Ba chính sách trụ cột chính để phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng Thủ đô sáng tạo

Phạm Thị Thanh Hường
Văn phòng UNESCO Hà Nội
17:58, ngày 22-02-2021

TCCS - Đặt văn hóa vào trọng tâm của chiến lược phát triển bền vững là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Nắm bắt xu hướng này, Hà Nội đã thể hiện sự đổi mới có tính bước ngoặt trong việc xác định vị thế, tầm nhìn của một thủ đô năng động, cam kết đổi mới với các chương trình, kế hoạch hành động để khai thông, phát huy nguồn nội lực quan trọng là tài nguyên văn hóa.

Tối ngày 13-12-2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và khai mạc lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ _ Ảnh: vov.vn

Tầm nhìn mới, thương hiệu mới

Hà Nội luôn đóng vai trò quan trọng của một trung tâm văn hóa và chính trị trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Năm 1999 ghi dấu một mốc quan trọng khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) - sự kiện đánh dấu bước chuyển mình không chỉ của Thủ đô mà còn góp phần tạo dựng một hình ảnh mới của đất nước Việt Nam vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh, một đất nước yêu chuộng hòa bình cũng như đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm đến mới và hấp dẫn của thế giới. Sau hơn 20 năm kể từ khi ghi dấu là một “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO, Hà Nội hiện nay tiếp tục là một hình ảnh tiêu biểu đại diện cho sự đổi mới và phát triển không ngừng của Việt Nam, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình và đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi quan trọng.

Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay với sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như xu hướng tăng trưởng vượt bậc của các quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nguồn lực tri thức, văn hóa, tư duy sáng tạo đòi hỏi Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội cần tạo dựng thương hiệu mới, phát huy mọi nguồn lực và xác định chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển.

Hà Nội là nơi hội tụ của tri thức văn hóa, kết hợp giữa truyền thống và sự sáng tạo của các tài năng trẻ. Năm 2019, Hà Nội chủ trì một loạt các sự kiện và diễn đàn quy tụ sáng kiến và đóng góp ý tưởng từ các cá nhân, tổ chức, công dân của thành phố cũng như bạn bè quốc tế, trong đó có sự tham gia của UNESCO. Quá trình phân tích, thảo luận và tham vấn đã đưa ra đề xuất về một tầm nhìn mới với Hà Nội trong vai trò là một Thủ đô sáng tạo, một minh chứng tiêu biểu và sống động cho hình ảnh đất nước Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới trở thành một “kinh đô sáng tạo” ở khu vực Đông Nam Á, vận dụng nền tảng tài nguyên văn hóa phong phú và kích hoạt năng lượng sáng tạo trẻ.

Việc ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trên toàn cầu được xác định là bước đi đầu tiên của Hà Nội trong hành trình định vị lại thương hiệu quốc tế, với tư cách là một thành phố sáng tạo về thiết kế - tương tự về chiến lược và quy mô của các thành phố thủ đô lớn trên thế giới, như Berlin, Seoul, Singapore, Bangkok. Thành công đầu tiên trong năm 2019 là sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ từ nguồn nội lực, mà định hướng mới của Hà Nội lập tức thu hút sự ủng hộ và quan tâm mạnh mẽ của các đối tác quốc tế. Các thành viên của UCCN trong khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm và đánh giá cao mục tiêu của Hà Nội trong việc hướng tới danh hiệu này như một phần của việc xây dựng tầm nhìn chiến lược và định hướng cho các chương trình phát huy nguồn lực để phát triển bền vững.

Định vị và xây dựng tầm nhìn Hà Nội - Thủ đô sáng tạo trở thành chất xúc tác và đầu tàu kinh tế nhằm thu hút khách du lịch, đầu tư, vốn phát triển và giao thương. Hà Nội hiện có thời cơ khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo và sức sáng tạo của mình trong khu vực và trên thế giới. Do đó, yếu tố quan trọng đối với tầm nhìn này chính là sự nắm bắt và phát huy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Hà Nội sẽ tập hợp các sáng kiến văn hóa và sáng tạo với một tầm nhìn chung về sự thống nhất, bao trùm và tăng trưởng bền vững.

Nguồn nội lực to lớn từ văn hóa và con người

Có thể thấy, nguồn nội lực văn hóa và sức sáng tạo của thanh niên - lực lượng dân số trẻ, nguồn lực con người của Thủ đô chính là động lực cho phát triển của Hà Nội trong giai đoạn mới, phù hợp trong dòng chảy và sự vận động của thế giới. Từ sự kiện Ngày Đô thị quốc tế năm 2019, Liên hợp quốc đã đặt ra chủ đề: “Thay đổi thế giới - đổi mới sáng tạo và cuộc sống tốt hơn cho thế hệ trẻ”.

