TCCS - Sau hơn một năm cầm quyền kể từ tháng 1-2021, mặc dù còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đang từng bước hiện thực hóa cam kết đưa ra trong tranh cử, định hình khung chính sách đối ngoại tổng thể, trong đó ưu tiên khôi phục quan hệ với các đồng minh, đối tác, xử lý hiệu quả quan hệ với các đối thủ chiến lược, tái can dự trong các vấn đề toàn cầu, qua đó khôi phục vị thế và ảnh hưởng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn nhậm chức vào một thời điểm rất khác biệt khi nước Mỹ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ở trong nước, chính trị nội bộ Mỹ mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc sau cuộc bạo loạn xảy ra ở tòa nhà Quốc hội vào ngày 6-1-2021(1). Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống của nước Mỹ. Ở ngoài nước, mặc dù vẫn là siêu cường số một thế giới với sức mạnh vượt trội song khoảng cách sức mạnh của Mỹ so với Trung Quốc đang tiếp tục bị thu hẹp. Nhiều lợi ích chiến lược của Mỹ đang bị thách thức. Hệ thống đồng minh, đối tác có sự rạn nứt nhất định sau nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm khiến các nỗ lực của Mỹ trong xử lý những vấn đề toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh trên, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã xác định Mỹ cần có sự điều chỉnh về tư duy, phương châm và hành động trong triển khai chính sách đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang 2022 tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington, DC, ngày 1-3-2022 _Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết tâm định hình chính sách đối ngoại tổng thể

Từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã tập trung rà soát, tham vấn đồng minh, đối tác nhằm đề ra chính sách đối ngoại tổng thể. Việc đưa ra nhiều phát biểu, văn bản chính sách, đặc biệt sớm công bố Tài liệu định hướng chiến lược tạm thời (tháng 3-2021)(2) đã dần xác định những nội dung chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Về chủ thuyết, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa tự do và cương lĩnh của Đảng Dân chủ với những nội hàm truyền thống, như tăng cường hiện diện ngoại giao, thúc đẩy can dự đa phương, vai trò của Mỹ, huy động sức mạnh tập thể từ hệ thống đồng minh, đối tác, với phương châm “đưa nước Mỹ trở lại”.

Về mục tiêu, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn xác định ba mục tiêu đối ngoại lớn, đó là: 1- Đưa Mỹ trở lại vị thế chi phối và vai trò lãnh đạo thế giới, ngăn chặn, đối phó với thách thức gia tăng từ các đối thủ chiến lược và các thách thức an ninh khác; 2- Khôi phục và củng cố hệ thống đồng minh, đối tác; 3- Định hình trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị chung. Phần lớn các gói cứu trợ, dự luật được Quốc hội Mỹ(3) giới thiệu cũng khẳng định các mục tiêu trên. Sự đồng thuận cao trong nội bộ, nhất là từ Quốc hội Mỹ, góp phần bảo đảm tính xuyên suốt, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn triển khai các mục tiêu đối ngoại. Trên cơ sở đó, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã xác định các ưu tiên đối ngoại(4) cụ thể gắn liền với các mục tiêu đối nội của Mỹ.

Về cách thức triển khai, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, một mặt, kế thừa chọn lọc, tận dụng lợi thế, hiệu quả từ cách tiếp cận thực dụng của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm; mặt khác, có những điều chỉnh về cách thức và biện pháp theo những ưu tiên mới. Một là, xử lý thách thức từ “vị thế sức mạnh”, kết hợp sức mạnh tổng hợp và sức mạnh tập thể từ mạng lưới đồng minh, đối tác. Hai là, đề cao vai trò lãnh đạo của Mỹ, các yếu tố chiến lược, tái can dự và phát huy vai trò dẫn dắt của Mỹ tại các cơ chế đa phương. Ba là, đưa ngoại giao trở thành công cụ tiên phong, vẫn cân nhắc biện pháp quân sự song chỉ là phương án cuối cùng, kiểm điểm sự hiện diện toàn cầu, điều chỉnh theo các ưu tiên an ninh đối ngoại mới. Bốn là, thúc đẩy “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu”, nhấn mạnh thương mại công bằng, tạo việc làm cho người lao động Mỹ và mua hàng Mỹ. Năm là, đề cao việc “lãnh đạo qua nêu gương”, bảo đảm hệ giá trị, dân chủ - nhân quyền song kết hợp hài hòa với các mục tiêu chiến lược khác của Mỹ.

