Xu hướng lao động từ thành thị quay trở về nông thôn hiện nay  

TS  Nguyễn Thị Quyết
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
06:51, ngày 09-07-2023

TCCS - Trong những năm gần đây, đặc biệt sau tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động. Xu hướng lao động từ thành thị quay về nông thôn gia tăng. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để vừa giải quyết việc làm cho người lao động, vừa bảo đảm cho việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để tập trung phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn.

Những năm gần đây,  xu hướng lao động từ thành thị quay về nông thôn đang gia tăng (Trong ảnh: Công nhân may làm việc tại Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh)_Ảnh: TTXVN

Thực trạng lao động từ thành thị quay trở về nông thôn ở nước ta thời gian vừa qua

Trong thời gian gần đây, lao động ở một số thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… trở về nông thôn lao động, tìm việc làm ngày càng nhiều. Điều đó một mặt góp phần giảm tải áp lực về việc làm, nhà ở, an sinh xã hội... cho các thành phố lớn, mặt khác, lại chuyển một phần “gánh nặng” các vấn đề xã hội về khu vực nông thôn.  

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về lao động và việc làm năm 2021, cả nước có gần 1,5 triệu lao động thiếu việc làm từ 15 tuổi trở lên, tăng 305,3 nghìn người so với năm trước. Trong đó, 60% số lao động thiếu việc làm cư trú ở khu vực nông thôn (tương đương 867 nghìn người). Lao động nam thiếu việc làm hiện đang chiếm 56,1% tổng số lao động thiếu việc làm của cả nước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của cả nước là 3,10%; trong đó, khu vực nông thôn thấp hơn khu vực thành thị (2,96% và 3,33%). Tình trạng này trái ngược với xu hướng thị trường lao động trong những năm trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị (1). Địa bàn có tỷ lệ lao động rời thành phố trở về quê nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 520.000 nghìn người, tiếp đến là Hà Nội với 440.000 nghìn người, hơn 600.000 nghìn lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về quê (2). Cũng theo Tổng cục Thống kê, số lao động chuyển từ thành phố về nông thôn chủ yếu là lao động tự do, không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, không có nhà cửa, chi phí sinh hoạt nhiều, dẫn đến không trụ vững được ở những thành phố lớn, buộc phải tìm cách về quê. Cả nước có 59,9 nghìn người di cư thất nghiệp, chiếm 4,0% trong tổng số người thất nghiệp cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là 8,4 nghìn người, chiếm 4,19% trong tổng số tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cả nước, Hà Nội là 2,7 nghìn người, chiếm 4,58% trong tổng số tỷ lệ thất nghiệp cả nước (3).

Thu nhập bình quân đầu người/tháng của người lao động đều giảm, đạt 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân lao động đầu người/tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, nữ là 4,7 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động thành thị là 7,0 triệu đồng, khu vực nông thôn là 5,0 triệu đồng. Lao động trong các ngành, các khu vực cũng có xu hướng giảm. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước(4).

Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Tĩnh, do tác động của đại dịch COVID-19, năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh có 46.144 người dân trở về địa phương từ các vùng dịch trong cả nước, trong đó có 23.932 lao động làm việc trong các doanh nghiệp; Nghệ An có 80.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương (5). Tính đến hết năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có 25.160 lao động trở về địa phương, trong đó 16.198 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm, học nghề và vay vốn tạo việc làm (6)…

Nguyên nhân của tình trạng trên bao gồm cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan: 1- Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế khó khăn, nhiều nhà máy, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội làm cho sản xuất bị gián đoạn, ngừng trệ, ảnh hưởng đến doanh thu, không vận chuyển lưu thông được hàng hoá, dẫn đến cắt giảm nhiều bộ phận, lực lượng người lao động; 2- Chi phí ở thành phố, thị xã tăng cao, đặc biệt là vấn đề nhà ở, sinh hoạt phí... là vấn đề cấp bách của người lao động có thu nhập thấp; 3- Áp lực công việc nhiều, trong khi đó tiền công, tiền thưởng cho công nhân chưa tương xứng với sức lao động bỏ ra. Về nguyên nhân chủ quan: 1- Công nhân rời thành phố trở về quê hương để được đoàn tụ với gia đình. 2- Chi phí, sinh hoạt ở nông thôn phù hợp với thu nhập của công nhân. 3- Nhiều địa phương có chính sách ưu đãi để thu hút công nhân về nông thôn làm việc, như trả lương tương đương với thành phố, đào tạo nghề, công nhân có trình độ, tay nghề được xắp xếp, bố trí vị trí, thu nhập tương xứng...

