Vận dụng lý luận về sở hữu của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

PGS, TS. Vũ Văn Phúc
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
14:48, ngày 17-06-2020

TCCS - Thời kỳ trước đổi mới, ở Việt Nam cũng như ở các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã đồng nhất sở hữu với tư cách là một quan hệ pháp lý với sở hữu là quan hệ kinh tế khách quan. Chúng ta đã không tuân thủ những chỉ dẫn của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về xóa bỏ chế độ tư hữu nên đã có tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí muốn xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong một thời gian ngắn. Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) khẳng định sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu khác nhau_Ảnh: TTXVN

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sở hữu

Các  Mác nghiên cứu vấn đề sở hữu gắn với việc nghiên cứu các hình thái kinh tế - xã hội và phát hiện ra quy luật cơ bản của sự phát triển xã hội loài người là quan hệ sản xuất (QHSX) phải phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất (LLSX). Theo C.  Mác, phương pháp luận nghiên cứu vấn đề sở hữu là phải đi từ nền sản xuất xã hội. Sản xuất xã hội là quá trình tạo ra của cải vật chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của con người. Để tiến hành sản xuất phải có hai yếu tố là tư liệu sản xuất (TLSX) và sức lao động. Và như vậy, phải có những người chủ sở hữu những TLSX đó, dù là sở hữu của cá nhân hay của cộng đồng, của xã hội. Sở hữu là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất xã hội thông qua việc chiếm hữu TLSX và sản phẩm lao động (của cải vật chất xã hội) trong điều kiện một hình thái kinh tế - xã hội nhất định, trong điều kiện cụ thể của quá trình sản xuất vật chất. Theo C.  Mác, sở hữu là một quan hệ xã hội, là quan hệ sản xuất mang tính lịch sử cụ thể. Nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) ở giai đoạn tự do cạnh tranh, C.  Mác vạch trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản, lý giải rõ quy luật vận động cơ bản của xã hội tư bản, vạch rõ mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa ngày càng cao của LLSX với sở hữu tư nhân TBCN về TLSX. Từ đó, C.  Mác vạch rõ đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, nhằm “tước đoạt lại những kẻ đi tước đoạt”, xây dựng một xã hội mới dựa trên sở hữu xã hội về TLSX. Việc xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân TBCN được coi là một tất yếu khách quan. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác - Ph. Ăng-ghen viết “... những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”(1). Dựa vào luận điểm này, một số người hô lên rằng, việc Đảng, Nhà nước ta thừa nhận và có chính sách phát triển lâu dài nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế là một sai lầm, là làm trái với quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen là quay lại với chủ nghĩa tư bản... Thực sự có phải như vậy không?

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.  Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: “đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản...”(2), “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(3). C.  Mác khẳng định, vấn đề sở hữu cần phải giải quyết hai nội dung cơ bản: xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân TBCN và xây dựng quan hệ sở hữu xã hội XHCN. Đó là một quá trình lâu dài, phải dựa trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan. C.  Mác viết: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”(4). C.  Mác cũng khẳng định: “Thủ tiêu chế độ tư hữu là một cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội; việc cải tạo này là kết quả tất yếu của sự phát triển của công nghiệp”(5). Những mâu thuẫn trong lòng chế độ TBCN sẽ tất yếu dẫn đến sự phủ định bản thân nó. Theo C.  Mác: Đây là sự phủ định của phủ định. Chế độ tư hữu TBCN đã phủ định đối với chế độ tư hữu phong kiến và sở hữu tư nhân dựa trên lao động của bản thân người lao động. C.  Mác viết: “Phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra và do đó cả chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định cái phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa: trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra”(6). Và như vậy, việc xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân TBCN là một tất yếu khách quan. C.  Mác cho rằng, giải quyết vấn đề sở hữu là nhằm tạo điều kiện cho giai cấp vô sản giành lấy toàn bộ LLSX, thúc đẩy LLSX phát triển mạnh mẽ hơn, bảo đảm cho việc cung cấp đầy đủ sản phẩm thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội. Song quá trình xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân TBCN không phải là quá trình phủ định sạch trơn mọi quan hệ sở hữu, mà là quá trình xóa bỏ sự đối lập gay gắt giữa hai cực “tư bản” và “lao động làm thuê”...

Về các hình thức sở hữu tư nhân, những người cộng sản phải có thái độ đúng mực, nhất là đối với sở hữu của những người tiểu nông... Trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, khi trả lời câu hỏi: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không?”, Ph.  Ăng-ghen đã trả lời: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu... và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”(7)...

