Hợp tác văn hóa Việt Nam - ASEAN

PGS, TS. Bùi Hoài Sơn, TS. Nguyễn Thị Lan Hương Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
14:17, ngày 22-07-2016

TCCSĐT - Hơn 20 năm gia nhập ASEAN, bên cạnh các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, đối ngoại thì hợp tác văn hóa - xã hội đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng, thiết thực và những bài học quý báu. Mặt khác không ít hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực hợp tác này đòi hỏi chúng ta phải khắc phục trong giai đoạn hội nhập vào Cộng đồng ASEAN.

Một số thành tựu đáng ghi nhận

Môi trường thuận lợi kể từ khi gia nhập ASEAN đã tạo điều kiện cho Việt Nam đạt được những hiệu quả và thành công nhất định trong quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Thông qua Ủy ban hợp tác văn hóa và Thông tin ASEAN (ASEAN - COCI), Việt Nam đã tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác với ASEAN và các nước khác thông qua các chương trình, dự án cụ thể và đạt được nhiều thành tựu hết sức nổi bật.

Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, với nền văn hóa - nghệ thuật truyền thống phong phú, độc đáo và bề dày lịch sử, cùng tinh thần say mê học tập, sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khu vực, góp phần tạo nên hình ảnh về văn hóa Việt Nam bản lĩnh và đặc sắc. Việt Nam cử các đoàn nghệ thuật tham dự nhiều sự kiện trong khu vực, tiêu biểu như Liên hoan múa các nước ASEAN với sự tham gia biểu diễn của Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam được đông đảo khán giả đánh giá cao. Tại Liên hoan quốc tế Xi-lô-phôn (Xylophone) ở Thái Lan, Việt Nam đã cử 10 diễn viên và nhạc công của đoàn ca múa nhạc Đắc Lắk tham dự biểu diễn với các nhạc cụ dân tộc là đàn đá, cồng, chiêng Ê-đê, chiêng kram và tạo được tiếng vang lớn... Hiện tại, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chúng ta đang tiếp tục tham gia vào “Dự án giới thiệu các chương trình nghệ thuật biểu diễn ASEAN hay nhất” được tổ chức thường xuyên theo cơ chế luân phiên nhằm biểu dương sự đa dạng và giàu có trong các hình thức biểu diễn nghệ thuật trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật trong khu vực, tiêu biểu là Liên hoan giọng hát vàng Hà Nội - ASEAN năm 1996 và Liên hoan giai điệu bạn bè Việt Nam - ASEAN - Hà Nội năm 1997. Năm 2013, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đăng cai tổ chức hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4 tại tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, năm 2014, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN (AMCA) lần thứ 6 tại Huế, Liên hoan nghệ thuật ASEAN tại festival Huế đã thành công tốt đẹp trong không khí đoàn kết, đậm văn hóa Á châu trên sân khấu điện Thái Hòa - Đại Nội, Huế. Việt Nam cũng tham gia Liên hoan Nghệ thuật ASEAN+3 gồm 10 nước ASEAN và 03 nước đối thoại châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những điệu múa, lời ca và âm vang của các nhạc cụ dân tộc truyền thống đã thể hiện rõ nét những nét đẹp văn hóa - nghệ thuật của các quốc gia đến từ khắp mọi miền của châu Á. Tháng 8-2015, Việt Nam tổ chức Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN - 2015 tại thành phố Thanh Hóa với sự tham dự của 9/13 nước ASEAN + 3. Đây là sáng kiến của Việt Nam nhằm chào mừng 48 năm ngày thành lập ASEAN (09-8-1967 - 08-8-2015) và trước thềm thành lập Cộng đồng ASEAN.

Có thể nói, các sự kiện, các cuộc liên hoan trong khu vực chính là nơi để các nghệ sĩ Việt Nam và các nước ASEAN gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị của Cộng đồng ASEAN.

