TCCS - Xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng ta ngày càng coi trọng, bởi Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Văn hóa chính trị là một biểu hiện cụ thể của đạo đức cách mạng cần được thực hành ngày càng rộng rãi để trở thành nhu cầu nội sinh trong mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

1- Qua thực tiễn 90 năm lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng. Có thể thấy, qua mỗi lần chỉnh đốn, Đảng ta thêm trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng cao; hệ giá trị văn hóa, đạo đức cách mạng được củng cố, bồi đắp.

Văn hóa chính trị là một biểu hiện cụ thể của đạo đức cách mạng cần được thực hành ngày càng rộng rãi để trở thành nhu cầu nội sinh trong mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (Trong ảnh:  Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với nhân dân xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá)_Ảnh: TTXVN

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh 4 chuẩn mực đạo đức cách mạng: 1- “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. 2- “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”. 3- “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. 4- “Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(1).

Các chuẩn mực đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, cho đến nay, vẫn giữ nguyên giá trị, là những tiêu chí, chuẩn mực để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa trong bối cảnh hiện nay.

“Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng” được thể hiện nổi bật nhất là sự trung thành với lý tưởng, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mặt trận tư tưởng. Giữ vững lý tưởng, không dao động trước các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ, người cách mạng “là phải giữ chủ nghĩa cho vững”. Trong bối cảnh hiện nay, giữ vững lý tưởng của Đảng cần được nhấn mạnh ở cả khía cạnh đấu tranh với những biểu hiện chệch hướng, sai lầm về tư tưởng và tự đấu tranh với các biểu hiện cơ hội chính trị vốn là những mầm mống dẫn đến nguy cơ phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bản chất của những người cơ hội chính trị là sự thiếu trung thành và sự nhạt phai lý tưởng.

“Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng” không chỉ là làm cho hết công việc, mà cao hơn còn là sự cống hiến tâm huyết, tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, tôn trọng kỷ luật Đảng gắn liền với tuân thủ pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Ý thức giữ gìn kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước có mối liên hệ trực tiếp và chặt chẽ với giữ gìn văn hóa, đạo đức, lối sống. Thực tế cho thấy, những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng hầu hết đều có biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm các chuẩn mực đạo đức…

“Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” là chuẩn mực quan trọng. Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”; và khẳng định “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(2). Nhìn lại thời gian qua, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đều có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân. Khi chủ nghĩa cá nhân thắng thế, lợi ích cá nhân làm lóa mắt, lòng tham nổi lên, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, đánh mất phẩm giá của bản thân, làm hoen ố và tổn hại uy tín, danh dự của tổ chức đảng. Chủ nghĩa cá nhân thực sự là giặc nội xâm, kẻ thù của những người cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.

Tuy nhiên, “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình” không có nghĩa là đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể, bài trừ lợi ích cá nhân chính đáng, mà cần có sự hài hòa, từ đó động viên, khuyến khích các cá nhân cống hiến tài năng, tâm huyết cho tập thể.

“Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ” - học tập lý luận không những để giữ chủ nghĩa cho vững mà còn để vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào thực tiễn công tác của từng cán bộ, đảng viên, phù hợp với từng vị trí công việc cụ thể.

Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay, có tình trạng ngụy tự phê bình và phê bình, khi sự độc đoán, chuyên quyền ở một số cán bộ lãnh đạo, quản lý được núp dưới bóng “tự phê bình và phê bình”. Các buổi sinh hoạt, góp ý tự phê bình, phê bình trở thành cơ hội để người đứng đầu đưa ra ý kiến đánh giá đề cao những người thuộc phe cánh mình, hạ thấp những người không hợp ý; trở thành nơi các cán bộ không ưa nhau “đấu tố nhau”, hạ uy tín của nhau. Rõ ràng, khi động cơ không còn trong sáng nữa thì tự phê bình và phê bình trở thành mảnh đất cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Do đó, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình luôn luôn phải đồng thời giữ được bản chất trong sáng, tính đúng đắn của nguyên tắc này, bảo đảm tự phê bình và phê bình phải thực chất, có cơ chế để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, lợi dụng nguyên tắc tự phê bình và phê bình vì mục đích cá nhân. Tự phê bình và phê bình cũng trái ngược với cách ứng xử “dĩ hòa vi quý”, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, né tránh để “giữ phiếu”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm công vụ của mình và phải có bổn phận làm tròn trách nhiệm đó, xóa bỏ tâm lý “giữ thân” vì lợi ích cá nhân…

2- Sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành, trong đó chỉ rõ 9/27 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống bên cạnh các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thì việc giáo dục đạo đức người cán bộ, đảng viên đã có căn cứ cụ thể hơn, nhiều ngành, nhiều đơn vị, tổ chức đã xây dựng tiêu chí đạo đức riêng cho cán bộ, đảng viên của ngành, đơn vị. Ý thức xây dựng văn hóa chính trị cũng đã và đang tiếp tục lan tỏa, các quy định hành vi văn hóa chuẩn mực trở thành nội dung không thể thiếu trong các quy định của nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể.