Triển khai toàn diện các trụ cột

Về kinh tế - thương mại, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tăng cường can dự đa phương song song với việc bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ ở trong nước, đưa ra khẩu hiệu “xây dựng lại tốt đẹp hơn” và chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn thể hiện cách tiếp cận mềm mỏng hơn, loại bỏ yêu cầu “có đi, có lại”, song vẫn kế thừa xu hướng thực dụng, ưu tiên lợi ích của Mỹ từ thời kỳ của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm, cụ thể là: 1- Đưa các chuỗi cung ứng, sản xuất của Mỹ ở nước ngoài trở lại Mỹ thông qua chính sách siết chặt thuế và ưu tiên chuyển giao công nghệ; 2- Duy trì hàng rào thuế quan với các đối tác thương mại có thặng dư lớn với Mỹ, kể cả với các đồng minh, đối tác; 3- Củng cố vị thế, vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)...; 4- Đưa ra một số sáng kiến kinh tế mới nhằm gia tăng kết nối kinh tế liên khu vực, lấy Mỹ làm trung tâm và cạnh tranh với các sáng kiến của Trung Quốc.

An ninh - quốc phòng tuy không phải biện pháp ưu tiên song tiếp tục là công cụ quan trọng nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đưa ra chủ trương “răn đe tích hợp”(5), ưu tiên củng cố sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa hệ thống vũ khí, đồng thời tăng cường phối hợp với đồng minh nhằm nâng cao năng lực răn đe và phục vụ cạnh tranh chiến lược. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cho thấy chủ trương dồn nguồn lực từ chống khủng bố sang cạnh tranh chiến lược và xử lý các vấn đề toàn cầu, thể hiện qua kế hoạch rút quân đội khỏi Áp-ga-ni-xtan, hủy bỏ quyết định rút quân đội tại Đức của chính quyền tiền nhiệm, chú trọng đầu tư quốc phòng, trong vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Bản báo cáo đánh giá bố trí quân sự của Mỹ do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố (tháng 11-2021) khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu và “sẽ ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc”(6). Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã ban hành Đạo luật Ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2022 (tháng 12-2021) với tổng trị giá 770 tỷ USD (tăng 5% so với năm tài khóa 2021)(7), trong đó ưu tiên xử lý những thách thức từ các đối thủ chiến lược là Trung Quốc và Nga.

Dân chủ - nhân quyền tiếp tục là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn thúc đẩy hệ giá trị phương Tây về tự do, dân chủ, phối hợp với đồng minh; tăng cường can dự tại các cơ chế đa phương; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ (tháng 12-2021)(8) và gây sức ép trong một số quan hệ song phương. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng thể hiện chủ trương thực dụng, một mặt, gia tăng sức ép đối với các đối thủ và quốc gia mà Mỹ cho rằng có vấn đề về nhân quyền; mặt khác, cũng cân nhắc lợi ích chiến lược, xử lý có chừng mực với các đồng minh, đối tác quan trọng khác.