Ở lĩnh vực điện ảnh, thành tựu lớn nhất chúng ta có được trong hoạt động hợp tác Việt Nam - ASEAN là việc phổ biến một cách chân thực, sinh động hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy những quan hệ tích cực của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam thông qua các kỳ liên hoan phim và các hoạt động điện ảnh khác. Liên hoan phim ASEAN năm 1998, Tuần phim ASEAN, Liên hoan ảnh và phim phóng sự - tài liệu về đất nước con người trong cộng đồng ASEAN năm 2010, Liên hoan ảnh và phim phóng sự - tài liệu về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN năm 2013. Tiếp nối thành công của hai liên hoan này, Liên hoan ảnh và phim phóng sự - tài liệu về các dân tộc trong cộng đồng ASEAN năm 2015 tiếp tục được tổ chức tại Việt Nam. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2 năm tổ chức 1 lần cũng dành những nội dung quan trọng để khuyến khích các bộ phim của các nước ASEAN. Đây chính là những dấu mốc quan trọng ghi nhận và phản ánh sinh động đời sống văn hóa - kinh tế - xã hội các nước trong cộng đồng ASEAN, thể hiện hình ảnh một ASEAN năng động, đoàn kết, hợp tác và giàu tiềm năng phát triển.

Bên cạnh các hoạt động điện ảnh tổ chức ở Việt Nam, chúng ta cũng rất tích cực tham gia các sự kiện tổ chức ở các nước khác, tiêu biểu là Tuần phim Hàn Quốc - ASEAN do Đại sứ quán Hàn Quốc tại In-đô-nê-xi-a tổ chức năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối ngoại giữa ASEAN và Hàn Quốc, trình chiếu những tác phẩm xuất sắc đến từ nhiều quốc gia. Đại diện Việt Nam tham gia với 2 bộ phim xuất sắc trong năm là Những người viết huyền thoại (Bông sen Vàng 2014) của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và phim ngắn “Bánh mơ” do nhóm Bẫy Bánh Bèo, với sự hướng dẫn của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa thực hiện.

Năm 2014, Tuần văn hóa ASEAN cùng Diễn đàn hợp tác quay phim và du lịch đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Việt Nam và các nước tại sự kiện này đã giới thiệu và giao lưu về mặt chính sách và môi trường hợp tác văn hóa, thảo luận tương lai hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh truyền hình giữa ASEAN và Trung Quốc cùng yếu tố du lịch trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình... Thông qua các dự án, chương trình hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh với ASEAN, chúng ta đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, tác phong làm việc của các nhà làm phim, các chuyên gia nước ngoài; quảng bá đất nước, con người Việt Nam cũng như tiềm năng của điện ảnh Việt Nam.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, Việt Nam giành được khá nhiều thành tựu. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Xin-ga-po tháng 9-2011 và được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á - một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan Xin-ga-po, là một dấu ấn tiêu biểu của văn hóa Việt Nam ở một nước ASEAN. Năm 1996, tại nhà triển lãm Băng Cốc (Thái Lan), nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Tấn Cương đã được nhận bằng khen danh dự cho tác phẩm tranh sơn dầu “Sự sống” trong cuộc thi mỹ thuật ASEAN năm 1996. Tiếp đó, vào năm 1997, trong cuộc thi mỹ thuật ASEAN được tổ chức tại Phi-líp-pin, họa sĩ Trần Văn Thảo của Việt Nam đạt giải thưởng và được cấp bằng chứng nhận cấp ASEAN. Việt Nam cũng đã từng có hai tác phẩm đạt huy chương bạc và huy chương đồng tại Triển lãm tem quốc tế định kỳ của khối ASEAN. Năm 2012, lĩnh vực còn tạo dấu ấn với một sự kiện rất đáng nhớ là Cuộc thi và Triển lãm Đồ họa ASEAN 2012 do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức. Nội dung Triển lãm trưng bày các tác phẩm đồ họa của 9 nước ASEAN bao gồm tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc thạch cao, khắc cao su, in đá, in độc bản… và các hình thức đồ họa khác. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện chuyên môn về tranh đồ họa có tính chất quốc tế nhằm mục đích tạo tiền đề cho việc tổ chức triển lãm luân phiên giữa các nước ASEAN. Triển lãm cũng là một hoạt động giao lưu nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hợp tác hữu nghị cũng như chia sẻ nền văn hóa - nghệ thuật của các nước thành viên ASEAN. Đây là dịp để các họa sĩ Việt Nam cũng như các họa sĩ trong khu vực trao đổi học tập, cùng giới thiệu những tác phẩm về đất nước, con người mỗi nước đồng thời là cơ hội để công chúng Việt Nam tiếp xúc và thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc, đặc sắc của khu vực. Tại sự kiện này, các họa sĩ Việt Nam đã giành được 6 giải thưởng trong đó đáng chú ý là giải nhì cho tác phẩm Tứ phủ của tác giả Phạm Khắc Quang, giải ba cho tác phẩm Chiến tranh 1 và 2 của Đỗ Hữu Quyết… Bên cạnh đó, trong mảng giao lưu khu vực về mỹ thuật dành cho trẻ em, gần như năm nào Việt Nam cũng cử đại diện tham gia các cuộc thi vẽ tranh của tổ chức văn hóa thông tin ASEAN và đạt được nhiều bằng khen, huy chương, hứa hẹn thế hệ tài năng hội họa trong tương lai.