Để việc thực hành đạo đức cách mạng thực sự là nền tảng “sâu rễ bền gốc”, để đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên, thực hành văn hóa chính trị trở thành ý thức hằng ngày trong quá trình thực thi công vụ, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, giáo dục đạo đức cách mạng cần tiến hành thường xuyên, trở thành nền tảng cho xây dựng văn hóa chính trị. Xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng văn hóa chính trị phải được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng và được cụ thể hóa trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh. Các tổ chức đảng là những hạt nhân chính trị, nơi thể hiện rõ nét, sinh động và trực tiếp nhất hoạt động lãnh đạo của Đảng, nơi mỗi cán bộ, đảng viên sinh hoạt hằng ngày phải là môi trường giàu đạo đức, văn hóa chính trị.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk với nhân dân huyện Lắk _Ảnh: TTXVN

Trong môi trường văn hóa chính trị đó, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không ngừng học tập và thực hành đạo đức cách mạng, “đi trước”, làm gương cho quần chúng. Xây dựng đạo đức đảng viên trong bối cảnh hiện nay cần được cụ thể hóa thành những việc làm giản dị hằng ngày, như trách nhiệm với công việc, ứng xử với nhau trong cuộc sống, có văn hóa, lối sống lành mạnh... Mỗi cá nhân thường xuyên tự tiết chế chính mình, tự chiến thắng chủ nghĩa cá nhân vốn luôn thường trực trong mỗi con người; phải thực sự cầu thị, thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, khắc phục tình trạng khắt khe với khuyết điểm của người khác, dễ dãi với mình, khi bản thân có khuyết điểm thì đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan mà không soát xét lại, tìm căn nguyên từ chính sự yếu kém, hạn chế của mình mà chỉnh đốn; khắc phục tư tưởng chỉ thiên về đòi quyền lợi, mà lảng tránh nghĩa vụ, trách nhiệm.

Ba là, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, ứng dụng những phương tiện làm việc hiện đại, đẩy mạnh minh bạch thông tin gắn với trách nhiệm giải trình; xây dựng cơ chế, chế tài mạnh để “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”. Nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tương xứng với hiệu quả công việc và xây dựng văn hóa tự trọng để “không muốn tham nhũng” trong thi hành công vụ.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa thực hành đạo đức cách mạng với thực hành văn hóa chính trị

Xây dựng Đảng trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được xác định có quan hệ tương hỗ, biện chứng, là cơ sở, tiền đề và hệ quả của nhau, nên cần coi trọng và tiến hành đồng thời, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức ngày càng phải được đề cao và gắn chặt với xây dựng và thực hành văn hóa chính trị.

Có thể thấy văn hóa và đạo đức đã thực sự hòa quyện, là hai yếu tố không thể tách rời, luôn được đề cao trong mọi hoạt động của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong hành vi, ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau Đại hội IX, Đảng đã phát động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII đã nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, cho thấy Đảng ta hết sức coi trọng và ngày càng đề cao việc phải bổ sung, tăng cường yếu tố văn hóa, đạo đức vào công tác xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức chính là xây dựng gốc cho thực hành văn hóa chính trị, xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của Đảng.

Năm là, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa văn hóa, đạo đức với pháp luật

Văn hóa, đạo đức và pháp luật là những thành tố tồn tại riêng biệt, nhưng luôn có mối liên hệ chặt chẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn rõ và giải quyết hài hòa mối quan hệ này, sự kết hợp “đức trị” và “pháp trị” đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Trong tình hình hiện nay, cần gắn kết xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng văn hóa chính trị với pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, thực hiện tốt các giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ

Đạo đức cách mạng, văn hóa chính trị thể hiện ở tư cách của từng cán bộ, đảng viên và hoạt động của từng tổ chức đảng, do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gương mẫu trong sinh hoạt và công tác là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Bên cạnh đó, trên cơ sở tiêu chí chung, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa và xây dựng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức về văn hóa công vụ riêng cho ngành mình. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó có các nội dung, yêu cầu về văn hóa, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Cần sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo hướng định danh và cụ thể hóa từng việc làm, từng hành động phản văn hóa, phi đạo đức của cán bộ, đảng viên và có chế tài xử lý thích đáng gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng nghiêm minh. Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ tiêu chí xây dựng Đảng về đạo đức, các yêu cầu cụ thể về thực hành văn hóa chính trị làm cơ sở để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vận dụng. Chú trọng phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở cả nơi công tác và nơi cư trú… Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức và văn hóa truyền thống trong hệ thống các cấp học, góp phần xây dựng một xã hội giàu văn hóa, coi trọng các giá trị đạo đức, làm nền tảng vững chắc cho thực hành đạo đức, thực hành văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên./.

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 603
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 609