TCCS - Việc thực thi, tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh từ cơ sở hiệu quả hay không có vai trò rất lớn của cán bộ quản lý kinh tế tại địa phương, nhất là cấp huyện. Trước đòi hỏi của thời kỳ đổi mới, cũng như những bất cập còn tồn tại trong công tác cán bộ, Thanh Hóa xác định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp này chính là nhân tố chủ chốt nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế tại cơ sở.

Phát huy vai trò cầu nối thực thi các chính sách về kinh tế

Quan niệm cán bộ, công chức cơ sở yêu cầu trình độ không quá cao vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Điều này gây cản trở trước hết và rất lớn đối với sự phát triển của cơ sở. Từ quan niệm dẫn tới cơ chế thu hút, đào tạo hạn chế, hệ quả là thực trạng cán bộ cơ sở còn yếu về năng lực điều hành, triển khai công việc. Với nhiệm vụ phải gánh vác nặng nề, mọi chính sách từ Trung ương, tỉnh đều thông qua cấp huyện để triển khai trong thực tiễn, trình độ hạn chế sẽ gây ách tắc, hoặc xử lý bị động, sao chép máy móc, gây hiệu quả thấp trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhận thức rõ vấn đề trên và nhìn nhận đúng vai trò của cán bộ cơ sở, Thanh Hóa tập trung chăm lo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện.

Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý kinh tế tại 24 huyện của Thanh Hóa được hình thành từ nhiều nguồn: Bộ đội chuyển ngành, cán bộ địa phương, tuyển dụng mới..., qua thực tiễn công tác ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Năm 2008, Thanh Hóa có 1.109 cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện, làm việc tại các phòng chuyên môn như: Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Đây là lực lượng chủ chốt thực thi các nhiệm vụ quản lý kinh tế, triển khai, cụ thể hóa các chính sách của cấp trên, tham mưu với cấp ủy giải quyết những nảy sinh, vướng mắc tại cơ sở, đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp dưới. Với vai trò trung gian, cầu nối, bám sát cơ sở, nhân dân, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các cơ sở.

Chất lượng cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện của Thanh Hóa ngày càng nâng lên, theo đó, số cán bộ có trình độ đại học, trên đại học chiếm 73%, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 90,6%. Việc tuyển dụng cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện chặt chẽ, yêu cầu ngày càng cao hơn, số công chức tuyển dụng mới được đào tạo bài bản và ngày càng trẻ hóa, năm 2008 đã tuyển dụng được 32 cán bộ độ tuổi từ 22 đến 30, có trình độ đại học. Một trong những cách làm tích cực của Thanh Hóa đó là quản lý đầu vào bằng cách thống nhất áp dụng hình thức tuyển dụng công khai qua thi tuyển, tạo cạnh tranh, có sự sàng lọc nên mặt bằng trình độ đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế nâng cao.

Sử dụng cán bộ trên cơ sở khảo sát, tìm hiểu thế mạnh, sở trường mỗi người, qua đó bố trí đúng vị trí, phát huy tối đa sức mạnh, năng lực. Đồng thời gắn chặt với việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý kinh tế từ tỉnh xuống huyện, từ cấp huyện về tỉnh hoặc xuống xã, nhằm mục đích tăng cơ hội cọ xát với thực tiễn để rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn. Giai đoạn 2004 - 2008 đã luân chuyển 9 đồng chí từ tỉnh về làm bí thư cấp huyện, điều động 37 đồng chí cán bộ quản lý kinh tế từ huyện về tỉnh công tác.

Ngoài chính sách chung của Trung ương, Thanh Hóa thực hiện nhiều chính sách riêng như: Tăng phụ cấp cán bộ kinh tế ở miền núi, trợ cấp đi học, ưu đãi cán bộ nữ, cán bộ xung phong xuống phường, xã. Những chính sách ưu đãi và ổn định này giúp cán bộ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài và cống hiến cho địa phương. Trợ cấp người đi học bằng những chính sách cụ thể như trợ cấp học thạc sĩ 10 triệu đồng, tiến sĩ 40 triệu đồng..., trong 10 năm qua, Thanh Hóa cử đào tạo 68 tiến sĩ, 526 thạc sĩ, trong đó cán bộ quản lý kinh tế chiếm 30%.

Công tác quy hoạch cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện được tổ chức chặt chẽ, dân chủ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, theo phương châm "động" và "mở", quy hoạch cấp dưới là cơ sở xây dựng quy hoạch cấp trên; xây dựng kế hoạch và thực hiện bồi dưỡng cán bộ hằng năm. Thực tiễn thời gian qua, cấp huyện Thanh Hóa đã giới thiệu được nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch khá dồi dào, phong phú, nhiều đơn vị bảo đảm chuẩn bị từ 2 đến 3 người cho một chức danh chủ chốt. Chất lượng cán bộ đưa vào nguồn có sự chuyển biến khá so với đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương nhiệm về trình độ chuyên môn, chính trị, độ tuổi bình quân thấp. Hằng năm, có 24% số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, theo đó chú trọng bồi dưỡng tính chuyên nghiệp cho công chức trong thực thi công vụ, đẩy mạnh phổ cập tin học và ngoại ngữ.

Vẫn chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ

Chất lượng cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện ở Thanh Hóa đã được nâng lên một bước, cơ bản gánh vác được công việc tại địa phương. Song so với yêu cầu thực tiễn và chất lượng, hiệu quả công việc thì còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý kinh tế cấp huyện của Thanh Hóa nhìn chung còn bất cập về nhiều mặt, số chưa được đào tạo một cách bài bản, chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức không đồng đều, thiếu chủ động sáng tạo; việc vận dụng các chủ trương, chính sách của cấp trên vào điều kiện cụ thể của từng địa phương chưa linh hoạt, nhiều nơi còn sao chép một cách máy móc. Không ít cán bộ, công chức cơ sở chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, các quy định của pháp luật, vì vậy, quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc trong thực tiễn mang tính chủ quan, tùy tiện theo cảm tính cá nhân, không căn cứ vào quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm.

Năng lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn còn thấp, chưa có tính chuyên nghiệp, phần lớn thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết công việc, thụ động trong thực thi các nhiệm vụ; thiếu khả năng bao quát tình hình, đồng thời chậm thích ứng với nhiệm vụ mới. Đa số cán bộ, công chức cơ sở chưa có khả năng dự báo, xây dựng chương trình kế hoạch, thiếu khả năng nghiên cứu, tổng hợp tình hình, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; tinh thần hợp tác, phối hợp tập thể còn nhiều hạn chế, nên hiệu quả công tác không cao.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức ở cơ sở sa sút về phẩm chất, đạo đức lối sống; thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ không tốt, có biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa dân, gây phiền hà cho nhân dân. Tình trạng tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương tuy đã có các giải pháp ngăn ngừa nhưng hiệu quả còn thấp. Xảy ra các sai phạm về quản lý kinh tế tại cơ sở, phần do chuyên môn yếu kém, phần do đạo đức, lối sống tiêu cực, cố tình làm sai, gây thất thoát tài sản nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân.

Việc đào tạo, bồi dưỡng chưa hiệu quả, nặng lý thuyết, chưa quan tâm kiến thức quản lý chuyên ngành, cán bộ cấp huyện đào tạo bằng hình thức tại chức, chất lượng chưa cao còn nhiều, hiện tượng chạy theo bằng cấp phổ biến. Vẫn còn hiện tượng "quy hoạch treo", hình thức, quy hoạch nhưng không bổ nhiệm, sử dụng, gây sự băn khoăn, lo lắng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cán bộ. Số cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số đưa vào quy hoạch trình độ chuyên môn chưa cao, các phòng, ban của huyện chủ yếu vẫn là cấp phó đưa vào quy hoạch cấp trưởng, chưa có tính đột phá về cơ cấu, cán bộ quản lý kinh tế tuổi từ 40 đến 60 chiếm tới 69%, cán bộ trẻ tuổi dưới 30 chỉ chiếm 15%. Cách tuyển dụng áp dụng quy chế chung, chưa có bước đột phá để phát hiện tài năng, sử dụng trong các đơn vị quản lý nhà nước về kinh tế cấp huyện.