Hà Nội là trung tâm văn hóa và giáo dục lâu đời với trường đại học có tuổi gần mười thế kỷ - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng cho sự hiếu học, cho sự coi trọng hiền tài - nguồn lực con người_Ảnh: Tư liệu

Các phân tích và thảo luận trong quá trình soạn thảo hồ sơ Hà Nội - Thành phố sáng tạo đã chỉ ra hai đặc điểm nổi bật trong nguồn nội lực của Thủ đô. Thứ nhất, đó là nguồn lực văn hóa - di sản của một trung tâm văn hóa - chính trị - xã hội được tích lũy bởi các dòng chảy xuyên suốt nhiều thế kỷ, được minh chứng sống động và hiện hữu ở hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng và phong phú. Các di sản này không chỉ bao gồm hàng trăm công trình kiến trúc, di tích và địa chỉ lịch sử mà còn bao gồm hơn 1.300 làng nghề bao quanh Hà Nội với các ngành, nghề đa dạng và các kỹ năng, tri thức truyền thống (chiếm tới hơn 1/3 tổng số làng nghề trên cả nước). Hệ sinh thái kinh tế - văn hóa này là một minh chứng sống động cho sự phát triển liên tục của trung tâm văn hóa, chính trị thủ đô qua nhiều thế kỷ. Thứ hai, đó là nguồn lực con người. Hà Nội là trung tâm văn hóa và giáo dục lâu đời với trường đại học có tuổi gần mười thế kỷ - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng cho sự hiếu học, cho sự coi trọng hiền tài - nguồn lực con người. Hà Nội cũng có hệ thống giáo dục từ phổ thông tới đại học khá phát triển với hệ thống các trường đại học lớn nhất của đất nước. Dân số hiện nay của Hà Nội đang ở đỉnh của thời kỳ “dân số vàng”. Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về mặt bằng và chất lượng giáo dục, tỷ lệ phổ cập giáo dục phổ thông luôn dẫn đầu và cao hơn cả nước (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019).

Tầm nhìn dựng đô của vua Lý Thái Tổ đã trở thành nguồn cảm hứng cho cả dân tộc trong hơn một nghìn năm qua. Là nơi định đô của hầu hết các triều đại phong kiến, là thủ phủ Đông Dương thời Pháp thuộc và cũng là nơi khai sinh nền độc lập của Việt Nam, Hà Nội đã chứng kiến nhiều chuyển biến lớn của quốc gia, dân tộc trong lịch sử. Khác hẳn các đô thị mới nổi về kinh tế, Hà Nội là điểm hội tụ Đông - Tây, truyền thống và hiện đại. Đan quyện xuyên suốt chiều dài lịch sử là dòng chảy của sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa và đời sống đô thị, tạo nên một thành phố sống động bậc nhất Đông Nam Á. Hà Nội đã dành nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trước nguy cơ bị xói mòn nghiêm trọng, trong đó có các làng nghề vốn tạo ra nguồn sinh kế cho khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của các sản phẩm thủ công truyền thống đang giảm dần, thu nhập của nhóm lao động trong các ngành này còn thấp, giới trẻ có xu hướng rời bỏ các ngành, nghề truyền thống, quê hương, gia đình để tìm kiếm các công việc khác ở các đô thị, dẫn tới sự suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Mặt khác, một bộ phận lao động trẻ của Hà Nội có lợi thế về sức sáng tạo, trình độ học vấn và kỹ năng lại hầu như thiếu sự kết nối với nguồn lực di sản và văn hóa của Thủ đô để có thể tạo ra nét độc đáo và chất lượng cao cho các thiết kế, ý tưởng sản phẩm và mô hình hoạt động, kinh doanh. Tầm nhìn về phát triển đô thị một cách bền vững sẽ không thể được hiện thực hóa nếu thiếu đi sự tham gia tích cực của lực lượng thanh niên với tư duy sáng tạo, khao khát thử nghiệm và chấp nhận những rủi ro trong hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách để khai thông và phát huy hai nguồn lực quan trọng này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhất là trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo hiện nay.

