Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, là thành quả tất yếu của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong thời kỳ đổi mới, mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn lực được rộng mở, những tiềm năng lợi thế của đất nước có điều kiện trở thành hiện thực. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng việc gia nhập WTO là phương tiện quan trọng và động lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, trong đó có xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

1. Cơ hội đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân khi gia nhập WTO

Trước hết, gia nhập WTO là tham gia một thể chế đa phương. Thể chế đa phương tự nó có lợi cho việc nâng cao vị thế của chúng ta, cũng nhờ đó mà nâng cao tiềm lực kinh tế quốc gia, có điều kiện để phát triển tiềm lực quốc phòng. Trong quan hệ quốc tế, các nước vốn trong quá khứ đã từng là “đối thủ” nhiều khi rất khó thúc đẩy quan hệ song phương, nhưng thông qua các cơ chế đa phương lại có nhiều điều kiện xích lại gần nhau. Vào WTO có đấu tranh (thực chất là cạnh tranh), nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là hợp tác để phát triển, theo thời gian và sự trải nghiệm có thể chuyển từ đối tượng thành đối tác, giảm dần nguy cơ đối đầu. Nhờ vị thế địa - chính trị, thành công của công cuộc đổi mới, quan hệ giữa nước ta với các nước lớn đã được nâng lên thành những đối tác chiến lược. Vượt qua những quan hệ thương mại, các quan hệ chính trị an ninh, quốc phòng đã, đang và sẽ được thiết lập theo nguyên tắc tự chủ, bình đẳng, cùng có lợi. Bằng quan hệ đa phương, chuẩn mực, luật pháp và thông lệ quốc tế đã giúp chúng ta giải quyết thoả đáng vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên, nhất là các vùng chồng lấn do lịch sử để lại. Trong những trường hợp như thế, các quan hệ song phương dễ đẩy chúng ta vào thế “đơn độc” khi thương lượng với nước lớn, nhưng nếu đặt vào thể chế đa phương thì có “sức nặng” và vị thế lớn hơn trong các cuộc đàm phán.

Gia nhập WTO cũng tạo ra khả năng gắn kết các nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng; giữa kinh tế, quốc phòng, an ninh với đối ngoại. Khi thị trường thế giới được mở rộng, sản xuất trong nước được thúc đẩy, đời sống nhân dân được cải thiện sẽ góp phần củng cố tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia. Gắn với phát triển sản xuất, cơ cấu xã hội sẽ biến đổi, theo đó, tạo ra khả năng huy động các tầng lớp dân cư vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp phi vũ trang, nhất là đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, gia nhập WTO tạo cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, tạo nên thế “cài đặt chiến lược” lợi ích các nước lớn trên đất nước ta, tạo ra sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước khi toan tính lợi ích ở Việt Nam. Chính các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh mới có tiếng nói tác động tới quốc hội, chính phủ và những người đứng đầu các nước lớn, chi phối đến chính sách đối ngoại của các nước đó trong trật tự quốc tế; nếu những tập đoàn kinh tế đó có lợi ích ở Việt Nam thì đó sẽ là tiếng nói tích cực. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa kinh tế với hoạt động đối ngoại trong các quan hệ quốc tế như vậy sẽ tạo ra khả năng bảo vệ Tổ quốc tốt hơn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hoà bình, tăng cường khả năng hợp tác.

Gia nhập WTO, mở rộng thị trường, ngoài tiếp nối các quan hệ truyền thống, chúng ta còn có điều kiện mở rộng với nhiều đối tác mới trong quan hệ thương mại, chuyển giao công nghệ quốc phòng, trong đó có một số lĩnh vực công nghệ cao. Gia nhập WTO thực sự là áp lực đối với nền kinh tế, nhưng cũng là cơ hội để cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, trong đó có công nghiệp quốc phòng.

Một trong những cam kết của WTO là công khai, minh bạch cũng thực sự là áp lực để chúng ta thực hiện chống lãng phí, tham nhũng - một trong những khâu yếu mà các thế lực thù địch ra sức lợi dụng để thực hiện “diễn biến hoà bình”. Gia nhập WTO với việc mở rộng thị trường thế giới cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp quốc phòng cơ cấu lại để tham gia vào quá trình xuất khẩu, kể cả những doanh nghiệp quốc phòng sản xuất các hàng hóa dân dụng và quân dụng.