Theo khảo sát của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và của Liên đoàn Lao động Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành khảo sát hơn 1.000 công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, kết quả cho thấy, có 15,5% công nhân lựa chọn về quê trong thời gian tới, 44,6% người còn lưỡng lự, 39,9% người chưa có dự định(7) . Điều đó cho thấy, trong suy nghĩ của nhiều công nhân, họ vẫn có nhu cầu, mong muốn về quê lao động, sản xuất, khi có điều kiện phù hợp. Trên thực tế, xu hướng lao động từ thành thị về nông thôn chỉ là hiện tượng, chưa trở thành xu hướng mang tính phổ quát, diễn ra ở thời điểm nhất định. Bởi tâm lý người lao động, thành thị vẫn là trung tâm, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về mọi mặt. Cụ thể, quý II-2022, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước) (8). Tuy nhiên, xu hướng lao động quay trở về nông thôn ở một giai đoạn, thời điểm đặt ra cho chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, ban, ngành, lực lượng có liên quan cần chung tay, góp sức giúp “không để công nhân hồi hương bị bỏ lại phía sau”, có giải pháp phù hợp, hiệu quả giải quyết việc làm cho công nhân trở về quê.

Một số giải pháp giải quyết việc làm cho lao động từ thành thị trở về nông thôn làm việc ở nước ta hiện nay

Nghị quyết số 19-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông thôn đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong tổng thể chiến lược đó, để giải quyết việc làm cho lao động từ thành thị quay trở về nông thôn làm việc ở nước ta hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về tầm quan trọng giải quyết việc làm cho lao động hồi hương. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm cho người lao động khi có nhu cầu hồi hương về địa phương làm ăn, sinh sống. Các địa phương tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động. Nắm rõ thực trạng lao động ở địa phương về trình độ chuyên môn, hoàn cảnh gia đình,  cũng như đặc điểm, thế mạnh của địa phương để liên kết với các doanh nghiệp nhằm tuyển dụng lao động vào làm việc. Chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của người lao động, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, sở, ban, ngành vào cuộc quyết liệt, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến những kế hoạch, chủ trương, biện pháp giải quyết việc làm cho lao động hồi hương một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để người lao động yên tâm và sớm có sinh kế. Thực tiễn những năm qua cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động, ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, "Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19" (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19-10-2020), Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, "Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19" (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 8-10-2021), Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021, "Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19"…

Hai là, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy ngay tại địa phương để giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là giải pháp có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động khi về quê hương làm ăn, sinh sống. Chính quyền các cấp kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà máy, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên những ngành, nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, thu hút được nhiều lao động, từ đó tăng cường phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động hồi hương tại địa phương để ưu tiên tuyển dụng nếu phù hợp. Các địa phương hầu hết đều có những làng nghề truyền thống, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, dịch vụ, nên cần tận dụng hết lợi thế, tiềm năng sẵn có để đầu tư phát triển, thu hút đào tạo và sử dụng lao động địa phương.

Ba là, đẩy mạnh đào tạo nghề, mở rộng các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động. Lao động quay trở về nông thôn làm việc đa phần là lao động tự do, trình độ tay nghề không cao. Vì vậy, muốn bảo đảm cho người lao động được vào làm việc ở các nhà máy, doanh nghiệp thì việc đào tạo nghề, mở rộng các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động là rất quan trọng. Theo đó, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng trình độ tay nghề của người lao động để phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức lớp học truyền dạy kiến thức, kỹ năng cơ bản cho người lao động. Việc tổ chức lớp đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, từ tình hình công việc của các doanh nghiệp, phải phục vụ thiết thực cho cuộc sống của người lao động; cùng với đào tạo nghề cho người lao động, các trung tâm đào tạo nghề xuống tận địa bàn các xã trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của phòng lao động - thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm ở các huyện; hằng năm có báo cáo với lãnh đạo huyện về giải quyết việc làm cho lao động hồi hương, từ đó, ban hành kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Đơn cử, năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, kết quả đã có trên 24.100 lao động được hỗ trợ tạo việc làm, 251 người được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, có 116 lao động được vay vốn để tự tạo việc làm, với tổng số tiền đã giải ngân trên 8,4 tỷ đồng (9)...

