Giao lưu, hợp tác văn hóa Việt Nam - Trung Quốc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một nội dung quan trọng trong mối quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và đã đạt được nhiều thành tựu trong lịch sử. Hoạt động hợp tác, giao lưu văn học, nghệ thuật giữa hai nước ngày càng mở rộng về cả về quy mô, nội dung và hình thức trên nhiều phương diện.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có truyền thống văn học, nghệ thuật lâu đời, với kho tàng văn chương, thi phú, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu... vô cùng phong phú, từ nghệ thuật bình dân đến nghệ thuật bác học. Do sự gần gũi về không gian địa lý, cùng sự tiếp xúc về văn hóa lâu dài trong lịch sử, nhân dân hai nước có những điểm tương đồng về văn hóa Á Đông trong nhận thức, tư duy, đặc biệt là về trình độ và thị hiếu thẩm mỹ. Những loại hình nghệ thuật của nước này du nhập, trao đổi với nước kia dễ dàng được tiếp nhận. Chính vì vậy, hai nước đã có cả quá trình giao lưu, tiếp biến lẫn nhau về lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong suốt chiều dài lịch sử. Có nhiều thể loại văn chương, nghệ thuật của Việt Nam ảnh hưởng từ Trung Quốc; nghệ thuật Việt Nam cũng có những dấu ấn nhất định đối với tâm thức, thị hiếu của người Trung Quốc. Đó cũng chính là cơ sở để hai nước giao lưu, hợp tác văn học, nghệ thuật, tiếp tục kế thừa và nâng lên tầm cao mới. Trong mấy thập niên gần đây, đặc biệt là từ 2008 đến nay, khi hai nước bước vào giai đoạn hợp tác “Đối tác chiến lược toàn diện”, hoạt động giao lưu hợp tác, văn học, nghệ thuật ngày càng được mở rộng với nhiều nội dung và hình thức.
Một số nội dung giao lưu,hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời gian qua
Về giao lưu, hợp tác sản xuất tác phẩm nghệ thuật
Nội dung giao lưu hợp tác sản xuất tác phẩm nghệ thuật biểu hiện rõ nhất ở loại hình nghệ thuật điện ảnh, thể hiện ở hàng loạt bộ phim hai bên cùng hợp tác sản xuất, như: điện ảnh Việt Nam hợp tác với điện ảnh Hồng Kông sản xuất phim “Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng” (tháng 4-1999), mở ra một hướng mới trong giao lưu về điện ảnh hai nước. Sau đó, Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang hợp tác sản xuất phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (tháng 9- 2002) và phim “Vượt qua bến Thượng Hải” đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả của hai nước. Đầu năm 2006, bộ phim “Hà Nội, Hà Nội”, sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Dân tộc Vân Nam (Trung Quốc) được sản xuất - bộ phim đậm chất văn hóa Việt Nam, là cầu nối để công chúng Trung Quốc và các nước châu Á đến gần với văn hóa Việt Nam. Đầu năm 2016, điện ảnh Việt Nam và Trung Quốc hợp tác trong một dự án phim tình cảm hoành tráng mang tên “Tình xuyên biên giới” với sự góp mặt của nhiều tên tuổi nghệ thuật lớn.
Trung Quốc đầu tư rất lớn về vật chất, kỹ thuật với hệ thống trường quay hiện đại, chuyên nghiệp và đội ngũ diễn viên nổi tiếng, ê-kíp làm phim chuyên môn hóa cao, cùng sự hậu thuẫn của kỹ thuật, công nghệ cao. Chính vì vậy, khi phối hợp trên lĩnh vực này, Việt Nam có thể học tập nhiều kinh nghiệm chuyên môn cũng như sử dụng được các yếu tố kỹ thuật và cơ sở vật chất khác để nâng cao chất lượng cho những tác phẩm điện ảnh của mình. Trong khi đó, với lợi thế cảnh quan thiên nhiên phong phú, tươi đẹp, văn hóa đa dạng, Việt Nam là điểm thu hút các nhà làm phim nước ngoài, trong đó Trung Quốc.
