Bảy thách thức đối với Việt Nam sau một năm gia nhập WTO

Phạm Đình Nghiệm* - Hải Quang
11:27, ngày 16-04-2008
Nhân kỷ niệm một năm ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, chúng tôi muốn đề cập đến những thách thức đặt ra đối với nước ta trước hết và chủ yếu là trên giác độ kinh tế; với tinh thần nhìn nhận khách quan, nghiêm túc để kịp thời có các giải pháp hữu hiệu giúp chúng ta tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới khi tiếp cận với một vận hội mới.

Nhân sự kiện này, nhiều chính khách, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã quan tâm xem xét những thành tựu đạt được sau một năm hội nhập, đồng thời xem xét các vấn đề đặt ra cùng những thách thức nảy sinh đối với Việt Nam. ở đây, chúng tôi muốn xem xét các thách thức của vấn đề này trên một số lĩnh vực, trước hết và chủ yếu là trên giác độ kinh tế và theo một cách nhìn khái quát hơn.

Khi chuẩn bị gia nhập WTO, chúng ta đã xác định một số thách thức sau đây:

Về kinh tế, trước hết là thách thức đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật nhất là chính sách tiền tệ; bên cạnh hàng loạt vấn đề khác như: các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài vốn có ưu thế vượt trội; vấn đề hạ tầng kỹ thuật, nhất là nguồn điện thiếu một cách trầm trọng, giao thông yếu kém, không đi kịp với nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ nhanh; vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo v.v... Về xã hội, đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc, đe dọa sự ổn định của xã hội. Về chính trị, việc gia tăng sự can thiệp chính trị từ bên ngoài. Về văn hóa, nguy cơ đồng hóa về văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa nước ngoài không phù hợp với văn hóa dân tộc v.v...

Trên cơ sở những thách thức nói trên, chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu và phân tích những diễn biến mới xuất hiện.

Nổi rõ nhất trước hết là thách thức đối với công tác điều hành nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Sau một năm trở thành thành viên của WTO, vốn đầu tư từ nước ngoài vào nước ta đạt con số đăng ký kỷ lục: 20,3 tỉ USD. Lượng kiều hối được chuyển về cũng cao hơn năm trước: hơn 5 tỉ USD. Tình hình này đã đặt các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô vào thế bất ngờ và không kém phần lúng túng. Hậu quả là một mặt, tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đăng ký xuống tới mức thấp nhất (chỉ 28%); trong khi đó, lạm phát lại tăng vọt lên hàng hai chữ số (khoảng 12%). Lạm phát cao làm cho giá cả hàng hóa tăng vọt; trong đó mức tăng giá cả năm của nhóm hàng lương thực, thực phẩm là 18,92%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng là 17,92%... ảnh hưởng trực tiếp và khá sâu sắc đến đời sống của người dân, trong đó mức sống của công nhân, viên chức, người lao động hưởng lương, dân nghèo thành thị và nông dân đều giảm đáng kể và gặp nhiều khó khăn.

Việc kìm hãm lạm phát năm 2007 (với mục đích là mức lạm phát thấp hơn mức phát triển kinh tế) cuối cùng đã không đạt mục tiêu đặt ra. Dự báo đầu năm 2008, giá cả hàng hóa sẽ còn tăng hơn. Nếu trong năm 2007, Chính Phủ quyết định chịu lạm phát để tăng trưởng, thì đến cuối năm 2007 và đầu 2008 đã phải điều chỉnh; việc chống lạm phát vì thế đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên cấp bách nhất.