Kế thừa và phát triển lý luận của C.  Mác và Ph.  Ăng-ghen trong điều kiện chủ nghĩa tư bản (CNTB) chuyển sang giai đoạn độc quyền và đặc biệt là trong điều kiện trực tiếp lãnh đạo xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I.  Lê-nin đã đưa ra hàng loạt luận điểm quan trọng về sở hữu. V.I.  Lê-nin cho rằng, CNXH không hề xóa bỏ tất cả các quyền sở hữu của quần chúng nhân dân lao động, mà chỉ muốn xóa bỏ quyền sở hữu của bọn địa chủ và tư bản. Ông chỉ rõ đặc điểm kinh tế nổi bật nhất của thời kỳ quá độ lên CNXH là sự tồn tại nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. V.I.  Lê-nin nhấn mạnh: Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế quá độ, không còn là nền kinh tế TBCN, nhưng cũng chưa hoàn toàn là nền kinh tế XHCN. V.I.  Lê-nin vạch rõ: “Danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng phải thừa nhận là có. Song không phải mỗi người thừa nhận điểm ấy đều suy nghĩ xem các thành phần của kết cấu kinh tế - xã hội khác nhau hiện có ở Nga, chính là như thế nào. Mà tất cả then chốt của vấn đề lại chính là ở chỗ đó”(8). Những thành phần, những bộ phận, những mảnh đó của cả hai kết cấu kinh tế - xã hội hợp thành hệ thống kinh tế quốc dân thống nhất và có quan hệ tương tác với nhau tạo thành nền kinh tế quá độ của thời kỳ quá độ lên CNXH. Thành phần kinh tế XHCN dần dần giữ địa vị thống trị và chi phối nền kinh tế, khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH và xây dựng thành công CNXH.

Không phải chỉ đề ra những quan điểm lý luận, mà V.I.  Lê-nin còn là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, vận dụng các luận điểm lý luận đó vào thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga sau nội chiến. Từ mùa xuân năm 1921, nước Nga chuyển sang giai đoạn mới của cách mạng, thì Chính sách cộng sản thời chiến không còn thích hợp nữa, mà còn trở thành lực cản đối với sự phát triển, vì đã làm triệt tiêu động lực của những người sản xuất. V.I.  Lê-nin cùng với Đảng Bôn-sê-vích Nga đưa ra và thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP) để thay thế Chính sách cộng sản thời chiến. Chính sách kinh tế mới với nhiều nội dung khác nhau, trong đó có nội dung cơ bản là sử dụng sức mạnh kinh tế của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa; sử dụng các hình thức kinh tế quá độ như khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nhỏ của nông dân, thợ thủ công, khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân, phát triển CNTB nhà nước, chấn chỉnh lại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế... Và V.I.  Lê-nin cũng chủ trương đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các nước tư bản phương Tây để tranh thủ kỹ thuật, vốn và kinh nghiệm quản lý... V.I.  Lê-nin đã chỉ ra các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ phù hợp với điều kiện nước Nga là: “Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); chủ nghĩa tư bản tư nhân; chủ nghĩa tư bản nhà nước; chủ nghĩa xã hội”(9).

Các thành phần (các bộ phận, các mảnh của hai kết cấu kinh tế - xã hội) cấu thành nền kinh tế quá độ là hoàn toàn phù hợp với điều kiện không chỉ với nước Nga, mà còn với các nước có nền kinh tế chưa phát triển quá độ lên CNXH. Trong điều kiện đó, thì quá độ trực tiếp lên CNXH là một quan niệm chủ quan, duy ý chí, mà thời kỳ quá độ lên CNXH phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, mà theo V.I.  Lê-nin là phải trải qua “một loạt bước quá độ”. Thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần cũng có nghĩa là phát triển nền kinh tế dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau và sự phát triển đan xen giữa các hình thức sở hữu ấy có sự điều tiết và định hướng của nhà nước XHCN để hướng tới mục tiêu xây dựng CNXH. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và nhiều hình thức sở hữu đồng thời với việc mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài là phương thức huy động và sử dụng các nguồn lực cả trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Như vậy, Chính sách kinh tế mới của V.I.  Lê-nin là sự vận dụng sáng tạo quy luật về sự phù hợp của QHSX với trình độ phát triển nhất định của LLSX trong điều kiện cụ thể của nước Nga.

Nhưng những luận điểm của V.I.  Lê-nin về thời kỳ quá độ, nền kinh tế quá độ, mà đặc trưng cơ bản là phát triển kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở phát triển nhiều hình thức sở hữu; phát triển những hình thức kinh tế quá độ và phát triển nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường đã không được những người kế tục sau này kế thừa và phát triển, mà lại phát triển nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp... Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng và phương pháp luận khoa học cho chính đảng của giai cấp công nhân; là cơ sở lý luận để hoạch định chủ trương, đường lối đấu tranh giành, giữ chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song, việc vận dụng học thuyết Mác - Lê-nin nói chung, các luận điểm về vấn đề sở hữu nói riêng, đòi hỏi phải đặt trong những điều kiện lịch sử - cụ thể của mỗi nước, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Sự rập khuôn máy móc, giáo điều chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Chính C.  Mác đã từng khẳng định, học thuyết mang tên Ông “không phải là một giáo điều, mà là sự vận động”, nghĩa là các luận điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin phải được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với những điều kiện lịch sử - cụ thể và phát triển phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới. Chính V.I.  Lê-nin là một điển hình về sự vận dụng, phát triển các quan điểm, nguyên lý của C.  Mác và Ph.  Ăng-ghen cho phù hợp với bối cảnh khi CNTB chuyển sang giai đoạn độc quyền và trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Nga thể hiện ở những nội dung của Chính sách kinh tế mới...