Về giao lưu, hợp tác dịch thuật, xuất bản, trao đổi giới thiệu tác phẩm
Ngay những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam có nhiều hoạt động dịch thuật, giới thiệu tác phẩm văn học của Trung Quốc đến với độc giả trong nước. Trong một số năm gần đây, các sản phẩm văn học Trung Quốc hiện đại tiếp tục được dịch và giới thiệu tại Việt Nam, trong đó, nổi bật là văn học đương đại và văn học mạng.
Các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Tây có vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình hợp tác về bản quyền, dịch và giới thiệu sách. Tính từ năm 2012 đến năm 2016, hai bên đã xuất khẩu bản quyền 326 cuốn sách (1). Hàng loạt tiểu thuyết của các nhà văn Trung Quốc đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh nguồn sách in, Việt Nam có nhiều trang web chia sẻ các sách dịch lên mạng internet. Tuy không chiếm ưu thế với số lượng nhiều như Trung Quốc, nhưng một số tác phẩm của Việt Nam cũng được dịch ra tiếng Hán và giới thiệu đến công chúng, độc giả Trung Quốc, như: truyện Kiều, các tác phẩm văn học hiện đại thời kỳ 1930 - 1945 của thế kỷ trước...
Về trao đổi công chiếu, giới thiệu phim ảnh
Bằng nhiều hình thức khác nhau như xuất nhập khẩu phim, trao tặng phim, phim truyền hình Trung Quốc đã có mặt ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam, trong hệ thống các kênh của VTV, các đài truyền hình tỉnh, như: Vĩnh Long, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều kênh truyền hình cáp, kỹ thuật số... Một số bộ phim được chiếu nhiều lần trên kênh truyền hình trung ương và các đài địa phương, đến nay vẫn chiếm được cảm tình của khán giả Việt Nam, như: Tây du ký, Bao thanh thiên, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng... Trong 5 năm (1993 - 1998), có hơn 200 bộ số phim Trung Quốc chiếu ở Việt Nam với các thể loại lịch sử, cổ trang,… (2). Trong khi đó, phim Việt Nam vào thị trường Trung Quốc còn hạn chế. Hiện nay, một số bộ phim đã vào thị trường điện ảnh của Trung Quốc, như phim Hai Phượng (ra rạp tại Trung Quốc vào tháng 9-2019); những bộ phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về mối quan hệ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với lãnh tụ Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác được phát vào Ngày Quốc khánh. Ngoài ra, trên các đài truyền hình Trung Quốc cũng chiếu phim Việt Nam như: “Ba mùa”, “Mùa đu đủ xanh”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng còn hạn chế. Tỷ lệ khán giả Việt Nam xem, biết đến phim, diễn viên Trung Quốc nhiều hơn tỷ lệ khán giả Trung Quốc biết đến phim Việt Nam. Mặc dù các phần mềm xem video nổi tiếng của Trung Quốc, như: youku, iqiyi, tencent đều có phim Việt Nam nhưng số lượng ít, nhiều nhất là trên youku cũng chỉ có 30 bộ phim Việt Nam.
Điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết là nguyên nhân từ chính nội lực của ngành điện ảnh của hai nước. Điện ảnh Trung Quốc hiện nay là một trong những nền điện ảnh lớn hàng đầu của thế giới với đội ngũ đạo diễn, diễn viên tầm cỡ quốc tế, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện ảnh hiện đại hàng đầu thế giới. Trong khi đó, ngành điện ảnh Việt Nam phát triển còn chậm. Mặt khác, do chủ truơng của Chính phủ Trung Quốc là hạn chế chiếu phim nước ngoài trên truyền hình và các phim nước ngoài vào thị trường Trung Quốc phải qua kiểm duyệt chặt chẽ. Đặc biệt, từ năm 2019, Chính phủ Trung Quốc áp dụng hình thức kiểm duyệt phim mới, khắt khe hơn về mặt nội dung và chất lượng của phim.
Về giao lưu, hợp tác biểu diễn và tổ chức các sự kiện nghệ thuật
Trong những năm qua, hai bên thường xuyên cử các đoàn nghệ thuật thăm và lưu diễn theo chương trình hợp tác đã được ký kết, giúp nhân dân hai nước có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu nghệ thuật của đôi bên. Hằng năm đều có chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhân dịp Quốc khánh của hai nước.
