Hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960 - 1975

TS. Nguyễn Thị Mai
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
20:35, ngày 13-12-2021

TCCS - Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là một bước ngoặt hết sức quan trọng đối với cách mạng miền Nam nói riêng và sự nghiệp thống nhất đất nước nói chung. Với đường lối ngoại giao hòa bình trung lập và hòa bình thống nhất Tổ quốc, những hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã huy động được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần đưa đến thắng lợi lịch sử ngày 30-4-1975.

Chính sách đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

Tháng 7-1954, Hội nghị Geneve về Đông Dương kết thúc, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng hai miền tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ đó, Nghị quyết Trung ương 15 (tháng 1-1959) nêu rõ: “Nhưng vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, cho nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần Mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có Mặt trận riêng cho miền Nam”(1). Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, nhanh chóng trở thành một thực thể chính trị, là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Mặt trận đã thông qua bản Tuyên bố và Chương trình hành động “mười điểm”, đề ra chính sách cơ bản, trong đó xác định chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập, đáp ứng lợi ích, yêu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập Mặt trận, ngày 20-12-1960, tại Tây Ninh_Ảnh: TTXVN

Đầu năm 1965, Mỹ đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày 22-3-1965, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra Tuyên bố năm điểm, nêu rõ: “Nhân dân miền Nam Việt Nam anh hùng cương quyết đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thực hiện một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập, tiến tới thống nhất đất nước”(2).

Nhằm liên hiệp hành động với mọi lực lượng, tranh thủ rộng rãi sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, tạo sức mạnh đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên giành thắng lợi, tháng 8-1967, Đại hội bất thường Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thông qua Cương lĩnh chính trị gồm bốn phần lớn. Trong đó ghi rõ: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thi hành chính sách ngoại giao hòa bình và trung lập, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới”(3).

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tiến công địch trên mặt trận ngoại giao, ngày 3-11-1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về giải pháp chính trị cho miền Nam gồm 5 điểm nêu rõ: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết phấn đấu để thực hiện quyền độc lập thiêng liêng của mình: độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh, tiến tới thống nhất Tổ quốc; công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng, không có sự can thiệp của nước ngoài; việc thống nhất Việt Nam sẽ do nhân dân hai miền giải quyết từng bước, bằng biện pháp hòa bình, nước ngoài không được can thiệp; miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập; không liên minh quân sự với nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, đặt quan hệ hữu nghị với tất cả các nước…(4).

Như vậy, mỗi khi hoàn cảnh lịch sử thay đổi, Mặt trận đã linh hoạt bổ sung chính sách đối ngoại. Sự thay đổi đó thể hiện qua: bản Tuyên ngôn, Chương trình hành động 10 điểm (năm 1960); tuyên bố 5 điểm của Mặt trận (năm 1965); Cương lĩnh chính trị (năm 1967)... nhưng vẫn nhất quán theo đường lối chiến lược của Mặt trận là thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.

Hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

Một là, tuyên truyền, vận động nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng miền Nam Việt Nam.

Trên cơ sở chính sách đối ngoại đã đề ra, theo chủ trương của Đảng, Mặt trận triển khai cuộc vận động quốc tế rộng lớn nhằm tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm cho chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.

Trong lời kêu gọi gửi đến các chính phủ, các dân tộc trên thế giới (tháng 6-1961), Mặt trận nêu rõ: “Vì nguyện vọng tha thiết, chính đáng và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam chúng tôi, vì an ninh, hạnh phúc chung của các dân tộc Đông Dương, châu Á và toàn thế giới, chúng tôi khẩn cấp báo động và kêu gọi hết thảy các dân tộc và các chính phủ yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do đặc biệt là ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh; chúng tôi khẩn cấp báo động và kêu gọi hết thảy những nhân sĩ quan tâm đến công lý và giàu lòng nhân đạo, hãy cực lực lên án âm mưu, lời nói và hành động thực dân gây chiến, xâm lược của bọn cầm quyền Mỹ đối với miền Nam Việt Nam. Hãy gấp rút có thái độ và biện pháp tích cực, cương quyết ngăn chặn và chấm dứt việc bọn cầm quyền Mỹ tăng cường can thiệp vũ trang vào miền Nam Việt Nam”(5). Bản kêu gọi là lời tuyên bố sự chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở miền Nam Việt Nam, đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới.