Về các vấn đề toàn cầu, khác với thời kỳ của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn điều chỉnh theo hướng coi trọng, tái can dự và thể hiện vai trò dẫn dắt. Mỹ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19, tích cực thúc đẩy chiến lược “ngoại giao vắc-xin”, là nước đóng góp lớn nhất cho cơ chế chia sẻ vắc-xin COVAX, cam kết viện trợ 20 tỷ USD, 1,1 tỷ liều vắc-xin thông qua cơ chế COVAX đến giữa năm 2022(9). Vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch được ưu tiên hàng đầu trong hợp tác của Mỹ với các đồng minh, đối tác và cả những “đối thủ”, như Trung Quốc, Nga. Kiểm soát vũ khí hạt nhân tiếp tục là vấn đề toàn cầu ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn. Mỹ tích cực thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện và lâu dài hơn trong vấn đề hạt nhân I-ran và mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy hợp tác với cả Nga và Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Mỹ giảm can dự tại khu vực Trung Đông và coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn chính thức công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (tháng 2-2022) trên cơ sở kế thừa nhiều thành tố trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính quyền tiền nhiệm, tập trung mục tiêu khôi phục vai trò lãnh đạo và xử lý các thách thức đến từ Trung Quốc, song điều chỉnh cách tiếp cận và ưu tiên theo hướng linh hoạt, toàn diện hơn, chú trọng củng cố quan hệ với đồng minh, đối tác và quan tâm hơn về quan điểm, lợi ích của các nước.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm "Bộ Tứ" ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 24-5-2022 _Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ có một số đặc điểm: Thứ nhất, tập trung củng cố và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Phi-líp-pin, Thái Lan) và một số đối tác quan trọng (Ấn Độ, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a,...); thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao với khu vực. Thứ hai, tích cực can dự thông qua các cơ chế khu vực, hay hợp tác ba bên, bốn bên linh hoạt, thiết lập cơ chế mới, như Quan hệ đối tác về an ninh Mỹ - Anh - Ô-xtrây-li-a (AUKUS) và nâng cấp họp Nhóm “Bộ tứ” lên cấp thượng đỉnh. Thứ ba, tiếp tục coi trọng và thúc đẩy hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nối lại tham dự cấp cao khuôn khổ ASEAN - Mỹ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)(10); tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), đưa ra các sáng kiến mới thúc đẩy hợp tác với khu vực và đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN tại Mỹ trong 2 ngày 12 và 13-5-2022. Thứ tư, thúc đẩy thiết lập khuôn khổ kinh tế khu vực mới, dự kiến khởi động tham vấn chính thức với các nước về nội hàm trong đầu năm 2022, tập trung vào kinh tế số, công nghệ số, ổn định chuỗi cung ứng, kết cấu hạ tầng kèm theo yêu cầu cao về lao động(11). Thứ năm, duy trì quan tâm vấn đề Biển Đông trên cả ba trụ cột ngoại giao, pháp lý, hiện diện quân sự, đồng thời coi trọng hơn sự can dự của đồng minh, đối tác, cam kết đứng về các nước trước các hành động cưỡng ép. Thứ sáu, ngày càng coi trọng hợp tác Tiểu vùng Mê Công, tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác Mỹ - Mê Công (MUSP). Thứ bảy, triển khai mạnh mẽ và đưa ra nhiều cam kết cụ thể cung cấp “hàng hóa công” cho khu vực, nhất là trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN (ngày 26-10-2021), Mỹ công bố các sáng kiến trị giá 102 triệu USD, mở rộng hợp tác với ASEAN về y tế, khí hậu, kinh tế, giáo dục(12). Mới đây nhất, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN (tháng 5-2022), Mỹ công bố gói hỗ trợ 150 triệu USD cho các sáng kiến hỗ trợ về an ninh hàng hải và năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam Á. Đến nay, Mỹ đã viện trợ 40 triệu liều vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và 200 triệu USD cho các nước ASEAN.

Củng cố hệ thống đồng minh, đối tác, đối thủ

Hệ thống đồng minh, đối tác được chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn chú trọng củng cố, tăng cường phối hợp bảo vệ các giá trị, trật tự dựa trên luật pháp, xử lý các vấn đề toàn cầu và thách thức từ các đối thủ. Mặc dù tiếp tục kêu gọi đồng minh và đối tác tăng cường chia sẻ trách nhiệm, song chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn thể hiện sự coi trọng hơn vai trò, tranh thủ sự phối hợp của các nước, đề cao yếu tố chuỗi, phân công lao động nhằm khai thác thế mạnh của các nước thành viên và tối ưu hóa hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tăng cường phối hợp với các nước tại các cơ chế đa phương, như Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và các cơ chế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với Nhóm “Bộ tứ”. Mỹ cùng các nước Nhóm G-7 đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W)(13), thúc đẩy sáng kiến tương lai Mỹ - ASEAN về đổi mới sáng tạo, thành lập Hội đồng công nghệ và thương mại Mỹ - EU. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn duy trì tập trận chung với các đồng minh; cùng đồng minh NATO triển khai lực lượng quân đội đến các nước thành viên Đông Âu trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và U-crai-na; thiết lập căn cứ quân sự mới tại Micronesia; thành lập Lực lượng đặc nhiệm hải quân ở Tây Thái Bình Dương; tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan (Trung Quốc); vận động các nước tham gia “Tuyên bố các nguyên tắc biển tại Tây Thái Bình Dương”(14).