Các đoàn đại biểu của Việt Nam như: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Vạn Xuân, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Khơ Me (tỉnh Sóc Trăng), Đoàn Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam… đã sang thăm và biểu diễn tại nhiều địa phương của Trung Quốc. Ngược lại, những chuyến lưu diễn của các đoàn nghệ thuật Trung Quốc, như: Đoàn Xiếc Hoành Dương, Đoàn Ca múa nhạc Vân Nam, Đoàn Nghệ thuật xiếc Vân Nam, Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương Trung Quốc, Đoàn Nghệ thuật Chiết Giang, Đoàn Kinh kịch Trung Quốc… đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Việt Nam. Các khách mời Trung Quốc cũng rất ấn tượng trước các tiết mục biểu diễn văn nghệ đặc sắc mang đậm hồn cốt văn hóa Việt Nam.
Qua quá trình trao đổi đoàn, hai bên có cơ hội hiểu biết sâu hơn về các bộ môn nghệ thuật truyền thống của nhau. Chẳng hạn, trong Tuần sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2015, Đoàn đại biểu của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã đem bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo tuồng giới thiệu với khán giả Trung Quốc (3) giúp cho khán giả Trung Quốc hiểu hơn về sự giống, khác nhau giữa Tuồng Việt Nam và Hý khúc Trung Quốc, trong đó Tuồng Việt Nam mang tính cách điệu và tượng trưng rất cao.
Mặt khác, giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được chú trọng. Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa Việt - Trung phối hợp với Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội và các đơn vị, cá nhân Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động, như: Triển lãm giao lưu thư pháp Quảng Tây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Chương trình giao lưu Vũ đạo Thiếu niên Việt - Trung “Thiên sứ hòa bình”. Đặc biệt, cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc” (được tổ chức thường niên từ năm 2011), do Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh, Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức, nhằm phát hiện tài năng nghệ thuật ca hát của các ca sĩ trẻ hai nước. Với quy mô tầm quốc tế, qua nhiều năm tổ chức, cuộc thi đã tạo dấu ấn tốt đẹp, có sức hút và sự lan tỏa lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng tham dự những sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn: Việt Nam tham dự hoạt động của Festival Nghệ thuật sân khấu Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh (Trung Quốc, tháng 9-2018), Festival Nghệ thuật sân khấu Trung Quốc - ASEAN (9-2019), Diễn đàn Văn hóa Trung Quốc - ASEAN,.... Việt Nam cũng tổ chức các liên hoan phim, giải thưởng quốc tế trong nước có sự tham gia của phim Trung Quốc. Hằng năm, Nhà nước ta cũng đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế tại Trung Quốc có uy tín, như: Chợ phim Hồng Kông, Liên hoan phim Thượng Hải…
Về giao lưu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, học thuật
Cùng với các chuyến thăm và biểu diễn nghệ thuật, hai bên còn tiến hành các cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, cùng xây dựng kế hoạch hợp tác, tổ chức các hội thảo, tọa đàm và cả việc cử chuyên gia giúp các đoàn nghệ thuật dàn dựng chương trình biểu diễn. Trong thời gian qua, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã mở nhiều lớp dạy nhạc cụ dân tộc cho sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Trung Quốc. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức hội thảo tại Hà Nội vào tháng 12-2018 “Nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kế thừa và phát triển” với sự tham dự của nghệ sĩ hai nước, trong đó, tập trung thảo luận các các vấn đề về sân khấu truyền thống Việt Nam.
