Tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh hiện nay

Phạm Việt Dũng
Tạp chí Cộng sản
11:52, ngày 11-01-2024

TCCS - Vấn đề tạo việc làm phù hợp với kinh nghiệm, năng lực chuyên môn nghề nghiệp và sức khỏe của người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa sử dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và phát triển đất nước.

Tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia thị trường lao động vừa đem lại niềm vui, sức khỏe và đóng góp cho xã hội (Trong ảnh: Người giữ lửa nghề lụa Vạn Phúc (tác giả: Trần Thu Hà))_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định “già hóa dân số” là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng.

Về nhu cầu làm việc, các chuyên gia kinh tế lao động cho rằng, khi nói đến khởi nghiệp, nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Tại nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, người cao tuổi khởi nghiệp là lĩnh vực luôn được xã hội quan tâm, khi cho rằng nhóm người cao tuổi là nguồn lực của quốc gia. Thực tế có rất nhiều người cao tuổi còn sức khỏe, nhất là từ 60 tuổi đến 75 tuổi, họ vẫn mong muốn tiếp tục cống hiến, được tạo điều kiện làm việc nhưng chưa được đáp ứng. Vì vậy, cần nhận thức người cao tuổi là nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực người cao tuổi một cách hiệu quả. 

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những quốc gia đang đối mặt với thách thức rất lớn từ già hóa dân số. Các nước này đã triển khai nhiều giải pháp để đối phó, trong đó có giải quyết việc làm cho người cao tuổi.

Ở Nhật Bản, tình trạng già hóa dân số được ví như cơn sóng thần màu xám. Hơn lúc nào hết, Nhật Bản đang cảm nhận rõ tác động của già hóa dân số đối với vị thế của đất nước trên bản đồ kinh tế thế giới. Cảm nhận nguy cơ này, từ hơn 40 năm trước, Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống giới thiệu việc làm cho người cao tuổi từ cấp thôn, xã cho tới thành phố. Từ năm 1986, chính phủ nước này đã thiết lập 1.300 trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước và chỉ thu một khoản phí rất nhỏ từ những người đăng ký tìm việc. Nhiệm vụ của các trung tâm này là giới thiệu những công việc đơn giản, thời gian làm việc ngắn cho những người cao tuổi sống trong khu vực và có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm cho các hội viên. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thuê lao động cao tuổi làm các công việc phù hợp, như: điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn cho học sinh trong khung giờ đi và về từ nhà đến trường, dọn vườn, cắt cỏ, trồng cây... với thu nhập trung bình mỗi người khoảng 400 USD/tháng.

Quốc hội Nhật Bản thông qua bộ luật ổn định việc làm cho người cao tuổi vào năm 2013. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi nghỉ hưu với tuổi không trẻ hơn 60, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp: 1- Xây dựng chế độ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi; 2- Có biện pháp duy trì việc làm đến 65 tuổi; 3- Bãi bỏ chế độ nghỉ hưu. Bên cạnh đó, chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm, cũng như những doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên đến tuổi 65 và phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đã xây dựng chế độ làm việc đến 65 tuổi.

Số lượng các công ty thay đổi chính sách cho phép tuyển dụng người trên 70 tuổi đạt mức 50.000 công ty vào năm 2020. Theo ước tính, hiện có khoảng 675.000 người trên 70 tuổi đang có việc làm, gấp đôi so với 4 năm trước. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ các công ty có chính sách sử dụng người lao động từ 70 tuổi trở lên đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm, tính đến năm 2022, lên mức 39%.

Còn ở Hàn Quốc, già hóa dân số bắt đầu vào năm 2000, tuổi thọ của dân số tăng lên kéo theo độ tuổi làm việc cũng tăng lên, nhiều cơ quan thực hiện chương trình nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, một thực tế người cao tuổi chuyển chỗ làm việc hoặc tìm việc làm mới rất khó khăn vì khả năng thích nghi công việc mới cùng với các kỹ năng mới kém hơn người trẻ tuổi. Do đó, Quỹ lao động Hàn Quốc có “Văn phòng hy vọng” ở 12 tỉnh với 130 người và 90 tư vấn tìm việc làm sẵn sàng giúp đỡ người cao tuổi.

Chương trình “Màn hai cuộc đời” để dành cho người cao tuổi ngay từ khi sắp nghỉ hưu và thôi việc, giúp họ tìm việc làm, thực hiện các hoạt động về tư vấn, hỗ trợ để họ giảm căng thẳng, bất an khi nghỉ việc; thiết kế kế hoạch khi già, giúp họ nhận thức đúng những vấn đề cần phải chuẩn bị, đánh giá chính xác khả năng của mình. Chương trình tổ chức đào tạo từ 6 giờ đến 12 giờ và mỗi học viên phải tự xây dựng hoạt động và kế hoạch cho mình. Chương trình còn hỗ trợ về sức khỏe và các quan hệ cần thiết. Chương trình thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm cho người cao tuổi. Chương trình vận động các doanh nghiệp để nhận người già tham gia làm việc và doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí 5.000 USD nếu nhận một người già vào làm việc.