Trong từng thời điểm cụ thể, tuyên bố và phát ngôn của Mặt trận được đưa ra một cách nhanh chóng, kịp thời với nội dung sắc bén đã phản bác những luận điệu xuyên tạc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thể hiện rõ lập trường của Mặt trận.

Bên cạnh đó, nhiều đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã lên đường dự các hội nghị quốc tế ở Liên Xô, Trung Quốc. Mặt trận là thành viên chính thức của Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á - Phi; tham gia ký kết Tuyên bố chung với Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á - Phi của Liên Xô; đặt cơ quan đại diện ở nhiều nước. Chính phủ Trung Quốc, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã ra tuyên bố phản đối cuộc “chiến tranh đặc biệt”, kịch liệt lên án cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Nam (6). Đến năm 1965, 80 đoàn đại biểu của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đi thăm và dự kỷ niệm ở hơn 50 nước. Riêng trong 11 tháng đầu năm 1965, đã có 31 đoàn đi thăm và dự kỷ niệm ở 24 nước. Từ năm 1961 đến năm 1967, đã có 139 đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi dự các hội nghị quốc tế và khu vực hay quốc gia; cũng trong thời gian đó, có tất cả 191 đoàn đại biểu nhân dân miền Nam đi thăm hữu nghị các nước, trong số đó có 12 nước xã hội chủ nghĩa, 52 nước tư bản chủ nghĩa, 3 nước dân tộc chủ nghĩa (7). Trong hai năm (1966 - 1967), đã có 65 đoàn đại biểu Mặt trận tham dự các hội nghị quốc tế, khu vực và các quốc gia khác. Qua các hoạt động đó, Mặt trận đã hướng mọi hoạt động đối ngoại vào việc cô lập triệt để đế quốc Mỹ, phân hóa hàng ngũ kẻ thù; tăng cường đoàn kết với các lực lượng dân tộc, dân chủ, xã hội chủ nghĩa và hòa bình thế giới.

Từ năm 1970, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có nhiều chuyến làm việc với các quốc gia trên thế giới trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, những nước châu Phi, châu Âu…, như: Bulgaria (tháng 4-1971), Mông Cổ (tháng 6-1971), Cuba (tháng 7-1972 và tháng 12-1975), Liên Xô (tháng 3-1973), Algeria (tháng 9-1973), vùng giải phóng Lào (tháng 5-1974), Iraq (tháng 12-1974), Nam Tư (tháng 10-1975),…; tham dự những hội nghị khu vực và quốc tế, như: Hội nghị cấp cao các nước không liên kết lần thứ 4 họp tại Algeria (tháng10-1973)… Trong các chuyến thăm, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tố cáo mạnh mẽ đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, thông báo về những thắng lợi của quân và dân miền Nam.

