TCCS - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu với sự kết nối mạnh mẽ của internet, trí tuệ nhân tạo. Rô bốt dần sẽ thay thế lao động giản đơn, đặt ra yêu cầu lao động có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số, thích ứng, hội nhập, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới... càng trở nên cấp thiết.

Nâng cao chất lượng lao động để tạo cơ hội làm việc tại các thị trường có thu nhập cao_Nguồn: tuyengiao.vn

Tập trung phát triển lao động có kỹ năng

Để tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.

Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo; có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm

Yêu cầu chú trọng đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhất là người lao động.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường; đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.

Đổi mới đào tạo nâng cao chất lượng lao động

Yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương,… đáp ứng hội nhập với thị trường lao động thế giới.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. Rà soát nguồn kinh phí, tiếp tục tăng cường đầu tư cho đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước (Quỹ) theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có nội dung  hỗ trợ người lao động đào tạo chuyển nghề (quy định tại Điều 15 của Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg). Theo đó, người lao động phải về nước trước thời hạn được hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tiếp tục tham gia thị trường lao động./.