Đồng thời, Quỹ Lao động Hàn Quốc còn có Chương trình “Đứng lên trở lại” để hỗ trợ cho người nghỉ việc trên 40 tuổi, giúp họ kỹ năng tìm việc và thích ứng việc làm mới, tập huấn cho họ từ 4 - 5 ngày (vì họ có thời gian dài hơn) với nhiều hình thức tập thể, nhóm, cá nhân. Quỹ hình thành các câu lạc bộ tìm việc ở từng lĩnh vực để họ giúp nhau chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm việc làm… Quỹ cũng hỗ trợ kinh phí và phát hành các tài liệu chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động thành công.

Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia khác, đang phải đối mặt với một dự đoán gia tăng tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số. Theo kết quả tổng điều tra dân số gần đây, Trung Quốc có tới 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% tổng dân số; trong đó 190 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 13,5% tổng dân số. Dự kiến trong giai đoạn 5 năm tới, số người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ vượt 300 triệu. Liên hợp quốc từng dự báo, đến năm 2050, hơn một nửa dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi từ 50 trở lên, già hóa dân số trở thành vấn đề cấp bách đối với xã hội Trung Quốc. Điều này đặt ra một loạt thách thức và cơ hội trong việc tạo việc làm cho người cao tuổi. Trước bối cảnh đó, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp, như:

Trung Quốc thúc đẩy các chương trình đào tạo và tái đào tạo cho người cao tuổi nhằm giúp họ cập nhật và phát triển kỹ năng mới. Điều này giúp họ dễ dàng hơn trong việc tham gia vào lực lượng lao động hoặc tìm kiếm công việc phù hợp. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chính sách ưu đãi thuế và tài chính để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi. Các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tài chính để tạo ra cơ hội việc làm cho những người này.

Ngoài ra, Trung Quốc thúc đẩy các mô hình công việc linh hoạt như làm việc bán thời gian hoặc làm việc từ xa. Điều này giúp người cao tuổi có thể duy trì tính linh hoạt trong lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đầu tư vào các chương trình xã hội như chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho người cao tuổi để bảo đảm rằng họ có sự hỗ trợ cần thiết. Trung Quốc cũng khuyến khích người cao tuổi kết hợp công việc với học tập, cho phép họ tiếp tục phát triển kiến thức và kỹ năng mới.

Bài học rút ra cho Việt Nam

Tạo việc làm cho người cao tuổi là một thách thức lớn, là công việc quan trọng và nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các chương trình và chính sách nhằm hỗ trợ người cao tuổi trong việc tìm kiếm công việc hoặc khám phá các cơ hội làm việc mới. Qua khảo sát kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, đặc biệt 3 quốc gia Đông Bắc Á nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm liên quan đến tạo việc làm cho người cao tuổi như sau:

Có chương trình đào tạo và tái đào tạo: Nhiều quốc gia đã đầu tư vào chương trình đào tạo và tái đào tạo dành riêng cho người cao tuổi. Điều này giúp họ học các kỹ năng mới để phù hợp với các công việc hiện đại và thách thức của thị trường lao động.

Khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi: Các chính phủ và tổ chức xã hội thường khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các chính sách ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính.

Sáng tạo trong công việc: Một số người cao tuổi có thể thúc đẩy sáng tạo trong việc tạo dựng công việc của riêng họ bằng cách bắt đầu kinh doanh nhỏ hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn dựa trên kinh nghiệm của họ. Một số người cao tuổi có thể tìm kiếm cơ hội làm việc tự do, như viết lách, nghệ thuật hoặc tư vấn. Đồng thời, các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm cho người cao tuổi bằng cách tạo ra các chương trình và dự án đặc biệt dành cho họ.

Có chính sách bảo vệ và quyền lợi: Chính phủ thường cần có chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động cao tuổi, bao gồm cả chính sách về nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội và các quyền khác liên quan đến sức khỏe và công việc. Cho phép người cao tuổi làm việc bán thời gian hoặc có thể giúp họ duy trì sự linh hoạt và tích cực tham gia vào lực lượng lao động.

Hỗ trợ tâm lý và tư duy: Tìm hiểu cách quản lý stress và tạo môi trường tinh thần tích cực có thể giúp người cao tuổi tự tin hơn trong việc tìm kiếm và giữ lại công việc.

Cần lưu ý, việc tạo việc làm cho người cao tuổi cần phải xem xét các yếu tố địa phương, văn hóa và pháp luật. Việc hỗ trợ người cao tuổi trong việc tìm kiếm công việc không chỉ là một vấn đề xã hội quan trọng mà còn có thể tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội rất lớn cho một quốc gia.

