TCCS - Ngày 1-11-2021 (theo giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) _  Ảnh: TTXVN

Tham dự COP26 có lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Ngoài ra có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ. Đây là hội nghị quốc tế có quy mô lớn, quan trọng hàng đầu về biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần hành động mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất, đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Các diễn giả cũng nhấn mạnh các nước phát triển cần thực hiện đúng cam kết huy động tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển trong các nỗ lực thích ứng và chống chịu, cho rằng COP26 là cơ hội cuối cùng để khôi phục tự nhiên và bảo vệ tương lai nhân loại. 

Thủ tướng Barbados Mia Amor Mottley nêu bật các tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với sự tồn vong của các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương và Caribe, nhấn mạnh cần giải quyết tài chính, chuyển đổi và thích ứng để đạt các mục tiêu của Hiệp định Paris, nhấn mạnh tình trạng hiện nay là "báo động đỏ" cho các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị các nước cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) _ Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học - công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã đưa ra, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay, được nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao; đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.

*** Trong dịp dự Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Australia Scott Morrison _ Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Australia Scott Morrison, hai bên đã trao đổi về hàng loạt vấn đề về hợp tác song phương cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển tích cực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại và phòng chống dịch COVID-19. Hai bên cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp và địa phương, phấn đấu thương mại hai chiều sớm đạt 15 tỷ USD và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Để đạt mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Australia mở cửa thị trường, tăng cường nhập khẩu nông sản và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là hoa quả theo mùa vụ và thủy sản; tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo - chủ đề đang được thảo luận sôi nổi tại COP26, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ cùng Australia đóng góp vào thành công chung của COP 26.

Thủ tướng Australia Scott Morrison chia sẻ các ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh chính, cam kết sẽ cùng Chính phủ Việt Nam triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ và hợp tác theo hướng bền vững. Thủ tướng Morrison mong muốn hợp tác trong ứng dụng năng lượng xanh, sạch và mời Việt Nam tham dự  hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng năng lượng xanh Australia đăng cai năm 2022.  Đáp lại đề nghị của Thủ tướng tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam và tạo điều kiện cho người Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập tại Australia, Thủ tướng Morrison cho biết ưu tiên sinh viên Việt Nam trở lại Australia học tập trước học kỳ mới năm 2022 và luôn quan tâm ủng hộ cộng đồng người Việt phát triển và hội nhập.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí duy trì chặt chẽ hợp tác trên các diễn đàn đa phương, chia sẻ quan điểm về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Thủ tướng Morrison khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, duy trì tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến. Nhân dịp này Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Australia sớm thăm Việt Nam, Thủ tướng Morrison cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen _ Ảnh: TTXVN

Trong cuộc gặp với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, hai bên bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ trao đổi nhân dịp Hội nghị COP26 lần này. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn EU và các nước thành viên đã hỗ trợ kịp thời vaccine và thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19; rất mong EC tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine và hỗ trợ thiết bị y tế. Thủ tướng Chính phủ khẳng định hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - EU. Để tranh thủ tối đa EVFTA, Thủ tướng Chính phủ đề nghị EU tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhất là nông sản, thủy sản, tranh thủ hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, EU có thế mạnh như thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh…; đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên hoàn tất phê chuẩn EVIPA, sớm đưa vào thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên. 

Chủ tịch EC bà Ursula von der Leyen quan tâm, lắng nghe và chia sẻ các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai phục hồi kinh tế và những chủ đề được thảo luận ở COP26; hoan nghênh cam kết và đóng góp của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu. EC cam kết mức phát thải bằng 0 đến năm 2050, cho rằng các quốc gia cần đặt mục tiêu tham vọng hơn mới có thể triển khai được. Đáp lại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu; mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Về vấn đề IUU, Thủ tướng Chính phủ thông báo đã chỉ đạo các địa phương triển khai các quy định chống khai thác IUU, các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp; đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng và hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung cho thị trường EU không bị gián đoạn. Chủ tịch EC vui mừng trước thông tin này và cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan EU xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc dỡ bỏ thẻ vàng./.

Thùy Linh (tổng hợp)