Các trường nghề và các trung tâm tư vấn việc làm cần tổ chức những buổi đối thoại, gặp gỡ trực tiếp với người lao động, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ, từ đó có những định hướng, tư vấn, giúp đỡ người lao động lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp. Trước khi tiến hành đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chính quyền địa phương cần cung cấp cho doanh nghiệp số lượng người, nhu cầu theo học nghề, trên cơ sở đó doanh nghiệp xác định, lựa chọn các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp, thiết thực, hiệu quả nhất. Hiện nay, việc mở rộng đào tạo nghề, trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm được nhiều địa phương tiến hành, đang là hướng đi tích cực trong giải quyết nhu cầu việc làm ngày càng cao của người lao động.  

Bốn là, phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của nhiều tổ chức, lực lượng trong giải quyết việc làm cho người lao động. Việc chăm lo cho người lao động hồi hương là vấn đề xã hội lớn, có tác động không nhỏ đến tình hình chính trị - xã hội của nhiều địa phương. Do đó, ngoài vai trò của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, cần huy động sự vào cuộc, chung tay của nhiều tổ chức, lực lượng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giải quyết việc làm cho người hồi hương, như các đoàn thể nhân dân, các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ... Cùng với đó, người lao động cần tích cực, chủ động tự học tập, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ tay nghề, từ đó có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm.

Năm là, mở rộng liên kết giữa các địa phương trong giải quyết việc làm cho người lao động. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương không thể đáp ứng được hết nhu cầu việc làm của người lao động, do số lượng nhà máy, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn không nhiều. Vì vậy, cần có sự phối hợp và mở rộng việc liên kết giữa các địa phương trong giải quyết việc làm cho người lao động. Giữa các địa phương, các doanh nghiệp gần nhau cần có cơ chế trao đổi thông tin về những chủ trương, kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động; đăng tải công khai thông tin để các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương các cấp, bản thân người lao động cũng cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những thông tin có liên quan đến công việc, ngành nghề đào tạo ở những địa phương khác, từ đó có phương án lựa chọn công việc thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, trình độ, năng lực của bản thân./.

-----------------------------

(1) (3) Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022, tr. 8, 59
(2) An Linh: “Năm 2021, hơn 2,2 triệu người “bỏ phố về quê” do đại dịch COVID-19”, báo Dân trí điện tử, ngày 6-1-2022, http://laodongxahoi.net/hon-22-trieu-lao-dong-bo-pho-ve-que-vi-anh-huong-cua-dot-dich-covid-19-thu-tu-1322319.html
(4) Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý I năm 2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016 - 2020”, ngày 6-1-2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-nam-2021-va-chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-2016-2020/
(5) Thiên Thảo: “Công nhân ồ ạt về quê, doanh nghiệp vẫn khát lao động, Báo Công an nhân dân, ngày 22-12-2021”, https://cand.com.vn/doanh-nghiep/cong-nhan-o-at-ve-que-doanh-nghiep-van-khat-lao-dong-i638876/
(6) Trị An: Thừa Thiên Huế: “Giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh phía Nam về quê”, Trang thông tin điện tử Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 11-11-2021,https://sldtbxh.thuathienhue.gov.vn/?gd=27&cn=28&tc=13675
(7) Lê Tuyết: “Công nhân rời Thành phố Hồ Chí Minh về quê tìm việc”, Trang thông tin điện tử VnExpress, ngày 4-5-2023, https://vnexpress.net/cong-nhan-roi-tp-hcm-ve-que-tim-viec-4600784.html.
(8) Bộ Lao động - Thương Binh và xã hội: “Thị trường lao động Quý II năm 2022 phục hồi mạnh mẽ”, ngày 11-7-2022, https://www.molisa.gov.vn.
(9), Hồng Tư - Lê Quang: “Không để lao động hồi hương thiếu việc làm”, Bản tin thời sự 18h30' Truyền hình Thanh Hóa, ngày 13-11-2021, https://truyenhinhthanhhoa.vn/khong-de-lao-dong-hoi-huong-thieu-viec-lam-1808371504.htm