TCCSĐT - Không chỉ tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân; trí tuệ trác tuyệt, nhãn quan chính trị nhạy bén; năng lực tổng kết thực tiễn và dự báo thiên tài… Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân của phong cách giao tiếp độc đáo, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc. Chính những nét đặc sắc về văn hóa trong phong cách giao tiếp đã góp phần tạo nên giá trị văn hóa trong nhân cách Hồ Chí Minh.

Phong cách giao tiếp (hiểu theo nghĩa chung nhất) là cách thức tiếp xúc, phương thức trao đổi thông tin giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với tập thể thông qua hệ thống các phương tiện ngôn ngữ nhằm mục đích truyền đạt tín hiệu, tình cảm, hiểu biết… của chủ thể giao tiếp. Trong đời sống xã hội, giao tiếp là hoạt động diễn ra thường xuyên và không thể thiếu của con người, xã hội càng phát triển thì vai trò của giao tiếp càng trở nên quan trọng. Đối với những cán bộ lãnh đạo, các chính khách thì hoạt động giao tiếp, phong cách giao tiếp luôn là nhân tố quan trọng đặc biệt, là “chìa khóa” đưa đến thành công.

Được hình thành, phát triển trong suốt quá trình khổ công học tập, rèn luyện gắn với những trải nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng, nét văn hóa đặc sắc trong phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh hài hòa giữa những giá trị văn hóa giao tiếp truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa giao tiếp của nhân loại tiến bộ.

Trước hết, phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang đậm nét văn hóa nhân văn, nhân bản vì con người.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách giao tiếp giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi người. Có thể nói, trên thế giới hiếm có nhà lãnh đạo nào có được phong cách giao tiếp giàu giá trị văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác, “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”(1). Và thực tiễn trong phong cách giao tiếp đối với mọi người, dù là cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, dù với tướng lĩnh hay những đội viên nhỏ tuổi, chúng ta luôn cảm nhận được ở Hồ Chủ tịch phong thái vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi. Ngay cả khi phê bình, nhắc nhở khuyết điểm của người khác thì Bác cũng thể hiện thái độ tế nhị, nhẹ nhàng nhưng cũng rất thấm thía, sâu sắc. Dù ở cương vị nào, người đồng chí, đồng đội; người cha, người Bác, người anh hay người đứng đầu Chính phủ…, phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng chứa đựng nét văn hóa tôn trọng, gần gũi, cởi mở và chu đáo với mọi người. Chính điều này đã tạo ra ở phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh khả năng “đắc nhân tâm”.

Điểm độc đáo là trong giao tiếp nói và viết, Bác luôn nhấn mạnh tính chân thực, ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng, giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; đi luôn vào nội dung vấn đề, tránh màu mè, dài dòng… Nói đến phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh chính là nói đến giá trị văn hóa giao tiếp ở Người. Điều này lý giải vì sao phong cách giao tiếp của Hồ Chí Minh luôn có sức hút mạnh mẽ đối với mọi người: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”(2). Chính nét văn hóa giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị đó đã làm cho tất cả mọi người, dù khác nhau về địa vị, thành phần xuất thân, mục đích, điều kiện hoàn cảnh giao tiếp song khi tiếp xúc với Bác, đều có chung cảm nhận về sự nể trọng, tôn kính bởi sức cảm hóa to lớn xuất phát từ đạo đức, nhân cách và phép ứng xử văn hóa của Người. Nói cách khác, “hữu xạ tự nhiên hương”, một cách hoàn toàn tự nhiên, nét đặc sắc về văn hóa trong phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như đã xóa nhòa mọi rào cản, phá bỏ mọi ngăn cách về văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ; về vị thế xã hội; về lập trường chính trị… khi Bác giao tiếp cùng mọi người.