Một nền tảng toàn cầu và ba chính sách trụ cột chính để phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô

Để nguồn lực văn hóa, di sản của Hà Nội tạo tiếng vang và sức hút với cộng đồng sáng tạo trong nước và quốc tế, Hà Nội cần phát triển một nền tảng toàn cầu, tập trung vào việc thúc đẩy và phát triển các ngành văn hóa, tác động đến toàn bộ người dân, gắn kết văn hóa, nghề thủ công, khoa học, đổi mới, thiết kế, nghệ thuật, hệ thống giáo dục và đào tạo với một tầm nhìn chung: Thủ đô sáng tạo. Đặt Hà Nội ở vị trí tiên phong như một “kinh đô sáng tạo” ở khu vực Đông Nam Á sẽ thay đổi nhận thức toàn cầu và mang lại ưu thế không chỉ cho Hà Nội mà cho cả Việt Nam.

Trở thành thành phố sáng tạo về thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên toàn cầu mới là bước đi đầu tiên. Để thu hút nhân tài và tạo ra sự đổi mới trong nền kinh tế, Hà Nội cần đặt mục tiêu chiến lược cho chương trình nuôi dưỡng sáng tạo và đổi mới. “Nghệ thuật + khoa học” là công thức nền tảng cho chương trình kích thích đổi mới sáng tạo, đồng thời hệ thống giáo dục về nghệ thuật và khoa học cũng đóng góp quan trọng cho việc bồi đắp nền tảng mới. Do đó, cần có cách tiếp cận một mô hình phát triển Hà Nội bền vững, lấy văn hóa làm trọng tâm, chú trọng các sáng kiến văn hóa, hạ tầng xã hội, giáo dục và gắn kết cộng đồng nhằm nuôi dưỡng cả nghệ thuật và khoa học, góp phần gìn giữ di sản, khuyến khích sự gắn kết và tham gia tự nguyện của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên. Chính việc khai thông sức sáng tạo, kết nối các nguồn lực từ di sản và thiết kế sáng tạo của thanh niên sẽ đóng góp to lớn cả về văn hóa và kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Các hoạt động giáo dục nghệ thuật với nhiều loại hình đa dạng như hòa nhạc, workshop, tour tham quan triển lãm cho thiếu nhi được tổ chức tại Triển lãm “Hành tinh nhựa” ở Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội)_Ảnh: Tư liệu

Trong điều kiện thực tế hiện nay, chiến lược hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội thủ đô sáng tạo được dựa trên ba nhóm chính sách trụ cột chính là:

Nhóm chính sách tái tạo đô thị - kết cấu hạ tầng văn hóa đẳng cấp quốc tế là chất xúc tác cho phát triển tầm vóc một thủ đô sáng tạo thế kỷ XXI. Các dự án phát triển đô thị trọng điểm cần được gắn kết và đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, có sự kết nối từ việc nhận diện tới việc tạo không gian quảng bá và lồng ghép sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo.

Việc thực thi nhóm chính sách và giải pháp của trụ cột tái tạo đô thị - kết cấu hạ tầng văn hóa cần được nhìn nhận vượt ra khỏi tư duy bó hẹp trong hệ thống các cơ sở vật chất của công trình văn hóa như bảo tàng, di tích. Các dự án tái tạo đô thị có ảnh hưởng lớn, như “quận nghệ thuật hay khu phố nghệ thuật”, các không gian đô thị mới hai bên bờ sông Hồng, trong đó cho phép hình thành các trung tâm thiết kế, hỗ trợ tài năng, tương tác cộng đồng, không gian triển lãm quốc tế về văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.

Việc định hướng và thúc đẩy các dự án kết cấu hạ tầng văn hóa, tái tạo đô thị sẽ tạo ra những cơ hội vô giá trong việc quảng bá kiến trúc, thiết kế và tinh hoa nghệ thuật thủ công của Việt Nam với khu vực và thế giới. Tiêu chí về thiết kế sáng tạo và truyền tải tinh hoa, biểu tượng văn hóa cần được áp dụng trong quá trình lựa chọn và triển khai các dự án hạ tầng và tái tạo đô thị, tương xứng tới tầm vóc của một thủ đô - "kinh đô sáng tạo" ở Đông Nam Á.

Nhóm chính sách này cần sự chỉ đạo ở cấp quyết định chiến lược cho tới cấp thực thi, cụ thể hóa thành các yêu cầu đối với việc phát triển “các quận nghệ thuật”, “công viên sáng tạo”, “trung tâm thiết kế quốc tế Hà Nội” và các không gian dành cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thiết kế và giao lưu quốc tế trong quá trình phát triển đô thị, chính sách hỗ trợ (thuế, trợ giá mặt bằng, đào tạo khởi nghiệp…) sẽ thu hút cộng đồng sáng tạo, nuôi dưỡng sự đổi mới và thai nghén các dự án sáng tạo và khởi nghiệp, kết hợp các địa điểm và cửa hàng, sự kiện, tạo ra những chuỗi kết nối gia tăng nhịp đập sáng tạo của Thủ đô, đồng thời làm cầu nối giữa Hà Nội với cộng đồng các thành phố sáng tạo ở châu Á và thế giới, cầu nối giữa di sản văn hóa truyền thống với năng lực thiết kế sáng tạo, giúp cho nguồn lực di sản văn hóa được tái sinh ở những dạng thức mới, cũng như kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra những ngành, nghề, việc làm mới.

