“Vì Việt Nam - Por Vietnam”
TCCS - Nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Cuba (2-12-1960 - 2-12-2025), kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh áp-phích cổ động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm quy tụ các poster (áp-phích) là tác phẩm của các họa sĩ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Cuba vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, thể hiện sự ủng hộ nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân Cuba với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Tạp chí Cộng sản điện tử (trang tiếng việt và trang tiếng Tây Ban Nha) trân trọng giới thiệu một số tác phẩm áp-phích tiêu biểu của các họa sĩ Cuba.
Năm 1966, Cuba tổ chức Hội nghị đoàn kết đầu tiên của các dân tộc châu Phi, châu Á và châu Mỹ La-tinh ủng hộ sự nghiệp cách mạng của Việt Nam tại Thủ đô Havana. Vào dịp này, tấm áp phích đầu tiên của họa sĩ Cuba phản ánh về chiến tranh ở Việt Nam là của Jesús Forjans Boade, đăng trên Tạp chí nghệ thuật thị giác Cuba. Tác phẩm khắc họa hình ảnh chiến sĩ cách mạng với lá cờ tung bay và câu nói biểu tượng: “Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn”:

Tiếp đó, trong giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1975, hàng loạt tác phẩm áp-phích của các họa sĩ khác của Cuba đã ra đời. Những tác phẩm vừa phản ánh chân thực sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, vừa ca ngợi lòng quả cảm, sự hy sinh cao cả của những người anh hùng của dân tộc anh hùng - họ là những người nông dân, công nhân hết sức bình dị, chịu thương chịu khó, nhưng sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cộng sản và luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng thống nhất hai miền Nam - Bắc của đất nước.


Những tấm áp-phích giàu tính nghệ thuật và mang thông điệp chính trị sâu sắc sau khi được công bố đã gây những tiếng vang lớn, góp phần giúp nhân dân nhiều nước trên thế giới hiểu hơn những gì đang thực sự diễn ra trong cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam, vì nhiều lý do ít nhiều đã bị bưng bít thông tin, từ đó góp phần thổi bùng lên ngọn lửa phản đối chiến tranh và phong trào phản chiến chưa từng có vào những năm 60-70 của thế kỷ XX trên thế giới của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Năm 1967, Cuba quy định là “Năm Việt Nam anh hùng”, một nghĩa cử có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định tình cảm thủy chung, son sắc giữa hai quốc gia. Vào tháng 1-1967, Tổ chức Đoàn kết các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh (Ospaal) đã tổ chức sự kiện đoàn kết ba lục địa. Nhân sự kiện này, nghệ sĩ Antonio (Tony) Evora đã sử dụng hình ảnh biểu tượng của phong trào kháng chiến nhân dân thông qua hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi - người anh hùng đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cũng như biểu tượng cho tinh thần chống thực dân, đế quốc bất diệt của nhân dân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Cũng trong năm 1967, họa sĩ Alfredo González Rostgaard đã vẽ tấm áp phích mang tính biểu tượng, do Lázaro Abreu Padrón thiết kế đồ họa, với chủ đề: “Tạo hai, ba, nhiều Việt Nam” bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Pháp, nhằm cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước.
Nhiều bức áp-phích giai đoạn này phản ánh cuộc sống vừa lao động, sản xuất, vừa chiến đấu của hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam hết sức sinh động, gần gũi, chân thực.



René Mederos. Ủy ban Tổ chức Cách mạng (COR), 1970. In offset. (Áp-phích trái) và Kỷ niệm 11 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Félix Beltrán, Tổ chức Liên lục địa Sinh viên Mỹ Latinh và Caribe (OCLAE), 1971. In offset. (Áp-phích phải)
Trong thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật áp-phích Cuba, nghệ sĩ José Gómez Fresquet (Frémez) đã sáng tác tác phẩm có tên: “Người mẫu và người phụ nữ Việt Nam”, nhằm so sánh sự kệch cỡm của chủ nghĩa đế quốc (son môi đỏ) và nỗi đau của người phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng trong chiến tranh (minh họa bằng vệt máu chảy trên khuôn mặt). Tác phẩm đã giành được giải thưởng lớn trong một cuộc thi tổ chức vào năm 1968. Sau này, tác phẩm được tái bản và triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới, thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế.
Người mẫu và cô gái Việt Nam. José Gómez Fresquet “Frémez”. Xuất bản cá nhân, 1969. In lụa.
Một bức áp-phích nghệ thuật rất nổi tiếng khác là tác phẩm: “Tuần lễ đoàn kết vì Việt Nam, từ ngày 13 đến 19-3-1970”, trong đó họa sĩ René Mederos minh họa tác phẩm bằng cách lặp đi lặp lại bốn lần từ “Sài Gòn” với màu sắc thay đổi khác nhau, hàm ý dự báo sự thất bại không thể tránh khỏi của đế quốc Mỹ và cuối cùng là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, với biểu tượng là sự hiện diện chủ đạo của lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam.

Với niềm tin tất thắng của Việt Nam, họa sĩ Alfredo Rostgaard đã thiết kế tấm áp phích với tiêu đề: “Việt Nam!” vào tháng 4-1975, nhằm ca ngợi chiến thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ, lập lại hoà bình, thu non sông về một mối của nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, biểu tượng cho khát vọng hòa bình và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam, cũng như các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới - nhận được sự kính trọng, yêu quý đặc biệt của các họa sĩ Cuba. Năm 1969, họa sĩ René Mederos khắc họa chân dung Chủ tịch tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh về Người thật bình dị, nhưng cũng thật vĩ đại. Đây cũng là năm Người về với thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Cuba.

Năm 1970, họa sĩ José Papiol cũng vẽ bức chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hàm ý hết sức sâu sắc. Với nhân dân Việt Nam, nhân dân Cuba và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống mãi, không chỉ dừng ở 79 mùa xuân, mà còn 80 mùa xuân và mãi mãi…

Giai đoạn này cũng nở rộ và ghi dấu nhiều tác phẩm, tác giả nổi tiếng của Cuba sáng tác về Việt Nam, như Raúl Martínez, Umberto Peña, Olivio Martínez Viera, Ernesto Jesús Padrón Blanco…
Bằng tất cả tình cảm trong trái tim của mình, các họa sĩ nổi tiếng của Cuba đã vẽ những tấm áp-phích với phong cách độc đáo, truyền tải thông điệp chính trị mạnh mẽ, sâu sắc để lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết quốc tế vô sản cao quý và trong sáng. Đây là một minh chứng sinh động cho mối quan hệ Việt Nam - Cuba đã trở thành biểu tượng mẫu mực, thủy chung, hiếm có của tình đoàn kết quốc tế, vượt qua mọi biên giới địa lý và thử thách của thời gian./.
Áp-phích do Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam cung cấp