Kinh tế thế giới trước dịch bệnh COVID-19

Nhật Minh
18:48, ngày 30-10-2020

TCCS - Trong báo cáo “Viễn cảnh toàn cầu” mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gọi điều đang xảy ra do tác động của dịch bệnh COVID-19 là “Đại phong tỏa”(1). Cụm từ này nói đến một thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Câu hỏi đặt ra là dịch bệnh COVID-19 đang tác động đến kinh tế thế giới thế nào và sau khủng hoảng, nền kinh tế thế giới sẽ đi về đâu?

Thực trạng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Trong những tháng đầu tiên của dịch bệnh COVID-19, các nhà phân tích chính sách hy vọng vào sự phục hồi hình chữ V, theo đó dịch bệnh COVID-19 có thể được giải quyết, cho phép hoạt động kinh tế khôi phục trở lại nhanh chóng. Hiện nay, khi các nước trên thế giới đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới và dự tính khả năng phong tỏa mới, nhiều nhà kinh tế cho rằng tình hình sẽ tồi tệ thêm trước khi trở nên tốt hơn. Cho dù các nước có thể tiến đến bãi bỏ lệnh phong tỏa, nhưng nếu không có giải pháp mạnh đối với dịch bệnh, như phát triển thành công một loại vaccine trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục khiến các nền kinh tế trì trệ, khi các doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm và các ngân hàng đối mặt với các món nợ xấu tăng lên. 

Hàng loạt cửa hàng phải đóng của do dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ_Nguồn: theguardian.com

Khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra phần lớn là do sự suy giảm nhu cầu, khi không có nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ. Sự suy giảm này thể hiện rõ ở một số ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như vận tải và du lịch. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhiều nước đã hạn chế sự lưu thông trong nước cũng như mở cửa biên giới theo đường hàng không. Sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng này khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hãng hàng không phải sa thải nhân công để cắt giảm chi phí. Các ngành công nghiệp khác cũng chịu sự tác động tương tự, như sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ và sản xuất ô tô. Do các công ty phải cắt giảm nhân sự để bù đắp cho khoản doanh thu bị sụt giảm nên sẽ tạo ra một vòng xoáy suy giảm kinh tế, khi những người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống, thậm chí có khả năng rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Ví dụ trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên do các cửa hàng phải đóng cửa, chuyển sang bán hàng trên mạng. Đây là một nguyên nhân khiến các nhà kinh tế dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ dẫn suy thoái toàn cầu đến quy mô “Đại suy thoái”.

Theo Ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan Chase, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã giảm 15,6% trong 6 tháng đầu năm 2020, lớn gấp 4 lần so với năm 2008. Mặc dù suy giảm đã được phục hồi, nhưng IMF dự báo sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 4,9% trong năm 2020, kể cả khi các chính phủ bắt đầu đưa ra các chương trình hỗ trợ. GDP ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh được dự báo giảm khoảng 10,2% trong năm 2020, trong khi nền kinh tế Mỹ giảm khoảng 8%(2). Nếu giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đã lắng xuống do những biện pháp đóng cửa biên giới, thì trong những tháng tới có thể khó khăn đối với các ngành công nghiệp như vận tải, du lịch, giải trí, bán lẻ do những hạn chế của các chính phủ. Nhiều chuyên gia ở Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, sản lượng toàn cầu sẽ không thể hồi phục như giai đoạn trước khủng hoảng cho đến cuối năm 2021 và nếu tiếp tục có một làn sóng lớn lan rộng virus SARS Cov-2 vào mùa đông này, thì tất cả những thành quả của sự phát triển đều có khả năng tiêu tan.

Đối với những nước mà du lịch là một nguồn thu nhập then chốt, sự suy giảm của nhu cầu dịch vụ đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Điều đáng nói là trong những tháng tiếp theo sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp nhỏ khi các chương trình hỗ trợ của các chính phủ có thể chấm dứt. Tỷ lệ phá sản có thể tăng lên gấp 3 lần, lên đến 12% trong năm 2020 từ mức trung bình 4% của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới trước đại dịch COVID-19(3).

Các nhà kinh tế lo ngại rằng, các công ty lớn sẽ thông báo sa thải nhân công, thậm chí trong khi chính sách cho nghỉ phép và các hình thức hỗ trợ khác của các chính phủ vẫn đang được thực hiện. Số lượng nhân viên bị sa thải có thể bao gồm cả những công nhân “cổ cồn trắng” có học vấn cao. Hiện tại, các công ty đa quốc gia đang đánh giá lại nhu cầu tuyển nhân viên dài hạn sau đại dịch COVID-19, tạo ra một thời kỳ không chắc chắn và u ám kéo dài. Không chỉ vậy, thế giới có thể sẽ bị tấn công bởi những làn sóng thất nghiệp khác, do sự phong tỏa, những thay đổi chiến lược và sa thải nhân công, buộc các công ty phải giảm quy mô hoặc không tuyển dụng nhân công mới.

Kinh tế thế giới sẽ như thế nào sau dịch bệnh COVID-19?

Các nhà phân tích phương Tây hàng đầu đang thảo luận tích cực về chủ đề này và đưa ra các kịch bản không nhiều khả quan. Nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Nuriel Roubini cho rằng, dịch bệnh COVID-19 hiện nay sẽ làm gia tăng khủng hoảng kinh tế và địa - chính trị. Virus corona sẽ gây ra sự sụp đổ trật tự thế giới mà theo ông, đang gây ra sự đứt gẫy của cấu trúc toàn cầu. Giai đoạn tiếp theo sẽ là một “kỷ nguyên băng” kinh tế, các cuộc xung đột sẽ trầm trọng thêm, các biên giới sẽ bị đóng cửa, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan tràn và mọi điều có thể dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang. Sự phân tán xã hội sẽ tiếp tục, nhiều sự kiện sẽ được tổ chức trực tuyến, các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa, giao dịch mua sắm cũng sẽ được thực hiện thông qua internet(4).

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn kéo dài và vaccine phòng, chữa bệnh COVID-19 chưa được sản xuất, cuộc khủng hoảng tiếp diễn, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào thời kỳ “đại khủng hoảng”  (Trong ảnh: Giá cổ phiếu đang trồi sụt trên thị trường chứng khoán châu Á)_Ảnh: Tư liệu

Quả thật, cho đến nay, các triệu chứng của khủng hoảng kinh tế đang ngày một rõ nét: giá cổ phiếu đang trồi sụt trên thị trường chứng khoán thế giới, giá vàng tăng cao, các mối ràng buộc kinh tế quốc tế đang bị phá vỡ, bao gồm cả ngành công nghiệp tự động hóa toàn cầu, các hội chợ thương mại quốc tế bị hủy bỏ và ngành công nghiệp du lịch đang bị suy thoái. Theo báo cáo của Cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập S&P (Standard and Poor’s), sự lan nhanh của dịch bệnh COVID-19 có thể làm cho các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mất 211 tỷ USD. Theo nhiều nhà quan sát, cú sốc mang tên corona virus sẽ khiến thế giới thay đổi sâu sắc, trong đó các quá trình vỡ vụn của các nền kinh tế sẽ diễn ra trong nhiều năm. Sự bất ổn định về địa - chính trị, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và dịch bệnh COVID-19 sẽ làm trầm trọng thêm những xu hướng này, có thể dẫn đến sự phá hủy các mối quan hệ về sản xuất và giao thông, cũng như kéo lùi tiến trình toàn cầu hóa hiện nay. Kết quả là sự phổ biến thông tin trên mạng sẽ thay thế sự trao đổi vật chất hàng hóa và con người. Những sự thay đổi này sẽ tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội và chính trị của thế giới trong thập niên tới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn kéo dài và vaccine phòng, chữa bệnh COVID-19 chưa được sản xuất, cuộc khủng hoảng tiếp diễn, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào thời kỳ “đại khủng hoảng”, một sự bất ổn sẽ lan rộng. Khi đó, câu hỏi đặt ra là phản ứng của các chính phủ, các nhà đầu tư và người dân sẽ như thế nào trước tác động của cuộc khủng hoảng. Trong bất kỳ trường hợp nào, nền kinh tế cũng cần sự hỗ trợ từ các quốc gia và các ngân hàng trung ương, các giao dịch phải được phục hồi từ sự sụp đổ và từ các doanh nghiệp bị đổ vỡ.

