Phát huy giá trị các nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung hiện nay

PGS, TS NGUYỄN NGỌC HÒA
Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III
14:58, ngày 31-10-2023

TCCS - Giá trị các nguồn lực văn hóa ngày càng chứng minh vai trò quan trọng, là nguồn sức mạnh nội lực sẵn có trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều đó, đồng thời để hướng tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, thời gian tới, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung cần phát huy tốt hơn nữa giá trị các nguồn lực văn hóa trong các chương trình phát triển ở cấp vĩ mô và vi mô.

Vai trò của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa là yếu tố duy nhất để phân biệt con người sinh học/bản năng và con người xã hội/văn hóa; có thể không đồng thời, song từ khi con người hình thành thì cũng là lúc làm ra, sáng tạo ra văn hóa. Vai trò của nguồn lực văn hoá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1).

Ngay từ những ngày đầu đất nước độc lập (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ để từng bước xây dựng, phát triển nền văn hóa mới. Hơn một năm sau (tháng 11-1946), trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc, Người khẳng định, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Câu nói này của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và chính trị trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà còn thể hiện vai trò dẫn dắt, động lực của văn hóa đối với sự phát triển.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cao vai trò của văn hóa, xem nguồn lực văn hóa có ý nghĩa động lực, là mục tiêu và hệ điều tiết của sự phát triển. UNESCO quan niệm, di sản văn hóa là những tài sản văn hóa quý giá, được sáng tạo, kết tinh trong các hoạt động tư duy khoa học và nghệ thuật, phải được bảo vệ và truyền lại cho thế hệ sau. Công ước về Bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp có xung đột vũ trang (năm 1954) của UNESCO khẳng định: Thiệt hại tài sản văn hóa thuộc bất kỳ cộng đồng nào, quốc gia nào cũng có nghĩa là thiệt hại văn hóa đối với nhân loại vì mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng luôn sáng tạo, đóng góp cho nền văn hóa thế giới. Việc bảo vệ tài sản văn hóa chính là bảo vệ và gìn giữ các nền văn hóa của thế giới, vì tài sản văn hóa là nhân tố cơ bản của nền văn minh dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam rất đề cao vai trò của văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định 3 nguyên tắc cốt lõi là dân tộc, khoa học, đại chúng đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nhấn mạnh quan điểm, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”(2). Trước đòi hỏi từ thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo, xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Hoàng hôn trên phố cổ Hội An_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 

Nguồn lực văn hóa ở miền Trung

Miền Trung(3) là vùng đất có thể không có sự tăng trưởng kinh tế như miền Bắc và miền Nam, nhưng có dấu ấn đặc thù về văn hóa. Sự trầm tích văn hóa miền Trung, tiềm năng văn hóa miền Trung là nguồn lực quan trọng để khai thác, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ bản sắc dân tộc; các di sản văn hóa vật thể ở khu vực miền Trung vô cùng phong phú, đa dạng; đồng thời, là nơi tập trung của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận(4); đây cũng là vùng có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, tiêu biểu là văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Trung Hoa, Nhật Bản,...

Bên cạnh đó, trên địa bàn miền Trung có gần 300 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia(5). Tài nguyên văn hóa du lịch sinh thái cũng đa dạng, phong phú. Với chiều dài bờ biển trên 1.400km, miền Trung có nhiều bãi tắm đẹp, nhất là bãi biển Mỹ Khê (thành phố Đà Nẵng) được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới và cả nước. Ven bờ biển là hệ thống đảo có giá trị về tự nhiên, lịch sử và văn hóa hấp dẫn khách du lịch, tiêu biểu là các đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý,... Ngoài khơi là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi thiên nhiên còn hoang sơ với hệ là hệ sinh thái san hô. Miền Trung có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái(6); là nơi sở hữu nhiều vịnh đẹp được thế giới công nhận, như vịnh Lăng Cô và vịnh Nha Trang,...

Khi văn hóa được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, với ý nghĩa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế thì các nguồn lực văn hóa đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở các địa phương khu vực miền Trung. Việc chuyển đổi và quy hoạch ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khơi thông các nguồn lực văn hóa, đánh thức những giá trị đặc thù, giàu bản sắc nơi đây. Từ đó, doanh thu du lịch, dịch vụ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và nâng cao thu nhập cho mọi tầng lớp dân cư. Những địa danh, như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Huế,... trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn vươn ra tầm quốc tế.

Đánh giá quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, có thể thấy rằng, các di sản văn hóa đã trở thành tài sản văn hóa ở khu vực miền Trung; là sản phẩm cốt lõi không thể thiếu được của ngành kinh tế, du lịch, dịch vụ. Theo thống kê, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 3 năm 2023 ước đạt 542,6 nghìn lượt, gấp 3,6 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý I/2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,42 triệu lượt, tăng 365,5% cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn thành phố quý I/2023 ước đạt 5.206 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đã tạo dựng cho mình sức hấp dẫn riêng khi sở hữu những khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, cùng hàng loạt thương hiệu nổi tiếng(7). Đối với tỉnh Khánh Hòa, du lịch phục hồi ấn tượng với một loạt các sự kiện văn hóa, giải trí lớn được tổ chức. Theo thống kê mới nhất, trong 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đạt 15,6 triệu lượt khách, trong đó có 4 triệu lượt khách lưu trú, gồm 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 21.000 tỷ đồng. Tại tỉnh Quảng Nam, theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2023 tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh Quảng Nam ước đạt 1,63 triệu lượt khách, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt trên 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%, trong đó dịch vụ lưu trú 170 tỷ đồng, tăng 37%, dịch vụ ăn uống 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 18,7 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2022,... Đặc biệt, Hội An là điển hình cho việc khai thác các nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản thật sự hiệu quả,...

Hoạt động hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch đã được chú trọng, một số mô hình liên kết giữa các địa phương được hình thành và hoạt động có hiệu quả, như hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam (3 địa phương một điểm đến); hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hà Nội; tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nam Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... Các liên kết vùng bước đầu đạt được thành quả nhất định, như trao đổi kinh nghiệm, thông tin trong quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, xây dựng một số sản phẩm du lịch chung (Con đường di sản miền Trung, hành trình kết nối các di sản).

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay miền Trung vẫn chưa khai thác hết nguồn lực văn hóa, nhất là các di sản văn hóa đặc trưng. Hiệu quả từ hoạt động kinh doanh ngành du lịch khu vực miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như kỳ vọng đặt ra. Du lịch miền Trung thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thông qua việc khai thác thô tài nguyên du lịch và thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương, thiếu dịch vụ đi kèm. Nhiều địa phương có tài nguyên du lịch hấp dẫn, nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch, một số tiềm năng du lịch sinh thái quý giá đã gần như bị đánh mất bởi việc triển khai nhiều dự án phát triển công nghiệp, thủy điện. Nhiều di sản văn hóa chưa được khai thác đúng với giá trị của di sản, chưa trở thành tài sản thật sự của người dân và cộng đồng,...

Giải pháp khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong thời gian tới

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển.

Thực tế cho thấy, đây không phải là vấn đề mới, nhưng phải quan tâm thường xuyên, bởi lẽ trong thực tiễn, nhiều địa phương miền Trung chưa quan tâm đầu tư cho văn hóa. Nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa ngày càng được nâng lên, nhưng vì một số nguyên nhân mà nhận thức đó chưa thể trở thành hiện thực trọn vẹn như mong muốn. Chúng ta không thể phủ nhận xã hội ngày càng tiến bộ và văn minh hơn, song, sự đứt gãy về văn hóa, khoảng trống văn hóa lại xuất hiện, nhất là về lối sống, nhân phẩm con người và nền tảng, đạo đức xã hội mất dần giá trị truyền thống.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế và chính trị” thì vấn đề nhận thức là cực kỳ quan trọng. “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”(8). Khi nhận thức, tư duy còn những rào cản kinh tế chi phối thì không thể khơi thông các nguồn lực văn hóa. Vì vậy, phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”(9).

Hai là, hoàn thiện, bổ sung thể chế để khơi thông nguồn lực văn hóa. Thực tế cho thấy, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa ở nước ta được xây dựng khá đồng bộ. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tiễn miền Trung bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh, bổ sung để việc thực thi hiệu quả hơn. Cụ thể như: bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách tài chính thuận lợi cho việc đầu tư, hỗ trợ của khu vực tư nhân nhằm thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực cho di sản văn hóa; bổ sung, làm rõ các quy định về chế độ đãi ngộ đối với lực lượng trực tiếp bảo vệ, lưu giữ, phát huy giá trị di sản; bổ sung và làm rõ hơn trách nhiệm và sự phối hợp của các bên liên quan, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản, nhất là đối với di sản phi vật thể; làm rõ hơn các tiêu chí để nhận diện và kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Chẳng hạn, tại tỉnh Quảng Nam, đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là 2 di sản thế giới rất cần một cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư cũng như cơ chế riêng để tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đã có quyết định quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhưng nhiều năm qua nguồn vốn ngân sách đầu tư chưa theo kịp công tác bảo tồn. Mặt khác, thực tế cho thấy hơn 80% di tích đô thị cổ Hội An thuộc sở hữu tư nhân nên khi tu bổ di tích địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong quy định về tu bổ theo Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18-9-2012, của Chính phủ, “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, ngày 6-2-2013, của Chính phủ, “Về quản lý chất lượng công trình xây dựng”. Cụ thể, theo 2 nghị định này, một công trình nhà cổ muốn trùng tu phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng thẩm tra; trong khi việc sửa chữa nhà cổ của người dân cần được tiến hành khẩn trương, số lượng nhiều. Bên cạnh đó, phải chú trọng phát huy hơn nữa vai trò của người dân và các tổ chức cộng đồng trên địa bàn miền Trung trong bảo vệ, phát huy, khơi thông nguồn lực văn hóa, đặc biệt là cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao di sản. Nhà nước cần có chính sách, quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, thực hành, thụ hưởng, tái tạo và phát huy giá trị di sản.

Mặt khác, miền Trung cần xây dựng cơ chế liên kết để khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa. Điều này có nguyên nhân thực tế là thiếu sự liên kết hoặc liên kết hình thức trong khai thác những giá trị tài nguyên, văn hóa đặc thù của từng địa phương “lồng” vào trong sản phẩm văn hóa du lịch cũng như thiếu những sản phẩm văn hóa đặc sắc mang tính vùng, khu vực có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm.

Chương trình nghệ thuật tại Tuần lễ Festival Huế 2023_Nguồn: dantri.com.vn

Ba là, không ngừng sáng tạo ra bản sắc mới trên cơ sở tài sản văn hóa đặc thù của từng địa phương.

Nguồn lực văn hóa không chỉ có di sản truyền thống, mà còn ở sự sáng tạo ra cái mới, đặc sắc riêng. Thực tế cho thấy, yếu tố cốt lõi, hạt nhân của di sản văn hóa miền Trung trong phát triển kinh tế du lịch chưa thật sự trở thành trọng tâm. Chẳng hạn, hiện nay thu nhập từ ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa chủ yếu từ hoạt động kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống, tỷ lệ dao động từ 50 - 55%. Thu nhập từ hoạt động vui chơi giải trí và mua sắm chỉ chiếm từ 25 - 30%, và không có sự thay đổi nhiều trong các năm. Điều này cho thấy, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa hiện nay chỉ tập trung khai thác các lợi thế biển, với các dịch vụ thuần túy mà chưa đa dạng, chưa khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch.

Mặt khác, nhiều địa phương khu vực miền Trung chưa có nhiều sáng tạo khi tạo ra sản phẩm văn hóa mới, thậm chí một số nơi làm hàng nhái, sao chép, thiếu tính độc đáo. Kinh nghiệm cho thấy, hai địa phương khai thác tốt nguồn lực văn hóa truyền thống và hiện đại là thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng. Thành phố Hội An thì kiên trì theo đuổi bảo vệ di sản, “chống” quá trình đô thị hóa; đồng thời, khai thác triệt để giá trị văn hóa phi vật thể từ con người, từ cộng đồng sống, phần hồn trong tâm thức di sản. Thành phố Đà Nẵng thì mạnh dạn sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa mới trở thành thương hiệu, như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Vàng, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng.../.

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458
(2) Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngày 16-7-1998, gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)
(3) Bài viết nghiên cứu các tỉnh, thành phố ven biển khu vực miền Trung (từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Thuận)
(4) Gồm: tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/8 di sản (quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản phi vật thể, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - Di sản tư liệu); thành phố Đà Nẵng có di sản Ma nhai Ngũ Hành Sơn; tỉnh Quảng Nam có Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn và Dân ca bài chòi miền Trung
(5) Trong đó, có 12 di tích quốc gia đặc biệt. Những tài nguyên văn hóa lịch sử, như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, Trúc Lâm thiền viện trên đỉnh Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế); làng đá mỹ nghệ Non Nước, chùa Linh Ứng, thành Điện Hải (thành phố Đà Nẵng); kinh đô Trà Kiệu, chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Nam); Khu chứng tích Sơn Mỹ, Trường Lũy (Quảng Ngãi); bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng đế với những di tích quý giá về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (tỉnh Bình Định); di tích lịch sử tàu “không số” Vũng Rô, Viện Hải dương học (tỉnh Khánh Hòa) và Di tích trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận),...
(6) Như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Bạch Mã, Núi Chúa; có 14 khu bảo tồn thiên nhiên; khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và 9/16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam, trong đó khu bảo tồn biển Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa) là khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Khu vực miền Trung cũng là nơi có một số cảnh quan tự nhiên đặc biệt có giá trị hấp dẫn du lịch, như Gềnh đá đĩa (tỉnh Phú Yên), các cồn cát ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận,...
(7) Như: InterContinental Danang đạt danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, Premier Village Danang Resort được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng biển dành cho gia đình sang trọng nhất thế giới 2018”, Mercure Danang French Village Bà Nà Hills là “Khách sạn lãng mạn nhất thế giới 2018”,...
(8), (9) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 176, 172