1. Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA-31

Từ ngày 2-8 đến ngày 8-8-2009, tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 30 và tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA-31, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hộiTòng Thị Phóng dẫn đầu đã đề xuất với Đại hội đồng AIPA-30 nhiều nội dung liên quan đến vai trò của AIPA trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN; vai trò của AIPA đối với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới; các mục tiêu Thiên niên kỷ vì an ninh con người bền vững. Đây là những nội dung mang tính thời sự và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết về khủng hoảng kinh tế đã nhận định: nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm vượt qua khủng hoảng bằng việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách pháp luật. Đoàn Đại biểu Việt Nam một lần nữa cam kết chủ động, tích cực trong việc tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, góp phần phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước ASEAN.

2. Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong trận chiến đấu ngày 2 và 5-8-1964

Ngày 3-8-2009, bên bờ sông Cửa Lục, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong trận chiến đấu ngày 2 và 5-8-1964. Tại lễ tưởng niệm, Phó Ðô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân đọc diễn văn ôn lại truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự kiện chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964. Ðây là chiến thắng thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, ý chí quyết tâm và sự chỉ đạo tài tình của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc là niềm tự hào về tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc Việt Nam.

3. Việt Nam và I-xra-en ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản

Ngày 4-8-2009, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước I-xra-en, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước I-xra-en tại Việt Nam, ông E-phi Ben Ma-ti-an, đã chính thức ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản, nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, tạo ra một môi trường pháp lý về thuế rõ ràng, ổn định để các nhà đầu tư I-xra-en và Việt Nam phát triển, mở rộng các hoạt động kinh doanh đầu tư, đồng thời qua đó gián tiếp tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực mỗi bên có lợi thế hoặc có lợi ích chung của hai nước.

4. Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2009

Trong hai ngày 4 và 5-8-2009, tại Hà Nội, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2009, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại Phiên họp, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2009 (bao gồm công tác điều hành kinh tế vĩ mô, tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP), dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, dự báo và các giải pháp chủ yếu trong năm tháng cuối năm; tình hình thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 6 và chương trình công tác của Chính phủ tháng 7-2009; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 7; tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 7-2009. Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngay từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, Chính phủ đã dự báo và đánh giá đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, từ đó đề ra các biện pháp điều hành thích hợp và linh hoạt. Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan, kinh tế - xã hội đất nước đã có những chuyển biến tích cực.

5. Lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng trận đầu trong chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc

Ngày 5-8-2009, tại lễ kỷ niệm, Trung tướng Lê Hữu Ðức, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nêu rõ, 45 năm trước, ngày 5-8-1964, Bộ đội Phòng không - Không quân cùng Bộ đội Hải quân và quân, dân miền Bắc mưu trí, dũng cảm, kiên cường đánh trả, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống giặc lái, lập chiến công đầu vẻ vang trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ trận đầu đánh thắng ngày 5-8-1964, Bộ đội Phòng không - Không quân liên tục đánh thắng các cuộc tiến công bằng máy bay của đế quốc Mỹ vào miền bắc, bắn rơi 2.635 máy bay các loại, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

6. Hội thảo “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: Tác động và cơ hội đối với phụ nữ”

Ngày 5-8-2009, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao; Quỹ Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: Tác động và cơ hội đối với phụ nữ”. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, tuy đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực và triển vọng phục hồi, nhưng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hội thảo là một trong những sáng kiến của Việt Nam và thế giới về chống khủng hoảng để hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 2009 với chủ đề: “Đối phó với khủng hoảng kinh tế: Đầu tư cho phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt”. Tại Hội thảo này, các đại biểu tham dự tập trung tìm ra những cơ hội và thách thức đối với phụ nữ, cũng như những bài học kinh nghiệm tốt nhất từ các nước để áp dụng cho Việt Nam.

7. Năm 2010, Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN

Ngày 7-8-2009, nhân kỷ niệm 42 năm (8-8-1967 - 8-8-2009) Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á chính thức được thành lập, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó điểm lại những dấu mốc và những thành tựu quan trọng mà ASEAN đã đạt được trong suốt lịch sử hình thành và phát triển cũng như phương hướng phát triển ASEAN trong thời gian tới. Trải qua 42 năm phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, ASEAN ngày nay là một hiệp hội đoàn kết vững mạnh, là mái nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á và đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết năng động, có vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Năm 2010, Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN. Đây là vinh dự cũng là trách nhiệm to lớn. Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt và sẵn sàng thực hiện tốt trọng trách này với quyết tâm cao nhất, qua đó thể hiện vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam, vì đoàn kết, hợp tác và phát triển của ASEAN cũng như sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác khác. Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã thay mặt Chính phủ Việt Nam gặp mặt thân mật và chiêu đãi trọng thể các vị Ðại sứ, Ðại biện và Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam

8. Ký Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý liên quan của Chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 8 (PRSC8) do WB tài trợ cho Việt Nam

Ngày 7-8-2009, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bà Vích-tô-ri-a, Ca-oa-oa (Kwakwa), Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã ký Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý liên quan của Chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 8 (PRSC8) do WB tài trợ cho Việt Nam, trị giá 350 triệu USD. Khoản vay ưu đãi này đã được Ban Giám đốc điều hành WB thông qua ngày 25-6-2009 với thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, và lãi suất bằng 0%. Tính đến nay, số tiền trị giá 350 triệu USD là mức cam kết lớn nhất của WB dành cho Chính phủ Việt Nam kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình PRSC, nâng tổng số tiền tài trợ của 8 chương trình PRSC lên tới 1,325 tỉ USD theo hình thức cho vay ưu đãi.

9. Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 4

Ngày 6-8 và 7-8-2009, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 4 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, với chủ đề “Cùng nhau xây dựng Cực tăng trưởng mới ASEAN - Trung Quốc: Mở rộng hợp tác biến khủng hoảng thành cơ hội”. Gần 400 đại biểu chính phủ, các chuyên gia và học giả của Trung Quốc, các nước ASEAN và đại diện một số tổ chức quốc tế đã tham dự Diễn đàn. Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về nội dung hợp tác khu vực trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, trong đó nêu đậm tầm quan trọng của việc đảm bảo tính bổ sung và hài hoà giữa Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng với các khuôn khổ và cơ chế hợp tác hiện có trong khu vực Đông Á, trong đó có sáng kiến hợp tác Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung.

10. Chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với chủ đề “Công lý và Trái tim”

Ngày 8-8-2009, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10-8-2009, với chủ đề “Công lý và Trái tim”. Tại đây, các đại biểu, đại diện các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và các tầng lớp nhân dân cùng thưởng thức những tiết mục văn nghệ, phim phóng sự về nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam; giao lưu với đại diện đoàn nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đi vận động dư luận ủng hộ cuộc đấu tranh đòi các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường. Phát biểu ý kiến tại chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi ân cần và thân thiết các nạn nhân chất độc da cam và gia đình, đồng thời nêu rõ, mặc dù chiến tranh đã đi qua, nhưng chất độc da cam vẫn gây ra những nỗi đau và bất hạnh trong cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và gia đình; đất nước Việt Nam tự hào về những nạn nhân chất độc da cam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam còn gặp nhiều gian nan, vất vả nhưng nhất định sẽ giành thắng lợi cuối cùng./.