Nhóm chính sách giáo dục về sáng tạo và đổi mới. Hiện nay, các cơ sở giáo dục ở Hà Nội gồm hệ thống đa dạng các trường công và tư, các trường cao đẳng, đại học quốc tế và các trường đại học quốc gia, hầu hết hoạt động tương đối biệt lập, chưa có nhiều hoạt động gắn kết với nhau. Ba gợi ý về giải pháp cơ bản trong nhóm chính sách và các chương trình hành động này bao gồm: 1- Kết nối mạng lưới giáo dục - đào tạo cao đẳng và đại học trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nghệ thuật và khoa học; 2- Thiết lập các chương trình bảo trợ, học bổng và hỗ trợ bài giảng mở, đại chúng của thành phố; 3- Thúc đẩy, tăng cường chất lượng giáo dục nghệ thuật và khoa học trong hệ thống các trường giáo dục phổ thông.

Gợi ý thứ nhất lấy cảm hứng từ mô hình Russell Group, nhóm các trường đại học hàng đầu ở Anh trong việc tập hợp các trường, học viện quốc gia và quốc tế quan trọng trong ngành theo một nền tảng giáo dục. Tháng 11-2019, UNESCO lần đầu tiên phối hợp với Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Đại học RMIT tổ chức một diễn đàn quy tụ hơn 20 trường cao đẳng và đại học của Việt Nam và quốc tế về giáo dục trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều đối tác. Tập trung trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã có khá nhiều các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực này, nhưng còn thiếu vắng sự kết nối. Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đào tạo nghệ thuật quốc tế, Học viện Thiết kế thời trang London… Sự kết nối giữa mạng lưới các trường này có thể thực hiện ở nhiều phương diện, từ diễn đàn về đào tạo đến những giải thưởng chung dành cho sinh viên, tới việc liên kết tổ chức các liên hoan (festival) nghệ thuật và thiết kế gắn với thương hiệu thủ đô sáng tạo.

Gợi ý thứ hai là chương trình bảo trợ, học bổng, giải thưởng, các bài giảng mở và hội nghị. Ngoài nền tảng giáo dục chính thức, điều cần thiết với Hà Nội còn là việc mở rộng khả năng tiếp cận các chương trình học tập cho cộng đồng làng nghề, cho thanh niên, nghệ nhân, thợ thủ công, các nhà thiết kế, chuyên gia tư vấn, giáo viên và những người khởi nghiệp tiếp cận được các cơ hội học hỏi, nghiên cứu, tạo dựng thương hiệu và nâng cao tay nghề. Việc thành phố cung cấp và bảo trợ các học bổng, bao gồm các học bổng ngắn hạn sẽ góp phần nuôi dưỡng tài năng và khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp.

Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với Viện Thiết kế thời trang A Designer tổ chức chương trình biểu diễn thời trang áo dài với chủ đề “Sắc thu Hà Nội” tại phố bích họa Phùng Hưng, Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Nhóm chính sách kích thích sự tham gia của công chúng. Cùng với các chương trình phát triển kết cấu hạ tầng văn hóa và giáo dục, cần sự điều chỉnh trong định hướng chiến lược và thực hiện hệ thống các sự kiện văn hóa để đưa Hà Nội trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa ở Đông Nam Á. Mặc dù lĩnh vực này không mới và Hà Nội đã dành khá nhiều nguồn lực thường xuyên cho việc tổ chức nhiều lễ hội khác nhau, song Hà Nội cần hệ thống hóa, thiết lập lịch hoạt động văn hóa và các cuộc thi, hỗ trợ các sự kiện trong cộng đồng sáng tạo, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và tăng cường các giao lưu, trao đổi quốc tế. Bên cạnh chuỗi các hoạt động văn hóa đặc trưng của Hà Nội, có thể xem xét việc quy tụ và tổ chức festival mùa thu, kết nối một loạt những sự kiện văn hóa, thiết kế và sáng tạo, như Tuần lễ thiết kế Hà Nội, Tuần lễ nghề thủ công quốc tế, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế, Liên hoan âm nhạc quốc tế Hà Nội, Liên hoan ẩm thực quốc tế cùng với chuỗi các sự kiện lễ hội và văn hóa cộng đồng sẽ góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo, vươn tầm trở thành “kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á./.