TCCS - Ngay sau khi trở lại trạng thái hoạt động bình thường, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tận dụng sức tiêu thụ của thị trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Khu Công nghiệp Cái Lân, thành phố Hạ Long)_Nguồn: quangninh.gov.vn

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh có 183 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực; gồm 67 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đạt 2,972 tỷ USD và 116 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đạt 25.927 tỷ đồng.

Trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đưa các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào làm việc. Đến nay có 300 lao động là người nước ngoài của 57 doanh nghiệp đã được nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái vào các khu công nghiệp làm việc.

Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết: Với chức năng quản lý nhà nước, đơn vị đã tổ chức một số hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua vấn đề doanh nghiệp nêu, đề xuất, Ban đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình, báo cáo cụ thể với Ủy ban nhân dân tỉnh về những nội dung vượt thẩm quyền. Đến nay, đơn vị đã báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa thông quan qua cầu Bắc Luân II - Cửa khẩu quốc tế Móng Cái của Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan cho phép lái xe người Trung Quốc nhập cảnh qua Km5 thành phố Móng Cái bằng sổ thông hành biên giới theo đề nghị của Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà.

Thực hiện chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh) đã hướng dẫn, hỗ trợ 370 lượt doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính, giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp triển khai dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; lập, trình thẩm định và phê duyệt 3 hồ sơ thuộc lĩnh vực đầu tư, 3 hồ sơ thuộc lĩnh vực quy hoạch - xây dựng, 2 hồ sơ thuộc lĩnh vực môi trường - đất đai; đang nghiên cứu lập 3 hồ sơ thuộc lĩnh vực đầu tư, 1 hồ sơ thuộc lĩnh vực môi trường.

Từ kết quả hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến hết tháng 9-2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế duy trì phát triển ổn định. Doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt trên 25.000 tỷ đồng; giá trị nhập khẩu ước đạt 649 triệu USD; giá trị xuất khẩu ước đạt 923 triệu USD; thu nộp ngân sách nhà nước ước đạt 477 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho khoảng 25.400 lao động. Một số doanh nghiệp điển hình, duy trì tốc độ phát triển sản xuất, đóng góp lớn trong thu nộp ngân sách nhà nước là: Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Tập đoàn Texhong, Công ty TNHH Sản xuất bột mì Vimaflour...

Đặc biệt, trong 9 tháng qua, nhiều dự án, nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế điều chỉnh tăng vốn; trong đó có 6 dự án (4 dự án FDI, 2 dự án nhà đầu tư trong nước) được phê duyệt điều chỉnh tăng vốn, 8 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư trên 13.300 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư, dự án có chất lượng vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó phấn đấu quý IV/2020 tiếp tục thu hút, cấp mới từ 5 - 7 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 2 - 3 dự án, nguồn vốn tăng thêm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, bảo đảm nguồn vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế năm 2020 khoảng 21.000 tỷ đồng./.