TCCSĐT - Nhiều năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Tuy nhiên, tình hình thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang gia tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường nơi đây. Vì vậy, để phát triển theo hướng bền vững, địa phương này xem bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản.

Hiệu quả từ việc chú trọng trong công tác quản lý môi trường

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm sản xuất, nhiều tiềm năng phát triển du lịch nên trong quá trình phát triển kinh tế, địa phương này luôn đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường nếu công tác quản lý, bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm làm không tốt. Vì vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nhận thức, bảo vệ môi trường là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người dân, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh. Bảo vệ môi trường phải theo hướng lấy phòng ngừa, hạn chế tác động xấu với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội, kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp phòng, chống.

Trong những năm qua Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác bảo vệ môi trường ở địa phương này đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc bảo đảm thu hút các dự án đầu tư mới có công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; không cho phép xả trực tiếp nước thải công nghiệp sau xử lý vào các nguồn cấp nước của tỉnh.

Đáng chú ý, tỉnh rất quan tâm đối với các dự án mới được thành lập, nên luôn yêu cầu công tác bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu, do đó các dự án khi đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp của địa phương phải hoàn chỉnh các công trình xử lý chất thải theo quy định trước khi đi vào hoạt động chính thức. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có dự án thứ cấp hoạt động phải đầu tư mới hoặc mở rộng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc kết hợp sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý tối thiểu bằng lưu lượng xả thải của các dự án thứ cấp đang hoạt động. Đồng thời, triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải các thông số cơ bản theo quy định, kết nối thông tin từ mạng lưới quan trắc tự động với Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh.

Thực hiện chủ trương trên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, tỉnh có 8/9 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp có dự án thứ cấp hoạt động, nước thải được thu gom xử lý tập trung trước khi xả thải; đầu tư 9 lò đốt chất thải y tế, xây dựng 6 hệ thống xử lý nước thải y tế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; triển khai đầu tư hoàn thành dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị thành phố Vũng Tàu giai đoạn 1. Song song đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường không ngừng được tăng cường, thông qua công tác này tỉnh đã đình chỉ và tạm đình chỉ 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động gây ô nhiễm kéo dài. Công tác xã hội hóa về xử lý chất thải rắn bước đầu đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận. Công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và tôn tạo cảnh quan môi trường được quan tâm đầu tư nhiều hơn, tăng cường bảo vệ các đồi cát ven biển để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do mực nước biển dâng.

Vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc

Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn cho thấy, cùng với những kết quả đạt được, công tác môi trường của Bà Rịa - Vũng Tàu còn một số yếu kém, hạn chế chậm được khắc phục, đó là: Công tác quy hoạch phát triển một số ngành chưa bảo đảm phát triển bền vững, chưa sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch phát triển thiếu vành đai bảo vệ an toàn hoặc gây tác động lẫn nhau trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ví dụ như: Tại sông Chà Và, nước vừa được sử dụng nuôi trồng, vừa chế biến hải sản; quy hoạch khu vực Lộc An vừa chế biến hải sản vừa phát triển du lịch; quy hoạch các khu công nghiệp không có vành đai an toàn đối với khu dân cư.

Ngoài ra, công tác quản lý sau quy hoạch một số lĩnh vực chưa tốt, phát triển chưa tuân thủ quy hoạch nên không có khả năng kiểm soát ô nhiễm môi trường như phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Hay việc cấp phép đầu tư trước đây chưa quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, chưa chú trọng đến nguy cơ gây sự cố môi trường, an toàn nguồn nước; việc khai thác, tận thu tài nguyên khoáng sản chưa chú trọng đến công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khai thác; việc xã hội hóa hoạt động nạo vét lòng sông đang gây tác động nhất định đến diễn biến đường bờ xung quanh khu vực nạo vét. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đầy đủ theo phân cấp, phân định của Luật Bảo vệ môi trường, nhất là đối với cấp huyện, công tác hậu kiểm theo thẩm quyền thực hiện còn rất hạn chế. Hoạt động kiểm soát nguồn thải, nhất là đối với hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy hoạt động có lưu lượng xả thải lớn còn rất bị động, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu xuất phát từ nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của một số ngành, địa phương, tổ chức kinh tế và cộng đồng dân cư chưa tốt. Trong khi đó, ở địa phương lại thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, hạ tầng về môi trường (thu gom, xử lý nước thải; chất thải rắn; cải thiện môi trường các khu vực bị ô nhiễm). Điều đáng nói là, cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành theo phân cấp chưa hiệu quả; nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý môi trường còn hạn chế, thiếu nhân lực thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhất là đối với cấp huyện chưa bố trí đủ biên chế, cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường; trang thiết bị cho công tác kiểm soát ô nhiễm chưa được đầu tư dẫn đến chưa đủ khả năng thực hiện công tác hậu kiểm, xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ mang tính đa ngành

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao. Do đó, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của các cấp uỷ đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các đoàn thể; để từ đó làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp và làm cho mọi người dân có ý thức, kiến thức, sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; đấu tranh khắc phục các thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng, xâm hại đến tài nguyên, môi trường.

Để giải quyết các hạn chế nêu trên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, trong thời gian tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trong triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi người dân trong tỉnh về bảo vệ môi trường, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và xây dựng ấp, khu phố văn hóa. Để từ đó, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, bởi chỉ có sự tham gia tích cực của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự quản lý của Nhà nước thì công tác bảo vệ môi trường mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Hai là, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung công tác quy hoạch phát triển bảo đảm có vành đai an toàn, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tránh gây tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội do quá trình phát triển; tăng cường quản lý sau quy hoạch, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định pháp luật. Quá trình thu hút các dự án đầu tư mới phải bảo đảm có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường theo đúng tinh thần Chỉ thị số 43/CT-TU ngày 06-8-2014 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó chủ động ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường với phương châm bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Ba là, tập trung nguồn lực để triển khai và hoàn thành các dự án cải tạo môi trường tại các khu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài như khu vực kênh Bến Đình, khu vực Cửa Lấp, khu vực ao Hải Hà… Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường tại các khu vực đang bị ô nhiễm kéo dài, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu chế biến hải sản tập trung và các dự án về thu gom, xử lý nước thải đô thị có mức xả thải cao, đang tác động lớn đối với môi trường.

Bốn là, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ mang tính đa ngành và liên vùng rất cao, do đó các ngành, các cấp ở Bà Rịa - Vũng Tàu cần chủ động phối hợp chặt chẽ và thực hiện nhiệm vụ theo phân định, phân cấp của Luật Bảo vệ môi trường. Cấp huyện cần cân đối, bảo đảm đủ nhân lực thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền, nhất là đối với công tác hậu kiểm, kiểm soát các nguồn thải và xử lý các vi phạm theo quy định.

Năm là, đối với ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung, chủ động triển khai các giải pháp quan trọng như: Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, bảo đảm các dự án đầu tư sau khi được phê duyệt tuân thủ đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường từ khâu xây dựng đến khi dự án đi vào hoạt động. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về các nguồn thải, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu các nguồn gây ô nhiễm.

Tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm quan trắc tự động, đặc biệt tại các hồ cấp nước, các nơi tiếp nhận nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu đô thị để bảo đảm đủ nguồn lực theo dõi diễn biến các thành phần môi trường, kịp thời đề xuất những biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các nguồn gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chú ý đến việc yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có dự án thứ cấp hoạt động phải đầu tư mới hoặc mở rộng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý tối thiểu bằng lưu lượng xả thải của các dự án thứ cấp đang hoạt động và phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải các thông số cơ bản theo quy định, kết nối thông tin từ mạng lưới quan trắc tự động với cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, cương quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm kéo dài; phối hợp với các ngành, địa phương, cơ quan khoa học nghiên cứu giải pháp cải tạo, phục hồi cảnh quan môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Sáu là, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản lý môi trường, bảo đảm đủ nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thống nhất chương trình hành động nhằm giải quyết các vấn đề môi trường mang tính liên vùng./.