Thách thức thứ hai, việc xóa bỏ hoặc hạ thấp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nước ngoài sẽ bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh trong thế không cân sức ngay trên "sân nhà". Nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước còn thua kém khá xa các đối thủ cạnh tranh của nước ngoài cả về tiềm năng vốn, cả về công tác quản lý điều hành và khả năng tiếp cận thị trường. Đây là thách thức quan trọng nhất và cũng được nói đến nhiều nhất ngay từ trong quá trình chúng ta chuẩn bị gia nhập WTO. Vượt qua được thách thức này hay không sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của toàn bộ quá trình hội nhập của đất nước. Cùng với thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết khi gia nhập WTO(1), thách thức này sẽ càng trở nên cam go. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng đối đầu với thách thức này. Mặc dù thời gian qua đã có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ liên kết lại với nhau, hoặc hình thành chuỗi siêu thị mới (như G7 Mart); hay như hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh đã được cải thiện rõ rệt trong năm qua. Tuy nhiên, những hoạt động như thế chưa nhiều, và có thể sẽ có nhiều công ty, doanh nghiệp bị phá sản phải giải thể, hoặc bị sáp nhập, hay bị mua lại bởi các tập đoàn và doanh nghiệp hùng mạnh, kinh doanh hiệu quả hơn.

Thách thức thứ ba, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trước hết là vấn đề điện và hệ thống giao thông yếu kém, không đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển kinh tế đang diễn ra với tốc độ nhanh (khi vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều). Đây là một trong các nguyên nhân quan trọng kéo sụt tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký.

Từ những cơ sở đáng tin cậy, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo rằng: nếu những khó khăn về giao thông và tình trạng thiếu điện trầm trọng chậm được khắc phục, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta chắc chắn sẽ chậm lại là điều khó tránh khỏi.

Thách thức thứ tư, sự thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo nghề. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo trong tổng số lực lượng lao động của chúng ta hiện nay thấp nhất trong khu vực. Ngày nay, người ta không còn coi lao động rẻ là lợi thế, vì thế lao động có tay nghề sẽ càng được chú trọng. Hệ thống giáo dục, đào tạo của chúng ta hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về nhân lực của nền kinh tế do chất lượng đào tạo thấp, thiếu chiến lược tổng thể cũng như kế hoạch cụ thể. Sẽ rất khó vượt qua được thách thức này, nếu chúng ta không thay đổi và nhanh chóng cải tiến mạnh mẽ hệ thống giáo dục - đào tạo.

Thách thức thứ năm, cũng thuộc lĩnh vực kinh tế và là một thách thức có tính chất mới - cũ đan xen. Đó là chỉ trong vòng một năm trở thành thành viên của WTO, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào nước ta đã tăng đột biến. Tổng số vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp đăng ký trong năm 2007 là 20,3 tỉ USD (tăng 68,8% so với năm 2006). Nguồn vốn này đặc biệt tăng nhanh ở các tháng cuối năm 2007. Sang đầu năm 2008, đã có một số doanh nghiệp đăng ký các dự án có tổng giá trị lên tới hàng tỉ USD. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp đang gia tăng có gia tốc. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài gián tiếp cũng tăng rất nhanh. Theo ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến giữa tháng 12-2007, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tổng cộng gần 20 tỉ USD vào thị trường chứng khoán chính thức và không chính thức của Việt Nam; trong đó có 7,6 tỉ USD là cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức, (con số này tính đến năm 2006 mới chỉ là 2,3 tỉ USD). Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 25% - 30% cổ phần của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán và chiếm 18% giao dịch trên toàn thị trường. Các tỷ lệ đó sẽ tăng lên nhanh chóng, với lý do: Thứ nhất, các quỹ đầu tư nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam đang nắm giữ một khối lượng vốn lớn, chờ dịp đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam; Thứ hai, trong năm 2008, Trung Quốc sẽ dành 141 tỉ USD để đầu tư vào châu Á, mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang được họ đánh giá là thị trường có mức sinh lợi vào loại cao nhất khu vực nên chắc chắn sẽ được nhắm tới; Thứ ba - quan trọng nhất - theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, từ ngày 11-1-2008, tức sau một năm kể từ ngày chính thức trở thành thành viên chính thức của tổ chức này, Việt Nam phải bãi bỏ mức giới hạn tỷ lệ 49% nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp (trừ ngành ngân hàng và một số doanh nghiệp đặc biệt). Theo đó, vấn đề khó khăn nhất trong phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là vốn. Việc thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn như đã nói ở trên từ các nước phát triển sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tiếp nhận công nghệ mới và khoa học kỹ thuật quản lý tiên tiến, chuyển dần sang phong cách làm việc mới, khoa học, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mặt trái của "tấm huy chương" thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là, khi tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế càng lớn thì sự độc lập về kinh tế của một đất nước càng giảm; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp của khu vực này đến chính sách kinh tế (và không chỉ là kinh tế) cũng như việc thực hiện chính sách đó ngày càng gia tăng. GDP có thể tăng rất cao, nhưng chất lượng tăng trưởng lại thấp, nhà nước và người dân chỉ thu được rất ít lợi ích từ sự tăng trưởng đó. Các công ty nước ngoài chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nên họ chỉ đầu tư vào những ngành nghề dễ mang lại lợi nhuận cao nhất, chẳng hạn như các ngành công nghiệp giải trí, du lịch. Trong khi đó, những ngành kinh tế có vai trò to lớn đối với xã hội nước ta như nông nghiệp lại ít được các công ty nước ngoài đầu tư vì tỷ suất lợi nhuận thấp. Tư đó dẫn tới hệ quả là, trong khi nền kinh tế đất nước sẽ phát triển thiếu cân đối, hài hòa; thì nguồn tài nguyên bị khai thác quá mức, môi trường càng có nguy cơ bị ô nhiễm.

Mặt khác, nếu như vốn đầu tư trực tiếp là vốn dài hạn và tương đối ổn định (vì nhà đầu tư không thể nhanh chóng thay đổi nhà máy, xí nghiệp đã xây dựng để chuyển vốn đi được), thì ngược lại, vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán lại rất thiếu ổn định. Sự luân chuyển của dòng vốn ngắn hạn (một phần đáng kể vốn đầu tư chứng khoán thuộc loại này) hoàn toàn không bị kiểm soát, từ đó có thể dẫn đến một nguy cơ khác. Đó là việc thuyên chuyển mang tính đầu cơ của vốn ngắn hạn vượt quá khả năng điều tiết bằng công cụ kinh tế của nhà nước. Có thể chỉ sau một đêm, hàng tỉ USD đầu tư nhanh chóng được rút khỏi một đất nước, để lại sau lưng một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, mà cuộc khủng hoảng vào cuối thập kỷ 90 ở Đông - Nam Á là một ví dụ cụ thể. Bởi thị trường vốn là tự do, nên nền kinh tế của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam dễ rơi vào trạng thái chông chênh, thiếu bền vững. Trong khi đó, với công nghệ tin học hiện nay, chỉ sau vài phút, thậm chí là nhanh hơn, mọi bất ổn trên thị trường chứng khoán của một nước đã được cập nhật tại các nước khác. Nếu khối lượng vốn và tỷ trọng của nó trong toàn bộ nền kinh tế là nhỏ thì nguy cơ này nhỏ. Thế nhưng, như trên kia đã nói, khi lượng vốn loại này (cũng như tỷ trọng của nó trong nền kinh tế nước ta) đang tăng đột biến, nên tương lai gần, nó sẽ có khối lượng và tỷ trọng đáng kể. Vì vậy, nguy cơ đang tiềm ẩn là có thực và việc đối đầu với nó là hoàn toàn không dễ dàng. Là thành viên của WTO, Việt Nam không thể dùng các biện pháp hành chính hoặc các biện pháp phi kinh tế khác để can thiệp vào thị trường vốn, hay can thiệp vào việc rút vốn ào ạt khỏi đất nước, nếu điều đó xảy ra. Cũng khó có thể thắt chặt thêm các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, vì điều này nếu được vận dụng, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường này (như trường hợp của Thái Lan khoảng một năm trước đây).

Thách thức thứ sáu, thuộc về lĩnh vực xã hội. Trong khi diễn ra sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, thì chỉ một năm sau khi gia nhập tổ chức WTO, tốc độ của sự phân hóa đó lại càng có xu hướng tăng nhanh hơn so với trước. Theo báo cáo của Chính Phủ tại phiên họp thường kỳ (tháng 12 năm 2007) thì số hộ nghèo đã giảm từ 19% xuống còn 14,87%. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã khẳng định: tốc độ xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đang chậm lại; dân nghèo, nông dân không tiếp cận được với lợi ích từ tăng trưởng kinh tế. Một năm qua, tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán đã đạt hơn 492.900 tỉ đồng (tương đương với khoảng 30 tỉ USD); dự báo đến năm 2010, tỷ lệ vốn hóa sẽ là 50% GDP. Bên cạnh nhiều người giàu có đã thu lợi rất lớn từ lĩnh vực mới mẻ này, thì có đến 99,74% người dân vẫn chưa tham gia thị trường chứng khoán vì rất nhiều lý do. Cũng đã có những tính toán cho thấy: với khoảng thời gian 7 năm vừa qua, nếu kinh doanh chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận là cao nhất (đến 800%); kinh doanh bất động sản có tỷ suất lợi nhuận là 500%; kinh doanh vàng có tỷ suất lợi nhuận là 300%... Như vậy, rõ ràng chỉ có những người giàu có mới có thể tham gia vào các loại hình kinh doanh vừa nêu. Những người thu nhập trung bình, nếu gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thực tế hiện nay đang là con số âm. Trong khi một số người được thưởng tết năm 2007 lên đến hàng trăm triệu đồng, thì rất nhiều công nhân, giáo viên ở các huyện ngoại thành của một đô thị phát triển năng động với tốc độ tăng trưởng nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh lại không có, hoặc chỉ được vài trăm ngàn đồng. Hiện nay, viện phí và học phí dự tính sẽ tăng đang làm cho người nghèo lo lắng. Mức sống giảm tương đối của người nghèo có thể kéo theo sự bất ổn định xã hội. Nếu như việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không được tiến hành tốt cũng sẽ là một trong những tác nhân góp phần làm sâu sắc thêm sự phân hóa giàu nghèo.

Thách thức thứ bảy, vấn đề môi trường. Nếu như cho đến nay, sự phát triển kinh tế mới ảnh hưởng lớn đến môi trường ở các tỉnh thuộc các tam giác phát triển và một số tỉnh lân cận, thì từ nay về sau, với dòng vốn đổ vào nền kinh tế đất nước nhiều hơn, quỹ đất ở các khu tam giác càng bị thu hẹp, vốn đầu tư sẽ lần lượt chảy về các tỉnh còn lại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường trên diện rộng. Do buộc phải hy sinh rừng để làm hồ chứa nước cho thủy điện, hay phá rừng phòng hộ ven biển để khai thác quặng ti-tan, lấp sông, hồ, kênh rạch để lấy mặt bằng xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp v.v... đang làm cho môi trường bị đe dọa nghiêm trọng; giờ đây là vấn nạn nước thải, rác thải công nghiệp từ các khu công nghiệp mới được xây dựng. Đây là những thách thức mới và cũng đầy nan giải đối với các tỉnh mới phát triển, đòi hỏi các nhà lãnh đạo địa phương phải có bản lĩnh để kiên quyết từ chối các nhà đầu tư nếu thấy các dự án có nguy cơ đe dọa môi trường (như Đà Nẵng từ chối các dự án sản xuất thép vừa qua là một ví dụ).

Như vậy, đa số các thách thức hiện nay mặc dù đã được dự tính trước từ trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập WTO, nhưng điều đáng nói là chỉ sau một năm, nhiều thách thức trong số đó giờ đây đã trở nên rõ ràng và lớn hơn; bên cạnh tuy không nhiều, nhưng một số thách thức mới cũng đã xuất hiện.

Giải quyết các thách thức trên là công việc của toàn xã hội, trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, của chính quyền các địa phương đang thu hút đầu tư và của cộng đồng các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, sau một năm gia nhập WTO, mặc dù những thách thức đang đặt ra là đáng báo động và không thể xem thường, nhưng những thành công nhiều và đáng kể hơn mà chúng ta đã đạt được, cùng những kinh nghiệm sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới cho phép tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới khi bước vào một vận hội mới trong tiến trình hội nhập.
 

* TS, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
(1) Năm 2008 giảm khoảng 1.700 dòng thuế, năm sau con số đó là khoảng 2.000