Tiếp cận hệ sinh thái công nghiệp trong hoạch định chính sách phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam

TS Nguyễn Văn Vẹn
Vụ địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng
07:34, ngày 15-03-2024

TCCS - Hệ sinh thái công nghiệp (Industrial Ecology - IE) là một phương pháp tiếp cận mới, sự lựa chọn mang tính toàn diện cho phát triển công nghiệp bền vững. Tiếp cận IE trong các lĩnh vực công nghiệp là tìm kiếm cách thức tối ưu hóa toàn bộ chu trình từ nguyên vật liệu thô đến hoàn thiện sản phẩm, xử lý phế thải cuối cùng. Cách tiếp cận này tạo nền tảng để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp bền vững, đặc biệt áp dụng cho bối cảnh quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp tại Nhà máy lốp xe tải của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng_Nguồn: tuoitre.vn

Khái quát về cách tiếp cận hệ sinh thái công nghiệp

Thời gian qua, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam tập trung phần lớn vào các hoạt động sản xuất công nghiệp qua khai thác tài nguyên thiên nhiên dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển bền vững. Ở các nước trên thế giới, cũng dễ dàng nhận thấy, hệ lụy phát triển công nghiệp thiếu bền vững là xuất hiện các bãi xử lý chất thải ngày càng tăng, bầu khí quyển đang bị thay đổi do hậu quả khí thải, hiệu ứng nhà kính, đe dọa đến sức khỏe và sự sinh tồn của con người. Thực tế cho thấy, chính sách phát triển công nghiệp theo cách tiếp cận ngành truyền thống đã mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội nhất định, tuy nhiên, ngày nay, cách thức này không còn là lựa chọn phù hợp để phát triển bền vững. Vào năm 2002, Robert và cộng sự trình bày một mô hình hệ thống tổng thể chiến lược phát triển bền vững - Strategic sustainable development (SSD), qua cách tiếp cận mới hệ IE(1). Tiếp cận IE trong hoạch định chính sách phát triển công nghiệp được xem là một trong những yếu tố nền tảng cho quản lý môi trường và thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững.

Sinh thái học sinh học truyền thống là khoa học về các mối tương tác, xác định sự phân bố và tính phong phú của sinh vật. Trong hệ sinh thái sinh học, một số sinh vật sử dụng ánh sáng mặt trời, nước và khoáng chất để phát triển, trong khi những thứ khác tồn tại hoặc chết cùng với các khoáng chất, khí và chất thải của chính chúng. Những chất thải của sinh vật này lại là thức ăn cho các sinh vật khác, trong số đó, một số sinh vật có thể chuyển đổi chất thải thành khoáng chất và chúng tiêu thụ lẫn nhau trong một mạng lưới các quá trình phức tạp, mọi thứ tạo ra đều được sử dụng bởi một số chất chuyển hóa của chính các sinh vật. Tương tự, IE bao gồm dòng chảy nguyên vật liệu, tính đa dạng, phụ thuộc lẫn nhau, mang tính cộng đồng và địa phương rộng lớn, sự kết nối, sự hợp tác(2). Trong các IE, mỗi quá trình và mạng lưới các quá trình phải được xem như một phần phụ thuộc và có liên quan lẫn nhau của một tổng thể lớn hơn.

Tiếp cận IE là nghiên cứu toàn diện hệ thống, không chỉ là các thành phần, hệ thống riêng lẻ mà bao gồm tất cả các tác nhân của hệ thống, chẳng hạn như các công ty và tổ chức, các dòng vật chất, năng lượng, các dòng thông tin liên kết các tác nhân này với tác nhân khác và với các hệ thống kinh tế, xã hội, sinh thái xung quanh. Trên cơ sở đó mới có thể nhận thức được toàn diện, đầy đủ và rõ ràng các căn cứ để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp. Phân biệt ranh giới của các IE cũng là yếu tố rất quan trọng, cần xem xét, chẳng hạn, IE theo cấp độ địa phương so với khu vực, với quốc gia, với toàn cầu. Cũng cần quan tâm nghiên cứu các khía cạnh khác của IE, như các khía cạnh sinh thái, xã hội, văn hóa hoặc kinh tế và các dòng chảy trong IE, như dòng chảy vật chất, năng lượng hoặc thông tin. Tiếp cận IE giúp tài nguyên được sử dụng hợp lý, chất thải và lượng khí thải được xử lý, tái chế hết. Việc tái chế và phân tầng cũng như sử dụng thành công các nguồn tài nguyên tái tạo sẽ góp phần giảm đầu vào của các nguồn tài nguyên khan hiếm và giảm đầu ra của chất thải và khí thải độc hại đổ vào thiên nhiên, tạo ra IE bền vững. Tầm nhìn lý tưởng cho một IE là hệ thống tái chế mọi thứ(3)

Hệ sinh thái công nghiệp bao gồm đa dạng các đặc tính, các thành phần phụ thuộc lẫn nhau tạo thành một hệ thống. Hệ thống có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với các hệ thống xung quanh và với sự phụ thuộc lẫn nhau của các bộ phận trong chúng. Sự đa dạng của các IE thể hiện qua số lượng các tác nhân khác nhau tham gia vào một IE, tạo ra khả năng tăng cường kết nối và hợp tác trong các hệ sinh thái khác nhau và trong IE. Sự đa dạng IE chỉ ra yêu cầu của cách tiếp cận mạng lưới để bảo đảm phân tích và hoạch định chính sách toàn diện.

Nghiên cứu IE được nhiều người quan tâm và thực tiễn đã minh chứng cách tiếp cận IE thành công cho phát triển bền vững công nghiệp ở các nước.