Định hình nguyên tắc chung trong xử lý quan hệ với các đối thủ chiến lược. Cạnh tranh với Trung Quốc tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược lớn và toàn diện về dài hạn, có khả năng thách thức Mỹ trên mọi mặt trận, đề ra chủ trương “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc” dựa trên ba trụ cột là củng cố sức mạnh Mỹ, đẩy mạnh tham vấn với đồng minh, đối tác và phát huy vai trò tại các thể chế quốc tế. Xử lý thách thức Trung Quốc luôn là nội dung nổi bật trong trao đổi song phương và các hội nghị đa phương của Mỹ với đồng minh, đối tác. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn duy trì cấm vận về kinh tế, công nghệ, thúc đẩy việc sắp xếp lại các chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc; gây sức ép mạnh với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, Hồng Công, Tây Tạng,... Đối với Nga, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn xác định Nga là đối thủ chiến lược và đe dọa trực tiếp về an ninh, song thể hiện nhu cầu đưa quan hệ vào quỹ đạo ổn định, đưa ra chủ trương thúc đẩy quan hệ “ổn định và có thể dự đoán”. Mỹ duy trì chính sách cứng rắn trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, an ninh mạng đối với Nga.

Mặc dù xác định cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga là xu thế chủ đạo, song chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn duy trì các kênh đối thoại cấp cao(15), vừa răn đe, vừa ngăn khả năng đối đầu, xung đột. Đối với Trung Quốc, Mỹ công khai khẳng định không tham gia một cuộc “Chiến tranh lạnh mới”, đề ra chủ trương “cạnh tranh có trách nhiệm”, định hình khuôn khổ quản lý, xử lý quan ngại trên những vấn đề vướng mắc. Mỹ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu, cử nhiều đoàn quan chức cấp cao đi Trung Quốc và hai bên đã có Tuyên bố chung về vấn đề này(16). Đối với Nga, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã cùng Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới đến năm 2026, tổ chức ba vòng đàm phán ổn định chiến lược trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân, đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn chặn sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Tuy vậy, từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại U-crai-na (24-2-2022), cạnh tranh Mỹ - Nga càng bộc lộ tính quyết liệt hơn. Mỹ và đồng minh mở “ cuộc chiến” trừng phạt, cấm vận “chưa từng có” đối với Nga và liên tục đưa ra các gói viện trợ kinh tế, quân sự quy mô lớn cho U-crai-na với mục tiêu làm suy yếu Nga. Do đó, hiện hai nước đã tạm dừng đối thoại về vấn đề này.

Quay trở lại các cơ chế hợp tác đa phương. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn điều chỉnh theo hướng tái can dự, đưa Mỹ tham gia trở lại một số cơ chế đa phương quan trọng mà chính quyền tiền nhiệm đã rút khỏi, như Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu (COP-21), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), WHO, tái thiết lập Thỏa thuận hạt nhân I-ran (JCPOA) với sự tham gia của Mỹ. Năm 2021 cũng là năm ghi dấu sự thể hiện của Mỹ trong các cơ chế đa phương trên nhiều lĩnh vực. Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã tham dự nhiều hội nghị, như Hội nghị An ninh Munich; Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-7, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Nhóm “Bộ tứ”, NATO, Mỹ - ASEAN... Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng chủ động đưa ra các sáng kiến và thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế, khuôn khổ đa phương mới; tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (tháng 4-2021), Hội nghị Thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu lần thứ nhất (tháng 9-2021) và lần thứ hai (tháng 5-2022)...

Một số kết quả bước đầu

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã triển khai hệ thống các cam kết về đối ngoại và bước đầu tạo ra chuyển biến tích cực.

Thứ nhất, quá trình rà soát và định hình chính sách đối ngoại trên từng lĩnh vực, vấn đề cụ thể cơ bản đã hoàn thiện, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ sớm công bố chiến lược tổng thể (Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) vào đầu năm 2022. Như vậy, trong quá trình triển khai, sẽ góp phần giảm tính khó dự đoán, bất định, tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại của Mỹ trên toàn thế giới.

Thứ hai, quan hệ với các đồng minh, đối tác tại hai địa bàn trọng yếu là châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được cải thiện và củng cố, giúp nâng mức độ gắn kết, khôi phục lòng tin của các nước. Những vấn đề khó khăn, như chia sẻ chi phí quốc phòng, khác biệt thương mại dần được giải quyết thông qua tham vấn, đối thoại. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đưa ra nhiều văn bản, tuyên bố chung, sáng kiến và thỏa thuận hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực; tranh thủ và huy động sự tham gia của các nước đồng minh, đối tác trong xử lý các vấn đề toàn cầu, cũng như trong đối phó những thách thức đến từ các đối thủ chiến lược; công khai khẳng định không ép các nước phải “chọn bên”, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của các nước.

