TCCS - Ngày 9-11-2019, thực hiện chương trình làm việc toàn nhiệm kỳ, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tiến hành Kỳ họp thứ 11, tập trung thảo luận về: “Mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể trong giai đoạn mới”.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 11 Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021_Ảnh: Nguyễn Thu Thanh

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Kỳ họp tập trung bàn thảo làm sáng rõ thêm những cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị; khái quát những kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị; nhận diện về thực trạng, đúc rút những vấn đề đặt ra và định hướng đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các báo cáo tham luận và phát biểu tại Kỳ họp đề cập tới nhiều vấn đề, nội dung phong phú, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:

+ Làm rõ hơn nhận thức về hệ thống chính trị, tổ chức hệ thống chính trị, cơ chế vận hành hệ thống chính trị; về vị trí, vai trò, chức năng và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị. Khi xem xét về tổ chức của hệ thống chính trị không thể không xuất phát từ tổng thể vị trí, vai trò, chức năng của hệ thống chính trị; vị trí, vai trò, chức năng của từng chủ thể; gắn liền với nó là cơ chế vận hành của hệ thống chính trị. 

Trong hệ thống chính trị nước ta, vai trò, chức năng của Đảng là lãnh đạo chính trị, của Nhà nước là quản lý mọi hoạt động của xã hội, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là tập hợp đoàn viên, hội viên xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội, củng cố nền tảng chính trị của Đảng, Nhà nước. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý là để phát huy và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

+ Tham bác mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở một số nước trên thế giới. Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa - chính trị, chế độ chính trị - xã hội, thể chế quyền lực và trình độ phát triển mà mỗi nước lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phù hợp. Các đảng cầm quyền đều đưa cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng vào bộ máy nhà nước, nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà nước. Có đảng cầm quyền còn “tích hợp” hay “nhất thể hóa” một số tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc liên quan mật thiết với nhau của đảng cầm quyền và của nhà nước (nhất là đối với những nước có một đảng duy nhất cầm quyền), nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cả đảng cầm quyền và hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; đồng thời làm tinh giản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong trường hợp này đòi hỏi phải xây dựng được thể chế hoạt động rõ ràng của hệ thống chính trị nói chung và của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, để bảo đảm không lẫn lộn chức năng đảng lãnh đạo - cầm quyền và chức quản lý của nhà nước pháp quyền, chức năng của các tổ chức xã hội.

+ Về thực tiễn xây dựng và đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Việt Nam. Kỳ họp khẳng định, việc nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, có ý nghĩa lớn cả về lý luận và thực tiễn. 

Các ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn những ưu điểm, nhược điểm, bất cập và nguyên nhân của mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta. Mô hình này đã tồn tại tương đối ổn định trong mấy chục năm qua, mặc dù có những đổi mới, nhưng đến nay về cơ bản vẫn là cấu trúc mang nhiều dấu ấn của mô hình tổ chức hệ thống chính trị giai đoạn trước đây, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện mô hình để đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Đặc biệt, từ thực tiễn hai năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bên cạnh những ưu điểm, cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn cần phải được nghiên cứu, tổng kết, làm rõ hơn, như: Xác định và phân định rõ hơn, hợp lý hơn vai trò, trách nhiệm nội dung, phương thức lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng các cấp; vai trò, chức năng, trách nhiệm của các cơ quan quyền lực của Nhà nước pháp quyền; vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, từ Trung ương xuống cơ sở, trong tổng thể thực thi thống nhất chức năng của hệ thống chính trị. Làm rõ hơn yêu cầu khách quan, điều kiện, nguyên tắc việc “nhất thể hóa” (hay gọi là hợp nhất) các tổ chức, bộ máy có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp, hoặc liên quan mật thiết với nhau trong hệ thống chính trị; làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế hoạt động của các tổ chức hợp nhất đó; xây dựng chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, công chức theo tổ chức mới và đối với số cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp lại tổ chức; nghiên cứu và chế định rõ hơn cấu trúc nền hành chính, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo yêu cầu của giai đoạn phát triển mới…

Kỳ họp nêu lên những vấn đề có tính nguyên tắc về tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; bảo đảm hệ thống chính trị tổ chức tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy cao nhất vai trò chủ thể của nhân dân, phát huy mọi năng lực sáng tạo cho sự phát triển nhanh và vững bền của đất nước trong bối cảnh và điều kiện mới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế, để Đảng thực hiện tốt chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị, đồng thời đề cao vai trò trung tâm của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý phát triển của Nhà nước; phát huy vai trò tự chủ, tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội; xác định lộ trình, bước đi trong đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam giai đoạn mới vừa bảo đảm đổi mới, nhưng phải giữ được sự ổn định, kế thừa…

Kỳ họp cũng nêu những đề xuất có giá trị về tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị nói chung và từng bộ phận hợp thành, trong đó, hệ thống chính trị vẫn bao gồm ba thành tố chủ yếu là Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, song có sự “nhất thể hóa”, “tích hợp” hợp lý, hiệu quả các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ song trùng, tương đồng hay liên quan mật thiết với nhau trong hệ thống chính trị; đồng thời chuyển mạnh các tổ chức chính trị - xã hội sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự quản. Trong đó, Đảng là hạt nhân lãnh đạo chính trị, Nhà nước pháp quyền là trung tâm của tổ chức hệ thống chính trị… 

Nhiều vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ hơn, như: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền; chuyển mạnh từ phương thức lãnh đạo bằng tổ chức đảng song trùng với tổ chức nhà nước sang lãnh đạo chính trị chủ yếu bằng đường lối, chủ trương, định hướng chính sách, lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan nhà nước, bằng cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong Đảng gắn với kiểm soát quyền lực Nhà nước… Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp trong cả hệ thống chính trị và trong từng tổ chức thành viên, theo cả chiều dọc và chiều ngang, ở mỗi cấp, phù hợp với vai trò và tính chất của từng chủ thể, với trung tâm là xây dựng nhà nước pháp quyền. Xác định rõ hơn nguyên tắc và mô hình tổ chức hệ thống chính quyền nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở, bảo đảm sự tập trung quyền lực hợp lý, hiệu quả của Trung ương, gắn với phân cấp, phân quyền, ủy quyền phù hợp, hiệu quả trong hệ thống chính quyền bốn cấp hiện nay. Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp phù hợp với các địa bàn nông thôn, thành thị, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

Phát biểu kết luận Kỳ họp, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các nhà khoa học thể hiện qua không khí thảo luận sôi nổi, sâu sắc và trân trọng ghi nhận những ý kiến có giá trị, bước đầu làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản liên quan đến xây dựng mô hình tổng thể, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đồng chí nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, hệ trọng, rất khó, cần tiếp tục tổng kết sâu thực tiễn, lý luận để làm rõ hơn việc thiết kế cụ thể mô hình và phương thức vận hành mô hình hệ thống chính trị. Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng hợp trình các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tiếp tục triển khai nghiên cứu phục vụ kịp thời việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.