Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đối với báo Le Paria

TS. Lê Trung Kiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
21:23, ngày 14-11-2022

TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia viết báo hơn 50 năm, trở thành nhà báo vĩ đại với một di sản báo chí đồ sộ, gồm trên 2.000 bài báo được viết bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Hán, Việt…), nhiều thể loại khác nhau (xã luận, bình luận, tin ngắn, tiểu phẩm, truyện ký, dịch thuật, tranh châm biếm,…), với 150 bút danh. Trong suốt cuộc đời làm báo, Người đã sáng lập 9 tờ báo, trong đó Le Paria tờ báo đầu tiên - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa - với mục đích lên án, tố cáo tội ác man rợ của thực dân, đế quốc và thức tỉnh người lao động các dân tộc thuộc địa.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920_ Ảnh: Tư liệu

Bối cảnh và quá trình Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tham gia báo Le Paria

Kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú ở phương Tây. Năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp (SFIC), đồng thời viết và đăng những bài báo đầu tiên là: “Tâm địa thực dân”, “Yêu sách của nhân dân An Nam”, “Vấn đề dân bản xứ”. Ngày 30-12-1920, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Năm 1921, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (L’Union Intercolonial); ngày 4-1-1922, tại nơi ở số 9, ngõ Compoint thuộc Quận 17 (Paris, Pháp), Người nhận Bản điều lệ về việc mở một hợp tác xã trực thuộc Hội Liên hiệp thuộc địa để thành lập một cơ quan tuyên truyền lấy tên là “Le Paria”; ngày 19-2-1922, tại số 28 đại lộ Argo (Paris), Người đã tham gia cuộc họp quyết định ra đời tờ báo Le Paria.

Để chuẩn bị tài chính cho việc xuất bản báo, ngày 10-2-1922, Nguyễn Ái Quốc (Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội) đã cùng Stephany Samuel (hội viên), Gu-tơ noa Đơ Tu-ry (Thủ quỹ chính) thay mặt Hội đồng quản trị ra Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria, nêu rõ hội này đang thành lập và sẽ xuất bản một tờ báo và “đó sẽ là một xuất bản phẩm thật sự của thuộc địa”. “Hãy tham gia hội hợp tác của chúng ta, Le Paria, hay đặt mua dài hạn ngay từ bây giờ tờ báo của chúng tôi cùng tên ấy; hoặc, nếu được, các đồng chí hãy làm cả hai điều trên. Sự thành công của chúng ta phụ thuộc vào sự tận tuỵ của đồng chí, và tương lai các thuộc địa lại phụ thuộc vào sự thành công trên; chúng ta dám khẳng định như vậy. Cố gắng lên một chút, bằng cách giúp đỡ chúng tôi. Các bạn và các đồng chí, sẽ phục vụ sự nghiệp hòa bình và nhân loại”(1).

Tờ Le Paria là tờ báo đầu tiên ra đời nhằm mục đích “vì lợi ích của công lý, chân lý và tiến bộ, xóa bỏ khoảng cách giả tạo dường như chia rẽ các đồng chí - các bạn ở mẫu quốc và các đồng chí ở thuộc địa”(2). Đầu năm 1923, Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, khẳng định: “Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ” (3).

Số ra đầu tiên của báo là ngày 1-4-1922 với măng-sét in đậm chữ Le Paria ở giữa, bên phải là ba chữ Hán nghĩa là “Lao động báo”; bên trái có hàng chữ Ả-rập, phiên âm là “An Man-cu-rơ” cũng có nghĩa tương tự. Theo tiếng Ấn Độ, nghĩa của chữ Paria được dùng để chỉ những người bị khinh rẻ, khốn khổ, mất hết quyền lợi xã hội và tôn giáo, nhưng Paria còn là sự mỉa mai đối với thủ đô hoa lệ, hào nhoáng che đậy mâu thuẫn, sự xấu xa, thối nát bên trong của tư bản Pháp. Tờ báo được in trên khổ giấy 36 x 50cm. “Số 1 có đăng Lời kêu gọi, nêu rõ mục đích, tôn chỉ của tờ báo: Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Ma-đa-gát-xca, ở Đông Dương, Ăng-ti và Guy-an-nơ… Trên trang nhất số báo này có đăng thông báo về đề tài Sân khấu Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt tháng 4-1922 của Câu lạc bộ Phô-bua” (4).

Trong quá trình Le Paria tồn tại bốn năm, với 38 số phát hành thì tiêu đề của báo có sự thay đổi bốn lần: Lần đầu, tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des populations des colonial) từ số 1 (tháng 4-1922) đến số 20 (tháng 11-1923); lần hai, tiêu đề là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa” (Tribune des proletariat colonial), từ số 21 (tháng 12-1923) đến số 35 (tháng 5-1925); lần ba, số 36, 37 (tháng 9, 10-1925) có tiêu đề “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa” (Organe des Peuples Oppirimes des colonies); lần cuối là số 38 (tháng 4-1936) có tiêu đề “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa” (Organe de L’Union Intercoloniale). Trụ sở địa chỉ của báo trong thời gian đầu ở nhà số 16 phố Jacques Calot, Pari VI2; đến tháng 11-1922, trụ sở báo mới chuyển đến số 3 phố Marché des Patriarches, thuộc Quận V (Paris). Nơi này cũng là trụ sở của Hội Liên hiệp thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc ở từ ngày 15-3-1923 đến khi đi Liên Xô.

Trong Báo cáo gửi Ban Biên tập về hoạt động của Báo Le Paria (Báo Le Paria, số 13, tháng 4-1923) có đánh giá từ khi mới ra đời, báo Le Paria thành lập một hợp tác xã xuất bản có sự đóng góp tự nguyện của mọi thành viên, định hướng “từ ngày 1-1-1923, quyết định ra báo hai kỳ một tháng và ra bốn trang, trang bốn dành đăng quảng cáo để tờ báo có thể sống được… trong tương lai rất gần, việc nhận đăng quảng cáo không những có thể giúp trang trải tiền thuê in báo mà còn có thể trả công cho một đồng chí chuyên trách gánh mọi công việc của tờ báo như gửi thư đi, kiểm soát, giữ thường trực, v.v., và còn trả được tiền thuê nhà”(5). Để có thêm những khoản tiền trang trải cho hoạt động của báo, báo Le Paria đăng quảng cáo ngày giờ chạy của các hãng tàu biển, các chương trình tham gia hội nghị; những số ra bốn trang thì để trang bốn, thậm chí có một phần của trang ba để chuyên đăng quảng cáo: thuốc chữa bệnh, đồng hồ LIP, dụng cụ lao động,…

Trong điều kiện hoạt động ở Paris có nhiều khó khăn, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ủng hộ đều đặn cho báo mỗi tháng 25 francs với tổng số tiền là 175 francs, trong khi những đồng chí khác mới chỉ thực hiện được dưới một nửa số tiền đã đăng ký từ trước. Riêng khoản tiền đóng góp đột xuất, Người luôn đóng ở mức cao nhất. Nguyễn Ái Quốc có nhiều sáng kiến độc đáo, linh hoạt để duy trì hoạt động, gia tăng số lượng bản in và phát hành báo Le Paria, trong khi có những số báo phát hành nhưng rơi vào tình trạng còn nợ tiền nhà in. Ngoài việc quyên góp, ủng hộ, thì kêu gọi nhiều người đặt mua báo dài hạn để có kinh phí làm báo, Người gửi bán báo hộ, bán báo cho công nhân, tầng lớp lao động ở Paris, nhờ anh em thủy thủ bí mật chuyển báo cho các thuộc địa của Pháp (6).

Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng và đóng góp chủ yếu cho sự tồn tại, phát triển của báo Le Paria. Từ số báo đầu tiên đến số 14, Người đã trực tiếp phụ trách báo, kiêm chủ bút, phát hành và bán báo; số báo thứ 15 đến số 17, Người tham gia chuẩn bị cho việc xuất bản báo trước khi bí mật rời khỏi nước Pháp vào ngày 13-6-1923, sau nhiều năm hoạt động sôi nổi và phong phú. Ngày 30-6-1923, Người đã đặt chân đến Liên Xô, sau đó sang Trung Quốc hoạt động. Trong thời gian ở hai nước này, Người vẫn gửi nhiều bài đăng báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ cho báo tồn tại. Tờ báo đã tập hợp “những người yêu nước của các xứ thuộc địa Man-gát, An-giê-ri, Mác-ti-ních là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên. Họ có công việc và gia đình của họ. Họ không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo. Mỗi người chỉ có thể góp một số tiền nhỏ và và một bài báo mỗi tuần. Ông Nguyễn được mọi người cử ra để làm cho tờ báo chạy. Vì vậy ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc”(7).

Nội dung, mục đích và những tác động của báo Le Paria

Trong suốt cuộc đời làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập 9 tờ báo, trong đó Le Paria   tờ báo đầu tiên - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa_ Ảnh: special.nhandan.vn

Trong toàn bộ quá trình tham gia báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc sử dụng 7 bút danh (Nguyễn Ái Quốc; Ng. Ái Quốc; N.; N. A. Q.; NG. A. Q.; Nguyễn A. Q; Nguyễn.); Người đã viết tất cả 38 bài thuộc nhiều thể loại khác nhau, như xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ,… và xác định có 5 bức tranh là “Văn minh bề trên” (Civilisation supérieure), “Triển lãm thuộc địa” (Exposition coloniale) cùng đăng trên số 2, “Hội nghị An-giê” (La Conférance D’Alger) đăng trên số 12; “Mau lên! Du hành!...” (Mau lên! Incognito!...) đăng trên số 5; “Sự phục thù của Tu-tăng Ca-mông” (Représailles de Toutan Kamon) đăng trên số 13. Có số báo, Người viết đến 2 bài, 3 bài, thậm chí 4 bài viết cùng tranh vẽ.

Bài viết tiêu biểu của Người đã đăng trên các số báo Le Paria, như: Động vật học (số 2, ngày 1-5-1922), Những kẻ đi khai hóa (số 4, ngày 1-7-1922), Thù ghét chủng tộc (số 4, ngày 1-7-1922), Khai hóa giết người (số 5, ngày 1-8-1922), Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp (số 5, ngày 1-8-1922), Nhân đạo thực dân (số 6-7, ngày 1-9 và 1-10-1922), Vụ hành hạ Amđuni và Ben Benkhia (số 8, ngày 1-11-1922), Lòng ngay thẳng của chính phủ thuộc địa (số 11, ngày 1-2-1923), Các vị thống trị của chúng ta (số 14, tháng 5-1923), Diễn đàn Đông Dương (số 15, tháng 6-1923), Trò Méc lanh (số 15, tháng 6-1923), Tệ độc đoán ở Đông Dương - người được bảo hộ và người đi bảo hộ (số 16, tháng 7-1923), Ách áp bức không từ một chủng tộc nào (số 17, tháng 8-1923), Ông Anbe Xaro và bản tuyên ngôn nhân quyền (số 22, tháng 1-1924), Đông Dương và Thái Bình Dương (đăng một phần) (số 24, tháng 4-1924), Đoàn kết giai cấp (số 25, tháng 5-1024), Các nước đế quốc chủ nghĩa và Trung Quốc (đăng một phần trên Le Paria nhan đề “Không được đụng đến Trung Quốc) (số 30, tháng 10-1924), “Lối cai trị của người Anh” (Rule Britania) (số 33, tháng 4, 5-1925), Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (số 36, 37, tháng 9, 10-1925)…

Đây là một kho tư liệu về tội ác của thực dân với những thủ đoạn thâm độc, những hành động dã man, được minh chứng bằng những số liệu thống kê chính xác, cứ liệu phong phú được phơi bày trên báo chí. Những bài viết trên là một bản án cho chế độ thực dân, đanh thép kết tội và phê phán gay gắt bộ mặt giả dối, tàn bạo của những kẻ tự xưng là quốc mẫu đi khai hóa văn minh, nhưng thực chất bóc lột thuộc địa, tước lục công nông. Những bài báo nhân danh cho những người cùng khổ, những thân phận bị áp bức bóc lột ở các dân tộc thuộc địa lên tiếng tố cáo chế độ thực dân Pháp đàn áp, cướp bóc, chiếm đoạt tài sản, nô dịch về chính trị, đẩy người dân thuộc địa lâm vào cảnh khốn đốn, cùng cực. Những bài viết của Người nhất quán về tình cảm yêu nước, rõ ràng về tôn chỉ mục đích, đa dạng về thể tài, phương thức trình bày với bút pháp độc đáo, lý lẽ sắc bén, có sức hấp dẫn bởi chất châm biếm thâm thúy và sâu cay. Nhiều bài viết cùng chủ đề phê phán chế độ thực dân nhưng không trùng lặp, mà các tuyến bài báo có sự liền mạch, bổ sung cho nhau, hình thành một hệ thống luận điểm vững chắc, triệt để và thuyết phục cao. Một số bài viết dưới dạng truyện ngắn trào phúng và tiểu phẩm báo chí, văn học, kết hợp nêu những luận cứ đanh thép về chính trị, văn hóa, xã hội nhằm tiến công trực diện thực dân.

Người từng làm việc cùng với Nguyễn Ái Quốc ở Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa là ông Max Clainvill Bloncourt, đánh giá như sau: “Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo... Toàn bộ những bài báo của anh là bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Lời văn của anh sắc bén, tư tưởng rõ ràng và mạnh mẽ, đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở nhiều số, không những anh viết bài mà còn vẽ tranh châm biếm nữa để đả kích chế độ thực dân. Tất cả những bài và tranh ký tên anh Nguyễn Ái Quốc trên Báo Người cùng khổ mang một màu sắc đặc biệt: Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”(8).

Những bài báo của Người có tác động đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Tháng 6-1923, trước khi rời khỏi nước Pháp, Người đã viết Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, khẳng định rằng: “Công việc chung của chúng ta “Hội liên hiệp thuộc địa” và tờ báo “NGƯỜI CÙNG KHỔ” đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn”(9). Hoạt động báo chí của Người không chỉ tố cáo tội ác tày trời của thực dân, mà qua đó thức tỉnh nhân loại cần lao, nói lên tiếng nói hòa đồng để sẻ chia, cảm thông và khích lệ trong nỗ lực đấu tranh, sức mạnh được nhân lên, kêu gọi mọi người đoàn kết lại với nhau, chống ách áp bức, giành độc lập dân tộc. “Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái… Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người”(10).

Những bài báo của Người góp phần tuyên truyền, giác ngộ cho các dân tộc thuộc địa về con đường cách mạng vô sản mà Lê-nin là người khởi xướng thành công. Với bài Lê-nin và các dân tộc phương Đông (số 27, tháng 7-1924), Người viết: “Lê-nin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây bên ngoài, ý chí kiên cường của Lê-nin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức”. Và khi Lê-nin qua đời, Người kêu gọi tất cả hãy mạnh mẽ để cách mạng thắng lợi: “Những người bị áp bức, nam và nữ, há lại không nên nhận lấy nhiệm vụ mà Lênin đã để lại và tiến lên hay sao? Tiến lên!”(11). Đầu năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, Người đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau. Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới”(12). Như vậy, qua những bài viết đăng báo Le Paria, Người đã định hướng cho nhân dân lao động các dân tộc cần lao về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và thực tế, đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ từ những năm 30 của thế kỷ XX, đặc biệt là kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giá trị định hướng cho sự phát triển báo chí cách mạng

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm khu trưng bày "100 năm tờ báo Le Paria"_Ảnh: Tư liệu

Thứ nhất, tạo ra sự gắn bó giữa báo chí và đời sống xã hội, chất liệu phong phú của báo chí phải xuất phát từ thực tiễn.