Thứ ba, Mỹ nhận diện rõ hơn, xác định cấp độ và phạm vi thách thức với từng đối thủ chiến lược, bước đầu định hình nguyên tắc, khuôn khổ quản lý quan hệ với Trung Quốc và Nga. Điểm mới là chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã thiết lập được các cơ chế trao đổi cấp cao để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, qua đó hạn chế khả năng xảy ra xung đột. Dù mặt cọ xát gia tăng, nhưng quan hệ về cơ bản vẫn trong trạng thái được kiểm soát do đan xen lợi ích và các bên đều có nhu cầu quản lý cạnh tranh, duy trì đối thoại.

Thứ tư, hình ảnh và vị thế quốc tế của Mỹ được cải thiện, vai trò can dự trên toàn cầu, đặc biệt tại các diễn đàn đa phương và khu vực, được khôi phục. Những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn trong quá trình xử lý các vấn đề toàn cầu, nhất là thành công trong chính sách “ngoại giao vắc-xin”, bước đầu thể hiện vai trò của Mỹ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí hạt nhân được cho là đã góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Mỹ. Sự hưởng ứng và phối hợp triển khai của các đồng minh, đối tác chủ chốt với các sáng kiến do Mỹ đề xuất và dẫn dắt là một trong những minh chứng rõ nét về những kết quả bước đầu trong triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cách tiếp cận mang tính thứ tự trước sau làm giảm đáng kể sự linh hoạt trong quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại, khiến một số nước quan ngại về mức độ cam kết của Mỹ. Các đồng minh, đối tác mặc dù hưởng ứng vai trò tập hợp lực lượng của Mỹ song vẫn quan ngại về sự ổn định chính sách dưới thời các tổng thống Mỹ và luôn phải cân nhắc lợi ích trong hợp tác với Trung Quốc, nhất là nhu cầu tranh thủ vai trò không thể thay thế của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn chú trọng thúc đẩy các giá trị Mỹ, gắn viện trợ và đầu tư với điều kiện về dân chủ - nhân quyền khiến các nước thận trọng hơn trong quá trình hợp tác với Mỹ. Các sáng kiến thúc đẩy hợp tác kinh tế của Mỹ với khu vực đa phần dừng lại ở tuyên bố, cam kết, chưa có nhiều dự án cụ thể và tạo bước tiến triển thực chất. Khung hợp tác kinh tế khu vực đã manh nha song chưa rõ về hình thức, cam kết tài chính và nội hàm triển khai cụ thể. Một số quan chức cấp cao của Mỹ cũng thừa nhận Mỹ khó sớm quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)(17). Bên cạnh đó, những sự cố xảy ra trong tương lai, đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn của Mỹ và các đồng minh, như các cuộc tấn công từ lực lượng khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan sau khi Mỹ rút quân đội tại đây; cuộc xung đột Nga - U-crai-na, có thể ảnh hưởng đến việc triển khai các ưu tiên đối ngoại khác của Mỹ trên toàn thế giới.

Thời gian tới, chính sách đối ngoại của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục khung chính sách đã được định hình, đồng thời có thể được điều chỉnh dựa trên những thay đổi về thế và lực của Mỹ, phản ứng của các nước cũng như những mục tiêu trong nội bộ Mỹ, nhất là những diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm 2022. Việc Đảng Dân chủ đang gặp nhiều khó khăn và có thể không duy trì được thế đa số tại Quốc hội Mỹ sẽ tác động lớn đến các bước triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn.

Với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn được cho là sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực củng cố vị thế trong khu vực, đồng thời cạnh tranh ảnh hưởng với đối thủ chiến lược lớn nhất là Trung Quốc. Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các nước, đẩy mạnh can dự toàn diện với khu vực, trong đó coi trọng các cơ chế khu vực, nhất là ASEAN, trong quá trình xử lý các vấn đề khu vực, sớm định hình khuôn khổ kinh tế với khu vực nhằm khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại vốn còn hạn chế và cạnh tranh với các cơ chế do Trung Quốc dẫn dắt; tăng cường cung cấp nhiều lựa chọn về hàng hóa công với tiêu chí an toàn, hiệu quả, không có điều kiện ràng buộc nhằm tạo khác biệt với mô hình của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thúc đẩy các tập hợp lực lượng theo các cơ chế nhóm với các nội dung hợp tác thực chất trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các nước thành viên và nhu cầu cấp bách của khu vực.