Vận dụng lý luận về sở hữu của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Kinh tế nhà nước, chủ yếu dựa trên chế độ sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện, vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Trong ảnh: Xuất xăng dầu cho xe bồn tại PV OIL Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam)_Ảnh: TTXVN

Thời kỳ trước đổi mới ở Việt Nam cũng như ở các nước XHCN đã đồng nhất sở hữu với tư cách là một quan hệ pháp lý với sở hữu là quan hệ kinh tế khách quan; tách quan hệ sở hữu với quan hệ tổ chức, quản lý và quan hệ phân phối; nhấn mạnh quan hệ sản xuất, mà cơ bản là quan hệ sở hữu, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển; không phân biệt rõ hai nhóm quyền: Quyền sở hữu và quyền quản lý kinh doanh; từng giải quyết vấn đề sở hữu bằng những biện pháp hành chính đơn thuần nhằm “tước đoạt”, “xóa” sở hữu cũ, tạo dựng sở hữu mới một cách duy ý chí, trái quy luật khách quan... Tư duy của Đảng và Nhà nước ta về cải tạo QHSX cũ, xây dựng QHSX mới và chế độ xã hội mới cũng đã trải qua những bước thăng trầm. Chúng ta đã không tuân thủ những chỉ dẫn của C.  Mác và Ph. Ăng-ghen về xóa bỏ chế độ tư hữu nên đã có tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí muốn xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong một thời gian ngắn, cho rằng quốc doanh hóa, tập thể hóa càng nhanh, càng nhiều thì càng mau chóng có CNXH, nhưng trên thực tế không phải như vậy.

Bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, với tinh thần “... nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Cùng với việc đánh giá đúng những thành tích đã đạt được,... chúng ta chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm”(10) để “thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy. Phải nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với hệ thống quy luật khách quan, trong đó các quy luật đặc thù của chủ nghĩa xã hội ngày càng chi phối mạnh mẽ phương hướng phát triển chung của xã hội”(11). Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đã chỉ rõ: “Mười năm qua, hai kỳ đại hội Đảng đều ghi vào nghị quyết nhiệm vụ căn bản hoàn thành cải tạo XHCN trong nhiệm kỳ đại hội đó, song đều chưa thực hiện được. Cuộc sống cho ta một bài học thấm thía là không thể nóng vội làm trái quy luật. Nay phải sửa chữa lại cho đúng như sau: đẩy mạnh cải tạo XHCN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho QHSX phù hợp với tính chất và trình độ của LLSX, luôn luôn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của LLSX (12).

Theo đó, Đảng ta đã nhận thức và vận dụng đúng đắn hơn quy luật QHSX phù hợp với trình độ phát triển nhất định của LLSX; thực hiện chính sách nhất quán lâu dài phát triển nền kinh tế quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; phân biệt rõ quan hệ sở hữu và quan hệ chiếm hữu; chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu...; nội dung kinh tế và nội dung pháp lý của sở hữu; chế độ sở hữu, loại hình sở hữu, hình thức sở hữu; quyền sở hữu và quyền sử dụng (quyền sản xuất - kinh doanh); thể chế sở hữu và hoàn thiện thể chế sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đó là hoàn thiện khung khổ lý luận để thống nhất nhận thức về sở hữu và hoàn thiện thể chế sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, theo hướng giải phóng sức sản xuất, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính đa dạng một cách lâu dài của các hình thức sở hữu; tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể sở hữu, nhất là chủ thể là Nhà nước.

Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các bộ quy tắc, luật lệ để xác định chủ sở hữu, đối tượng sở hữu; phạm vi quan hệ sở hữu, hình thức sở hữu và chế độ sở hữu; lợi ích của chủ sở hữu và người sử dụng; các quy tắc điều chỉnh, công cụ điều chỉnh và chế định các hành vi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối tượng sở hữu. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế: quyền tài sản của công dân và doanh nghiệp; tài sản công và tài sản công tại doanh nghiệp; sở hữu, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác và thể chế về sở hữu trí tuệ ...

Thứ hai, hoàn thiện vị trí, vai trò, chức năng, năng lực, quyền tài sản, nguyên tắc sử dụng quyền tài sản; nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu; nguyên tắc sử dụng tài sản và phương thức thực hiện lợi ích của các chủ thể tham gia.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, cách thức tổ chức, thiết chế và các quy tắc, thủ tục cho các tổ chức khi giải quyết tranh chấp về lợi ích phát sinh từ quyền sở hữu để đạt mục đích của các chủ thể.../.

------------------------------
(1), (2), (3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia,  Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 616, 615, 618
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 15 - 16
(5)  C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 467
(6)  C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 23, tr. 1059 – 1060
(7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 469
(8), (9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 36, tr. 362, 363
(10), (11), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (Khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 10, 27, 55