TCCS - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thương quan trọng trong khu vực, đồng thời là nơi tập trung học tập, tìm kiếm việc làm của người lao động đến từ mọi miền của đất nước. Thị trường lao động của thành phố đang phát triển, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và xuất khẩu lao động đã và đang từng bước đi vào cuộc sống.

Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng đưa nguồn nhân lực chất lượng cao đi xuất khẩu lao động_Nguồn: nld.com.vn

Trong những năm qua, cùng với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hoạt động kinh tế - xã hội góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết giải quyết việc làm và giảm nghèo có hiệu quả. Thông qua hoạt động XKLĐ, Thành phố có thể phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với nhiều tỉnh, thành phố của các nước trên thế giới, tăng cường việc đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật và chuyên gia, nâng dần tỷ trọng lao động xuất khẩu có chất lượng cao trên địa bàn. Nhờ đó, Thành phố sẽ có một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, có tác phong công nghiệp và kinh nghiệm quản lý, góp phần bổ sung nguồn lao động kỹ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.       

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn Thành phố chủ yếu thực hiện theo 3 hình thức: thứ nhất, thông qua chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS); chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; thứ hai, các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thứ ba, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 67 công ty và 45 chi nhánh hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2012 -2021, Thành phố có 103.541 người đi làm ở nước ngoài.

Những năm trước đây, số xuất khẩu lao động của Thành phố chỉ bằng số XKLĐ của Đồng Tháp (15.638 người), trong đó XKLĐ thuộc các doanh nghiệp của thành phố chỉ chiếm gần 1/3, quá ít so với tiềm năng về xuất khẩu lao động của một trung tâm kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ đối tác, khi đưa lao động sang làm việc tại nước ngoài không đảm bảo được việc làm ổn định, người lao động bị mất việc về nước trước thời hạn. Một số doanh nghiệp không thực hiện các chính sách chế độ đối với người lao động hoàn thành hợp đồng sau khi về nước gây tình trạng khiếu kiện. Điều đáng báo động là lao động của Thành phố chỉ dừng lại ở các nghề giản đơn như xây dựng, giúp việc nhà. Hiện nay, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đã có gần 1.000 lao động tham gia chương trình XKLĐ của Thành phố. Sau thời gian làm việc 2 - 3 năm thu nhập của các hộ có con em XKLĐ tăng lên rõ rệt. Là nơi có 22% hộ nghèo, đến nay xã Thái Mỹ không còn hộ nghèo, đồng thời có 32% hộ giàu, 47% hộ khá và 21% hộ trung bình. Số lao động này sau khi trở về nước đã làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, có người trở thành những doanh nghiệp nhỏ.

Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh là không nhiều, trên thực tế, người dân Thành phố Hồ Chí Minh ít đi xuất khẩu lao động. 20 năm về trước, số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh là huyện Củ Chi, qua Hàn Quốc làm việc. Những năm gần đây không còn nhiều nữa, nguyên nhân là những người đi xuất khẩu lao động trước đây chủ yếu thuộc nhóm chất lượng thấp, lao động phổ thông, họ cần sự chênh lệch về thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn thu nhập giữa Thành phố Hồ Chí Minh và một số thị trường ở các nước khác không còn chênh lệch nhiều, không thu hút được người lao động. Điều này dẫn đến, giá trị về xuất khẩu lao động của Thành phố Hồ Chí Minh không cao.

Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng đưa nguồn nhân lực chất lượng cao đi xuất khẩu lao động. Khi lực lượng này đi làm ở nước ngoài trở về, họ có tay nghề, có tác phong công nghiệp sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Thành phố phải gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn, đào tạo lao động. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền cho người lao động về thị trường lao động ngoài nước, chính sách, quy định, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg, ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ./.