Ở lĩnh vực di sản văn hóa, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nước trong khu vực với nhiều chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và đạt được nhiều kết quả nổi bật. ASEAN bao gồm các quốc gia với nhiều loại hình di sản đa dạng, chứa đựng các giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo, riêng biệt, trong đó có nhiều di sản thế giới. Các di sản này đã và đang là yếu tố quan trọng góp phần vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Năm 2013 đánh dấu nhiều sự kiện trong lĩnh vực di sản văn hóa mà Việt Nam có điều kiện tham gia và thu được nhiều kết quả, như tổ chức thành công festival Di sản UNESCO Việt Nam - ASEAN lần thứ nhất, tôn vinh và quảng bá các di sản Việt Nam đã được UNESCO công nhận và đang đệ trình UNESCO công nhận. Festival đã thu hút sự tham gia của các tỉnh, thành phố của Việt Nam và sự tham dự của các quốc gia ASEAN cùng một số đối tác của ASEAN như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với hàng loạt hoạt động đặc sắc diễn ra, như Hội thảo quốc tế “Mạng lưới di sản UNESCO tại Đông Nam Á: Bảo tồn gắn với phát triển bền vững”; Giao lưu trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể UNESCO Việt Nam - ASEAN; Carnaval di sản UNESCO Việt Nam - ASEAN - Hoa Đà Lạt; trình diễn nghệ thuật sắp đặt tổng hợp tái hiện những công trình văn hóa nổi tiếng, đặc biệt của các quốc gia trong khu vực ASEAN... Đây có thể coi là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam - các nước ASEAN và các nước đối tác về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước bạn; đồng thời là cơ hội tốt để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo tiền đề để sự kiện này được tổ chức luân phiên giữa các nước trong khu vực ASEAN vào những năm tiếp theo.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham dự nhiều sự kiện kết nối giữa di sản văn hóa - truyền thống với hiện đại, tiêu biểu như Triển lãm “Di sản văn hóa từ khung cửi đến máy vi tính”; Hội thảo Nghiên cứu hợp tác phát triển nguồn nhân lực văn hóa 10+3 lần thứ 8 và Hội nghị Hợp tác văn hóa ASEAN+3 lần thứ 2 tại Trung Quốc; tham dự Hội thảo về “Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa quốc gia” tại Thái Lan… Việt Nam cũng là một nước thành viên rất tích cực tham gia vào dự án hợp tác ASEAN về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở các nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN còn có một hoạt động đáng chú ý nữa là “Tuần văn hóa ASEAN”. Đây là sáng kiến của Việt Nam nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong khu vực, thúc đẩy tình hữu nghị và tăng cường sự hiểu biết về ASEAN đối với các nước ngoài khu vực. Năm 2004, Việt Nam đã đứng ra đăng cai tổ chức thành công sự kiện này tại Hà Nội với một chương trình nghệ thuật đặc sắc do gần 500 nghệ sĩ đến từ các nước ASEAN biểu diễn. Đó là một trong những nỗ lực để duy trì và phát huy giá trị của các di sản văn hóa ASEAN.

Thông qua quá trình hợp tác với ASEAN, Việt Nam đã thu hút được sự hỗ trợ về nhân lực, tài chính cũng như những thiết bị kỹ thuật hiện đại; học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng một dự án; triển khai thực hiện các phương án bảo tồn trong đó vận dụng tối đa phương tiện kỹ thuật hiện đại, kết hợp kỹ thuật truyền thống với công nghệ thông tin; tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền; phương pháp nghiên cứu và làm việc khoa học, chuyên nghiệp…

Những hạn chế cần khắc phục

Sau khi gia nhập ASEAN, thông qua các hoạt động hợp tác, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song trong tổng thể hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam nói chung, hợp tác văn hóa - nghệ thuật Việt Nam - ASEAN nói riêng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.