Dây chuyền sản xuất ô tô của hãng Tesla ở Thượng Hải, Trung Quốc _Ảnh: THX/TTXVN

Trong quan hệ với Trung Quốc, tuy cạnh tranh tiếp tục là xu thế chủ đạo, song chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ chủ động quản lý cạnh tranh, tránh đối đầu, xung đột; hạn chế các phát ngôn hay thông điệp chỉ trích trực diện Trung Quốc, thay vào đó thúc đẩy các nỗ lực cạnh tranh gián tiếp theo hướng cạnh tranh về mô hình quản trị, phát triển và cung cấp hàng hóa công. Theo lĩnh vực, Mỹ sẽ duy trì quan điểm cứng rắn về các vấn đề công nghệ, quốc phòng, tăng cường phối hợp với đồng minh để “răn đe Trung Quốc”, ngăn chặn khả năng Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương...

Với Nga, triển vọng quan hệ Mỹ - Nga được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do bất đồng của hai nước liên quan đến vấn đề U-crai-na. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, một mặt, sẽ tiếp tục gia tăng sức ép toàn diện, gây thiệt hại và cô lập Nga trên trường quốc tế; mặt khác, vẫn để ngỏ khả năng đối thoại, hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên chia sẻ lợi ích và ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột, đối đầu trực tiếp.

Với đồng minh, đối tác chủ chốt, một mặt, Mỹ sẽ củng cố hơn nữa quan hệ; thúc đẩy các đồng minh, đối tác phối hợp chặt chẽ về lập trường và hành động trong xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất là trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và Nga; mặt khác, Mỹ vẫn quan tâm giải quyết các vướng mắc trong quan hệ với đồng minh, đối tác nhưng xử lý theo hướng khéo léo, tiếp tục ưu tiên tham vấn và đối thoại để tránh ảnh hưởng tới tổng thể quan hệ.

Về hợp tác đa phương, Mỹ sẽ đẩy mạnh hơn hình ảnh “siêu cường có trách nhiệm” với việc tiếp tục triển khai chiến lược “ngoại giao vắc-xin”, nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác ứng phó với một đại dịch tương tự trong tương lai, thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề dân chủ - nhân quyền tiếp tục được Mỹ sử dụng để tập hợp các nước chia sẻ các giá trị phương Tây song nhiều khả năng sẽ không phải là điều kiện tiên quyết trong hợp tác với Mỹ.

Với các “điểm nóng”, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn nhấn mạnh: 1- Ủng hộ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, các vấn đề khác biệt bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy đàm phán và xử lý tranh chấp thông qua con đường ngoại giao; 2- Thúc đẩy phối hợp với đồng minh, đối tác chia sẻ trách nhiệm, đề nghị các nước cùng tham gia gây sức ép chung với các bên; chủ yếu sử dụng các công cụ ngoại giao và trừng phạt về kinh tế trong trường hợp các nước đối thủ có động thái làm phức tạp tình hình; 3- Duy trì sự ủng hộ trên mặt trận chính trị - ngoại giao và cung cấp viện trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nước đồng minh, đối tác nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình.

Có thể thấy, trong năm đầu nhiệm kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đạt được một số dấu ấn tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh một loạt thách thức cũ và mới đan xen, khi uy tín của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đang ở mức thấp, các cường quốc cạnh tranh đều tích cực củng cố vị thế, từng bước bắt kịp Mỹ trong một số lĩnh vực, giới phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn còn không ít việc cần làm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để có thể hiện thực hóa sứ mệnh “xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn”./.