Nếu xem phát triển là cách tốt nhất để bảo vệ Tổ quốc thì gia nhập WTO sẽ tạo ra nhiều khả năng phát triển mới và nhờ đó gián tiếp hoặc trực tiếp đóng góp vào quá trình bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo tư duy và cách làm mới. Gia nhập WTO đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi nhiều luật lệ không phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo ra một thể chế minh bạch hơn, tăng thêm lòng tin của nhân dân vào đường lối của Đảng và sự quản lý của nhà nước và trên cơ sở đó mới huy động được sức mạnh chính trị của nhân dân vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Gia nhập WTO cũng đòi hỏi mỗi tổ chức, mỗi con người phải thay đổi những nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ, lạc hậu, không phù hợp với thế giới văn minh, nhờ đó làm cho con người Việt Nam năng động hơn, có tác phong công nghiệp hơn, chuyên nghiệp hơn trên mọi lĩnh vực và trở thành những “chiến sĩ” của nền quốc phòng toàn dân mà nội hàm của nó được mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp phi vũ trang ngày càng chiếm vị trí quan trọng.

2. Thách thức đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân khi gia nhập WTO

Sau khi gia nhập WTO, đất nước đứng trước nhiều cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ, có mặt tác động trực tiếp, có mặt gián tiếp đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Mặc dù thời thế, địa - chính trị thế giới có thay đổi, nhưng chủ nghĩa đế quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu bá chủ đối với thế giới, trong đó có nước ta. Qua các cuộc chiến tranh Nam Tư, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc... với việc đưa vũ khí và ra đa vào các nước Đông Âu và Cáp-ca-dơ, Mỹ và khối NATO đang bành trướng tràn sang không gian hậu Xô-viết cũng đủ để thấy rõ thêm những mưu đồ chiến lược của chủ nghĩa đé quốc tế. Các chuyên gia quân sự cho rằng thông qua các quan hệ kinh tế, thương mại là con đường phù hợp và hiệu quả hơn so với con đường can thiệp bằng quân sự. Cũng thông qua các quan hệ kinh tế - thương mại mà có những mặc cả về chính trị, quân sự, có khi vì lợi ích toàn cục, lâu dài mà buộc phải chấp nhận tạm thời. Nguyên tắc của WTO là hợp tác bình đẳng, nhưng quan hệ giữa các nước lớn vẫn là quan hệ chi phối. Toàn cầu hóa là quá trình khách quan, nhưng bao giờ các nước lớn cũng lồng ghép ý đồ chủ quan trong các quá trình kinh tế, thương mại, đầu tư tư bản, dịch chuyển lao động. Không có một quan hệ kinh tế nào thời toàn cầu hoá lại thiếu vắng các mục tiêu chính trị, đó cũng là tất yếu bởi “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế” – theo cách nói của V.I.Lê-nin.

Gia nhập WTO đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi hệ thống luật pháp cho phù hợp thông lệ quốc tế mà những luật lệ này được soạn thảo và quy định bởi ý chí của các nước phát triển. Suy cho cùng, chủ quyền của một quốc gia được quy định trước hết bởi quyền ban hành luật pháp, nhưng giờ đây buộc phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với các cam kết của WTO. Đối tượng điều chỉnh của những luật lệ ấy là toàn bộ các quan hệ xã hội (kinh tế, chính trị và dân sự), ngoài những tác động tích cực với vai trò làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm không phù hợp với thời đại toàn cầu hóa, thì cũng không tránh khỏi những tác động trái chiều. Gia nhập WTO cũng đòi hỏi phải chia sẻ thông tin, thậm chí kể cả những thông tin trước đây được xem là bí mật quốc gia, để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung của toàn cầu, thực hiện các cam kết trước khi gia nhập.

Gia nhập WTO đặt Việt Nam ngày càng tùy thuộc chặt chẽ với thế giới và vì thế cũng chịu nhiều áp lực từ các tác nhân bên ngoài. Xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, cũng có nghĩa là đặt Việt Nam ngày càng tùy thuộc vào thị trường thế giới. Nếu như sự mở rộng thị trường thế giới “xuôi chèo mát mái” thì không có gì cần bàn, nhưng trên thực tế thường gặp phải các rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Khi đó sẽ gây khó khăn cho việc làm, đời sống của người dân, làm tổn thương đến chính lực lượng của nền quốc phòng toàn dân. Nhập khẩu ngày càng tăng nhanh cũng đặt Việt Nam ngày càng tùy thuộc chặt chẽ vào thế giới và một biến động nào đó về giá cả, khủng hoảng từ bên ngoài đều tác động trực tiếp đến đời sống, tâm lý, tư tưởng của người dân. Đặc biệt, trong điều kiện mà thị trường chứng khoán từng bước hình thành, tư bản dịch chuyển tự do, nếu gặp tình huống có khủng hoảng rất dễ xảy ra tình trạng “rút vốn” làm “trống rỗng” nền kinh tế đất nước trong chốc lát (như Thái Lan, Hàn Quốc năm 1997). Tình huống đó sẽ đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng, mà những hệ lụy của nó đối với an ninh và chủ quyền quốc gia ở mức độ nào thì chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra được những tiên lượng đầy đủ, không chỉ trên lĩnh vực tài chính, mà nhiều khi gắn với những đảo lộn xã hội an ninh chính trị.