So với yêu cầu của hội nhập và phát triển, các hoạt động văn hóa đối ngoại trong đó có hoạt động hợp tác với ASEAN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Việc tuyên truyền, giới thiệu nền văn hóa Việt Nam, những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ra nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Số lượng các chương trình nghệ thuật, sản phẩm văn hóa được quảng bá ở nước ngoài còn ít, chất lượng chưa cao. Nội dung các hoạt động văn hóa đối ngoại còn đơn điệu, trùng lặp, chưa khai thác hết tiềm năng kho tàng văn hóa Việt Nam, chưa giới thiệu được sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

Do ngân sách eo hẹp, hằng năm số lượng các chương trình văn hóa - nghệ thuật tổ chức ở nước ngoài còn hạn chế. Nhiều đoàn nghệ thuật, đoàn triển lãm... của Việt Nam được cử đi nước ngoài phải hạn chế tối đa số người để tiết kiệm kinh phí. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các chương trình. Bên cạnh đó, phương tiện vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác văn hóa đối ngoại còn thiếu và lạc hậu.

Công tác truyền thông và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đối ngoại nhân dân, các doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Việc nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa đối ngoại và việc tiến hành công tác văn hóa đối ngoại còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tạo được sức lan tỏa trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách về văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng còn nhiều bất cập; nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa và văn hóa đối ngoại trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước còn chưa đầy đủ; chưa có một cơ chế điều phối ở cấp quốc gia về các hoạt động văn hóa đối ngoại trong cả nước. Do đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa trong nước và ngoài nước (các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài), giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại còn thiếu tính chủ động và chưa hiệu quả.

Hệ thống văn bản pháp quy thể hiện sự chỉ đạo và quy định của nhà nước về sự phối hợp công tác giữa các ngành, các bộ chưa kịp thời sửa đổi để phù hợp với tình hình mới của đất nước và quốc tế. Trong khi đó, rất nhiều vấn đề rất phức tạp thuộc về công tác an ninh tư tưởng, văn hóa, giáo dục, dân trí,… mới nảy sinh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế bị thương mại hóa, không bảo đảm chất lượng và bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tình trạng chung của cơ chế quản lý hành chính của Việt Nam hiện nay là vẫn đang cồng kềnh về bộ máy, quan liêu về phương pháp giải quyết vụ việc và rườm rà về thủ tục. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hoặc còn chưa chặt chẽ nên nhiều cơ hội trong hợp tác khu vực và quốc tế bị chậm trễ và bỏ lỡ.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại ở các bộ, ngành, địa phương không đồng đều về trình độ chuyên môn; khả năng ngoại ngữ cũng như sự am hiểu về văn hóa, luật pháp và phong tục, tập quán các nước trên thế giới còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, định hướng hoạt động văn hóa đối ngoại còn yếu.

Về tổng thể, mức đầu tư cho ngành văn hóa trong tổng chi ngân sách là tương đối thấp so với các lĩnh vực khác. Các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn nước ngoài cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế và văn hóa đối ngoại chiếm một tỷ trọng nhỏ, không đáng kể so với các lĩnh vực khác. Chưa có các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động văn hóa đối ngoại. Công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn non trẻ, các doanh nghiệp văn hóa có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo ra được những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hơn 20 năm là thành viên ASEAN, Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác và việc củng cố sự đoàn kết, hợp tác với các nước ASEAN là một ưu tiên hàng đầu. Cùng với nhiều lĩnh vực khác, ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, chúng ta đã thu được những thành tựu quan trọng, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài khu vực những giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, tạo đà cho những lợi ích kinh tế, chính trị của đất nước. Có thể nói, những thành tựu mà việc hợp tác văn hóa đem lại cho Việt Nam sau khi gia nhập ASEAN đã không chỉ tăng cường sự hiểu biết giữa các nước ASEAN mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam, ASEAN với các nước trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn những hạn chế nhất định trong các hoạt động giao lưu văn hóa khiến cho tiến trình giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng. Trong giai đoạn sắp tới, bằng sự thúc đẩy hoạt động trao đổi thường xuyên những nét đặc sắc của từng nền văn hóa, cụ thể là sự trao đổi hợp tác văn hoá đa phương ASEAN - Việt Nam và ASEAN với các nước đối thoại, thế hệ trẻ của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ có điều kiện được mở rộng hiểu biết, dần tạo dựng được ý thức là một thành viên của Cộng đồng ASEAN, không ngừng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.