TCCS - Năng suất, chất lượng lao động có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề được thành phố Hà Nội hết sức chú trọng và bước đầu đã đạt kết quả quan trọng.

Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 4-2-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia”, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các tổng công ty căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động, như tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động từ khu vực có giá trị gia tăng thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng…

Áp dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm_Ảnh: Tư liệu 

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Năng suất lao động quốc gia”; Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao, thiết kế, sáng tạo và sản xuất Việt Nam; Chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân mở rộng thị trường khu vực và thế giới; phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nghiên cứu Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030; Đề án thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.

Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn. Xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công nghiệp hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, triển khai nhân rộng bộ chương trình đào tạo được chuyển giao từ các nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển. Sở thay đổi phương thức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo; gắn đào tạo với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, tạo việc làm bền vững; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại người lao động và đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao đủ năng lực tham gia nền sản xuất thông minh, kinh doanh dựa trên công nghệ hiện đại; nghiên cứu việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm; tập trung thực hiện hiệu quả dự báo, thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội. Thúc đẩy chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, các cơ quan nhà nước và người dân và phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho chuyển đổi số.

Sở Nội vụ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công); rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; đào tạo, bồi dương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ công chức cấp xã đủ năng lực vận hành chính quyền điện tử.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh phát triển, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đồng loạt triển khai các giải pháp mang tính tổng thể nhằm tăng năng suất, chất lượng lao động, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến giữa năm 2020, năng suất lao động ở Hà Nội ước tính đạt 258,3 triệu đồng/lao động/năm, gấp 1,65 lần bình quân cả nước và tăng 6,15% so với giai đoạn 2011 - 2012, vượt mục tiêu Thành ủy Hà Nội đã đề ra.

Đầu tư trọng điểm đào tạo nghề

Mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội vẫn cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh lãng phí nguồn lực.

Trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau đây:

Một là, tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại.

Hai là, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng, nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh. Đồng thời, tập trung ưu tiên đầu tư cho các trường học thuộc các huyện, thị xã nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.

Ba là, rà soát, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cùng với đó, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, nghề trọng điểm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư xây dựng một số trường cao đẳng nghề hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Bốn là, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn gắn kết, hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề. Thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và học viên để tạo đầu ra, giúp học viên xác định được mục tiêu và hướng phấn đấu.

Năm là, dựa trên cơ cấu ngành để đào tạo tập trung vào những ngành có nhu cầu nhân lực cao. Song song với đó chuẩn hóa các bằng cấp đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với tiến bộ khoa học - công nghệ./.