Những khuyến nghị hoạch định chính sách phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam theo cách tiếp cận IE

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 17-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Về các nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết yêu cầu: Thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình phát triển công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng, tái chế chất thải phù hợp với từng ngành, vùng, miền… Xây dựng khung tiêu chí và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận IE cho phát triển công nghiệp là một giải pháp quan trọng.

Sản xuất bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc_Ảnh: TTXVN

Có thể khuyến nghị cách tiếp cận IE cho phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam với những nội dung sau đây:

Thứ nhất, tiếp cận IE xác định con đường phát triển bền vững, có thể mang lại những thành công nhất định về bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, tất cả các IE đều khác nhau về kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hóa và sinh thái, điều này có thể làm cho nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc so sánh và lựa chọn chính sách(4).

Thứ hai, đối với phát triển công nghiệp Việt Nam, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, cần xác định và nâng cấp (cấu trúc lại) các ngành công nghiệp chủ lực. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết trong môi trường kinh doanh với áp lực cạnh tranh gay gắt quy mô toàn cầu như hiện nay. Cần tập trung xem xét vòng đời của sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp nào có lợi thế cạnh tranh quốc tế, hoạch định chính sách thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động mở rộng công nghiệp đó vươn ra quốc tế, hình thành hệ IE quốc tế. Qua đó, IE bảo đảm phát triển bền vững và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, trong hoạch định chính sách công nghiệp, cần xem xét hệ thống công nghiệp như là một bộ phận của tự nhiên. Hệ IE chỉ ra rằng các hoạt động công nghiệp không nên được xem xét trong cô lập với thế giới tự nhiên mà là một bộ phận của hệ thống tự nhiên. Vì vậy, trong thực tế hoạch định chính sách phát triển công nghiệp, nên xem xét hệ thống công nghiệp hoạt động trong môi trường hệ thống sinh thái tự nhiên hoặc sinh quyển. Từ đây, những khía cạnh của hệ thống công nghiệp, được xem tương tự như hệ sinh thái tự nhiên, về cơ bản, bao gồm các dòng vật liệu, năng lượng và thông tin, dựa vào tài nguyên và dịch vụ do sinh quyển cung cấp, qua đó, xây dựng chính sách tiếp cận chi tiết, toàn diện. Điều quan trọng là nhà hoạch định chính sách phải nhấn mạnh rằng từ “công nghiệp” trong ngữ cảnh của “hệ sinh thái công nghiệp” đề cập đến tất cả các hoạt động, tương tác của các chủ thể trong cả hệ sinh thái.

Thứ tư, hoạch định chính sách công nghiệp dựa trên khoa học hệ thống và tư duy hệ thống. IE là một nhánh của khoa học hệ thống và tư duy hệ thống, là một tập hợp các yếu tố liên quan với nhau theo một cách có cấu trúc. Các yếu tố của IE được nhìn nhận như một tổng thể với chức năng và vai trò khác nhau. Các yếu tố tương tác trong các ranh giới xác định. Hành vi của một hệ thống không thể được dự đoán bằng cách phân tích các yếu tố riêng lẻ của nó. Các thuộc tính của một hệ thống xuất hiện từ sự tương tác của các yếu tố của nó và khác biệt với tính chất của chúng như những mảnh riêng biệt. Hành vi của hệ thống là kết quả của sự tương tác của các yếu tố và giữa hệ thống và môi trường của nó. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phát triển công nghiệp phải nắm rõ cách thức áp dụng tư duy hệ thống, bao gồm nhận thức toàn diện, tư duy ra quyết định sáng tạo (SMART), hệ thống công nghệ và mô hình hệ thống khả thi. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, chính sách cần được linh hoạt, dễ dàng cập nhật, cải tiến liên tục.

Mục tiêu chính của tiếp cận IE là tổ chức lại hệ thống công nghiệp nhằm phát triển công nghiệp theo phương thức tương thích với sinh quyển và bền vững. Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp theo cách tiếp cận IE được xem là khoa học về tính bền vững, về cách đo lường và khuyến nghị cách thức quản lý tài nguyên và công nghiệp. Tiếp cận hệ IE trong hoạch định chính sách phát triển công nghiệp còn được xem là công cụ cấu trúc lại với bốn khía cạnh chính: 1- Tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực; 2- Vòng lặp vật liệu giúp giảm thiểu khí thải, chất thải; 3- Phi vật chất hóa các hoạt động; 4- Giảm và loại bỏ sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không thể tái tạo.

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, phương pháp tiếp cận IE quốc gia trở thành hệ IE toàn cầu, Việt Nam cần cân nhắc lựa chọn cách tiếp cận mới trong hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

------------------------

(1) Robert K-H, Schmidt-Bleek B, Aloise de Larderel J, Basik G, Janson JL, Kuehr R, Price Thomas P, Susiki M, Hawken P, Wackernagel M. Strategic sustainable development - selection, design and synergies of applied tools. Journal of Cleaner Production 2002;10:197-214
(2) Korhonen J. Co-production of heat and power: an anchor tenant of a regional industrial ecosystem. Journal of Cleaner Production 2001;9(6):509-17;
(3) Ayres RU, Ayres L. Industrial ecology - towards closing the materials cycle. Cheltenham, UK: Edward Elgar; 1996, p. 278-280;
(4) Korhonen J, Niemela inen H, Pulliainen K. Regional industrial recycling network in energy supply the case of Joensuu city, Finland. Corporate Social Responsibility and Environmental Management 2002;9(3):170-85;