TCCS - Thời gian gần đây, huyện Tiên Yên tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên tiềm năng, tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, phát triển loại hình du lịch mới mẻ này, ngoài sự quan tâm đầu tư, cần giải bài toán về khuyến khích, phát huy nội lực, sự tham gia của cộng đồng.

Du khách quốc tế trải nghiệm gặt lúa cùng đồng bào ở huyện Tiên Yên_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn

Tiên Yên có vị trí địa lý là trung tâm cửa ngõ miền Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh trên hành lang giao thương với Trung Quốc, là cửa ngõ ra biển gần nhất của các tỉnh biên giới phía Bắc, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang,... theo tuyến Quốc lộ 4B; là nơi nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động của tỉnh Quảng Ninh là thành phố Cẩm Phả, khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cảng biển và cửa khẩu Hải Hà - Móng Cái. Huyện Tiên Yên có rừng, có biển, có 14 dân tộc anh em trong số 22 dân tộc của Quảng Ninh cùng sinh sống, với địa hình trải rộng trên cả 3 vùng của tỉnh Quảng Ninh (miền núi, đồng bằng, ven biển) cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Bên cạnh đó, Tiên Yên có khả năng khai thác nhiều loại hình và sản phẩm du lịch. Đó là hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển ở các xã Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Tiên Lãng. Hiện huyện có hơn 5.000ha bãi triều, trong đó có khoảng 2.000ha rừng ngập mặn được đánh giá là đa dạng sinh học nhất, nhì miền Bắc với hệ thống động thực vật khá trù phú. Đặc biệt, ở Tiên Yên có mũi Lòng Vàng với nước biển xanh biếc và bãi cát vàng trải dài ngút tầm mắt, cách bờ chừng 4km thuộc xã đảo Đồng Rui với diện tích hơn 20ha. Thác Pạc Sủi với 16 tầng thác nước giữa chốn núi rừng hoang sơ - địa danh được ví là “Nơi bình minh thức giấc”. Ngoài ra, Tiên Yên còn có hồ Khe Táu, hồ Khe Cát là các hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn, cảnh quan đẹp và không khí trong lành, mát mẻ. Hồ không chỉ có giá trị lớn về mặt thủy lợi, là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho diện tích lúa rộng lớn của các xã Đông Ngũ, Hải Lạng, Đồng Rui mà còn giúp điều hòa, cải tạo môi trường sinh thái tại các khu vực này… Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho nơi đây hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau như trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống. Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, đến với Tiên Yên, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực rất riêng biệt ở nơi đây với những món ăn nức tiếng xa gần, như gà Tiên Yên được bình chọn là 50 món ăn ngon nhất Việt Nam, bánh gật gù, cà sáy, ngan sao, khâu nhục, kẹo lạc hồng, bánh hạnh nhân, dưa chua úp thảm và các món ăn ngon được chế biến từ hải sản... Ẩm thực của Tiên Yên nổi tiếng không phải chỉ ở các sản phẩm đặc trưng vùng miền mà còn ở cách chế biến, cách sử dụng nguyên liệu tươi ngon, đã tạo cho ẩm thực Tiên Yên đa dạng, phong phú và hấp dẫn, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, khó phai trong lòng du khách khi đến Tiên Yên thưởng thức. Có thể nói, Tiên Yên có nguồn nguyên liệu đa dạng để phát triển du lịch nông thôn gắn với thắng cảnh, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể… Cho tới nay, nhiều điểm du lịch trong số này đã phát huy được giá trị, trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi đặt chân khám phá vùng nông thôn ở Tiên Yên.