Gia nhập WTO mà vấn đề cốt lõi là từng bước thực hiện cam kết phi quan thuế giữa nước ta và các nước thành viên của tổ chức này, có nghĩa là, biên giới giữa các quốc gia về phương diện kinh tế rất mong manh, nếu không nói là rất mờ nhạt và điều này tác động đến yêu cầu nhận thức đầy đủ hơn quan niệm về chủ quyền quốc gia trên phương diện kinh tế trong thời đại toàn cầu hoá. Chính tính chất “biên giới mong manh” về kinh tế này sẽ tác động đến chủ quyền quốc gia trên các phương diện chính trị, văn hoá, quân sự và an ninh quốc gia. Trong cuộc cạnh canh về kinh tế, chúng ta vẫn là nước nghèo, kém phát triển, doanh nghiệp chưa thông thạo với thị trường thế giới,... rất dễ bị thua thiệt. Nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương nhất, mà ở đó gắn với phần lớn nông dân, cũng là cơ sở bền vững của các khu vực phòng thủ chiến lược và là nguồn nhân lực chủ yếu huy động phục vụ cho các nhiệm vụ quốc phòng. Sự phát triển kinh tế sau khi gia nhập WTO sẽ dẫn tới cơ cấu lại dân cư, mà ở đó sẽ xuất hiện các dòng di dân từ nông thôn ra đô thị, sẽ đặt ra những thách thức về xây dựng khu vực phòng thủ chiến lược ở cả nông thôn và đô thị. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân của chúng ta được đảm bảo trước hết bằng sức mạnh chính trị, sức mạnh truyền thống yêu nước, sức mạnh của ý chí bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia của mỗi người dân và các lực lượng vũ trang. Song toàn cầu hoá về kinh tế kéo theo toàn cầu hóa về văn hóa, tác động sâu sắc đến tư tưởng của người dân, của lực lượng vũ trang, mà chủ nghĩa đế quốc rất mong muốn thông qua để làm phai nhạt lý tưởng, xói mòn thang giá trị truyền thống và làm cho chúng ta tê liệt khả năng đề kháng từ các “tế bào” của nó.

Công cuộc đổi mới ở nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, nhưng cho đến nay nước ta vẫn là nước nghèo và kém phát triển. Chúng ta luôn đứng trước mâu thuẫn muốn nhanh chóng hiện đại hoá nền quốc phòng với tiềm lực kinh tế có hạn, trong lúc đó so với 20 năm trước đây chi phí và giá cả các sản phẩm quốc phòng đã tăng lên nhiều lần. Vào WTO là sự khơi thông cho chu chuyển hàng hoá, nhưng đối với quốc phòng an ninh không phải như thế. Khác với các nước trên thế giới, công nghiệp quốc phòng ở nước ta, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhà nước, quân số đông, công nghệ lạc hậu, bao cấp, sản xuất kém hiệu quả, đang tổ chức sắp xếp lại, cổ phần hoá. Gia nhập WTO, những sản phẩm quốc phòng thông dụng sẽ chịu áp lực lớn, một số doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất.

3. Xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân thích ứng với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

Về tiềm lực vật chất, chúng ta thua kém nhiều lần so với các nước lớn, nhưng chúng ta có tiềm năng lợi thế về các giá trị truyền thống. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao nhận thức cho nhân dân, cho các lực lượng vũ trang để hiểu một cách sâu sắc lịch sử, niềm tự hào dân tộc, để mỗi người dân có thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc sống “yên bình” nhưng không kém phần gay go, quyết liệt.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một “cuộc chơi” chứa nhiều rủi ro, thách thức, trước hết chúng ta phải hiểu “luật chơi”, phải hiểu thế giới, có chiến lược và sự chuẩn bị về nội lực, biết sử dụng tiềm năng và lợi thế trong quan hệ đa phương.

