Chuyện về xây dựng một ê-kíp

TRẦN MINH NGỌC
23:12, ngày 15-12-2019

Do công việc mang tính nghề nghiệp nên tôi có dịp quen biết nhiều cán bộ trẻ. T là một trong số đó.

Theo đánh giá chung của mọi người, T là một thanh niên trẻ hám công danh, quyền lực, T muốn tiến nhanh nhưng lại không mấy chuyên cần trong học hành và tu dưỡng bản thân. T có tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, năng nổ, lại có cái thế là người làng và là em họ về bên ngoại của đồng chí R - bí thư đảng bộ B, nên đã mau chóng tạo dựng được các mối quan hệ. T rất biết tranh thủ những người có chức quyền và giỏi “chạy” phiếu tín nhiệm nên chẳng bao lâu, dưới con mắt tổ chức và với “tầm nhìn xa” của đồng chí bí thư đảng bộ... T đã là “điển hình” về một cán bộ trẻ, có năng lực, đủ tiêu chuẩn để quy hoạch. T lại rất “thính” về các tiêu chuẩn, bằng cấp, học vị... nên bằng con đường học tại chức, không chính quy, chỉ trong vòng dăm, bẩy năm, từ trình độ một thí sinh thi trượt đại học, nay T đã có bằng thạc sĩ chuyên ngành công tác chính trị - xã hội. Tuần tự theo đúng “quy trình”, T đã thăng tiến từng bước, trúng phó bí thư đảng bộ, làm nhiệm vụ thường trực bên cạnh ông anh họ - đồng chí bí thư. Nhiệm kỳ đại hội vừa qua đồng chí bí thư đến tuổi nghỉ hưu thì chức bí thư đương nhiên thuộc về T với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối.

Cô HL là con gái đồng chí nguyên bí thư R. HL nguyên là nhân viên thuế vụ, mới tốt nghiệp một bằng đại học tại chức mà chuyên ngành lại không mấy liên quan đến hoạt động chính trị - xã hội, nhưng đã được bí thư T chỉ đạo tuyển dụng vào biên chế của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh không qua thi tuyển công khai, rồi mau chóng được kết nạp vào Đảng. Nay vừa mới chuyển đảng chính thức được sáu tháng, HL lại được đưa vào diện quy hoạch ban chấp hành đảng bộ khóa mới.

Biết dư luận trong đảng bộ và quần chúng rất bất bình, tôi lấy chỗ quen biết thân tình, chân thành góp ý thì T nói rằng: Đây là một trường hợp cá biệt, vì thế không nên làm to chuyện. HL là con một đồng chí cán bộ có công lao, nay tuyển dụng, bồi dưỡng để các cháu kế nghiệp cha, xét về mặt lý lịch truyền thống là “đáng tin cậy”, là “hồng phúc” cho đất nước chứ có gì sai. Em rất nhớ khi giảng bài, các thầy đã dẫn câu nói của Bác Hồ dạy người cộng sản sống với nhau phải “có tình có nghĩa”. Vậy thì em “thủy chung” với người tiền nhiệm, anh ấy đã nâng đỡ, dìu dắt em thì nay em phải “đền đáp” chứ. Em sống “có đạo lý”, “có tình nghĩa” như vậy sao gọi là sai trái? Vả lại, trong lý thuyết về khoa học tổ chức thì bao giờ và ở đâu cũng cần phải xây dựng một ê-kip làm việc chứ?...

Nghe T nói, tôi giật mình về sự học hành lõm bõm, chắp vá, vận dụng lý luận, nhất là lời dạy của lãnh tụ một cách chủ quan, lệch lạc như vậy. Sao lại có thể nhầm lẫn giữa sự kính trọng, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách đãi ngộ, ban thưởng với việc sắp xếp một ê-kíp? Nhầm lẫn ấy chỉ là do sự hạn chế về trình độ, hay chính là một sự ngụy tạo, đánh tráo khái niệm? Xây dựng một ê-kíp lãnh đạo, đoàn kết, nhưng cũng có khi cần thẳng thắn đấu tranh để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Xây dựng một ban lãnh đạo nhất quyết không thể là tạo dựng một “ê-kíp” của một nhóm người để mưu lợi ích riêng. Như thế gọi là “nhóm lợi ích”.

Cuộc đấu tranh làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, của bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội đang được đại đa số đảng viên và nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng, nhưng đâu đó vẫn có những “nhóm lợi ích” được hình thành. Và mối nguy hại là, các “nhóm lợi ích” này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của tổ chức, lớn hơn là làm cho quần chúng chán nản, mất lòng tin vào công tác cán bộ của Đảng./.