Hơn nửa thế kỷ trước, các thế lực thực dân phản động đã không thể lý giải việc vợ chồng luật sư người Anh Lô-dơ-by (F.H. Loseby) bất chấp nguy hiểm khi nhận lời bào chữa và tận tình giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát khỏi nhà tù Victoria. Năm 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó có tên là Tống Văn Sơ) bị chính quyền Anh bắt tại Hồng Công và buộc tội là phần tử cộng sản nguy hiểm, phái viên của Quốc tế Cộng sản III đến Hồng Công để lật đổ. Song bằng tình cảm chân thành, phong cách giản dị, gần gũi nên chỉ qua một lần duy nhất tiếp xúc, Người đã cảm hóa được vợ chồng luật sư Lô-dơ-by, những người không cùng “chiến tuyến”. Như luật sư Lô-dơ-by kể lại: “Sau ba mươi phút gặp gỡ, Người đã hoàn toàn chinh phục tôi. Ở Người toát ra một sức mạnh cảm hóa kỳ diệu”. Và bà Lô-dơ-by cũng khẳng định: “Chỉ sau mười phút là tôi cảm phục Người. Tôi thúc nhà tôi làm gấp hồ sơ, còn tôi và con gái tôi ngày ngày vào thăm, săn sóc sức khỏe cho Người”(3). Hơn tất cả, sự cảm hóa “kỳ diệu” đó có được từ chính nhân cách và nét văn hóa đặc sắc trong phong cách giao tiếp của Hồ Chủ tịch.

Thứ hai, phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chứa đựng tình cảm chân thành và tinh thần khoan dung, độ lượng.

Kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, trong mọi hình thức giao tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng, quý mến con người; khiêm nhường, khoan dung và độ lượng với con người. Trong rất nhiều bài nói, bài viết và nhất là từ phong cách giao tiếp của Người, chúng ta nhận thấy ở đó thông điệp giàu giá trị nhân văn: Trong quan hệ giao tiếp với mọi người, cần đề cao thái độ tôn trọng, bao dung, độ lượng, không kiêu căng, đừng hách dịch.

Thực tế, khi giao tiếp với tất cả mọi người, từ những người nông dân đang lao động trên đồng ruộng cho đến người thương binh, bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, từ bạn bè, đồng chí, anh em cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng hay với những người “đối lập” với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện thái độ tự nhiên, chân tình, cởi mở, vừa chủ động, linh hoạt cũng vừa ân cần, gần gũi làm cho bất kỳ ai dù chỉ được gặp Người một lần cũng cảm nhận rõ không khí ấm cúng, tình cảm, chan hòa mà gần gũi. Dường như trong giao tiếp với Bác, không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa vĩ nhân với quần chúng. Vì vậy, phong cách giao tiếp của Người luôn tiềm ẩn sức cuốn hút, năng lực cảm hóa và thôi thúc mọi người hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Bác viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau tại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”(4).

Với nét văn hóa khoan dung, độ lượng trong phong cách giao tiếp, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: “Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(5). Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, ở mọi hoàn cảnh, Người luôn nhất quán: “Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ”(6). Thực hiện tinh thần đó, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã trân trọng mời nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, có phẩm chất, có năng lực cùng tham gia sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Trong số đó có nhiều vị là quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn như cụ Bùi Bằng Đoàn (nguyên là Thượng thư Bộ hình), cụ Phan Kế Toại (nguyên Khâm sai Bắc Kỳ), cụ Phạm Khắc Hòe, Vi Văn Định; có người là nhân sĩ nổi tiếng, những bậc đại khoa như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố; có nhiều người trí thức Tây học nổi tiếng như Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên; có những nhà tư sản dân tộc yêu nước như Ngô Tử Hạ, Trịnh Văn Bính,… Có thể nói, chính bằng phong cách giao tiếp thấm đẫm nét văn hóa chân tình, khoan dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa mờ mọi khoảng cách để đạt được sự tương đồng, đã đẩy xa những khác biệt tạo ra sự đồng thuận với mục tiêu cao nhất là có lợi cho sự nghiệp chung. Bởi vậy, Người đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, động viên những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống nhung lụa để cống hiến tài năng, tâm huyết cho cách mạng.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làm chủ các tình huống giao tiếp với phương pháp ứng xử văn hóa khéo léo, mềm mỏng và hiệu quả.