Thời kỳ hoạt động báo chí của Nguyễn Ái Quốc đầu những năm 20 của thế kỷ XX ở Pháp rất phong phú, sôi nổi. Các bài báo đều có lý lẽ sắc bén, tư liệu phong phú và có tính chiến đấu cao. Những hoạt động báo chí đã tiếp tục bồi đắp cho Người về lòng yêu nước thương nòi, tích lũy kiến thức, mở tầm viễn kiến, góp phần phát triển tinh thần quốc tế vô sản, tạo tiền đề quan trọng cho việc nhận thức “lấy cán bút làm đòn xoay chế độ” để tích cực hoạt động báo chí trong những năm sau này.

Những bài báo của Người thường có chiều sâu về tri thức lịch sử, kiến thức xã hội và bề dày vốn văn hóa Đông, Tây, kim cổ. Người đã chọn lọc tinh hoa văn hóa, ngôn ngữ trong hoạt động báo chí phương Tây một cách dung dị, gần gũi với mọi người. Người sử dụng các dữ kiện lịch sử các dân tộc, thống kê các số liệu làm minh chứng sinh động và cụ thể hóa các phong trào cách mạng theo lối tư duy độc lập, tự chủ (có đan xen bình luận theo chủ ý tác giả) làm nên chất liệu báo chí có hàm lượng thông tin cao, đa dạng thể loại, có ý nghĩa lịch sử, có giá trị văn học và nghệ thuật ngôn từ. Nhiều bài báo có giọng điệu châm biếm, ngoa dụ, vừa tạo phong cách, bản sắc riêng, vừa phù hợp với loại thể chiến luận, phê phán, đấu tranh không khoan nhượng với tội ác của chế độ thực dân, bảo vệ công lý‎‎, lẽ phải, nhân dân lao động lầm than. Những bài báo đều giàu chất liệu thực tiễn và căn cứ xã hội sâu sắc để hướng đến cải tạo xã hội tốt đẹp hơn. Đó là bài học quý giá cho các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo chí cần luôn tôn trọng quy luật khách quan, thấm nhuần thực tiễn, xuất phát từ hiện thực cuộc sống để cho ra đời những sản phẩm báo chí có giá trị thực tiễn, vì sự phát triển tiến bộ.

Thứ hai, không ngừng nghiên cứu, học hỏi, trau dồi tri thức, dấn thân, rèn luyện bút lực, kỹ năng làm báo.

Quá trình Nguyễn Ái Quốc dấn thân, đi nhiều, nghiên cứu nhiều, viết nhiều, làm cho vốn tri thức ngày càng phong phú, ngoại ngữ tinh thông, phông nền văn hóa thêm rộng lớn, kỹ năng viết báo thành thục, gắn chặt lý luận với thực tiễn. Các tác phẩm báo chí của Người ngày càng tăng nhanh về số lượng và thể loại, với nhiều đề tài khác nhau, được thực hiện bằng nhiều thứ tiếng. Năm 1922, Người viết 27 bài (đăng báo Le Paria 10 bài), năm 1923 là 35 bài (đăng báo Le Paria 15 bài), năm 1924 là 60 bài (đăng báo Le Paria 9 bài)…, cho thấy sức viết của một ngòi bút giàu nội lực, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có những sản phẩm báo chí chất lượng phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Trong bài báo của Người, có nhiều câu chuyện, mẩu chuyện chân thực, xúc động, đau xót về thân phận, số phận của những người lao động nghèo khổ, cùng cực, mang chiều sâu triết lý nhân sinh, nhân bản ẩn đằng sau những trang viết đầy chất thép của tinh thần đấu tranh không mệt mỏi. Mỗi bài báo, đề tài luôn được trình bày theo những cách khác nhau, mới lạ và dễ gây ấn tượng sâu sắc, với lối diễn đạt ngắn gọn, súc tích, mạch lạc, vừa đủ, có đầu, có đuôi, không thừa từ, “từ giản mà ý hùng”.