Nghề truyền thống làm đèn kéo quân (tác giả: Phan Huy Thiệp)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có tỷ lệ người cao tuổi tương đương với các nước có dân số già nhất, như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo báo cáo của Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi, được tổ chức vào năm 2020, phần lớn người cao tuổi nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu. Trong đó, khoảng 70% số người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% số người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa tới 30% số người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%).

Thực trạng việc làm của người cao tuổi ở Việt Nam có những đặc điểm và thách thức riêng biệt:

Tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam đang gia tăng: Dân số Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa, với một tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này tạo ra nhu cầu tạo việc làm và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi.

Người cao tuổi thường gặp khó khăn trong tìm việc làm mới: Người cao tuổi thường gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới vì họ thường không cập nhật được kỹ năng và kiến thức mới nhất. Nhiều công ty ưu tiên tuyển dụng những người trẻ hơn vì họ coi độ tuổi là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp.

Lao động người cao tuổi thường làm việc trong ngành, nghề truyền thống: Nhiều người cao tuổi tiếp tục làm việc trong các ngành, nghề truyền thống như nông nghiệp hoặc thủ công, với thu nhập thấp và điều kiện làm việc không bảo đảm.

Nhiều người cao tuổi phải tiếp tục làm việc vì tài chính không bảo đảm: Một số người cao tuổi không thể nghỉ hưu vì họ không có đủ tiền tiết kiệm hoặc hưởng lương hưu đủ để duy trì cuộc sống hằng ngày.

Sự thiếu hiểu biết về quyền lợi của người cao tuổi: Một số người cao tuổi không biết về các quyền lợi mà họ có thể được hưởng, chẳng hạn như bảo hiểm xã hội hoặc các chính sách hỗ trợ xã hội.

Chính sách hỗ trợ cần cải thiện: Mặc dù có các chính sách về hỗ trợ người cao tuổi, nhưng cần cải thiện để bảo đảm rằng họ nhận được các quyền lợi và dịch vụ cần thiết.

Sự cần thiết của công việc linh hoạt: Người cao tuổi thường có nhu cầu về công việc linh hoạt, như làm việc bán thời gian hoặc làm việc từ xa để có thể quản lý thời gian và sức khỏe cá nhân.

Tầm nhìn xã hội về người cao tuổi cần thay đổi: Có sự cần thiết trong việc thay đổi tầm nhìn xã hội về người cao tuổi và thúc đẩy sự đóng góp của họ vào xã hội và nền kinh tế.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo xu hướng già hóa dân số nhanh là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết. Trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số”(1).

Quán triệt quan điểm và định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới cần tính đến những nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với dân số già, chuẩn bị cho một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội.

Về quan điểm, cần nhận thức rằng, không phải tất cả những người cao tuổi đều gắn với suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực mà trong thực tế, có nhiều người cao tuổi - đặc biệt là trong độ tuổi 60 đến 75 tuổi vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Do đó, cần quan tâm tạo dựng cho họ môi trường làm việc phù hợp, từ đó phát huy khả năng đóng góp của người cao tuổi cho xã hội. Các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng.

Trên cơ sở quan điểm trên và kinh nghiệm rút ra từ những quốc gia đi trước, để giúp người cao tuổi ở Việt Nam tham gia thuận lợi vào thị trường lao động, cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về việc người cao tuổi tham gia lao động, để tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường lao động vừa đem lại niềm vui, sức khỏe và đóng góp cho xã hội; thay đổi nhận thức của xã hội về việc người cao tuổi có thể tham gia vào thị trường lao động ở những công việc phù hợp với thể trạng và sức khỏe; thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về sự tham gia của lực lượng người cao tuổi vào thị trường lao động.

Thứ hai, triển khai các mô hình đào tạo tại chỗ, bảo đảm các lao động có đủ khả năng và nhu cầu được tham gia đào tạo nghề, các chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm lao động cao tuổi; xây dựng chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ về chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực cho lao động người cao tuổi; tổ chức đào tạo kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng trong các nhóm nghề đặc thù để người cao tuổi có thể tìm và đảm nhiệm đươc công việc trong bối cảnh chuyển đổi số...

Thứ ba, có chương trình hỗ trợ lao động cao tuổi phát triển kinh tế hộ gia đình, khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm cho bản thân và những người cao tuổi khác; có cơ chế cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án có khả năng tạo việc làm cho người cao tuổi.

Việc tạo cơ hội việc làm và cải thiện quyền lợi của người cao tuổi là một thách thức to lớn đối với Chính phủ và xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa. Cần có sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề này và tạo một môi trường thuận lợi cho người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động và cuộc sống xã hội./.

------------------

(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1, Hà Nội, 2021, tr. 108