TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Người, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ghi lòng, tạc dạ công ơn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người, xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 

 

Từ Bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử

Ngày 5-6-1911, trên con tàu Admiral Latouche-Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Trên suốt chặng đường bôn ba, gian khổ ấy, chàng thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành, nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc. Người đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã  dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.

Con tàu Đô đốc Latouche-Tréville (ảnh trái); chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913 (ảnh phải)

Năm 1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Từ ngày 6-1 - 7-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc)

Sau 30 năm bôn ba, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945 (ảnh trái); ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh phải)

Người  tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954)

Thực tiễn cách mạng giai đoạn 1946 - 1954 đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Ngày 6-1-1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước (ảnh trái); Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, ngày 3-9-1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3-9-1945. Phiên họp đặt ra những vấn đề cấp bách, trong đó quyết tâm chiến đấu với “giặc đói”, “giặc dốt”, nhanh chóng tiến hành cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để từ đó soạn thảo một bản Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950 (ảnh trái); cuối năm 1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh phải)

Thăm đền Hùng năm 1954, Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"

 

Bác Hồ với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc

Trong 15 năm đứng đầu sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - tháng 9-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng: Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Ngày 5-9-1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: "Đại hội lần thứ hai là đại hội kháng chiến. Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà"

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng cơ khí khu gang thép Thái Nguyên (ảnh trái); đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 19-5-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy (ảnh phải)

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV), tháng 12-1966, tại Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

 

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng đúng vào dịp chúng ta đang tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thành tựu của 35 đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người, trong tấm lòng và trái tim mỗi người dân Việt Nam đều nhớ về Người với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn, nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay

Ảnh: TTXVN / Tư liệu