------------------------

(1) Phạm Huân: “Hỗn loạn tại Thủ đô Washington, Mỹ phong tỏa tòa nhà Quốc hội”, Báo điện tử VOV, ngày 7-1-2021, https://vov.vn/the-gioi/hon-loan-tai-thu-do-washington-my-phong-toa-toa-nha-quoc-hoi-829140.vov
(2) The White House: “Interim national security strategic guidance” (Tạm dịch: Tài liệu định hướng chiến lược tạm thời), tháng 3-2021, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf
(3) Tháng 4-2021, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật cạnh tranh chiến lược năm 2021; tháng 6-2021, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật cạnh tranh và đổi mới...
(4) Bao gồm: ứng phó với đại dịch COVID-19; củng cố an ninh y tế toàn cầu; xây dựng hệ thống kinh tế toàn cầu ổn định và bao trùm; khôi phục nền dân chủ; thiết lập hệ thống nhập cư hiệu quả; phục hồi mạng lưới đồng minh, đối tác; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ vị thế lãnh đạo về công nghệ và xử lý thách thức lớn nhất đến từ Trung Quốc và các thách thức khác từ Nga, I-ran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
(5) U.S. Department of Defense: “Secretary of Defense Lloyd J. Austin III Participates in Fullerton Lecture Series in Singapore” (Tạm dịch: Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III tại Đại học Fullerton, Xin-ga-po), ngày 27-7-2021, https://www.defense.gov/News/Transcripts/Transcript/Article/2711025/secretary-of-defense-lloyd-j-austin-iii-participates-in-fullerton-lecture-serie/
(6) U.S. Department of Defense: “Immediate release DoD Concludes 2021 Global Posture Review” (Tạm dịch: Đánh giá bố trí quân sự Mỹ trên toàn cầu năm 2021), ngày 29-11-2021, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/2855801/dod-concludes-2021-global-posture-review/
(7) Trần Quyên: “Mỹ thông qua luật chi tiêu quốc phòng, tăng mua máy bay và tàu chiến”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 28-12-2021, https://www.vietnamplus.vn/my-thong-qua-luat-chi-tieu-quoc-phong-tang-mua-may-bay-va-tau-chien/765352.vnp
(8) US Department of State: “The Summit for Democracy” (Tạm dịch: Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ), tháng 2-2021, https://www.state.gov/summit-for-democracy/
(9) Zeke Miller: “Biden doubles US global donation of COVID-19 vaccine shots” (Tạm dịch: Bai-đơn tăng gấp hai lần số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 do Mỹ quyên góp toàn cầu), ngày 23-9-2021, https://apnews.com/article/united-nations-general-assembly-joe-biden-pandemics-business-united-nations- e7c09c1f896d83c0ed80513082787bd3
(10) Lần cuối cùng Tổng thống Mỹ Đ. Trăm tham dự các hội nghị này vào năm 2017
(11) The White House: “Readout of President Biden’s Participation in the East Asia Summit” (Tạm dịch: Thông cáo về việc Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á), ngày 27-10-2021 https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/10/27/readout-of-president-bidens-participation-in-the-east-asia-summit/
(12) The White Housse: “Fact Sheet: New Initiatives to Expand the U.S.-ASEAN Strategic Partnership” (Tạm dịch: Thông tin về các sáng kiến mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN), ngày 26-10-2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/10/26/fact-sheet-new-initiatives-to-expand-the-u-s-asean-strategic-partnership/
(13) The White House: “FACT SHEET: President Biden and G7 Leaders Launch Build Back Better World (B3W) Partnership” (Tạm dịch: Thông tin Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn và lãnh đạo các nước G-7 khởi động B3W), ngày 12-6-2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/12/fact-sheet-president-biden-and-g7-leaders-launch-build-back-better-world-b3w-partnership/
(14) Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Phát biểu của Phó Tổng thống Harris trước cuộc gặp Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc”, ngày 25-8-2021, https://vn.usembassy.gov/vi/phat-bieu-cua-pho-tong-thong-harris-truoc-cuoc-gap-chu-tich-nguyen-xuan-phuc-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam/
(15) Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã 6 lần trao đổi với Tổng thống Nga V. Pu-tin, trong đó đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Thụy Sỹ; 3 lần trao đổi trực tuyến với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
(16) Huy Hoàng: “Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về khí hậu bên lề COP26”, Báo điện tử VOV, ngày 11-11-2021, https://vov.vn/the-gioi/my-va-trung-quoc-ra-tuyen-bo-chung-ve-khi-hau-ben-le-cop26-904249.vov
(17) Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg (tháng 11-2021), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ghi-na Rai-môn-đô (Gina Raimondo) cho biết, Mỹ sẽ không tham gia CPTPP vì nhiều lý do. Xem: Grace Ho: “US will not join regional trade pact CPTPP, but pursue specific tie-ups with allies: US Commerce Secretary” (Tạm dịch: Mỹ sẽ không tham gia CPTPP, nhưng theo đuổi các mối quan hệ cụ thể với các đồng minh: Bộ trưởng Thương mại Mỹ), ngày 17-11-2021, https://www.straitstimes.com/singapore/politics/us-will-not-join-asian-trade-pact-cptpp-but-pursue-specific-tie-ups-with-allies