Bên cạnh đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được nhiều nước mời sang thăm và tham dự những sự kiện quan trọng, như: tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Đại hội lần thứ 14 Đảng Cộng sản Bulgaria, Đại hội lần thứ 16 Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ... Thông qua các chuyến thăm và tham dự các sự kiện này, các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về đường lối của Mặt trận hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chung của những người yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới, từ đó ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Đại diện của Mặt trận còn được bầu vào cơ quan lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Đến năm 1965, đoàn đại biểu của các đoàn thể trong Mặt trận là hội viên của 10 tổ chức quốc tế và tham gia trong ban chấp hành của 9 tổ chức quốc tế và tham dự nhiều hội nghị quốc tế, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận trên trường quốc tế. Đại hội đoàn kết nhân dân Á - Phi lần thứ tư họp ở Ghana (tháng 5-1965), ra Nghị quyết về Việt Nam, khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là tổ chức đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Để nâng cao vị thế Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mặt trận lần lượt lập cơ quan đại diện bên cạnh Ủy ban đoàn kết Á - Phi tại Cairo (Ai Cập); tháng 1-1965, cơ quan đại diện Thường trực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng được đặt tại Liên Xô. Ngày 22-9-1965, Văn kiện thành lập cơ quan đại diện thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hungary được ký kết. Đến năm 1965, Mặt trận đặt Cơ quan đại diện thường trực tại 8 nước ở Cuba, Algeria, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Indonesia, Liên Xô, Trung Quốc, Hungary. Các nước Bulgaria, Ba Lan và Rumania mời Mặt trận đặt cơ quan đại diện thường trực tại nước mình. Đến năm 1969, Mặt trận đã đặt cơ quan đại diện thường trực tại 14 quốc gia và có các phòng thông tin ở Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Phần Lan, Chile... Đặc biệt, ngày 23-12-1965, Chính phủ Cuba quyết định nâng đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba lên thành cơ quan đại diện ngoại giao chính thức (8). Ngày 9-5-1969, Campuchia và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra thông cáo về việc nâng quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ quán (9). Với sự kiện này, Campuchia công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng là đại diện chân chính duy nhất của miền Nam Việt Nam.

Thông qua những cơ quan đại diện và phòng thông tin tại các nước, Mặt trận  triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền rộng khắp để tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Nhiều nước đã cung cấp nhà ở, trụ sở làm việc, kinh phí... cho cơ quan đại diện của Mặt trận hoạt động. Với sách lược mềm dẻo, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã tranh thủ rộng rãi dư luận các nước. Phong trào nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam phát triển rộng lớn chưa từng có. Lá cờ của Mặt trận đã có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới và ngay tại nước Mỹ... (10).

Tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, là cơ quan quyền lực tập trung nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân ở miền Nam Việt Nam. CP72, tức là Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập. Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một sự kiện chính trị rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đồng thời giương cao ngọn cờ pháp lý để tập hợp mạnh mẽ hơn các tầng lớp nhân dân miền Nam yêu nước, tán thành hòa bình và trung lập.

Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bày tỏ mong muốn nhân dân các nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được thành lập (ngày 10-6-1969), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6-1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có gần 30 đại sứ quán và cơ quan đại diện ở nước ngoài (11).

Việc các nước trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đấu tranh ngoại giao, đàm phán và vận động quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng có thêm thuận lợi mới, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của cách mạng cả nước (12).

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp)_Ảnh: TTXVN

Hai là, đấu tranh ngoại giao trực diện với Mỹ trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Cùng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Việc Chính phủ Mỹ thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, là một trong bốn bên tham gia dự Hội nghị Paris về Việt Nam với tư cách một bên độc lập, bình đẳng đại diện cho nhân dân miền Nam là một thắng lợi to lớn về ngoại giao của Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Tại Hội nghị Paris, các đoàn đại biểu của Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, từ 6-1969 là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã vận dụng khôn khéo sách lược “Tuy hai mà một, tuy một mà hai”, nhằm đề cao vị trí, vai trò và tính độc lập của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời, tập hợp thêm lực lượng và các xu hướng khác nhau ở trong nước và trên thế giới. Tại những phiên họp của Hội nghị bốn bên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - đại diện cho nhân dân miền Nam bày tỏ quan điểm và nguyện vọng về việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Ngày 8-5-1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công bố giải pháp toàn bộ mười điểm về lập trường, nguyên tắc giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam. Chính Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger hiểu rõ đây là một đòn tiến công ngoại giao sắc bén của Mặt trận và nhận xét, riêng việc tồn tại một kế hoạch hòa bình của cộng sản mặc dù bản thân nó là một sự bất ngờ đã gây ra ngay lập tức sự phản ứng trong quốc hội, trong các phương tiện truyền thông và trong dư luận công chúng. Họ gây sức ép với chính phủ đừng bỏ qua cơ hội đó (13).