Các nhà kinh tế cho rằng, tình hình hiện nay tồi tệ hơn giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 vì ba lý do sau: Thứ nhất, số nợ của các nước G20 cao hơn rất nhiều so với năm 2008. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for international settlements) ở Basel, số nợ hiện nay của các nước G20 đã lên tới 240% GDP, so với 200% GDP năm 2008. Điều này có nghĩa là rủi ro của một sự sụp đổ tiềm năng được đánh giá là cao hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thứ hai, sự tự do vận động của các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính đã trở nên thấp hơn. Tương phản với năm 2008, ở nhiều nước, lãi suất ngân hàng giảm gần đến mức 0% và nợ chính phủ ở mức cao hơn nhiều. Nếu một cuộc suy thoái toàn cầu lớn xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải mua nợ chính phủ ở quy mô chưa có tiền lệ, tuy nhiên tình trạng này có thể được duy trì trong bao lâu? Thứ ba, sự hợp tác quốc tế sẽ bị hạn chế do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Năm 2008, các biện pháp phối hợp toàn cầu đã được huy động để củng cố các điều kiện thị trường và các thị trường tài chính. Hiện nay khó có sự phối hợp như vậy của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các kịch bản phục hồi của nền kinh tế thế giới

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, song vẫn có những lý do để hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Bài học từ các cuộc khủng hoảng trước đó cho thấy, các hậu quả của sự suy thoái do suy giảm nhu cầu tiêu dùng có thể được ngăn chặn khi có sự hỗ trợ từ chính phủ. Nhiều chính phủ đã hỗ trợ cho người dân, bảo đảm các doanh nghiệp tiếp cận được với sự hỗ trợ để không phải sa thải nhân công trong suốt giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, một số ngành kinh doanh lại có lợi từ cuộc khủng hoảng, như thương mại điện tử, bán lẻ đồ ăn và chăm sóc sức khỏe, ít nhất tạo ra sự tăng trưởng kinh tế để bù đắp lại sự mất mát. Có một thực tế là khủng hoảng có thể có một thời hạn kết thúc rõ ràng khi tất cả các giới hạn di chuyển có thể được dỡ bỏ (ví dụ, khi một loại vaccine được phát triển). Điều này có nghĩa ít nhất khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mạnh mẽ một khi dịch bệnh COVID-19 qua đi. Mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng có nhiều lý do để lạc quan rằng với sự nỗ lực, cùng những chính sách đúng đắn của các chính phủ, những dự báo về sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu có thể không xảy ra.  

Mới đây, hãng tin Reuters (Anh) đã thăm dò hơn 50 nhà kinh tế, đề nghị họ dự báo về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19. Một số dự báo cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ giảm 6% trong năm 2020 trong khi số  khác nhấn mạnh chỉ giảm 0,7%. Sau đây là một số kịch bản:

Một là, kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ V: Đây là trường hợp lạc quan nhất, sau khi suy giảm tăng trưởng, nó sẽ  phục hồi mạnh mẽ, lấy lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước đại dịch. Sự suy giảm GDP của nền kinh tế toàn cầu từ tháng 4 đến tháng 6-2020 có thể ở quy mô chưa từng có trong nhiều thập niên. Nhưng gói kích thích tài khóa và tiền tệ  hơn 10.000 tỷ USD có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng trở lại. Nhiều chuyên gia phỏng đoán nền kinh tế sẽ có sự phục hồi nhanh trong quý IV-2020 khi các ngành kinh doanh hoạt động trở lại.

Hai là, kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ U: Khi sự phục hồi kéo dài trong hai quý bởi vì kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng còn tồi tệ hơn cả năm 2008 - 2009. Điều này có thể dễ xảy ra nhất do tác động của lệnh phong tỏa sẽ kéo dài trong một thời gian sau khi được dỡ bỏ.

Ba là, kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ W: Kinh tế thế giới có thể phục hồi trong thời gian ngắn, sau đó lại suy giảm. Điều này có thể xảy ra sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng và dỡ bỏ. Nó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng hệ quả của thất nghiệp và phá sản sẽ vẫn nặng nề khi làn sóng nhiễm virus thứ hai đang xuất hiện tại nhiều nước.

Bốn là, kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ L: Khi sự tăng trưởng suy thoái sâu và không có sự phục hồi trong một thời gian dài. Kịch bản này xảy ra khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, dẫn tới buộc phải áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài. Kịch bản đó được coi là đáng báo động. Hậu quả của kịch bản hình chữ L mang lại nhiều rủi ro đối với các thị trường mới nổi, bởi nó ít có khả năng có can dự vào những gói kích cầu lớn và lại thường phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.

Năm là, kinh tế thế giới phục hồi theo mô hình giống lô-gô SWOOSH. Điều đó ngụ ý kinh tế thế giới sẽ có sự suy sụp nghiêm trọng, sau đó phục hồi với tốc độ chậm nhưng chắc chắn khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Trong khi đó, theo bài phân tích trên mạng tin Arab News, kịch bản mới nhất thu hút sự chú ý của các nhà phân tích là kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ K. Trong kịch bản này, sự sụt giảm theo chiều thẳng đứng đã xảy ra, giống như những gì thị trường chứng khoán và dầu mỏ đã chứng kiến trong tháng 3 và tháng 4-2020 và nối tiếp sau đó là hai mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực và một bên suy giảm mạnh. Quan sát nền kinh tế toàn cầu, có thể nhận thấy kịch bản này đang xảy ra. Tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhanh chóng và thậm chí còn bùng nổ hơn nữa. Điều đó thể hiện trong chiều hướng lên trên của mô hình phục hồi hình chữ K. Tuy nhiên, nhiều chỉ số khác lại đang vận động theo chiều hướng ngược lại. Sản lượng kinh tế được đo bằng GDP có xu hướng giảm, thất nghiệp tăng lên và các số liệu thống kê về phá sản và nợ nần đều rất tiêu cực. Đó chính là giai đoạn suy thoái trong nét đi xuống của chữ K.

Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có tăng trưởng GDP dương trong năm 2020 và các chỉ số chứng khoán của nước này đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Đối với Mỹ, bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn bởi thực tế là chỉ một số bộ phận nhất định của thị trường chứng khoán đang phục hồi theo hình chữ K. Thị trường chứng khoán Mỹ vốn được thống trị bởi các công ty công nghệ như Apple, Alphabet (công ty “mẹ” của Google) và Amazon, cho đến nay, đã thích ứng với khủng hoảng. Apple gần đây đã trở thành công ty thứ hai trong lịch sử đạt mức vốn hóa thị trường hơn 2.000 tỷ USD, sau khi Saudi Aramco tiến hành điều tương tự khi niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2019(5)

Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có tăng trưởng GDP dương trong năm 2020 và các chỉ số chứng khoán của nước này đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch COVID-19 (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc)_Nguồn: AFP

Dịch bệnh COVID-19 đang gây hậu quả tiêu cực đối với các nước và đang góp phần định hình lại hoạt động của các ngành kinh tế trên cấp độ toàn cầu. COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với kinh tế thế giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài và không nước nào có thể tự giải quyết. Tất cả các nước cần chung sức mới có thể vượt qua được khó khăn và khủng hoảng hiện nay./.

--------------------------------------

(1) The world economy is now collapsing, www.weforum.org/2020/04/alphabet...
(2), (3) The global coronavirus economy: How bad will it get… www,politico.com.news/2020/09/02/global…
(4) What will happen to global economy after coronavirus, www.the frontmail.com/trending-news/what-will…
(5) Kịch bản phục hồi chữ “K” của kinh tế thế giới, www. bnews.vn/kich-ban-phuc-hoi-chu-k-cua-kinh-te-the-gioi/167832.html