Trong quan hệ kinh tế thương mại, đặc biệt là trong quốc phòng, luôn phải cân nhắc so sánh chọn lựa giữa mục tiêu và phương tiện, nguyên tắc và phương pháp, tình thế trước mắt và chiến lược lâu dài. Trong bối cảnh thế giới phức tạp và biến động đó, cần dự báo chiến lược để chủ động thích ứng và đối phó chọn lựa, phối hợp trong quan hệ song phương và đa phương. Những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm phải xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng.

Trên phạm vi quốc gia, mục tiêu của hội nhập là đạt hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội. Trong mỗi chính sách kinh tế phải tính toán đến các yếu tố an ninh, quốc phòng. Trong một số lĩnh vực, đầu tư cho an ninh, quốc phòng là đầu tư cho kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên quốc gia, bảo vệ các giá trị truyền thống văn hoá.

Xây dựng tiềm lực an ninh quốc phòng trong thời kỳ hội nhập không phải là sự biệt lập khép kín, mà là sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, là sự kết hợp giữa chính trị, kinh tế, ngoại giao. Một số lĩnh vực cần được xã hội hoá. Tổ chức sắp xếp lại công nghiệp quốc phòng hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Loại doanh nghiệp đặc biệt quan trọng thực hiện theo kế hoạch; loại doanh nghiệp vừa làm nhiệm vụ quốc phòng vừa làm nhiệm vụ kinh tế thực hiện cơ chế đặt hàng nhằm phát huy tính tự chủ cho doanh nghiệp; loại doanh nghiệp tỷ trọng sản phẩm có tính chất quốc phòng thấp cần chuyển đổi hình thức sang hoạt động theo cơ chế kinh doanh như Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) đã chủ trương để các doanh nghiệp có động lực vươn lên đứng vững trong bối cảnh mới.

Gia nhập WTO có cả cơ hội và thách thức đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, cơ hội không tự nó biến thành lực lượng vật chất, mà tuỳ thuộc vào khả năng vận dụng cơ hội của chúng ta. Thách thức là áp lực trực tiếp, nhưng tác động của nó đến đâu còn tuỳ thuộc vào nội lực và khả năng chế ước của chúng ta. Để tranh thủ cơ hội, đẩy lùi thách thức, chúng tôi có mấy khuyến nghị sau đây:

- Cần nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống quan niệm về chủ quyền quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hoá, phân biệt với chủ quyền quốc gia theo quan niệm truyền thống, trên cơ sở đó đề ra giải pháp thích ứng.

- Định dạng một cách cụ thể vai trò, vị trí, khuôn khổ hợp tác từng tổ chức đa phương, từng quan hệ song phương và tác động của nó đối với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc bằng khả năng kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng; giữa kinh tế, quốc phòng, an ninh với đối ngoại. Đây là cơ sở để lựa chọn đối tác có khả năng đem lại sự phát triển kinh tế dân tộc và tạo thế ràng buộc lẫn nhau về địa – chính trị, trên cơ sở đó ngăn ngừa khả năng xung đột, chiến tranh, giữ vững môi trường hoà bình ổn định để phát triển đất nước.

- Cần dự báo được xu hướng vận động của cơ cấu xã hội, cơ cấu dân cư từng khu vực ở thời kỳ “hậu WTO” để bố trí khu vực phòng chủ chiến lược một cách hợp lý, nhất là ở các khu công nghiệp mới hình thành và các trung tâm đô thị có quan hệ kinh tế mở với thế giới.

- Nghiên cứu và đề xuất giải pháp thích hợp để gắn trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, ý thức quốc phòng toàn dân đối với tất cả các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đối với chủ doanh nhân thuộc thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hỗn hợp - lực lượng đang ngày càng đông đảo về số lượng và chiếm vị trí quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật cần cân nhắc đầy đủ về yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa đảm bảo hội nhập kinh tế theo thông lệ quốc tế và bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Trong nhiều trường hợp, đảm bảo được sự thống nhất giữa hai yêu cầu trên không đơn giản, mà trên thực tế buộc phải biết “chia sẻ” mặt nọ cho mặt kia, phải tuỳ từng trường hợp cụ thể, từng nội dung mà lựa chọn cho phù hợp, tính toán được lợi ích toàn cục.

- Tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân cho nhân dân; không ngừng giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tăng cường sức mạnh chính trị của các lực lượng vũ trang bằng những hình thức, phương pháp uyển chuyển, phù hợp.

- Tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng (trừ những lĩnh vực đặc biệt) theo nguyên tắc tạo sự cạnh tranh lẫn nhau và cổ phần hoá hoặc chuyển một phần trách nhiệm cho các doanh nghiệp tư nhân đối với những sản phẩm quân dụng mà nhà nước không cần thiết nắm giữ.
 

 
* PGS, TS