Tạo nguồn cán bộ quản lý kinh tế cơ sở có chất lượng

Tạo nguồn cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện có chất lượng, năng lực, như một nhân tố quan trọng nhất tạo sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, là việc làm quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện về quan niệm, cơ chế, các biện pháp lâu dàitính đến sự gối đầu của các thế hệ cũng như các biện pháp cần tháo gỡ ngay trước mắt.

Muốn đạt được chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về kinh tế cấp huyện, Thanh Hóa còn nhiều việc phải làm, trước hết là đổi mới tư duy trong các chính sách sử dụng, quản lý, công tác tuyển dụng, cùng với đó, chính bản thân bộ máy hành chính sự nghiệp của tỉnh cũng phải có tính hấp dẫn, cạnh tranh và năng động hơn.

Chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, thu hút người có tài, ngoài chế độ chung của Nhà nước, có chế độ riêng, mang tính đột phá, thiết thực về kinh tế, môi trường làm việc. Khi tuyển dụng, chú trọng các ngành đang thiếu tại các huyện hiện nay như: Hợp tác đầu tư, kinh tế đối ngoại, công nghiệp, thương mại, cơ khí nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao... Chú trọng thu hút cán bộ trẻ, dưới 30 tuổi, được đào tạo căn bản, khắc phục tình trạng tuyển dụng tỷ lệ "chọi" không cao, tính cạnh tranh yếu.

Tạo nguồn cán bộ quản lý kinh tế dồi dào cho công tác quy hoạch bằng phát hiện sớm và đào tạo có định hướng những cán bộ có triển vọng, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ gia đình có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số..., bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng, liên tục giữa các thế hệ. Hoàn thiện tốt cơ chế "động" và "mở", không khép kín trong từng địa phương, đơn vị, một vị trí có nhiều lựa chọn; cơ chế "có đột biến" để đưa người trẻ hoặc người nơi khác có tài vào vị trí lãnh đạo, khắc phục cách thức bổ nhiệm tuần tự theo độ tuổi, chiếu cố hoặc cấp phó thay cấp trưởng. Thí điểm tổ chức thi tuyển các công chức ưu tú vào các vị trí lãnh đạo của cấp phòng của huyện (không thực hiện bổ nhiệm như trước đây). Cán bộ chuyên trách cấp huyện, giữ các chức danh chủ chốt, cần nghiêm túc thực hiện công tác bầu cử công khai để chọn những người xứng đáng, lấy ý kiến, nguyện vọng trực tiếp từ người dân. Luân chuyển về địa phương, các vị trí công tác khác nhau là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ diện quy hoạch, cán bộ trẻ để rèn luyện, trưởng thành; bổ nhiệm, luân chuyển đúng chuyên môn.

Đào tạo, bồi dưỡng các chuyên đề quản lý kinh tế cơ sở, kinh tế vĩ mô cho cán bộ quản lý kinh tế cấp huyện, nhất là các vấn đề về kinh tế quốc tế, kinh tế thị trường, các kỹ năng gắn với thực hành, triển khai các lĩnh vực kinh tế tại cơ sở. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, qua đó trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, tri thức tiên tiến của thế giới vận dụng vào thực tiễn của địa phương. Có thể cân nhắc hình thành bộ phận làm công tác kế hoạch đào tạo công chức quản lý kinh tế riêng của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức nhà nước về kinh tế, kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý, sa thải các cán bộ năng lực kém, thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Công tác này được chú trọng ở Thanh Hóa, từ năm 2004 -2008, số công chức cấp huyện bị xử lý kỷ luật là 14 người, tuy nhiên vẫn chưa thực sự làm tốt, cần đẩy mạnh hơn nữa, qua đó góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, cũng như tạo niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ nhà nước tại cơ sở./.