Mặc dù phía Mỹ gây không ít khó khăn, song đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn thể hiện rõ thiện chí mong muốn tìm giải pháp hòa bình cho miền Nam Việt Nam. Ngày 17-9-1970, đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra sáng kiến hòa bình tám điểm. Ngày 26-6-1971, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra đề nghị bảy điểm về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau đó, đề nghị này được đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời đưa ra công khai tại Hội nghị bốn bên thành Tuyên bố bảy điểm ngày 1-7-1971. Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa đưa ra lập trường riêng của mình, vừa ủng hộ mạnh mẽ lập trường, các sáng kiến về giải pháp của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong năm 1971, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phê phán sự dọa dẫm của đối phương. Đợt đàm phán tháng 10-1972 có tính chất bước ngoặt căn bản để đi đến giải pháp về vấn đề Việt Nam, nhưng phía Mỹ lật lọng, trì hoãn ký hiệp định. Ngày 28-10-1972, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về việc Mỹ lật lọng phá hoại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết trên cơ sở dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam mà đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trao cho phía Mỹ ngày 8-10-1972. Đây là thắng lợi của hoạt động ngoại giao hoàn toàn đồng tâm nhất trí, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, nét độc đáo của ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ba là, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vận động nhân dân thế giới ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời và đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ thi hành Hiệp định Paris.

Ngay khi Hiệp định Paris có hiệu lực, nhân dân miền Nam Việt Nam nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn với sự giúp sức của Mỹ đã phá hoại Hiệp định Paris. Trong bối cảnh đó, Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tích cực, chủ động vận động nhân dân thế giới lên án Mỹ, yêu cầu Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định.

Ngày 29-2-1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố tố cáo Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris, dùng lực lượng lớn quân đội lấn chiếm các vùng thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời, không chịu trao trả hết tù chính trị và ngăn cản việc triển khai Ban liên hợp quân sự (14).

Tại Hội nghị hiệp thương hai bên miền Nam ở La Celle Saint Cloud (Paris), ngày 25-4-1973, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời tố cáo và phê phán các hành động phá hoại hiệp định của chính quyền Sài Gòn, tranh thủ dư luận gây sức ép buộc chính quyền Sài Gòn phải tôn trọng Hiệp định Paris. Hoạt động đối ngoại của Mặt trận hướng vào việc đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành hiệp định, lên án chính quyền Sài Gòn không chịu ngừng bắn, không thả hết tù nhân chính trị. Những hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phòng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm 1973 - 1975 đã tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế tích cực đối với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đòi thi hành Hiệp định Paris (15).

Như vậy, thông qua các hoạt động đối ngoại, uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế với tư cách là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam. Sự lớn mạnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là cơ sở, tiền đề cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định chỗ đứng chính trị vững chắc trên trường quốc tế, góp phần đưa tới thành công của Hội nghị Paris về Việt Nam. Với chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập, các hoạt động đối ngoại của Mặt trận được tiến hành năng động, sáng tạo, đã huy động được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.

-----------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 87
(2), (4) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Biên niên sự kiện Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. II, tr. 432, 585 - 586
(3) Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, 1967, tr. 1 - 4
(5) “Mười điểm trong chương trình hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, Báo Nhân dân, ngày 12-2-1961, tr. 2
(6) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (Quyển II, 1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 320
(7) “Sự ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam - Một sáng tạo của Đảng”, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 20-12-2010, http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2010/3188/Su-ra-doi-Mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-Nam-Viet.aspx
(8) “Chính phủ Cuba quyết định nâng đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba lên thành cơ quan đại diện ngoại giao chính thức”, Báo Nhân dân, ngày 24-12-1965, tr. 4
(9) “Vương quốc Cam-pu-chia và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định nâng quan hệ ngoại giao lên hàng Đại sứ quán”, Báo Nhân dân, ngày 10-5-1969, tr. 1
(10),(11) Nguyễn Túc: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Ngọn cờ tập hợp đoàn kết chống Mỹ cứu nước”, Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 4-5-2020, http://mattran.org.vn/hoat-dong/mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-nam-viet-nam-ngon-co-tap-hop-doan-ket-chong-my-cuu-nuoc-33543.html
(12), (13) Nguyễn Đình Bin: Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 237, 241
(14) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Biên niên sự kiện Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (tập II, 1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2004, tr. 764
(15) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (Quyển II, 1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 438 - 439