Hội Nhà văn hai nước không ngừng thúc đẩy, củng cố quan hệ bằng nhiều chuyến thăm lẫn nhau, thông qua đó, nhiều thỏa thuận hợp tác được thiết lập, như: chuyến thăm của Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc sang thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam (11-1993); chuyến thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu Hiệp hội Nhà văn Việt Nam và chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc vào năm 1995. Hai bên đã giới thiệu tình hình sáng tác văn học và xuất bản của nước mình, trao đổi, giao lưu học thuật với một số dịch giả, tác giả, nhà phê bình văn học nổi tiếng của nước bạn. Trong những chuyến thăm này, hai bên đã đạt được một số thoả thuận quan trọng như: thống nhất kế hoạch mỗi năm cử 5 cán bộ của mỗi bên luân phiên sang thăm hỏi và giao lưu. Những kết quả bước đầu này đã tạo nền tảng để hai bên tiếp tục phát huy hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu trong lĩnh vực văn học. Đến nay, Hội Nhà văn hai nước vẫn duy trì khá đều đặn, có hiệu quả các hoạt động thăm, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đáng chú ý là các cuộc thăm và làm việc của Đoàn Nhà văn Trung Quốc vào các năm 2013, 2014, 2016, luôn nói về “sức hút” Việt Nam từ truyền thống văn học, hình ảnh đất nước đang phát triển, sự thân thiện của các đồng nghiệp Việt Nam... Ngoài ra, các đơn vị tư nhân cũng tích cực trong việc kết nối hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong việc đưa các nhà văn Trung Quốc đến Việt Nam giao lưu với độc giả.
Nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác văn hóa Việt Nam - Trung Quốc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời gian tới
Giao lưu, hợp tác văn hóa Việt Nam - Trung Quốc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời gian qua là kết quả của tình hữu nghị bền chặt, với sự nỗ lực của hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn cần được kế thừa và phát triển. Tuy nhiên, hoạt động giao lưu, hợp tác về văn học, nghệ thuật giữa hai bên vẫn có sự mất cân đối. Chính vì vậy, trong tương lai, để sự giao lưu, hợp tác trên mang lại hiệu quả hơn, cần có chiến lược, kế hoạch dài hạn và giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức.
Về nội dung giáo dục, cần tăng cường giáo dục nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho khán, thính giả trong khi tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm văn học, nghệ thuật để công chúng, nhất là giới trẻ, có định hướng đúng, có thể chủ động tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ từ bên ngoài, nhưng vẫn có khả năng “miễn nhiễm” với văn hóa lai căng. Muốn vậy, cần xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam như một sự định hướng mang tính quy chuẩn về thẩm mỹ. Mặt khác, do đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nên việc xây dựng quan điểm, tình cảm, lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân cũng cần phải đáp ứng yêu cầu của xã hội công nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại.
Về phương thức, phương tiện giáo dục, cần thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng như báo, đài phát thanh, truyền hình... để lan toả những giá trị văn hóa, những bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các phương tiện truyền thông hiện đại có thể truyền bá, phổ cập liên tục, nhanh chóng, rộng rãi những thông tin của đời sống văn hóa, nghệ thuật, giá trị văn hóa cho công chúng. Công chúng hiện nay cũng hết sức phong phú, đa dạng, không chỉ trong nước, mà còn cả nước ngoài, không chỉ tiếp nhận qua các kênh thông tin truyền thống mà còn qua các phương tiện truyền thông xã hội, vì vậy cần có hình thức truyền tải phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, cần lồng ghép trong các giờ học âm nhạc, mỹ thuật, các giờ hoạt động ngoại khóa ở nhà trường các cấp, từ mầm non đến đại học, để thế hệ trẻ hiểu biết, yêu thích và gắn bó với văn học, nghệ thuật truyền thống dân tộc, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tránh bị tâm lý sính ngoại lấn át. Cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ nghệ thuật, là một môi trường rộng mở có thể thu hút mọi đối tượng có tuổi tác, trình độ khác nhau tham gia với tinh thần tự nguyện và niềm đam mê nghệ thuật, góp phần nâng cao sự tự tin, bản lĩnh văn hóa - một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp giao lưu, hợp tác văn hóa thành công.
Thứ hai, đổi mới và tăng cường sự quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao lưu, hợp tác văn học, nghệ thuật.
Trước hết, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát các hoạt động quảng bá và tiếp nhận các sản phẩm văn học, nghệ thuật, nhất là thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp. Chính sách và văn bản pháp quy phải bảo đảm tính hợp lý, khoa học, hiệu quả lâu dài, để không chỉ cán bộ chuyên môn, mà mọi công dân Việt Nam và kiều bào nước ngoài có thể tùy theo điều kiện của mình tích cực sáng tạo, đóng góp cho giao lưu, hợp tác văn hóa của đất nước.