Nét độc đáo này trong phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của vốn hiểu biết sâu rộng, uyên bác; tài trí thông minh, nghị lực và bản lĩnh phi thường với phong thái giản dị, lạc quan, thẳng thắn, tự tin cùng phong cách lịch thiệp, nho nhã, mực thước khi giao tiếp ứng xử. Điều này đã giúp Người xử lý một cách khéo léo những tình huống giao tiếp một cách mềm mỏng mà hiệu quả. Theo Người, khi đứng trước mọi vấn đề, mọi tình huống, việc quan trọng nhất là “phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”(7). Tức là phải bình tĩnh, suy xét, khéo léo trong các tình huống giao tiếp cụ thể.

Những gì đã diễn ra trong lịch sử cho thấy, phương pháp ứng xử văn hóa khéo léo, mềm mỏng và hiệu quả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần mang đến cho cách mạng Việt Nam những thành quả to lớn. Còn nhớ, 68 năm trước, dù Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã ngay lập tức phải đối mặt với vô vàn khó khăn như “thù trong giặc ngoài”, giặc đói, giặc dốt, thiên tai lũ lụt,… Chính trong bối cảnh lịch sử đặc biệt đó, với chiến lược và sách lược tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “vững tay chèo” đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh để bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, với nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn sâu rộng, tư duy chiến lược và phong cách giao tiếp ứng xử linh hoạt, khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, tận dụng tối đa mâu thuẫn lợi ích giữa Pháp và Tưởng, khi thì Người nhân nhượng Pháp để đuổi quân Tưởng và bè lũ tay sai về nước, lúc Người lại hòa hoãn với Tưởng để tập trung đối phó với Pháp và tạo thời gian chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến lâu dài. Song, dù với Pháp hay với Tưởng thì sự nhân nhượng của Người bao giờ cũng trên cơ sở nguyên tắc giữ vững chính quyền cách mạng. Việc này thể hiện rất rõ tính linh hoạt và hiệu quả của Người trong giải quyết nhiệm vụ cách mạng cũng là giải quyết những tình huống giao tiếp cụ thể.

Với cách tiếp cận và giải quyết các tình huống một cách mềm dẻo, khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tránh cho dân tộc ta một cuộc đụng độ bất lợi, không chỉ đuổi được 20 vạn quân Tưởng và bọn tay sai về nước mà quan trọng hơn là bảo vệ được nền độc lập non trẻ, đồng thời có thêm thời gian cần thiết để chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là biểu hiện của triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giao tiếp, ngoại giao và giải quyết các nhiệm vụ cách mạng. Người khẳng định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(8). Và phong cách giao tiếp giàu nét văn hóa đặc sắc của Hồ Chí Minh cũng luôn nhất quán quan điểm này: Độc lập, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân là cái “bất biến” còn tùy điều kiện hoàn cảnh, tùy đối tượng cụ thể để vận dụng linh hoạt, khéo léo những phương pháp, cách thức giao tiếp khác nhau để đạt được cái “bất biến” nêu trên.

Đặt trong bối cảnh mới hiện nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và vận dụng những nét đặc sắc trong phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở để chúng ta xây dựng, hoàn thiện con người mới xã hội chủ nghĩa mà còn là “cẩm nang” quý giá để Đảng và Nhà nước ta vận dụng trong thực hiện đường lối đối ngoại, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; trong thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng văn hóa giao tiếp hành chính cho cán bộ, công chức Nhà nước. Nhìn nhận từ góc độ văn hóa, kế thừa và phát huy những nét đặc sắc về văn hóa trong phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả giải pháp tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng./.

--------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, t. 4, tr. 48

(2) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự Thật, H. 1990, tr. 17

(3) Hồi ký của ông bà Lô-dơ-by, Tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 246

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 239

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 319

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 239

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 319