người bình đẳng với nhau ở vị trí kinh tế. Lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa phát triển với tốc độ nhanh dần thu hẹp  khoảng cách điều kiện sinh hoạt giữa người với người, nhất là những người có khác biệt địa vị xã hội, điều kiện tiếp nhận giáo dục và về nhiều phương diện khác. Đồng thời, lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa phát triển không ngừng có thể tăng đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, cung cấp điều kiện sinh hoạt công cộng tốt đẹp cho tất cả mọi người trong xã hội. Sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa còn cung cấp cơ hội việc làm nhiều hơn, bảo đảm việc làm đầy đủ cho mọi người.

Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ xã hội mà nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp phải làm công bộc của nhân dân. Chế độ xã hội chủ nghĩa động viên nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau chung sống hài hòa. Đích hướng tới cuối cùng của chế độ xã hội chủ nghĩa là thực hiện phát triển tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi thành viên xã hội.

Tuy nhiên, để làm cho trình độ lực lượng sản xuất dần nâng cao, chế độ xã hội chủ nghĩa dần hoàn thiện, việc này phải trải qua một quá trình lâu dài. Do đó, bình đẳng của chủ nghĩa xã hội cũng tất nhiên phải trải qua một quá trình phát triển dần từ bậc thấp tới  bậc cao. Và ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có mục tiêu giá trị bình đẳng khác nhau.

Giải pháp bảo đảm bình đẳng xã hội

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta đang xây dựng đã phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy và bảo vệ bình đẳng xã hội. Lực lượng sản xuất và nền kinh tế phát triển đã và đang tạo điều kiện vật chất cho bảo đảm bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hiện tượng bất bình đẳng, như còn khoảng cách về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn; phân hóa giàu nghèo; còn hiện tượng không công bằng phân phối thu nhập; một bộ phận người dân còn gặp khó khăn về việc làm, chữa bệnh, giáo dục, nhà ở… Vì vậy, để thực hiện bình đẳng xã hội trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cần tập trung thực hiện một số định hướng và giải pháp:

Thứ nhất, để thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng xã hội, phải kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, nỗ lực phát triển lực lượng sản xuất. Nghèo khó không thể thực hiện được bình đẳng chân chính, phổ biến... Chỉ có nỗ lực phát triển lực lượng sản xuất, sáng tạo ra của cải vật chất ngày càng phong phú, mới có khả năng không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa cho người dân, có điều kiện đầu tư tài chính để xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng xã hội, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, từ đó mới tạo ra bình đẳng.

Lực lượng sản xuất và nền kinh tế đất nước phát triển đã và đang tạo điều kiện vật chất cho bảo đảm bình đẳng xã hội (Trong ảnh: Ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thật trong sản xuất các sản phẩm công nghệ ở Việt Nam)_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, để thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng xã hội phải tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền và lợi ích về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân. Cụ thể: 

Đẩy mạnh xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện xã hội hiện đại, không có dân chủ và pháp trị, không thể có bình đẳng chân chính.

Hoàn thiện chế độ phân phối thu nhập. Đây là then chốt của bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội.

Hoàn thiện các dịch vụ vụ công ích. Khoảng cách giàu nghèo không chỉ là vấn đề khoảng cách thu nhập kinh tế của từng công dân, mà còn thể hiện trong thụ hưởng các dịch vụ công cộng cơ bản.

Phải chú ý cải thiện dân sinh, hoàn thiện chế độ an sinh xã hội, kiện toàn hệ thống bảo đảm công bằng xã hội. Chế độ an sinh xã hội trực tiếp thể hiện bình đẳng xã hội.

Thứ ba, để thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng xã hội, phải đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền về bình đẳng, động viên sức mạnh của toàn xã hội./.