Quá trình tham gia và hoạt động tích cực đối với báo Le Paria đã giúp Người nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, khảo sát, viết bài, đăng báo và Người trực tiếp thực hiện các khâu trong quá trình làm báo để cho ra đời những ấn phẩm lên án tội ác man rợ của chế độ thực dân, đế quốc, phản ánh tính chiến đấu và thức tỉnh nhân dân thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập. Người đã sáng lập, trực tiếp tổ chức, viết bài, biên tập nội dung, trình bày hình thức, in ấn và phát hành các tờ báo. Người làm báo là để làm cách mạng và để phục vụ cách mạng. Những tư liệu lịch sử phong phú từ quá trình Người tham gia làm báo Le Paria đã thể hiện đậm nét phong cách báo chí, tư tưởng về xây dựng nền báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ ba, nói lên tiếng nói chính nghĩa, thể hiện tính chiến đấu và định hướng đúng đắn cho độc giả.

Hoạt động báo Le Paria giúp cho người thanh niên Nguyễn Ái Quốc trưởng thành về bản lĩnh, nâng cao tính chiến đấu trên mặt trận báo chí trong quá trình làm cách mạng của mình. Đó là sự sắc sảo của tư duy, khí thế mạnh mẽ của ngôn từ, cách luận bàn, những luận cứ triển khai và cách giải quyết vấn đề nhằm mang đến hiệu quả tuyên truyền, định hướng cho người đọc. Từ một người yêu nước, quá trình bôn ba đã hun đúc cho Người về nhận thức thời cuộc, bút pháp sắc sảo, đứng về cái đúng, bảo vệ cái đúng, cái tốt đẹp, nói lên tiếng nói chính nghĩa và có sức lan tỏa rộng rãi trong đấu tranh cách mạng. Việc sáng tạo trong mỗi bài báo của Người là bài học về hiệu quả tuyên truyền và tính nghệ thuật cao để đánh trúng đích vào chủ nghĩa thực dân, làm cho người đọc thấy được tính chiến đấu cao, vừa căm thù vừa khinh ghét chế độ thực dân. Người đã biết tận dụng vũ khí sắc bén của báo chí để phục vụ cách mạng, lên án đanh thép chế độ thực dân, tuyên truyền và giác ngộ nhân dân lao động thuộc địa cần phải đứng lên, học hỏi con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 để đấu tranh, giải phóng cho dân tộc mình theo con đường cách mạng vô sản.

Từ những bài viết trên báo Le Paria cho thấy một con người có thiên hướng và quyết tâm hành động vì một mục tiêu duy nhất là độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Bài viết và việc sử dụng báo chí thể hiện những quan điểm của Người ngày càng sáng tỏ về con đường cách mạng và những cách thức để hiện thực hóa con đường đó cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quan trọng, trở thành “linh hồn” trong bước đường ra đời, tồn tại của báo Le Paria. Những bài viết của Người với nội dung phong phú, nhiều minh chứng sinh động về chính sách bạo tàn của thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, có tác động sâu sắc đối với phong trào ở thuộc địa hướng đến mục tiêu giải phóng dân tộc, mang tính chiến đấu cao, tính cách mạng triệt để, định hướng cho sự ra đời, tổ chức và hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những hoạt động của Người đối với báo Le Paria có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, định hướng và là hành trang quý báu cho các thế hệ người làm báo cách mạng học tập, noi theo, cống hiến trong sự nghiệp tư tưởng, lý luận./.

-----------------------

(1), (2), (3), (5), (9), (10), (11), (12): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 489, 496, 196-197, 208, 491, 319, 496
(4): Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, t. 1, tr. 125, 200-201
(6):  Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.94
(7): Trần Dân Tiên (1994), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 40
(8):  Hồi ký: Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1980, tr. 493-494