Ở huyện Tiên Yên, du lịch nông thôn được quan tâm thúc đẩy, đầu tư góp phần nâng cao đời sống người dân trong khu vực. Cụ thể là huyện đã hoàn thành tuyến đường đi dọc thác Pạc Sủi, hoàn thành đầu tư các điểm nhấn cảnh quan của thác Pạc Sủi, mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui, xây dựng quy hoạch, giải phóng mặt bằng đền thờ Đức Ông Hoàng Cần, xã Hải Lạng, trồng hoa tạo cảnh quan, sưu tầm vật dụng của người Tày để trưng bày tại Làng văn hóa dân tộc Tày... Đồng thời, cùng với việc phê duyệt các dự án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn, Tiên Yên cũng đẩy mạnh đầu tư phục dựng, khôi phục và nâng cao chất lượng cho các lễ hội truyền thống như các Lễ hội Văn hóa, Thể thao của dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực), dân tộc Tày (xã Phong Dụ), dân tộc Sán Dìu (xã Hải Lạng), Lễ hội đền Đức Ông Hoàng Cần, Ngày hội Văn hoá, Thể thao, Lễ hội đua thuyền (xã Đồng Rui, Tiên Lãng)… Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ và khuyến khích người dân đầu tư công nghệ chế biến các nông sản mang thương hiệu OCOP của huyện như: Gà Tiên Yên, kẹo lạc hồng, mật ong, khâu nhục, trứng vịt biển Đồng Rui... Với những giá trị, tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững của huyện Tiên Yên.

Một số khó khăn, thách thức

Du lịch nông thôn được hiểu là một chuỗi hoạt động, dịch vụ, tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm mục đích khai thác thế mạnh của vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng nông thôn (bản, làng) với các cơ sở văn hóa làng (đình, đền, chùa, miếu), cơ sở sản xuất truyền thống, kết hợp đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông... gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

Tuy vậy, dù có nguồn tài nguyên phong phú, có sự đầu tư, song du lịch nông thôn mới chỉ sơ khai ở Tiên Yên. Thời gian gần đây, có một số mô hình du lịch nông thôn được hình thành, tuy còn mới mẻ và nhỏ lẻ. Đơn cử như mô hình Eco-Family, tổ chức du lịch dựa trên cảnh quan của đầm nuôi tôm ở Hải Lạng, nơi có hoạt động trải nghiệm câu cá, làm các loại bánh của bà con vùng nông thôn, dân tộc. Đây là mô hình mới được đưa vào hoạt động giữa năm 2022. Quy mô hơn chút là mô hình homestay ở thác Pạc Sủi (xã Yên Than) với công suất tối đa là 50 khách, 2 phòng tập thể, 1 phòng đơn. Ngoài dịch vụ lưu trú, khám phá trải nghiệm thác, dự kiến kết hợp với bà con nông dân mở tour du lịch trồng rau, gặt lúa... Hoặc mô hình du lịch trải nghiệm thác Khe San (xã Phong Dụ) gắn với lưu trú, nhà hàng quy củ với khả năng đón tiếp khoảng 100 khách. Bên cạnh những mô hình thành công, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp một cách bền vững vẫn còn đối mặt với một số thách thức. Đó là việc thay đổi nhận thức, thái độ, kỹ năng của những người nông dân, của chính những người dân bản địa trở thành những người làm dịch vụ du lịch, am hiểu văn hóa địa phương cũng như có kỹ năng phục vụ du lịch. Cùng với đó, các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay phần lớn mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Ngoài ra, chưa có sự liên kết chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, du lịch để tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao...

Nhìn trên tổng thể, du lịch nông thôn ở đây mới chỉ phát triển tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao. Các đơn vị khai thác, cung ứng dịch vụ theo kiểu gia đình tự đầu tư kinh doanh homestay (khách có thể lưu trú tại gia đình và trải nghiệm nếp sống, văn hóa, ẩm thực cùng gia đình); quy mô nhỏ, khả năng đáp ứng các đoàn khách lớn kém. Trong khi đó, việc phát triển các sản phẩm bài bản, quy mô, chất lượng như sản phẩm trang trại, hợp tác xã nông nghiệp có kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch chưa thực sự xuất hiện. Việc thu hút các nhà đầu tư vào du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng còn gặp khó. Do đó, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, toàn thể cộng đồng chung tay xây dựng và tận dụng thế mạnh phát triển loại hình du lịch này./.