Cần thực hiện tốt công tác quản lý tác phẩm ngoại nhập. Để làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật nước nhà, cần coi trọng chất lượng hơn số lượng, chọn lọc tiếp nhận những giá trị tinh hoa, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế xã hội hóa hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn, nhằm thu hút, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, nhất là sự tài trợ, đầu tư về tài chính, chuyên môn của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước để mở rộng công chúng và doanh thu. Đồng thời, đây cũng là một cách để lan tỏa giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam đến với thị trường trong nước và thế giới, từ đó có sự chủ động hơn về thị trường, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Thứ ba, cần xây dựng chủ thể văn hóa, nghệ thuật vững mạnh.
Chủ thể văn hóa, nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, đối với sự giao lưu văn học, nghệ thuật nói riêng, chính vì vậy, để có thể giao lưu hiệu quả, không thể không quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ này.
Trước hết, về đội ngũ văn nghệ sĩ. Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nghệ sĩ tài năng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, tài năng trẻ để họ có thể an tâm cống hiến cho nghệ thuật. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt là tạo điều kiện tối đa cho họ tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc để trau dồi, bổ sung nhận thức, hiểu biết về văn hóa, văn học, nghệ thuật nước bạn.
Đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật cần có sự vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, công tâm trong phê bình, nghiên cứu lý luận để có thể làm sáng tỏ được những giá trị và hạn chế của văn học, nghệ thuật của nước nhà, cũng như thấy được thành công và hạn chế trong quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa, từ đó đề xuất những giải pháp điều chỉnh phù hợp; đấu tranh phản bác, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng văn học, nghệ thuật để chống phá cách mạng, giúp cho công chúng và nhân dân có nhận thức đúng đắn hơn về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa, nghệ thuật.
Thứ tư, chủ động giới thiệu và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cởi mở tiếp thu tinh hoa của nhân loại.
Văn học, nghệ thuật là những lĩnh vực có tác dụng truyền thông, quảng bá văn hóa rõ nét, phổ rộng, lan tỏa và tính kết nối cao, vì vậy cần thông qua việc giao lưu, hợp tác văn học, nghệ thuật để giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến với đông đảo công chúng ở Trung Quốc cũng như các quốc gia khác. Các hoạt động giao lưu trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là dịp để những người làm nghệ thuật hai nước có cơ hội trải nghiệm tính độc đáo và sự đa dạng của nền văn nghệ truyền thống mỗi bên, từ đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trung Quốc có nền văn học, nghệ thuật phát triển là cơ hội tốt để chúng ta học hỏi, tiếp thu các kinh nghiệm, công nghệ và kỹ thuật, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa nước nhà. Đồng thời, do văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nên giao lưu trên lĩnh vực này là cách để kết nối mối quan hệ hai bên hết sức sâu sắc, từ đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển./.
-------------------------
(1) Trần Thị Thuỷ, Hoàng Thị Hương Trà (2020): “Quan hệ thương mại văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc: Hiện trạng và triển vọng”, Bài viết tham gia Hội thảo “70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (1950-2020)” do Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
(2) Lưu Cối Trinh: “Quan hệ giao lưu văn hóa Trung Việt từ 1991 đến 2015”, Luận văn Thạc sĩ quốc tế học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 2016, tr. 41.
(3) Chử Thị Bích Thu: “Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình và ứng xử của Việt Nam”, Đề tài khoa học cấp bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2020, tr.120.
(4) Lê Thị Hoài Phương: Đoàn Việt Nam tham dự “Tuần Sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2015” thành công tốt đẹp, 2015, http://sankhau.com.vn/news/doan-viet-nam-tham-du-tuan-san-khau-trung-quoc--asean-2015-thanh-cong-tot-dep.aspx
Trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh mới  (15/02/2022)
Quảng Ninh đề xuất xây Trung tâm giao dịch nông sản châu Á - Thái Bình Dương với công suất 3 triệu tấn mỗi năm  (28/12/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành điện đàm  (25/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc  (11/09/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc  (11/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam  (24/08/2021)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên