Huyện Tây Hòa: Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh
Tây Hòa - Địa phương giàu truyền thống cách mạng
Huyện Tây Hòa nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên, phía Bắc giáp huyện Sơn Hòa và huyện Phú Hòa, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Đông giáp huyện Đông Hòa, phía tây giáp huyện Sông Hinh. Huyện Tây Hoà được thành lập ngày 16-5-2005 theo Nghị định số 62/2005/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở phần phía tây của huyện Tuy Hòa cũ (phần còn lại phía đông của huyện Tuy Hòa thành lập nên huyện Đông Hòa); có 61.043 ha diện tích tự nhiên và trên 120 nghìn nhân khẩu, chiếm 12,1 % diện tích và 14 % dân số so với toàn tỉnh; có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Hoà Bình 1, Hoà Bình 2, Hoà Phong, Hoà Phú, Hoà Mỹ Tây, Hoà Mỹ Đông, Hoà Đồng, Hoà Tân Tây, Hoà Thịnh, Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây(trong đó có 4 xã miền núi). Ngày 06-8-2013, xã Hòa Bình 2 chuyển thành thị trấn Phú Thứ - thị trấn huyện lị huyện Tây Hòa.
Quê hương Tây Hòa có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Tây Hòa là căn cứ kháng chiến. Trong những năm chiến tranh, nơi đây là vùng căn cứ địa cách mạng, nhiều vùng đất đai màu mỡ đã biến thành vành đai trắng. Cuộc Đồng Khởi Hòa Thịnh, Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng là những sự kiện được cả nước biết đến. Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, sau thất bại ở Buôn Ma Thuộc và An Khê, quân địch từ Tây Nguyên theo tỉnh lộ 52 tháo chạy xuống đồng bằng, quân và dân Tây Hòa đã đánh chặn và tiêu diệt, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của đất nước. Tây Hòa là đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến, đồng thời, có 9/11 xã, thị trấn của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 02 hợp tác xã được tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Trên địa bàn huyện Tây Hòa có các tuyến giao thông quan trọng nối với các khu vực trong và ngoài tỉnh, là cầu nối các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi trao đổi mua bán hàng hóa và liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Tây Hòa cũng nằm gần Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Tuy Hòa và cảng biển Vũng Rô - là các đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh.
Nằm hạ lưu sông Ba và sông Bánh Lái, lượng phù sa hàng năm lớn, thích hợp phát triển nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lương thực. Hiện nay, Tây Hòa là huyện có diện tích trồng lúa lớn của Phú Yên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, ngoài bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ còn cung cấp cho các vùng khác và tương lai sẽ là vành đai rau xanh của tỉnh.
Người dân Tây Hòa có tinh thần tự lực tự cường, cần cù trong lao động, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, ham học hỏi, nhiệt huyết với sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương, sẽ là nơi cung cấp nguồn lao động cho tỉnh nói chung và khu kinh tế Nam Phú Yên nói riêng.
Khi mới thành lập, Tây Hoà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế thuần nông; thu chi ngân sách mất cân đối; nông nghiệp chậm phát triển, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ mới, vừa thiếu lại vừa yếu. Đặc biệt, huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp, mặt bằng dân trí không đồng đều, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao so với tổng số hộ.
Đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí kiên cường, phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động cần cù, sáng tạo, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân
Đứng trước những khó khăn, thách thức nêu trên, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của huyện đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến xã, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để từng bước tháo gỡ những khó khăn, mở ra hướng đi mới cho huyện; động viên quân và dân phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, giữ vững sự đoàn kết nhất trí, khắc phục vượt mọi khó khăn, vận dụng đúng đắn đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Huyện đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai… đã được cấp trên phê duyệt; đẩy mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Nhờ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời nên kinh tế của huyện có sự tăng trưởng tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 12,54%/năm, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 12,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 26,84 triệu đồng.
Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 432,65 tỷ đồng, tăng 16,83% so với năm 2010. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống mới, cơ giới hóa vào sản xuất,… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác nâng lên, năm 2015 đạt 66 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,47 lần so với năm 2010.
Công nghiệp - xây dựng có sự phát triển khá, giá trị sản xuất năm 2015 ước đạt 706,33 tỷ đồng, vượt 6,01% so với chỉ tiêu đề ra. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển về số lượng, hoạt động ổn định và hiệu quả. Một số nhà máy, xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ khá hiện đại, giải quyết được nhiều lao động như may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, đường, cồn, hạt điều,… được đầu tư xây dựng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cuả huyện được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 3.881 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 21%/năm. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng, đã phát huy tác dụng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển khá nhanh, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất năm 2015 ước đạt 665,63 tỷ đồng, vượt 16,81% chỉ tiêu đề ra, tăng 142% so với năm 2010. Các cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư, mạng lưới kinh doanh mở rộng, thị trường ổn điịnh và phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục ổn định và có mặt phát triển. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn huyện ước 653,7 tỷ đồng, đạt 55,3 % kế hoạch, trong đó: nông nghiệp đạt 55,7%; lâm nghiệp đạt 42,08%; ngư nghiệp đạt 52,92% kế hoạch. Huyện đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi 93 ha diện tích trồng lúa nước bấp bênh sang trồng một số cây trồng khác hiệu quả hơn. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, dịch vụ ước 740,5 tỷ đồng, đạt 43,82% kế hoạch và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Nhìn chung, sản phẩm của các doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện duy trì ổn định.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Thu ngân sách trên địa bàn huyện được hơn 59 tỷ đồng, vượt 13,68 % dự toán tỉnh giao và đạt 98,48 % so với chỉ tiêu phấn đấu của huyện. Trong đó có 7/12 nguồn thu đạt trên 50% và 5/12 nguồn thu đạt dưới 50%. Các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực.
Trong xây dựng nông thôn mới, Tây Hòa là một trong những điểm sáng của tỉnh Phú Yên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; được bà con nhân dân đồng tình cao đã tự đóng góp công sức, hiến đất, tài sản để chỉnh trang hệ thống giao thông nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ rệt, tích cực tham gia. Kết cấu hạ tầng ở thôn, xã được cải thiện, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, toàn huyện đạt bình quân 16,7 tiêu chí, trong đó có 3 xã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí (Hòa Tân Tây, Hòa Phong, Hòa Bình). Trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc hoàn thiện các tiêu chí theo quy định, huyện đặc biệt quan tâm đến tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, củng cố và phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm tạo thay đổi thực chất trong đời sống, sản xuất của người dân nông thôn theo hướng phát triển bền vững, nguồn thu nhập ổn định và tăng trưởng. Đến tháng 11-2015, toàn huyện có 12 hợp tác xã đang hoạt động, qua đại hội thành viên thường kỳ đánh giá có 01 hợp tác xã đạt loại tốt, 09 hợp tác xã đạt loại khá và 02 hợp tác xã đạt loại trung bình; có 12/12 hợp tác xã đã tổ chức đại hội chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần để kinh tế - xã hội tăng trưởng, phát triển là do Tây Hòa đặc biệt chú trọng cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân. UBND huyện và các xã, thị trấn từng bước đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đề cao trách nhiệm phục vụ nhân dân theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực liên quan nhiều đến tổ chức, công dân; công khai bộ thủ tục hành chính áp dụng tại UBND cấp huyện và cấp xã theo quy định. Hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa ở UBND huyện và UBND cấp xã ngày càng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. 12/12 cơ quan chuyên môn UBND huyện và 11/11 xã, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001-2008. Chỉ số cải cách hành chính của huyện nằm trong “top” đầu của tỉnh Phú Yên.
Xây dựng Tây Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh
Chặng đường hơn 10 năm kể từ ngày thành lập huyện chưa phải là dài nhưng những kết quả phát triển mà huyện đạt được trong những năm qua là nền tảng và động lực để cán bộ và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước để tiếp tục phấn đấu là huyện có kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tập trung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng Tây Hòa thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Nghị quyết cũng xác định một số chỉ tiêu: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên địa bàn huyện là 13%/năm, cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: công nghiệp, xây dựng 45,9%/ năm; thương mại - dịch vụ 35,5%; nông nghiệp 18,6%. Kết hợp tốt phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ huyện đến xã; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hướng mọi hoạt động về cơ sở nhằm thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, cần hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện và sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó, một số giải pháp trọng tâm mà huyện xác định là đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng cụm công nghiệp Hòa Phú để thu hút các doanh nghiệp đầu tư; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là những nhân lực có chất lượng, gắn đào tạo với sử dụng hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân./.
------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Huyện ủy Tây Hòa, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Hòa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020
2. Huyện ủy Tây Hòa, Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016
3. Huyện ủy Tây Hòa, Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016
Đại sứ quán Việt Nam lập đường dây nóng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ  (16/07/2016)
Doanh nghiệp Đức đánh giá cao triển vọng hợp tác với Việt Nam  (16/07/2016)
Bang Iowa muốn tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam  (16/07/2016)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị ASEM  (16/07/2016)
Chủ tịch nước dự kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự  (16/07/2016)
Hội nghị cấp cao ASEM 11 bế mạc với hai tuyên bố quan trọng  (16/07/2016)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên